Làm phim đề tài dân tộc: Ê-kíp “ngồi máy lạnh”, than rằng kinh phí ít?
Giới chuyên môn, chuyên gia dân tộc học cho rằng, làm phim về đề tài dân tộc ngoài đầu tư kịch bản, kinh phí… người làm phim phải đi sâu, đi sát với nhân dân để có những tác phẩm đúng và trúng.
Làm phim đề tài dân tộc: Kinh phí hơn 1 tỷ, 45 ngày rong ruổi, bọ mát đốt khắp người
Có lẽ hiếm khi nào câu chuyện làm phim về đề tài dân tộc thiểu số lại nhận được sự chú ý của công chúng và được giới chuyên môn, các chuyên gia dân tộc học tranh luận, chia sẻ sôi nổi như những ngày qua.
Thực tế, bên cạnh những bộ phim khai thác đề tài đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số gây ra luồng ý kiến trái chiều thì điện ảnh Việt cũng có những tác phẩm “nói đúng, kể chuẩn” về cộng đồng dân tộc thiểu số.
Chuyện của Pao là một trong những bộ phim như thế. Tác phẩm của đạo diễn, biên kịch Ngô Quang Hải kể về người H’Mông ở vùng núi phía bắc Việt Nam (được chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy) đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và Quốc tế: 4 giải Cánh diều Vàng tại Giải Cánh diều năm 2005 và giải đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương lần 51.
Phóng viên Dân trí liên hệ với “cha đẻ” Chuyện của Pao để hỏi anh về câu chuyện hậu trường, quá trình thực hiện bộ phim ra sao mà khi lên sóng… dường như không để lại bất kì “hạt sạn” đáng tiếc nào. Phim được đón nhận với nhiều phản hồi tích cực.
Đạo diễn Ngô Quang Hải (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Nam đạo diễn bày tỏ, anh thấy khá bất ngờ khi bộ phim của mình sau 18 năm được quan tâm trở lại. Anh cho rằng, để làm một bộ phim hay và chuẩn mực dù về đề tài nào cũng cần nhiều yếu tố. Trong đó, có hai yếu tố quan trọng nhất là kỹ thuật và thẩm mỹ.
Thẩm mỹ ở đây theo anh không chỉ là cái đẹp theo nghĩa đen đơn thuần mà ở tầng sâu hơn là thẩm mỹ về văn hóa của bộ phim, và nó phải nằm trong bối cảnh thẩm mỹ của nền tảng lịch sử dân tộc đó. Nếu bộ phim đạt được tính thẩm mỹ, nó sẽ tự nhiên “ngấm” vào lòng công chúng.
Với Chuyện của Pao, đạo diễn, biên kịch Ngô Quang Hải chia sẻ, bộ phim đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức. Từ việc lên ý tưởng đến khi quay là 3 năm (2002-2005). Phim được quay trong hơn 1 tháng (45 ngày) với kinh phí ít ỏi: Hơn 1 tỷ đồng.
Ê-kíp đã làm việc với sự sáng tạo tối đa để có thể tạo ra những thước phim tốt nhất có thể. Đoàn làm phim Chuyện của Pao không có mô-ni-tơ – một thiết bị màn hình được ghi lại để xem lại sau mỗi cảnh quay – mà buộc phải tin vào các thông số kỹ thuật của quay phim.
Phim gần như chỉ được quay 1 đúp vì lượng phim nhựa khi đó có hạn (7.000m phim sống trong khi độ dài của phim đã là 2.800m).
Theo đạo diễn Ngô Quang Hải, toàn bộ bối cảnh trong phim đều phải cải tạo lại theo trí tưởng tượng của người bản địa và phải trở lại nguyên sơ nhất với gỗ, đá, đường mòn, hoa cải vàng, bờ rào đá…
Anh đã huy động mọi người gom tất cả đá ở khu vực đó để làm bờ rào, và xin phép chính quyền đánh những cây xà mu cao 4-5m về trồng. Tất cả đều phải tưới trong 3-6 tháng để cây có thể tươi tốt, phục vụ cho bối cảnh.
“Trong suốt 45 ngày, sáng nào chúng tôi cũng dậy sớm tinh mơ, chất mọi đồ đạc lỉnh kỉnh lên xe và bắt đầu rời thị trấn Đồng Văn.
