Làm rõ thông tin nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc ở Lào Cai bị “hôi” của
“Tôi đã phải nhờ người nhà trên Lào Cai chuộc lại chiếc điện thoại của vợ tôi, nó không hề bị trầy xước, chắc chắn có người lấy nó ra từ túi quần vợ tôi… Không thể tin nổi lại có người vô lương tâm đến vậy”, một nạn nhân vụ tai nạn kể.
Gần nửa tháng sau vụ tai nạn xe khách thảm khốc tại Lào Cai khiến 14 người tử vong, 34 người bị thương, mấy ngày nay dư luận lại xôn xao thông tin, những nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn đã bị lấy trộm tài sản.
Anh Phạm Công Trình (25 tuổi, ở Tam Điệp, Ninh Bình) – một trong những người may mắn thoát nạn trên chuyến xe “định mệnh” – cho biết, sau vụ tai nạn, anh và một vài nạn nhân khác đã bị mất một số đồ đạc cá nhân, đặc biệt là chiếc điện thoại của vợ anh, chị Đỗ Thị Lan (24 tuổi), người đã tử vong trong chuyến đi hôm đó.
Anh Phạm Công Trình (bìa trái) và người vợ xấu số – chị Đỗ Thị Lan ( ảnh nhân vật cung cấp)
Trao đổi với PV Dân trí, anh Trình kể lại giây phút kinh hoàng: “Lúc xe bắt đầu lắc mạnh, chúng tôi đã vội quay sang nhau, nhưng chỉ kịp chạm được vào tay nhau, sau đó chúng tôi bị văng xuống sàn xe và rồi văng ra khỏi xe. Tôi may mắn rơi vào bụi cây, nằm ngất đi 1 lúc rồi tỉnh dậy, tôi mò tìm Lan nhưng không thấy. Sau đó tôi đi lên đường và lại lần theo dây thừng của đội cứu hộ xuống tìm, lật từng tấm chăn che thi thể để tìm Lan nhưng không thấy, tôi định đi xuống tiếp nhưng có người nói không xuống được nữa đâu, nên tôi thôi. Lúc đó người tôi bắt đầu đau trở lại và tôi theo xe cứu thương về bệnh viện đa khoa Lào Cai”.
Cũng theo anh Trình, về đến Bệnh viện đa khoa Lào Cai anh liền mượn máy điện thoại của một người trong phòng bệnh gọi cho chị Lan (điện thoại của anh Trình cũng đưa cho chị Lan cầm) thì thấy máy đổ chuông nhưng không ai nghe. Đến khoảng hơn 10h đêm 1/9, anh Trình tiếp tục lấy điện thoại của người thân gọi vào số của chị Lan nhiều lần nhưng không ai nghe máy. Sau đó, khoảng hơn 1h sáng 2/9, anh Trình nhận được điện thoại từ số của Lan gọi vào máy người thân, đầu dây bên kia là giọng 1 người đàn ông chỉ nói vẻn vẹn 1 câu “chị ấy mất rồi, đừng tìm nữa” và sau đó cúp máy. Anh Trình bàng hoàng, cố gắng liên lạc lại nhưng không được. “Tôi đoán lúc đó mới tìm thấy thi thể của Lan, như tôi được biết, Lan là nạn nhân tử vong thứ 12 được tìm thấy” – anh Trình đau đớn nói.
Anh Trình thông tin thêm, đến khoảng 13h ngày 2/9, anh đã cùng người thân lên xe đưa thi thể vợ về quê an táng tại Bắc Ninh.
Anh Trình cho biết: “Sau khi lo xong mọi công việc của Lan xong, tôi mới tìm cách liên lạc vào số điện thoại của Lan, với mong muốn tìm lại chiếc điện thoại đó, vì giờ Lan mất đi, chiếc điện thoại đó rất có giá trị, nó là kỷ vật. Trong đó chứa rất nhiều kỷ niệm của chúng tôi như tin nhắn, hình ảnh, vì Lan thích chụp ảnh. Còn tôi không hay chụp ảnh nên tôi không tiếc chiếc điện thoại của tôi lắm. Ngày 3/9, tôi có gọi vào số Lan nhưng không liên lạc được, những ngày sau đó tôi liên tục nhắn tin vào số đó với nội dung là mong muốn lấy lại điện thoại và hậu tạ nếu ai nhặt được”.
