Làm rõ vai trò 2 chân rết trong đường dây lừa đảo tiền tỷ bằng thông báo nợ cước
Món tiền “ hoa hồng” lên tới 20% nên biết mình đang tham gia vào đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn, Phạm Đình Luận và Nguyễn Hữu Thu vẫn nhắm mắt đưa chân. Tính ra, đến ngày bị bắt, Luận và Thu đã bỏ túi gần 400 triệu đồng.
Hai mắt xích trong đường dây lừa đảo tiền tỷ vừa bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ
Sau hành trình bị áp giải từ Hưng Yên vào Nghệ An, Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) và Phạm Đình Luận (SN 1993), cùng trú tại xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đều tỏ vẻ mệt mỏi.
Trong khi chờ cán bộ PC45 (Công an tỉnh Nghệ An) đi lấy cơm cho, Nguyễn Hữu Thu nhăn nhó ôm bụng bởi căn bệnh xuất huyết dạ dày hành hạ. Bên hàng ghế kia, vợ Phạm Đình Luận đôi mắt đỏ hoe, nắm mãi cánh tay đang bị còng của chồng. Cô theo chồng từ khi chồng bị bắt vào trong này nhưng sắp phải về Bắc Ninh để lo cho đứa con nhỏ 2 tuổi. Chồng cô bị bắt giữ do liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng mà đa phần nạn nhân là người Nghệ An.
Người đưa chồng cô vào đường dây này là anh họ cô, tên Phi, hiện đang sống ở Đài Loan. “Anh Phi nói em làm thẻ ATM các ngân hàng hoặc ai bán thì mua hộ, lấy đầy đủ thông tin của chủ thẻ rồi bán lại cho anh ấy. Mỗi thẻ bán cho anh Phi em lãi được 1 triệu đồng”, Phạm Đình Luận cho biết.
Thấy việc này cũng đơn giản, Luận rủ thêm Nguyễn Hữu Thu tham gia. Từ hồi tháng 7 đến ngày bị bắt, hai người vừa tự mở thẻ ngân hàng, vừa mua lại của người khác được 15 thẻ bán cho Phi. Đối với thẻ ghi nợ thì chỉ cần cung cấp thông tin cụ thể về chủ thẻ, riêng thẻ thanh toán quốc tế thì Luận và Thu phải gửi trực tiếp thẻ cho Phi kèm theo thông tin chủ thẻ.
Nghi can Phạm Đình Luận – người được đối tượng tên Phi đặt thu mua thẻ ATM với giá 1 triệu đồng/thẻ
“Lúc đầu em không nghĩ việc này là vi phạm pháp luật. Đến khi Phi nói hai đứa em rút hết tiền trong các thẻ ra rồi gửi vào một thẻ ngân hàng khác, còn cho hai đứa một khoản tiền hậu hĩnh thì em bắt đầu nghi nghi. Em được chia 20% số tiền rút ra đó. Số tiền được hưởng lớn quá mà thấy mình cũng không mất công sức gì mấy nên cứ làm theo thôi”, Nguyễn Hữu Thu nói.
Trong vòng hơn 1 tháng, Thu và Luận đã rút từ các thẻ ngân hàng để chuyển cho Phi tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, số tiền này là Phi và đồng bọn chiếm đoạt của các nạn nhân tại Nghệ An thông qua việc thông báo nợ cước viễn thông. Sau đó, các đối tượng giả công an, thông báo các bị hại nói trên dính líu vào một đường dây tội phạm và đe dọa buộc họ phải gửi vào tài khoản (do Luận và Thu cung cấp) hàng trăm triệu đồng rồi chiếm đoạt. Vì thiếu thông tin, các bị hại đều răm rắp nghe theo, chỉ khi mất một số tiền lớn mới biết mình bị lừa.
Video đang HOT
Số tiền mà Nguyễn Hữu Thu và Phạm Đình Luận sau khi rút hết ra khỏi các thẻ ATM kia sẽ được chuyển qua tài khoản khác. Tài khoản này sẽ chuyển tiếp qua tài khoản thứ 3 và sẽ được Phi cùng đồng bọn chiếm đoạt. Luận không nhớ chính xác số tiền mà mình cùng Thu đã rút ra từ các tài khoản, chỉ áng chừng 2 tỷ đồng.
Theo lời khai của Nguyễn Hữu Thu thì mỗi lần rút tiền ra khỏi thẻ ATM, Thu được đối tượng tên Phi trích 20% hoa hồng
Tính ra, số “hoa hồng” mà Thu và Luận được hưởng xấp xỉ 400 triệu đồng. Số tiền này, Luận và Thu dùng để thuê phòng khách sạn trú ngụ, chờ chỉ đạo của Phi và tiêu xài cá nhân. Khám xét nơi ở của Luận và Thu, ngoài các thiết bị viễn thông, thẻ ngân hàng, cơ quan điều tra thu giữ một lượng lớn tiền mặt.
“Phạm Đình Luật và Phan Hữu Thu chỉ là các mắt xích ban đầu trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản này. Việc xác định các mắt xích của đường dây này rất khó do các các đối tượng sử dụng tài khoản mang tên người khác để giao dịch.
Bước đầu điều tra, chúng tôi xác định đối tượng chính đang ở Đài Loan. Chưa khẳng định được có sự tham gia của người nước ngoài hay không nhưng xác định được đối tượng Phi (anh họ đằng vợ của Luận) là một mắt xích quan trọng của đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức thông báo nợ cước, giả danh công an buộc nạn nhân gửi tiền vào tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt này.
