Làm sao sống chung với người ‘bẩn tính’
Em là sinh viên ở tỉnh xa đang học trên thành phố. Em ở với một cậu bạn học chung lớp. Em và bạn ấy cùng nấu ăn nhưng tính hai đứa lại hoàn toàn trái ngược.
ảnh minh họa
Em năng động và luôn muốn mọi việc có kế hoạch trước, cần làm gì thì làm ngay, nhưng bạn ấy thì nước tới chân mới nhảy. Bạn ấy thông minh nhưng lại lười quá. Mỗi lần tới lượt bạn ấy nấu ăn thì lúc nào cũng đi học trễ. Em đã nhắc nhiều lần nhưng bạn ấy im lặng không nói gì. Không khí trong nhà ngột ngạt quá.
Video đang HOT
Đã vậy, mỗi khi nhà em có gửi gì lên em cũng mời bạn ấy dùng chung, nhưng tới khi bạn ấy có thì… Em muốn nhờ chuyên gia tư vấn cách làm sao để có thể sống chan hòa với bạn ấy? (Vy)
Trả lời:
Chào em,
Trước tiên chúng tôi phải khen em đã có một thói quen rất tốt, đó là sống có kế hoạch. Đây là một trong 8 thói quen của người thành đạt đã được Stephen Richards Covey đúc kết lại. Muốn có được thói quen này không phải dễ, mà cần có quá trình luyện tập và rèn luyện mới thành. Trong cuộc sống chúng ta thấy rất nhiều người thường sống theo kiểu cái gì đến trước thì làm trước, thậm chí nước đến chân mới nhảy, không có thói quen sống có kế hoạch. Và bạn của em là một trong số đó.
Em mong muốn làm cách nào để có thể sống chan hòa cùng bạn em, chúng tôi chia sẻ với em như sau:
Em nên trao đổi thẳng thắn với bạn em về vấn đề này (không cần nhắc nhở). Qua trao đổi, hỏi xem ý bạn em thế nào, có muốn thay đổi không (không để bạn im lặng rồi cho qua như trước nữa). Em cũng biết đấy đã là thói quen thì việc sửa đổi không thể ngày một ngày hai mà phải có một quá trình. Quan trọng nhất là bạn em có muốn thay đổi hay không. Nếu không muốn thay đổi thì nói cũng chẳng làm được gì.
Nếu bạn em muốn sống chung thì cùng nhau bàn bạc và thiết lập một quy ước chung, ai vi phạm thì sẽ phải chịu hình phạt nào đó. Em cần cho bạn em một thời gian nhất định để sửa đổi. Nếu hết thời hạn mà bạn em không thay đổi thì lúc đó em phải có quyết định của riêng mình.
Riêng cách xử sự của bạn em – quà gia đình gửi cho thì bo bo dùng một mình, nhưng của người khác thì lại “góp miệng” – như thế gọi là ích kỷ, tham lam, chơi không đẹp. Điều này cần được góp ý, khi các em chung lớp, chung phòng. Em có thể nói thẳng thắn hoặc nói bằng cách kể những câu chuyện hài hước có liên quan (bạn em là người thông minh nên chắc bạn em sẽ hiểu ngay thôi).
Muốn có tình bạn tốt trước hết phải có sự chân thành. Trường hợp góp ý mà bạn em không thay đổi, lúc đó em hãy nhớ câu ông bà ta dạy: “Chọn bạn mà chơi”.
Chúc em giải quyết tốt chuyện của mình nhé!
Theo VNE