Trong suốt quá trình quay, chúng tôi phải di dời ở tất cả 12 bối cảnh từ Đông Bắc sang Tây Bắc, tận Đồng Văn, Mèo Vạc. Ở đó có rất nhiều bọ mát, cả đoàn làm phim phải đánh vật với chúng suốt 45 ngày quay phim. Ai cũng bị bọ mát đốt khắp người.
Chúng tôi đã phải lội trên con đường đầy bùn đất vào bản Sủng Là – nơi bối cảnh chính của phim. Chúng tôi đã cải tạo đường, làm cống để xe tải của đoàn phim có thể vào bối cảnh, và chúng tôi đã thuyết phục dân bản ủng hộ chúng tôi làm bộ phim về cuộc sống của chính họ.
Và đoàn phim đã được giúp đỡ, chúng tôi đền bù hoa màu cho bà con trong bản để làm đường”, anh kể.
Đạo diễn Ngô Quang Hải chia sẻ thêm, vì không có nhiều thời gian và tiền bạc nên đoàn phim phải tính toán làm thật kỹ các khâu đầu tiên.
Chính vì thế, khi đến phần trang phục, anh rất lo lắng, và đã phải thực hiện nhiều chuyến đi khắp vùng Tây Bắc, Đông Bắc để tìm những hoa văn tinh tế nhất trên trang phục của đồng bào Mông, càng gần nguyên bản càng tốt.
“Sau một tuần, người họa sĩ của tôi là anh Nguyễn Mạnh Thắng tức Thắng Nghệ trở về với mặt mày xanh lè, tay đầy màu nhuộm. Anh ấy nói rằng, đã đến chỗ con cháu của vua Vương Chí Sình để học cách dệt vải và thêu váy cho đồng bào Mông.
Anh ấy mang về cho tôi bốn bao tải vải, tôi lọc ra những gì đẹp nhất và ướm vào trang phục của nhân vật.
Trước đó, chúng tôi cũng đã tham khảo tại Bảo tàng Dân tộc học để nghiên cứu trang phục. Vì vậy, trang phục người Mông trong phim của tôi cố gắng trở lại nguyên bản nhất có thể. Những bộ quần áo nhân vật Pao hay bà Kía mặc, tất cả đều khâu bằng tay.
Một bộ trang phục phải làm 2-3 phiên bản để đề phòng những lúc có cảnh bị ướt hoặc hư hỏng”, anh nói.
“Chuyện của Pao” là tác phẩm phim truyện nhựa thành công về đề tài dân tộc thiểu số (Ảnh: VTV).
Video đang HOT
Nam đạo diễn tâm sự, khi ê-kíp làm xong những bộ quần áo, chúng được nhân vật Pao, bà Kía và những cô gái trẻ mặc thử rồi đến gặp những cụ già ở vùng cao, vùng sâu, hỏi họ xem có giống người H’Mông chưa.
“Tôi thấy có một bà mắt rất kém, bà ấy nhìn rất kĩ, đến 10 phút, không nói gì cả, rồi một lúc mới nói, qua lời một chủ tịch xã dịch lại cho tôi: “Cái này giống ông bà mình mặc ngày xưa đấy”. Tôi yên tâm vô cùng.
Sau đó, tôi hiểu người H’Mông có một cơ cấu về gia đình, về dòng họ rất chặt chẽ. Muốn nhận được ý kiến của họ, muốn họ chấp nhận mình thì mình phải rất chân thành.
Tôi tin rằng bộ phim đã làm được điều như thế. Những điều trong phim như quần áo, phong tục, thức ăn, tiếng sáo,… chúng tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của những người bản xứ trên đó. Không có họ thì chúng tôi không thể làm được bộ phim này”, đạo diễn sinh năm 1967 bộc bạch.
Bộ phim từng lọt vào tranh giải Phim đầu tay hay nhất tại Liên hoan phim Montreal – Canada.
Đạo diễn Quang Hải nhớ lại, buổi chiếu đầu tiên tại Mỹ (Đại học Colombia- New York), anh không hề biết có 5 học giả chuyên nghiên cứu về người H’Mông trên khắp thế giới trong khán phòng 1.200 người.