Đến khoảng ngày 7-8/9/2014, có người đã đăng tin vào trang cá nhân Facebook của chị Lan, đăng tấm hình chị Lan (do chính anh Trình chụp trên Sa Pa) kèm theo nội dung nếu muốn chuộc máy thì liên hệ lại. Tuy nhiên, người này không để lại địa chỉ và số điện thoại nào cụ thể.
“Do máy của Lan chưa thoát facebook nên người này đã viết vào tường của Lan, sau đó vài ngày bạn của tôi có chat vào nick của Lan thì biết được chiếc điện thoại của Lan đã bị bán cho một cửa hàng điện thoại trên đó và họ cho địa chỉ, số điện thoại cụ thể để đến chuộc lại, rồi người nhà tôi trên Lào Cai có đến chuộc lại với giá 1,7 triệu đồng. Trước đây máy này mua với giá 3 triệu. Khi gửi máy về cho tôi, tình trạng máy vẫn nguyên vẹn, không bị trầy xước gì cả, tôi chắc chắn rằng có người lợi dụng hoàn cảnh lâm nạn của vợ tôi để móc điện thoại từ túi quần vợ tôi. Tôi không thể hiểu nổi lại có người vô lương tâm đến vậy” – anh Trình nghẹn ngào nói.
Video đang HOT
Anh Trình cho biết, khi nhận được máy thì chiếc sim điện thoại của chị Lan không còn, anh có liên lạc với cửa hàng điện thoại trên Lào Cai, họ nói là lúc mua đã không còn sim. Mấy ngày gần đây, anh Trình tiếp tục liên lạc vào số điện thoại của chị Lan thì đã liên tục nhận được những lời tục tĩu, đe dọa. Theo anh Trình, có thể vì sim của chị Lan mới nạp tiền nên người này để lại cố dùng cho đến khi hết tiền mới bỏ đi.
Liên quan vấn đề này, chúng tôi có trao đổi với Đại tá Phạm Gia Chiến – Trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Lào Cai. Ông Chiến cho biết, sau khi xác minh, nếu đúng như nội dung trình bày của anh Trình, gia đình cung cấp địa chỉ chính xác của hàng điện thoại – nơi được cho là đã mua chiếc điện thoại của chị Lan, lực lượng công an sẽ yêu cầu cửa hàng này trả lại tài sản cho gia đình theo đúng qui định của pháp luật.
Đại tá Chiến cho biết, ngay khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, Công an tỉnh Lào Cai đã huy động rất đông lực lượng, trong đó công an huyện Sa Pa gần như huy động 100% quân số; ngoài ra có Công an huyện Bát Xát, Công an TP Lào Cai, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát cơ động, PCCC và Cứu hộ cứu nạn đến hiện trường để tham gia cứu nạn, đồng thời bảo vệ hiện trường, thu gom tài sản của các nạn nhân đưa về trụ sở Công an huyện Bát Xát để xác minh, và trả lại cho người dân.
“Có thể tài sản không thu thập được hết bởi vụ tai nạn xảy ra trong đêm tối, hơn nữa địa hình lại hiểm trở và khá rộng. Với những nạn nhân không tìm lại được tài sản của mình, cần liên hệ với Công an huyện Bát Xát để xác minh” – Đại tá Chiến cho hay.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Lục túi thi thể trộm điện thoại, vào facebook nạn nhân đòi tiền
"Những mặt tối của vụ lật xe Sapa" đăng trên trang mạng cá nhân"Sói già" do anh Phạm Công Trình viết, anh khẳng định thông tin trong bài viết hoàn toàn đúng sự thật.
