Làm sao khai thác “mỏ vàng lộ thiên” du lịch?
Với lượng khách cố định lên đến 8-9 triệu lượt và tăng dần với tỷ lệ gần 10%/năm, du lịch An Giang là niềm “mơ ước” của nhiều địa phương khác. Đây được xem như “mỏ vàng lộ thiên” cần được tập trung khai thác tốt.
Lượng khách tăng đều đặn
Ghi nhận 9 tháng của năm 2019, ngành du lịch (DL) An Giang đón trên 8,3 triệu lượt khách, tăng gần 4% so cùng kỳ 2018. Doanh thu từ hoạt động DL tăng khá, ước đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 17,5% so cùng kỳ. Tuy nhiên, dù lượng khách lớn nhưng mức tiêu xài còn thấp. “Theo thống kê, du khách đến An Giang thường chi tiêu trong khoảng 20-54 USD/khách (từ 0,5-1,3 triệu đồng). Không cần so sánh đâu xa, chỉ cần khách đạt mức chi tiêu 120 USD/người như ở Angkor (Campuchia) thì doanh thu từ DL An Giang đã tăng gấp 3-4 lần”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư phân tích.
Ông Thư cho biết, mục tiêu của DL An Giang là cố gắng giữ chân du khách nghỉ lại thêm 1 đêm, khắc phục tính thời vụ của DL. Với lượng khách tăng bình quân 8-10%/năm, nếu giữ được khách nghỉ đêm và mua sắm hàng hóa, sử dụng các dịch vụ DL, doanh thu từ ngành “công nghiệp không khói” này mang lại rất lớn. Trong đó, tiềm năng khai thác khách quốc tế sẽ được phát huy, chứ không dừng lại ở con số dưới 100.000 lượt/năm như hiện nay.
Phần lớn du khách đều thích mua sắm khi đi du lịch
Là người gắn bó với vùng đất Châu Đốc và đã có hơn 35 năm kinh doanh tại thành phố DL này, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn gọi DL An Giang là “mỏ vàng lộ thiên” cần được khai thác tốt. “Ở những địa phương không có lợi thế DL như An Giang, người ta phải tự tạo ra các điểm đến, làm mọi cách kêu gọi khách ghé qua.
Trong khi đó, tại An Giang, cứ đến ngày, đến thời điểm là khách lại đến mà không cần mời gọi. Lượng khách tăng đều qua từng năm. Theo tôi đoán từ năm 2020, lượng khách đến An Giang có thể đạt trên 10 triệu lượt, đây là lợi thế tự nhiên mà trong cả nước, không nhiều địa phương có được. Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp (DN) An Giang cần tập trung “bám” lấy lượng du khách này, tạo ra các sản phẩm phục vụ cho họ là đã mang lại nguồn thu lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng” – ông Sơn nhận xét.
Để phục vụ du khách tại chỗ, Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) đã dành 500m2 để triển khai giai đoạn 1 của khu đặc sản vùng miền, tạo điểm nhấn để khách mua sắm hàng hóa đặc trưng, vật phẩm lưu niệm có in cảnh đẹp An Giang, đồng thời, bày trí các khung cảnh đẹp để khách “check-in” khi đến với TP. Châu Đốc.
Nếu như những năm trước đây, Siêu thị Tứ Sơn thường xuyên tham gia chương trình đưa hàng hóa đi các vùng, miền trong nước thì hiện nay, chỉ tập trung phục vụ người dân An Giang và du khách đến với tỉnh. “Tính ra, phục vụ tại chỗ còn đạt doanh thu, hiệu quả tốt hơn so với “đem chuông đi đánh xứ người”. Vậy thì tại sao mình không tập trung bán hàng khi mà khách tự tìm đến với mình” – ông Sơn nhấn mạnh.
Video đang HOT
Cần thêm hàng hóa “Made in An Giang”
Những DN đang tập trung sản xuất hàng hóa bán cho du khách đều cho thấy hiệu quả kinh doanh khá tốt. Bên cạnh những sản phẩm mắm Châu Đốc, đường thốt nốt Bảy Núi thì nhiều sản phẩm “Made in An Giang” được nhiều du khách tìm mua về làm quà như: lạp xưởng Tân Hương, khô bò Phú Vinh, bánh hạnh nhân Tiến Anh…
“Tâm lý du khách đi DL đến đâu cũng muốn mua sản phẩm được sản xuất ngay tại vùng đất ấy về tặng cho người thân, bạn bè. Chính những món ẩm thực ngon, hàng hóa đặc trưng, hấp dẫn là cách “níu giữ” du khách ở lại ngủ đêm để trải nghiệm và quay lại những lần sau” – TS Bùi Thị Ngọc Phương (Giảng viên bộ môn DL – Khoa DL và Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang) chia sẻ.