“Sau khi xem, tôi nhận được một số câu hỏi từ khán giả và một trong những câu hỏi đó là: Tôi có phải là người H’Mông không? Tôi đã trả lời rằng: “Tôi là người Việt Nam và người H’Mông là đồng bào của tôi. Tôi tin rằng mình sinh ra ở đâu thì mình phải yêu quý nơi đó, và điều đó thể hiện trong cách tôi làm phim”, anh nói.
Ngôi nhà bối cảnh trong “Chuyện của Pao” (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Làm phim đề tài dân tộc bị phản ứng: Đừng đổ chỉ vì kinh phí ít?
Câu chuyện làm phim Chuyện của Pao lại một lần nữa khẳng định: Để làm phim về đề tài dân tộc thiểu số thành công, đúng, trúng và hay quả thật không hề dễ dàng. Những bài học rút ra, đôi khi phải đổi bằng gian khó, hi sinh, thậm chí bằng máu và nước mắt.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, khi làm các phim về đề tài miền núi, các nhà làm phim cần phải đi sâu, đi sát với đời sống nhân dân để có những tác phẩm chân thực.
Bà Nhã nói, khi làm phim Vợ chồng A Phủ, đạo diễn đã có cách truyền tải uyển chuyển nên được khán giả ủng hộ. Khi đóng Mị, nghệ sĩ Đức Hoàn dù có gương mặt khá Tây nhưng được hóa trang, mặc trang phục dân tộc đẹp nên nhìn lại rất thuần Việt, trong sáng.
“Biên kịch phim gần đây, một số người… đút chân gầm bàn, ngồi phòng máy lạnh để viết kịch bản. Có người rất lười, dùng tư duy “Kinh hóa” để viết kịch bản nên bị phản ứng dữ dội”, bà Nhã chia sẻ.
Bà Trịnh Thanh Nhã nói thêm, các nhà làm phim nên có những buổi tiền trạm để đạo diễn, biên kịch, họa sĩ đi lên vùng cao xem người dân ăn ở thế nào, xem trang phục, nói năng tập quán ra sao thì mới có những thước phim hay, chân thực được.
Trang phục của phim “Đi giữa trời rực rỡ” nhận ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia dân tộc học và người dân tộc Dao (Ảnh: Nhà sản xuất).
Khi được hỏi, chuyện kinh phí có phải là rào cản khiến nhiều bộ phim không chịu đầu tư kịch bản, bối cảnh không, biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói: “Đừng nói chuyện không có kinh phí, đoàn phim nếu không có tiền, chỉ cần bỏ 20 triệu cho ê-kíp đi thực tế trước khoảng vài tháng là được. Như sắp tới, chúng tôi cũng chuẩn bị làm phim về người người dân tộc thiểu số. Chúng tôi đi thực tế 1 tuần thì mới viết kịch bản được”.
Bà Nhã thẳng thắn cho rằng, nếu không có điều kiện đi thực tế xa, các nhà làm phim có thể hỏi chuyên gia ở Hà Nội.
“Tôi từng mời anh Bàn Tuấn Năng đến nhà trò chuyện để hiểu hơn về người dân tộc thiểu số. Nếu biên kịch… ăn xổi, chỉ có đi một ngày thực tế xong thôi, không hiểu gì về bà con thì phim sẽ rất nhạt nhòa, không đúng thực tế”, bà bộc bạch.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS. Hà Thanh Vân (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, khi làm phim về các dân tộc thiểu số, thì các yếu tố dân tộc học và văn hóa, đời sống, tôn giáo, tín ngưỡng… của dân tộc đó được nói đến như thế nào, có chính xác không, là một trong những điều quan trọng nhất của phim.
Vì thế, để tránh tình trạng làm phim sai lệch, chưa đúng chuẩn, có thể áp dụng một số phương thức như sau:
Các nhà làm phim từ biên kịch đến đạo diễn, từ thiết kế mỹ thuật đến quay phim… nên có một số vốn hiểu biết về dân tộc đó với đề tài mà bộ phim thực hiện.
Dĩ nhiên, không thể đòi hỏi phải có vốn hiểu biết toàn diện, phong phú, song có thể tìm hiểu, học hỏi qua những lần đi thực tế, khảo sát địa điểm quay phim.
