Làm sao để vượt qua nỗi đau cha mẹ ly hôn?
Cha mẹ Ly hôn, con cái là người bị tổn thương nhiều nhất.
Mới đây, sự việc em Phạm Thị Quyên Ng. (sinh năm 2001) ở Hà Nội thắt cổ tự tử vì cha mẹ ly hôn khiến nhiều người đau lòng. Sự việc đã phần nào nói lên tác động nghiêm trọng của việc đổ vỡ hạnh phúc gia đình đến tâm lý con trẻ.
Trong xã hội, cũng không hiếm những trường hợp con cái “đi lạc”, lâm vào tệ nạn vì thiếu tình thương, định hướng của cha mẹ. Dù vậy, việc các bậc cha mẹ ly hôn vì nhiều lý do khác nhau vẫn là điều không thể tránh khỏi.
Video đang HOT
Cha mẹ ly hôn, con cái chính là người chịu tổn thương lớn nhất (ảnh minh họa)
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc công ty vấn tâm lý An Việt Sơn, nguyên nhân dẫn đến hành động dại dội của con trẻ khi hạnh phúc gia đình đổ vỡ là không có chỗ dựa tinh thần, bị kỳ thị, làm nhục bằng những lời chê bai như: “đứa không có cha, mẹ, đừng chơi với nó”, “Không được bố mẹ dạy dỗ nên hư hỏng”… Chính những câu nói đó đã khiến các em bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến những việc làm thiếu kiểm soát.
“Thiếu cha hoặc mẹ, con trẻ sẽ không được dạy dỗ đầy đủ về kỹ năng sống, không có đủ bản lĩnh để vượt qua rảo cản xã hội. Khi bị những người xung quanh mỉa mai, kỳ thị, nếu không có người chia sẻ, vỗ về các em sẽ nghĩ mình bị cô lập, từ đó có xu hướng suy nghĩ “sống để làm gì, chết cho xong” và đi đến điểm cùng là cái chết”, chuyên gia tâm lý An Chất chia sẻ.
Nhiều trường hợp sau khi bố mẹ ly hôn, con cái sống bơ vơ, học hành sa sút, hay tìm đến những chốn ăn chơi để đàn đúm. Bởi khi thiếu tình thương và sự dạy dỗ, con trẻ dễ nghe theo sự sai khiến của kẻ xấu dẫn đến mắc phải tệ nạn xã hội và có những hành vi tự đưa mình vào vòng lao lý.
Cha mẹ ly hôn, con cái bị tổn thương là điều không tránh khỏi. Nhà nghiên cứu tâm lý An Chất khẳng định, dù cha mẹ ly hôn vì bất kỳ lý do gì thì người chịu hậu quả lớn nhất cũng chính là con cái. Cuộc sống của con cái sẽ bị xáo trộn, thiếu cả vật chất lẫn, tinh thần, khó có thể phát triển toàn diện.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất
“Để giúp con trẻ vượt qua được khủng hoảng tâm lý khi bố mẹ ly hôn, bậc làm cha mẹ phải công tác tư tưởng giúp con vững lòng. Dù không thể trực tiếp sống cùng con nhưng vẫn phải quan tâm, chia sẻ, dạy dỗ con cái, hoàn thành trách nhiệm của người làm cha mẹ. Cả hai dù không còn là vợ chồng nhưng vẫn phải tạo điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần để con cái được phát triển bình thường, đặc biệt không được nói những lời làm tổn thương con cái”.
“Về phía xã hội, không nên có cái nhìn, lời nói miệt thị những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn. Thiếu tình thương của cha mẹ các em đã rất thiệt thòi, đừng làm gì để chúng thiệt thòi hơn nữa. Khi nhận được sự cảm thông, chia sẻ về mặt tâm lý, các em sẽ sống tốt hơn, thậm chí còn làm được những điều kì diệu”, nhà nghiên cứu tâm lý An Chất đưa ra lời khuyên.
Bản thân những người có cha mẹ ly hôn cũng không nên suy nghĩ tiêu cực, hướng mình đến hành vi dại dột.
“Có thể hôm nay các em thiệt thòi, thiếu tình thương nhưng ngày mai bằng bản lĩnh của mình các em có thể sống tốt và trao tình thương cho người khác. Hãy bỏ qua tất cả những câu nói kì thị khiến bản thân đau buồn, tìm cho mình một người tin cậy để sẻ chia và tìm ra giải pháp thích hợp vượt qua tâm trạng hiện tại. Hãy nghĩ rằng không ai ghét bỏ các em. Đôi khi, những người đang nuôi dưỡng các em vì mong muốn các em trưởng thành, đi đúng hướng mà dạy bảo quá lời chứ không phải kỳ thị”, chuyên gia tâm lý An Chất nhắn nhủ.
Theo DanViet