Làm sao để thoát khỏi “hũ hèm”?
Lấy chồng 16 năm thì trọn 16 năm tôi phải ngủ chung với “ hũ hèm”. Tôi chẳng có được một đêm ngon giấc khi thường xuyên bị giật mình bởi tiếng nghiến răng trèo trẹo đến lạnh người hay tiếng la hét trong giấc ngủ mớ của chồng.
ảnh minh họa
Từ hồi mới yêu, tôi đã biết chồng mình là “ma men” thứ thiệt. Vì khi đi uống với bạn bè, anh luôn không đụng đến ly mà chỉ dùng chén để đong rượu. Nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy lo ngại điều đó.
Làm thợ may hàng chợ lâu năm nên tôi và anh đều biết rõ nguồn hàng thường không ổn định. Có tháng ngồi chơi không đụng tới máy may, nhưng cũng có tháng cặm cụi may từ sáng sớm đến tối khuya ma không kịp để giao hàng. Công việc bấp bênh nên tôi tranh thủ những lúc có hàng, may càng nhiều càng tốt. Nhưng anh thì khác, ngày qua ngày, dù đói dù no vẫn ích kỷ nuông chiều sở thích của bản thân. Sáng, đợi tôi đưa con đi học về anh mới chịu dậy. Trưa, mới mười giờ đã lật đật ôm chai rượu và một đĩa môi ngồi khề khà một mình. Sau đó thì ngủ một mạch đến hai giờ trưa. Chiêu, đúng sáu giờ, anh tiếp tục ôm chai rượu đế và chén đồ ăn, một mình lai rai cho đến hơn bảy giờ thì “gục” đến sáng. Những lúc tỉnh anh còn phụ vợ may được vài cái áo, nhưng khi đã ôm chai rượu rồi thì đừng ai nói động tới, nếu không muốn bể hết chén, đĩa, ti vi và tất cả mọi thứ có thể bể được.
Tôi không biết những ông đệ tử lưu linh khác ra sao nhưng chồng tôi thì dứt khoát phải có rượu đổ vào đúng giờ. Dù đi đâu, làm gì, anh cũng không quên mang theo chai rượu và cứ kiếm một góc nào đó ngửa cổ tu như nước suối, mặc kệ ánh mắt soi mói của mọi người.
Suốt 16 năm, chỉ một mình tôi lo hết chuyện cơm nước của gia đình chồng. Bao nhiêu thứ tiền cứ đầu tháng lại đổ dồn lên tôi. Nhưng rồi tôi không muốn sống cam chịu như thế nữa khi vô tình đọc được nhật ký của con trai giấu dưới gối. Tôi thật sự bất ngờ vì nét chữ vẫn còn non nớt của một đứa trẻ 12 tuổi nhưng lời lẽ thì già dặn. Từng câu, từng từ đều tỏ rõ sự căm ghét và thái độ coi thường người cha bệ rạc, vô trách nhiệm với gia đình, với mẹ nó. Thằng bé còn lên kế hoạch để dành tiền chờ một ngày thuận tiện, bỏ nhà đi thật xa để khỏi bao giờ nhìn thấy mặt người cha nát rượu. Và còn một điều nữa, đây mới là mũi tên xuyên thấu tim tôi, khiến tôi đau đớn, thằng bé mong cha nó hãy chết đi, càng sớm càng tốt.
Những lời đầy hận thù trong cuốn nhật ký cua con đã thúc đẩy tôi thay đổi. Ly hôn thì không thể, vì mọi việc tôi làm từ trước đến nay chỉ vì muốn bảo vệ gia đình nhỏ bé của mình. Tôi muốn kéo chồng khỏi rượu, để anh trở lại với con người minh mẫn và yêu đời như trước, nhưng làm cách nào và làm ra sao thì tôi lại bế tắc.
Tôi về nhà trút hết nỗi lòng với mẹ. Nhờ vậy tôi mới biết một bí mật đã được chôn giấu từ lâu của gia đình mình. Ngày xưa, ông nội tôi không nhậu lành tính như tôi vẫn nghĩ. Hễ say xỉn là ông lại vác dao đòi chém bà nội. Do quá hiểu tính xấu của ông nên bà luôn nhanh chân chạy trốn trước khi ông kịp kiếm cớ gây sự. Nhưng lần đó do bà nội vừa mới mổ ruột thừa, chạy không nổi nên bị ông chém trúng một nhát. Rất may là vết chém sượt nhẹ qua vai nên vết thương không sâu lắm. Lúc tỉnh lại ông nội rất hối hận. Ông thề không bao giờ uống thêm giọt rượu nào nữa. Để làm tin, ông tự chặt đứt ngón tay út để ghi nhớ. Nhưng… vài tháng sau ông lại nhậu, lại rượt bà nội.
Quả thật tôi rất ngây thơ khi nghĩ mình đủ dũng cảm để sống với người nghiện rượu cũng như đủ sức để kéo con người ấy khỏi rượu. Đã tới lúc tôi phai suy nghĩ nghiêm túc đến giải phap ly hôn.
Theo VNE