Làm rõ thông tin cán bộ nhờ thi hộ ở Đồng Nai
Ngày 15.3, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố (cho tại ngoại) ông Phạm Thế Thạnh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm quan hệ quốc tế, Trường ĐH Lạc Hồng, để làm rõ hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Ông Thạnh được xác định là người liên quan đến đường dây làm giấy tờ giả trong bài Phá hàng loạt đường dây làm giấy tờ giả ( Thanh Niên ngày 11.3 thông tin).
Trước đó, ngày 3.11.2011, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố 5 bị can gồm Trần Quang Hưng, Đỗ Trần Lê Sơn, Trà Phương Thanh, Nguyễn Thị Thanh Tâm và Hoàng Duy Linh cùng về hành vi trên. Trong đó Sơn và Hưng bị bắt tạm giam để điều tra, còn các bị can khác được tại ngoại. Theo thông tin ban đầu, năm 2008, Hưng và Sơn tốt nghiệp Trường ĐH Lạc Hồng (ngành Anh văn). Sau khi thấy nhiều người có nhu cầu lấy chứng chỉ TOEFL, TOEIC, Sơn tổ chức một nhóm khoảng 20 người thường xuyên thi hộ và thi kèm. Ngày 27.8.2011, trong đợt thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ tại cơ sở 3 (ĐH Lạc Hồng), giám thị phát hiện 4 thanh niên đang thi kèm cho 13 thí sinh (TS) nên lập biên bản, báo cáo cơ quan an ninh. Tiếp đến, ngày 18.9.2011, Trung tâm quan hệ quốc tế tiếp tục phát hiện có 93 TS thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó có 4 TS thi kèm.
Sơn (áo trắng) và Hưng (áo đen) tại cơ quan công an – Ảnh: C.T.V
Sau khi khởi tố vụ án, bắt giam Sơn, Cơ quan ANĐT phát hiện danh sách 3 đợt thi gần nhất cho thấy bị can này đã tổ chức cho khoảng 200 TS dự thi các chứng chỉ TOEFL, TOEIC. Mỗi đợt thi, Sơn móc nối các bị can khác, đưa từ 4-7 người giỏi ngoại ngữ vào thi hộ và thi kèm với hình thức làm hồ sơ giả để vào ngồi chung bàn dự thi với TS. Mỗi TS trúng tuyển phải trả cho nhóm của Sơn và Hưng từ 4-7 triệu đồng.
Ngoài ra, Hưng và các bị can khác còn môi giới, tổ chức làm các loại giấy tờ giả như bằng tốt nghiệp đại học, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ… cho sinh viên sắp ra trường, người muốn thi cao học. Tùy theo loại bằng cấp, Hưng thu lợi từ 500.000 – 40 triệu đồng/cái. Tính đến khi bị bắt, Hưng đã thu lợi bất chính số tiền hơn 71 triệu đồng từ hành vi làm giấy tờ giả.
Trước thông tin có gần 200 cán bộ thuê người thi hộ, trao đổi với PV Thanh Niên vào ngày hôm qua, ông Nguyễn Hùng Cường, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra về an ninh quốc gia và tội phạm ma túy – Viện KSND tỉnh Đồng Nai, cho rằng: “Thông tin trên là không chính xác, vì qua điều tra cho thấy 200 TS thi rớt, chỉ đạt điểm từ 200 đến 300 điểm, là có đóng tiền và thi thật. Chỉ có một số ít thuê người của Sơn vào thi kèm”. Còn ông Trần Trung Nhân, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai, nói: “Chúng tôi sẽ đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp UBND tỉnh rà soát lại danh sách của gần 200 TS bị nghi vấn. Nếu có trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định”.
Trong khi đó, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, qua sàng lọc trong 200 TS bị nghi vấn nhờ người thi hộ; cơ quan chức năng mới phát hiện 7 người (đều là sinh viên) thi hộ cho một số sinh viên ĐH Lạc Hồng. Có 3 cán bộ làm việc tại cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh nhưng đều thi rớt.