Du khách ưa chuộng các sản phẩm “Made in An Giang”
Ở góc độ kinh doanh, ông Tạ Minh Sơn cho rằng, các DN cần xác định nhu cầu khách cần gì để đáp ứng đúng là đã thành công. “Tôi lấy ví dụ như sau khi khách vào viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, tham quan núi Cấm xong thì họ cũng có nhu cầu ăn uống, mua sắm. Đừng nghĩ khách đến Châu Đốc chỉ tìm mua mắm, mua khô; đến Tịnh Biên, Tri Tôn chỉ mua đường thốt nốt mà người ta còn muốn mua thêm những sản phẩm đặc thù của vùng đất địa phương.
Quan trọng là khi tạo ra sản phẩm, DN phải chịu khó tiếp cận khách từ mọi hướng. Với sản phẩm mới, phải trực tiếp cho khách trải nghiệm, dùng thử và lắng nghe góp ý để cải tiến, tức là “bắn tên đi trước, bán hàng theo sau”. Chính lời nhận xét, chia sẻ của khách là cách quảng bá sản phẩm tốt nhất” – ông Sơn gợi ý.
Là người rất tâm huyết với DL, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn cho rằng, những năm qua, với quyết tâm của tỉnh, DL An Giang đã có nhiều chuyển biến tốt. “Các khu, điểm DL sạch đẹp hơn, hạn chế vứt rác bừa bãi. Tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách giảm hẳn. Nói chung, tỉnh đã tạo mọi điều kiện để du khách đến An Giang, tạo “mỏ vàng lộ thiên” với trữ lượng ngày càng lớn. Vấn đề là DN An Giang cần suy nghĩ tạo ra sản phẩm, dịch vụ để khách mua sắm, chi tiêu, khai thác bền vững “mỏ vàng” DL. Muốn vậy, tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, tỉnh và các địa phương cần tạo điều kiện cho DN trong tỉnh xúc tiến, quảng bá hàng hóa, đưa sản phẩm tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng”- ông Sơn gợi ý.
“Nếu có các cảnh đẹp, các khu khách sạn, nghỉ dưỡng sang trọng mà không có gì để khách vui chơi, mua sắm về đêm thì khách cũng buồn chán, không thích ở lại. Do vậy, muốn giữ chân du khách ở đêm thì phải có khu mua sắm, ẩm thực đêm với các sản phẩm “Made in An Giang” để phục vụ khách” – ông Tạ Minh Sơn gợi ý.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN
Theo baoangiang.com.vn
Trải nghiệm du lịch marathon vùng Bảy Núi
Trong khi Sapa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng) tổ chức thành công nhiều cuộc chạy marathon thì Bảy Núi với điều kiện tự nhiên, cảnh đẹp tương tự, hoàn toàn có thể khai thác loại hình du lịch mới này. Khi thu hút được nhiều vận động viên (VĐV) về tham gia, nhiều dịch vụ "ăn theo" cũng có cơ hội phát triển.
Dậy sớm, thử thách vượt núi Cấm
Là một người yêu thích loại hình thể thao chạy bộ, chạy marathon vượt địa hình, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cảm thấy say mê khi có dịp khám phá vùng Bảy Núi - An Giang, đặc biệt là núi Cấm - "nóc nhà" miền Tây Nam Bộ. Để gợi ý cho An Giang tổ chức những cuộc chạy marathon vượt địa hình Bảy Núi, mới đây, ông Nam đã dẫn đoàn 12 VĐV tham gia cuộc chạy marathon khám phá núi Cấm.
"Trong số những người tham gia chạy, có những VĐV chuyên nghiệp của nhóm MDRs (Mekong Delta Runners), những người từng tham gia những sự kiện marathon ở Đà Lạt, Sapa, La An... từng hoàn thành chinh phục những đường chạy cự ly 70km, 100km. Tuy nhiên, cũng có những người mới bắt đầu tham gia hoặc tham gia lần đầu. Mục đích là để những VĐV chuyên và không chuyên có những cảm nhận, góp ý khác nhau để xây dựng lộ trình chạy tốt nhất, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau" - ông Nam chia sẻ.
Từ sáng thứ 7, đoàn 12 VĐV đến từ các địa phương khác nhau, gồm: TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL bắt đầu di chuyển về núi Cấm, thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm nghỉ đêm dưới chân núi. Với sự hỗ trợ của các hướng dẫn viên thuộc Ban Quản lý (BQL) Khu du lịch núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên), bắt đầu từ 4 giờ 30 phút sáng chủ nhật, khi núi Cấm còn chìm trong bóng tối mịt mờ hơi sương, đoàn đã xuất phát lên núi theo lối đường bộ dọc suối Thanh Long, tẻ ra đường chính lên điện Ba Lưới, băng qua điện Năm Ông.
Khi các VĐV lên đến tượng Phật Di Lặc thì đỉnh núi Cấm đã dần sáng, mặt trời lấp ló xa xa. Trong ráng đỏ rạng đông cộng với sương mù giăng lối, núi Cấm trở nên huyền ảo. Lúc này, các VĐV chạy vài vòng quanh hồ Thủy Liêm để thưởng thức khí trời trong lành, mát lạnh như Đà Lạt.