Nhân vật "bí ẩn" trả lời điện thoại
"Những mặt tối của vụ lật xe Sapa" đăng trên trang mạng cá nhân"Sói già" do anh Phạm Công Trình viết, anh khẳng định thông tin trong bài viết hoàn toàn đúng sự thật.
Theo tin tức được biết bài viết "Những mặt tối của vụ lật xe Sapa" được đăng tải trên trang mạng cá nhân với nickname "Sói già" đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tác giả bài viết nhận là mình Phạm Công Trình đang sống tại thị xã Tam Điệp, Ninh Bình và là một nạn nhân của vụ tai nạn lật xe ở Lào Cai tối 1/9.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại chiều ngày 12/9, anh Phạm Công Trình - nạn nhân vụ tai nạn Lào Cai tối 1/9 này xác nhận bài viết trên là do anh viết, đồng thời khẳng định các thông tin trong bài viết hoàn toàn đúng sự thật.
"Bài viết này được tôi viết và đăng trên facebook tối qua (ngày 11/9) sau khi đã đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Tất cả những thông tin tôi viết ra đều là sự thật và sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc mình làm", anh Trình nói.
Theo anh Trình, lý do khiến anh viết bài viết trên là có một số vấn đề khiến anh dằn vặt và đau đớn hơn sau vụ tai nạn, mất người thân. Đó là chuyện hôi của của một số người tự nhận là "cứu hộ" trong vụ tai nạn và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc giải quyết hỗ trợ nạn nhân sau vụ tai nạn.
Hình ảnh Sự thật nạn nhân tố "những mặt tối của vụ lật xe Sapa" số 1Hiện trường vụ tai nạn xe khách ở Sapa tối 1/9
Cụ thể, anh Trình cho biết, hôm xảy ra sự việc, anh ở trên xe cùng với Đỗ Thị Lan - người yêu anh và Lan không may đã qua đời trong vụ tai nạn này. Sự ra đi của người yêu ngay trước mắt mình khiến anh luôn bị ám ảnh bởi sự bất lực. Thêm vào đó, câu chuyện liên quan đến chiếc điện thoại của Lan khiến anh càng dằn vặt và anh cho rằng nó đã bị một người nào đó mang danh cứu hộ lấy rồi bán nó đi.
"Sau khi chiếc xe khách rơi xuống vực, tôi may mắn còn tỉnh táo, cố bò trong đêm tối tìm Lan nhưng bất lực. Vào viện không có tin của Lan, tôi đã mượn điện thoại gọi cho Lan, máy có đổ chuông nhưng không có người trả lời. Đến đêm muộn hôm ấy, tôi nhận được cuộc gọi ngược lại từ số của Lan, giọng một người đàn ông nói vẻn vẹn một câu 'chị ấy mất rồi'. Sau đó, tôi gọi lại nhưng không bắt máy", anh Trình kể lại.
Lên facebook đòi tiền chuộc
Cũng theo anh Trình, sau đó vài ngày, một người vào facebook đăng tin đang cầm điện thoại của Lan, nếu người thân muốn lấy lại thì đến chuộc. Người này cho biết là chủ một cửa hàng điện thoại ở chợ Phong Liên -Lào Cai. Hiện anh Trình đã nhờ người quen ở Lào Cai đến cửa hàng điện thoại này chuộc lại chiếc điện thoại của chị Lan với giá 1,7 triệu đồng.
"Người này cho biết đã mua lại chiếc điện thoại của Lan từ một người dân. Trong điện thoại còn nguyên facebook của Lan nên anh ta đã vào đăng tin báo cho người nhà đến chuộc. Khi tôi nhận lại, chiếc điện thoại của Lan không còn sim nhưng khi gọi vào số máy của Lan thì vẫn có chuông, một người đàn ông nghe máy và đã dùng lời lẽ chợ búa, thậm chí đe dọa khi tôi đề nghị người này cho biết về chiếc sim của Lan", anh Trình nói.