Theo Thanh Niên
Đồng Nai: Khởi tố 10 đối tượng làm giả hồ sơ, giấy tờ
Ngày 6-3-2012, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Đỗ Văn Thắng (37 tuổi, trú P.An Bình, TP. Biên Hòa) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu. Cùng bị khởi tố với Thắng về hành vi này còn có 9 bị can khác là: Trịnh Ngọc Nam, Lê Minh Liệt, Ngô Hòa Trọng, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Thị Dung, Dương Văn Hiếu, Nguyễn Thị Kim Anh, Lê Thị Điệp và một đối tượng tên M. Qua chuyên án, CA thu 4 xe môtô, 13 điện thoại di động, máy vi tính xách tay và để bàn có lưu trữ 50 mẫu bằng đại học đã cấp, máy ép nhựa và các công cụ dùng vào việc sản xuất bằng cấp, chứng chỉ giả; hàng trăm bằng cấp, chứng chỉ và phôi bằng các loại.
Lúc 9 giờ 50 ngày 29-2-2012, Công an phường Long Bình, TP. Biên Hòa tổ chức kiểm tra hành chính tại phòng trọ số 7, nhà trọ số 40, tổ 20, KP6, phường Long Bình bắt quả tang Đỗ Văn Thắng và Trịnh Ngọc Nam đang trao đổi một số bằng tốt nghiệp đại học, phổ thông trung học, bằng lái xe A1 và nhiều phôi bằng. Qua đấu tranh, hai đối tượng khai những văn bằng trên là giả. Công an phường Long Bình đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục hồ sơ bàn giao đối tượng và tang vật cho cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh thụ lý theo thẩm quyền.
Trước cơ quan điều tra, Đỗ Văn Thắng khai vào năm 2000 quen với Lê Thị Điệp ở TP. Biên Hòa (còn gọi là Năm Điệp, Năm Ngọc). Khi đó Thắng biết Điệp mua bán giấy tờ giả nhưng không có quan hệ làm ăn. Tháng 6-2011, Thắng gặp Thành nhờ chỉ cho cách thức làm các loại văn bằng, chứng chỉ giả. Sau đó, Thắng làm được một số văn bằng, chứng chỉ giả rồi nhờ Điệp tiêu thụ. Điệp yêu cầu Thắng làm thêm 4 bằng tốt nghiệp THPT giả.
Quá trình làm bằng giả khá tinh vi, Thắng vẽ con dấu nổi, đánh máy nội dung vào phôi bằng trắng do Thành cung cấp, đồng thời nhờ Thành làm giả một số loại văn bằng mà mình không có khả năng làm được. Thắng bán bằng THPT với giá 500.000đ/cái, bằng nghề 400.000đ/cái. Để mở rộng mối quan hệ làm ăn, Thành giới thiệu cho Thắng làm quen với Hùng cũng là đối tượng chuyên làm giả hồ sơ, giấy tờ tại tỉnh Bình Dương. Từ tháng 7-2011 đến ngày bị bắt, Thắng đã 10 lần nhận văn bằng, chứng chỉ giả. Sau khi hoàn tất, Thành giao lại cho Thắng để chuyển cho Hùng. Thắng được Thành trả công 100.000đ/văn bằng, chứng chỉ.
Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, tháng 1-2012, Thắng rủ Trịnh Ngọc Nam là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định cùng tham gia. Để đánh lạc hướng cơ quan chức năng, mỗi lần Hùng điện thoại giao văn bằng chứng chỉ, Thắng đều yêu cầu Nam chạy xe môtô tới cầu Bình Triệu, quận Bình Thạnh, TPHCM để nhận và giao lại cho Thắng. Nam được Thắng trả công 200.000đ mỗi lần giao nhận. Ngày 29-2-2012, theo yêu cầu của Thắng, Nam đến điểm hẹn trước nhận tài liệu từ Hùng mang về phòng trọ tại tổ 20, KP6, phường Long Bình giao cho Thắng, thì bị Công an phường Long Bình ập vào bắt quả tang.
Quá trình mở rộng điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ các đối tượng có liên quan gồm: Nguyễn Thị Dung, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Ngọc Thủy, Lê Minh Liệt, Dương Văn Hiếu. Nguyễn Thị Kim Anh (con gái Nguyễn Ngọc Thủy - đối tượng trong đường dây làm giả giấy tờ này).
Theo CATP
Quét vân tay để tránh thi hộ Để tránh thi hộ và thực hiện nghiêm túc việc thi cử trong học phần, Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội vừa áp dụng công nghệ quét vân tay trên máy. Theo đó, qua trao đổi với Dân trí, GS.TS Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, cho biết: "Trường đưa ra...