“Làm quyết liệt hơn nữa công tác giảm nghèo”
Ngày 7-1, tại buổi làm việc với Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, dù ngân sách khó khăn, nhưng năm 2013 Nhà nước không cắt giảm bất cứ chính sách phúc lợi xã hội nào.
Năm 2013 ngành lao động tiếp tục đề xuất chính sách mới hỗ trợ người nghèo
Hạn chế chỉ tiêu năm 2012
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, hầu hết các chỉ tiêu của Bộ năm nay đều không hoàn thành mục tiêu đề ra. “Năm 2012, thị trường hàng hoá, bất động sản … giảm mạnh, hàng tồn kho cao, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực của ngành, đặc biệt trong việc thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm, giảm nghèo…” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết. Dù số việc làm tăng thêm hơn 1,31 triệu người nhưng tính chung giải quyết việc làm trong nước chỉ đạt 95,36% kế hoạch (1,44 triệu người). Xuất khẩu lao động đạt 80.000 người đạt 88,9% kế hoạch.
“Tuy không đạt kế hoạch, nhưng đây là kết quả tích cực trong điều kiện kinh tế thế giới khôi phục chậm, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước tiếp nhận lao động tăng cao”, ông Hòa nói. Với công tác dạy nghề, đã tuyển mới dạy nghề cho trên 1,4 triệu người, đạt 78,6% kế hoạch. Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tập trung đầu tư cho vùng khó khăn, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước cuối năm 2012 còn 10%, giảm 1,76% so với cuối năm 2011, trong khi mục tiêu là 2%.
Không cắt giảm chính sách xã hội
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với 1,5 triệu việc làm mới, tỷ lệ giảm hộ nghèo đạt 1,76%, lao động thất nghiệp đô thị vào khoảng 4%, ngành lao động đã góp phần lớn trong việc ổn định xã hội. “Ngay cả khi khó khăn nhất, nhà nước cũng không để ảnh hưởng hay cắt giảm các chính sách xã hội. Việc cho hộ nghèo có con đi học được vay tín dụng phải cần tới 7.000 – 8.000 tỷ đồng. Chính phủ phải cân đối để đảm bảo không có trường hợp nào vì không có tiền mà phải bỏ học. Tổng ngân sách năm 2012 chi cho an sinh xã hội tăng 33% so với năm 2011″ – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Đề xuất kế hoạch năm 2013, ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội – Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để khắc phục tâm lý ỷ lại của một số người được hưởng chính sách phúc lợi xã hội bên cạnh việc bổ sung chính sách hỗ trợ cho các hộ cận nghèo trong sản xuất, y tế, tín dụng thì cần hạn chế chính sách hỗ trợ không gắn điều kiện, hạn chế cho không mà nên quay vòng để nhiều đối tượng được thụ hưởng. Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế khuyến khích các hộ thoát nghèo bền vững như áp dụng các biện pháp khen thưởng – ông Thi đề xuất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà ngành lao động đề ra cho năm 2013, trong đó có một số chỉ tiêu lớn như tạo việc làm cho 1,6 triệu người; tuyển mới dạy nghề cho 1,9 triệu người; 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cư dân nơi cư trú; giảm 2% hộ nghèo của cả nước, trong đó các huyện nghèo giảm 4% so với cuối năm 2012. “Ngành lao động cần tập trung làm quyết liệt hơn nữa công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc” – Thủ tướng nhấn mạnh. Với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Thủ tướng yêu cầu phải gắn liền với công việc người dân đang làm để họ có kiến thức tốt hơn, tạo ra năng suất lao động cao hơn. Với chính sách ưu đãi người có công, ngành lao động lưu ý rà soát để không bỏ sót các đối tượng có công với cách mạng mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước. “Trong dịp này, tôi đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ với với các Bộ, ngành địa phương chăm lo Tết cho người dân, nhất là các hộ nghèo, các đối tượng chính sách; đảm bảo cho nhân dân đón Xuân mới đầm ấm, vui tươi, an toàn và lành mạnh” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Theo ANTD
Kiều hối có thể đạt mức kỷ lục 11 tỷ USD
Theo dự báo của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, kiều hối năm nay có thể đạt từ 10 - 11 tỷ USD (tăng khoảng 15 - 20% so với năm 2011). Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm qua.
Đối tượng đóng góp rất lớn vào nguồn kiều hối năm nay đến từ hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài và đặc biệt là 400.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và khu vực Trung Đông. Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã có thành công trong việc giữ ổn định tỷ giá, chính vì vậy lượng kiều hối chuyển về được bán và gửi lại cho ngân hàng cũng tăng lên rất nhiều.
Ông Trần Quang Đại - Trưởng phòng Kiều hối và Ngoại hối Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) nhận định, kinh tế thế giới đóng vai trò quyết định đến lượng kiều hối chuyển về Việt Nam. Hiện nay, khu vực châu Âu phải đối diện với vấn đề nợ công, kinh tế Mỹ vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc đã khiến cho luồng tiền kiều hối từ hai khu vực này giảm đi rất nhiều.
Theo ANTD
Đầu tư của Việt Nam vào Campuchia tăng Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia (AVIC) cho biết trong năm 2012, dù gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới nhưng VN đã tiếp tục đầu tư vào Campuchia 34 dự án, nâng tổng số dự án tại Campuchia lên 124, với tổng vốn đầu tư đạt 2,5 tỉ USD (gấp 4,4 lần so với...