Một lượng lớn tiền mặt được thu giữ tại nơi ở của Phạm Đình Luận và Nguyễn Hữu Thu
Theo phương thức này thì cơ quan điều tra đã ghi nhận trình báo của 9 bị hại với số tiền bị chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các nạn nhân này có phải do một nhóm đối tượng thực hiện hay không thì phải tiếp tục xác minh, điều tra”, một điều tra viên Đội cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng cảnh sát hình sự Công an Nghệ An cho biết.
Hoàng Lam
Theo Danviet
Lộ diện chân rết đường dây lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ bằng thông báo nợ cước điện thoại
Ngoài việc mở và thu gom thẻ ngân hàng rồi bán lại cho Phi, Nguyễn Hữu Thu và Phạm Đình Luận có trách nhiệm rút hết tiền trong tài khoản khi có người gửi đến. Số tiền này, Luận và Phi tiếp tục gửi cho một người khác theo hướng dẫn của Phi.
Lộ diện chân rết đường dây lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ bằng thông báo nợ cước điện thoại
Ngày 3/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Nghệ An đang tạm giữ hình sự Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) và Phạm Đình Luận (SN 1993), cùng trú tại xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Đây được xác định là hai mắt xích trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mạo nhận cán bộ công an và nhân viên viễn thông thông báo nợ cước điện thoại rồi chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Hữu Thu (bên trái) và Phạm Đình Luận tại cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An
Như Dân trí đã thông tin trước đó, thời gian vừa qua, PC45 nhận được trình báo của nhiều người dân về việc bị một nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số lượng lớn.
Các bị hại nhận được điện thoại của người xưng là cán bộ viễn thông, thông báo thuê bao điện thoại bàn đang nợ cước điện thoại gọi đi quốc tế với số tiền gần 10 triệu đồng. Khi người dân khẳng định không nợ số tiền cước như trên thì được nhân viên viễn thông nối máy cho người xưng là cán bộ điều tra của Bộ Công an, thông báo chủ thuê bao bị nghi liên quan đến đường dây tội phạm mua bán ma túy và rửa tiền.
Vị "cán bộ điều tra Bộ Công an" này đề nghị người dân phối hợp để phá đường dây tội phạm kia, đồng thời yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm... Để chứng minh mình không liên quan, các đối tượng yêu cầu bị hại gửi vào tài khoản chỉ định số tiền hiện có kèm lời hứa sẽ hoàn trả sau khi đường dây tội phạm kia bị triệt phá cộng với số lãi suất trong thời gian bị giữ tiền.
Tang vật thu giữ tại nơi ở của Phạm Đình Luận và Nguyễn Hữu Thu
Các đối tượng thường đe dọa, buộc các nạn nhân gửi tiền vào tài khoản mà không dám thông tin cho người thân. Khi bị hại gửi tiền vào tài khoản, các đối tượng sẽ nhanh chóng rút ra và chiếm đoạt.
Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 9 trường hợp bị lừa bằng thủ đoạn này với số tiền bị chiếm đoạt lên tới trên 2 tỷ đồng.
Qua nghiên cứu phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, các cán bộ, chiến sĩ Đội cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC45) Công an Nghệ An xác định các đối tượng sử dụng giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP), hiển thị số điện thoại "ảo" có đầu số trùng với đầu số 113 của Công an. Với phương thức này, chúng khiến cơ quan chức năng không thể truy xuất số điện thoại gọi để phục vụ điều tra.
Bằng các truy xuất nguồn gốc các tài khoản ngân hàng mà các bị hại gửi tiền theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo, Đội cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao đã lần ra manh mối.
Ngày 1/9, PC45 Công an tỉnh Nghệ An đã thực hiện lệnh bắt đối với Nguyễn Hữu Thu và Phan Đình Luận khi các đối tượng đang thuê phòng nghỉ cùng nhau tại tỉnh Hưng Yên.
Bằng cách sử dụng giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP), hiển thị số điện thoại "ảo" có đầu số trùng với đầu số 113, các đối tượng đã lừa đảo 9 nạn nhân, chiếm đoạt số tiền gần 2 tỷ đồng
Bước đầu, hai đối tượng thừa nhận, được một đối tượng tên Phi (hiện đang ở Đài Loan) thuê mở hoặc thu gom thẻ ngân hàng với giá 1 triệu đồng/thẻ. Sau đó, Phi thuê Luận và Thu rút số tiền lớn từ các tài khoản kể trên và chuyển cho một đối tượng thứ 3. Cứ mỗi lần rút tiền, Thu và Luận được hưởng một số tiền nhất định theo thỏa thuận từ trước.
Chỉ khi nhận được số tiền lớn sau mỗi lần rút tiền ra khỏi các tài khoản đã bán cho Phi, Luận và Thu mới biết mình đang tham gia vào một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản hết sức tinh vi. Tuy nhiên, do số tiền được hưởng quá lớn, các đối tượng này vẫn "nhắm mắt" làm theo.
Cơ quan điều tra xác định, số tiền mà Luận và Thu rút từ các tài khoản kể trên là tiền do các bị hại gửi vào.
Lực lượng chức năng thu giữ tại nơi ở của Nguyễn Hữu Thu và Phạm Đình Luận nhiều điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng wifi, nhiều thẻ ngân hàng, hộ chiếu, sim điện thoại, máy tính xách tay cùng một số lượng lớn tiền mặt.
Vụ việc đang được PC45 Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra, làm rõ.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Giả danh cán bộ Bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tiền Khi người dân nói không nợ cước điện thoại thì đầu dây bên kia xưng là cán bộ Bộ Công an thông báo nạn nhân đang tham gia vào đường dây buôn bán ma tuý và rửa tiền.. Chiều 3.9, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đã bắt, tạm giữ hình sự...