Khi mặt trời sáng tỏ hơn, đoàn VĐV tiếp tục hành trình khám phá điện Bồ Hong, điện Huỳnh Long (điểm cao nhất đỉnh núi Cấm), sau đó vòng qua chùa Phật Nhỏ, vồ Chư Thần, qua ngã 3 suối Thanh Long rồi về lại chân núi Cấm lúc 12 giờ trưa. Giám đốc BQL Khu du lịch núi Cấm Đinh Văn Chắc đã chờ sẵn tại cổng BQL để trao chứng nhận đã chinh phục thành công núi Cấm "Nóc nhà miền Tây Nam Bộ" cho từng VĐV.
Sau khi hoàn thành cuộc chạy marathon khám phá núi Cấm, các VĐV được thưởng thức món ngon vùng Bảy Núi trước khi lên xe trở về với công việc thường nhật.
Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam tham gia đoàn marathon khám phá núi Cấm
Kỳ vọng tour du lịch mới
Lần đầu tiên tham gia khám phá núi Cấm, chị Lê Thiên Kim (công tác tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp) không khỏi ngạc nhiên: "Buổi sáng trên núi Cấm rất đẹp, trong lành và yên bình. Không ngờ trên núi lại có những vườn bơ, sầu riêng, quýt đường, vườn dâu say trái đến vậy. Người dân trên núi rất hiền hòa, mến khách. Bình thường, em chỉ chạy bộ 2-3km vòng quanh công viên buổi sáng trước khi đi làm. Nếu có tham gia các cuộc chạy marathon thì cự ly xa nhất cũng chỉ 10km. Lần này, em vượt đoạn đường 21km mà lại là đường núi nên có những lúc đuối sức. Tuy nhiên, khi mình có ý chí, quyết tâm thì cũng hoàn thành. Cảm giác chinh phục núi Cấm rất tuyệt vời".
Đối với anh Lê Huỳnh Anh Tuấn (làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, thành viên nhóm MDRs, Mekong Delta Runners) thì đoạn đường chinh phục núi Cấm chưa là gì so với những cuộc marathon được tổ chức chuyên nghiệp trong nước như: Vietnam Mountain Marathon khám phá Sapa (Lào Cai), Vietnam Trail Marathon khám phá Mộc Châu (Sơn La), Vietnam Jungle Marathon khám phá Pù Luông (Thanh Hóa), Đà Lạt Ultra Trail (DLUT) khám phá Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Đây là những giải chạy núi việt dã được tính điểm Asia Trail Master, thu hút hàng ngàn VĐV trong nước và quốc tế tham gia. "Các giải marathon này có nhiều cự ly như: 35km, 40km, 55km, 70km, 100km. Ai muốn tham gia cự ly nào thì chọn điểm xuất phát theo cự ly đó, nhưng tất cả các cự ly đều kết hợp cùng một đường chạy, có bảng hướng dẫn, hỗ trợ. Mỗi VĐV muốn tham gia đều phải đóng tiền cho ban tổ chức giải, chi trả các dịch vụ trên đường chạy nên số tiền thu được là rất lớn" - anh Tuấn thông tin.
Theo thành viên nhóm MDRs, vùng Bảy Núi hoàn toàn có thể tổ chức giải marathon chuyên nghiệp định kỳ hàng năm hoặc thiết kế những quãng đường chạy marathon dành cho công ty, doanh nghiệp. "Với giải marathon chuyên nghiệp, có thể thiết kế đoạn đường chạy từ núi Sam (Châu Đốc) vào Tịnh Biên, khám phá rừng tràm Trà Sư, chinh phục núi Cấm, chạy vòng qua núi Dài, núi Cô Tô (Tri Tôn), tức quãng đường chạy kết hợp nhiều địa hình.
Trên đường chạy có những hàng cây thốt nốt, hàng trâm để VĐV "check-in", có những quán nước thốt nốt, cửa hàng đặc sản, dịch vụ tại những điểm dừng để VĐV nghỉ ngơi, thưởng thức. Riêng những đoạn đường chạy ngắn như chinh phục núi Cấm, có thể xây dựng đường chạy rồi bán gói dịch vụ để các công ty, doanh nghiệp tổ chức cho người lao động tham gia. Tôi nghĩ, loại hình du lịch marathon có tiềm năng phát triển tốt và tính bền vững cao" - anh Tuấn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN
Theo baoangiang.com.vn
Những dòng suối đẹp như tranh vẽ vùng Bảy Núi Mùa mưa, cây cối vùng Thất Sơn - Bảy Núi xanh rì. Xen lẫn tiếng chim hót là tiếng suối róc rách. Những dòng suối len lỏi qua khe đá, được ánh sáng mặt trời chiếu vào, tạo thành cảnh sắc lung linh, cứ ngỡ như chốn tiên bồng. Sắc màu Thiên Cấm Sơn Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) là ngọn núi cao...