Làm sao để trẻ con, người lớn ăn Tết vui khỏe
Mấy ngày dịp tết, bên cạnh việc thời tiết thất thường (ngày nắng nóng, đêm lạnh), đồng hồ sinh học của người lớn cũng như trẻ em đều bị xáo trộn mất cân bằng.
Những xáo trộn này do đi chơi nhiều và chơi xa, ăn uống không khoa học… sự thay đổi đột ngột đó dễ gây ra bệnh tật cho mọi người.
Lo cho trẻ nhỏ
Theo BS. Nguyễn Thị Thanh, trưởng khoa dịch vụ 1, bệnh viện Nhi Đồng 2, ngày tết, các bệnh viêm đường hô hấp và tiêu hóa phát triển, các bé đi chơi nhiều và thường tập trung ở những nơi đông người, đi xe… nên dễ nhiễm bệnh về đường hô hấp. Vì vậy để phòng bệnh, gia đình nên giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh (đặc biệt là ban đêm), ban ngày nắng cần phải đội nón.
Video đang HOT
Ngày tết, trẻ dễ bị loạn chế độ dinh dưỡng do ăn ngọt, ăn đường nhiều.
Dịp này trẻ cũng thường dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do ăn uống, do vi sinh… Bởi ngày tết, trẻ dễ bị loạn chế độ dinh dưỡng: ăn ngọt, ăn đường nhiều, cộng thêm với đồ mặn, dầu mỡ gây thiếu chất men tiêu hóa, dễ bị tiêu chảy và tiêu chảy cấp. Từ sự rối loạn tiêu hóa sẽ đưa đến rối loạn giấc ngủ và sự miễn dịch của cơ thể trẻ yếu, gây ra bệnh viêm đường hô hấp.
Quan trọng hơn trong ngày tết trẻ dễ bị bệnh lý dị vật như: trẻ ăn hạt dưa sau đó lấy hạt bỏ lỗ tai, lỗ mũi; ăn kẹo có hình tròn nếu không cẩn thận dễ bị hóc ngang họng. BS. Thanh kể: “Tết năm trước, có bé ăn chôm chôm sau đó bị hóc hạt phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cha mẹ của bé luống cuống, vội vàng lấy tay móc hạt chôm chôm ra nhưng vô tình đã đẩy dị vật vào sâu vào họng bé, làm cho bé nghẹt thở đến tím tái người”.
Ăn nhiều thịt bò, tôm cua, … cũng làm cho trẻ dễ bị dị ứng. Bên cạnh đó việc phải ngửi khói thuốc lá nhiều từ người lớn nhả ra cũng dễ gây dị ứng cho trẻ.
Hiện tượng cảm lạnh, viêm thanh quản và say nắng xảy ra với trẻ thường xuyên hơn. Bác sĩ Thanh khuyến cáo, nếu trẻ đi chơi xa, bị say nắng, gia đình nên đưa trẻ vào chỗ mát, mở đồ thông thoáng cho trẻ, cho trẻ uống nước nhiều. Nếu trẻ sốt cao phải cho trẻ uống thuốc.
Để phòng ngừa bệnh cho trẻ trong những ngày tết, gia đình nên cho trẻ ngủ đúng giờ để đảm bảo sức khỏe, không nên thức khuya. Cần cho trẻ uống nước nhiều. Giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh và mặc thông thoáng cho trẻ khi trời nắng. Nên cho trẻ ăn chín, uống sôi, không ăn thực phẩm có màu bắt mắt, tăng cường ăn trái cây để có sức đề kháng. Gia đình nên lựa những trái cây ở những nơi có nguồn gốc để mua và lột vỏ trước khi cho trẻ ăn. Mỗi gia đình nên có vài củ gừng ở trong nhà ngâm vào nước nóng, cho bé uống cho ấm bụng. Nếu đi xa, nên mang thuốc đề phòng. Khi bé mắc dị vật đừng cố móc ra từ tai, mũi, họng, nên sơ cứu bằng cách ôm trẻ đằng trước, ôm ngang bụng và kéo ôm từng động tác vào người để đẩy dị vật ra và kịp thời đưa trẻ đến cơ quan y tế gần nhất.
Ngừa cho người lớn
Theo các bác sĩ chuyên khoa ngoại tiêu hóa, ngày tết nếu người lớn ăn uống, ngủ nghỉ không điều độ, uống quá nhiều rượu bia, hút nhiều thuốc, ăn uống nhiều thứ cũng sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, tiêm mạch, đường mật, huyết áp…
Cần phân bổ những bữa ăn đa dạng giúp mọi người cảm thấy ngon miệng mà cơ thể lại bổ sung được vitamin cần thiết
Uống rượu bia nhiều sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa làm cho dễ viêm tụy cấp. Đặc biệt, người bị bệnh tiểu đường nhưng không biết mình đang bịnh, nếu uống rượu bia và hút thuốc là nhiều bệnh sẽ nặng hơn. Bên cạnh đó, ăn nhiều và ăn nhiều thứ một lúc, quá trình tiêu hóa sẽ chậm lại, cơ thể không hấp thu, cộng thêm uống trà, cà phê nhiều sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt, nếu hút thuốc quá mức sẽ thúc đẩy các bệnh tim mạch, hô hấp, tiểu đường.
Bệnh đột quỵ, tai biến tim mạch cũng thường tăng cao trong những ngày lễ tết. Cách phòng ngừa tương tự như đối với bệnh cao huyết áp. Người bệnh tim mạch cần mang theo mình các thuốc chống vón cục máu, các thuốc tim mạch thường dùng để phòng bất trắc. Phải ngừng mọi hoạt động, nằm ở một nơi yên tĩnh, uống thuốc trợ tim, sau đó người nhà đưa đi cấp cứu.
Ngày tết, nên hạn chế rượu bia. Cụ thể là với bia (nồng độ 4%) chỉ nên uống 300 – 350 ml. Rượu sâm banh (nồng độ 11%) có thể uống khoảng 150 – 200 ml. Rượu màu có mùi (nồng độ 17 – 20%) uống khoảng 50 ml. Rượu trắng nặng (nồng độ 35 – 40%) chỉ nên uống khoảng 25 ml.
Ăn quá nhiều thịt sẽ dẫn đến thừa chất. Cần phân bổ những bữa ăn đa dạng giúp mọi người cảm thấy ngon miệng mà cơ thể lại bổ sung được vitamin cần thiết. Nguồn vitamin chủ yếu ở trong rau quả, nhưng lượng cao hay thấp còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khí hậu, độ tươi, việc bảo quản. Vitamin C có nhiều trong cam, quýt, xoài, dứa, và rau xanh như cải xoong, xúp lơ, cà rốt, của cải, bắp cải…
Theo SGTT