Theo anh Trình, trước khi chiếc xe gặp nạn chiếc điện thoại này được để trong túi quần Lan nên khi gặp nạn khó có thể văng ra ngoài. Hơn nữa, khi nhận lại điện thoại của Lan sau khi bỏ tiền ra chuộc vẫn còn nguyên vẹn, không có vết xước hay biến dạng khiến anh cho rằng chắc chắn nó đã được lấy ra từ túi quần của Lan.
"Chắc chắn chiếc điện thoại được để trong túi quần của Lan đến lúc thi thể của Lan được tìm thấy. Hơn nữa, người cầm điện thoại biết Lan đã mất nên chỉ có những người tiếp cận với Lan tại hiện trường hoặc khi đưa về nhà xác mới có thể thấy. Chiếc điện thoại không văng ra ngoài nên khả năng người dân nhặt được là rất ít. Tôi không vơ đũa cả nắm, không nói tất cả những người tham gia công tác cứu hộ mà chỉ nói những người tự nhận là cứu hộ có hành vi vô lương tâm", anh Trình nói.
Dấu hỏi về tiền bồi thường
Về công tác hỗ trợ nạn nhân sau vụ tai nạn, anh Trình cho biết, mặc dù Bộ GTVT, Bộ y tế đã có chỉ thị nhưng từ hôm xảy ra vụ tai nạn, anh mới chỉ nhận được 1 triệu đồng của Hội chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai và không được miễn viện phí khi nằm điều trị tại bệnh viện ở Ninh Bình.
"Lúc mới đến thì bệnh viện bảo sẽ giải quyết nhưng sau đó nói không có văn bản chỉ thị ở trên nên không làm được. Tôi có gọi điện cho công an Lào Cai thì được nói là gia đình cứ tự thanh toán viện phí, sau đó nhà xe sẽ hoàn trả lại. Tuy nhiên, chiều nay tôi đã ra viện mà chưa nhận được một lời hỏi thăm, xin lỗi của nhà xe. Số tiền viện phí chỉ gần 3 triệu đồng và tôi cũng không quan trọng lắm việc ai trả nhưng thấy buồn vì sự quan tâm chưa đầy đủ của cơ quan quản lý và sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của nhà xe..", anh Trình nói.
Trao đổi với phóng viên trước thông tin nạn nhân cho rằng bị hôi của khi xe lao xuống vực, Đại tá Phạm Gia Chiến, Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Lào Cai cho biết, nếu thực sự xảy ra tình trạng hôi của thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý nghiêm.
"Với trường hợp của anh Phạm Công Trình, chỉ cần cung cấp địa chỉ của cửa hàng điện thoại đã bắt anh chuộc lại điện thoại của người thân tử vong trong vụ xe khách, chúng tôi sẽ yêu cầu cửa hàng trả lại tài sản cho gia đình", ông Chiến khẳng định.
Cũng theo ông Chiến, ngay khi vụ tai nạn vừa xảy ra, ông đã lập tức có mặt tại hiện trường và chỉ đạo tất cả lực lượng công an, cảnh sát thu thập tài sản của những người bị nạn, sau đó tập trung toàn bộ số tài sản trên lại và cho lên xe ô tô để lực lượng dân quân và công an xã bảo vệ, đồng thời đưa toàn bộ tài sản về công an huyện Bát Xát.
"Có thể, tất cả tài sản đã không thu thập được hết bởi vụ tai nạn xảy ra trong đêm tối, hơn nữa địa hình lại hiểm trở và khá rộng. Với những nạn nhân không tìm lại được tài sản của mình thì cần liên hệ với công an huyện Bát Xát để xác minh", Đại tá Chiến cho hay.
Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với các cơ quan liên quan để xác minh thêm các thông tin trên.
H. Minh
Theo Vietbao
Vụ tai nạn thảm khốc ở Lào Cai: "Mất bò mới lo làm chuồng" Có một thói quen xấu và gây họa lớn là, sau mỗi tai nạn hay sự cố nghiêm trọng, nhà quản lý mới hô hào siết chặt quản lý, xử lý nghiêm minh sai phạm... Sau vụ tai nạn xe khách tại Lào Cai khiến 12 người thiệt mạng, rồi vụ sập trần treo của nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM), cả...