Quá trình làm phim cũng là quá trình tự học hỏi thêm của những người trong đoàn làm phim, khiến cho họ có những trải nghiệm thực tế về cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó đưa những chất liệu từ đời sống lên phim.
Nếu có thể, mời một số đồng bào dân tộc thiểu số cũng tham gia đoàn làm phim trong nhiều vai trò: Tư vấn văn hóa, đóng một số vai nào đó. Như vậy, khán giả khi xem về một bộ phim về người dân tộc thiểu số cũng sẽ có cảm giác thấy bộ phim chân thật, mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc hơn.
Cũng có thể mời một số chuyên gia về văn hóa dân tộc đó làm cố vấn cho phim nhằm đảm bảo bộ phim đúng chuẩn, chính xác.
Và cuối cùng, các nhà làm phim nên biết lắng nghe ý kiến phản hồi của công chúng sau khi bộ phim ra đời, để có những kinh nghiệm cho các bộ phim sau.
Các diễn viên trong hậu trường phim “Đi giữa trời rực rỡ” (Ảnh: Facebook nhân vật).
Khi được hỏi: “Có chuyên gia thẳng thắn nói các bộ phim đề tài dân tộc thiểu số làm chưa tới, chị thấy sao?”. Bà Vân nói: “Tôi thích dùng một câu nói vui của người miền Nam là “thấy vậy mà không phải vậy”.
Trong trường hợp này, ý tôi muốn nói sự lệch chuẩn, thiếu chính xác về các khía cạnh văn hóa của các dân tộc thiểu số, khi lên thành phim, sẽ tạo ra những hiểu biết, kiến thức sai lệch của khán giả về dân tộc đó. Nên nhớ, phim ảnh ngoài việc phục vụ cho nhu cầu giải trí, thì còn hướng đến những mục đích quan trọng khác như: sự nhận thức, giáo dục”.
TS. Hà Thanh Vân cho biết, kinh phí hạn chế sẽ là rào cản để có những bộ phim hay về các dân tộc thiểu số.
“Tôi cho rằng ngoài việc chú ý đầu tư kinh phí từ các đơn vị sản xuất, thì rất nên xã hội hóa, tìm và vận động những nguồn đầu tư, tài trợ từ các cá nhân, cơ quan, đơn vị khác, hay thậm chí từ chính chính quyền địa phương nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để làm những bộ phim hay, tôn vinh văn hóa dân tộc thiểu số”, TS. Hà Thanh Vân bày tỏ.
TS. Trần Hữu Sơn – Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng – cũng cho rằng, điểm yếu của một số nhà làm phim là tư tưởng coi thường người miền núi. Điều đó thể hiện ở ngôn ngữ, trang phục. Họ vẫn có ấn tượng người miền núi là lạc hậu, người miền núi phải nói ngọng…
“Đây là một bài học cho các nhà làm phim, vì các nhà làm phim và các nhà sản xuất phim rất coi thường các nhà nghiên cứu dân tộc học. Theo tôi, phải có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, không thể làm phim đại khái”, TS.Trần Hữu Sơn bày tỏ quan điểm.
Làm phim đề tài dân tộc: "Miếng bánh" khó nhằn, đầu tư 6 tỷ vẫn dừng chiếu
Bộ phim về người Dao "Đi giữa trời rực rỡ" đang nhận những ý kiến trái chiều của các chuyên gia dân tộc học. Đáng nói, đây không phải là lần đầu phim đề tài dân tộc thiểu số gây ồn ào không đáng có.
Nhận tranh cãi trái chiều và... ngưng phát sóng
Bộ phim Đi giữa trời rực rỡ mới phát sóng được 7 tập đã dành được sự quan tâm, chú ý của khán giả. Bộ phim nhận được những lời khen cho các cảnh quay núi non hùng vĩ của Cao Bằng. Diễn xuất tự nhiên, trong trẻo của diễn viên trẻ Long Vũ (nhân vật Chải) và Thu Hà Ceri (vai Pu) cũng được khán giả yêu thích.
Tuy nhiên, tác phẩm của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cũng vấp phải không ít phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng và những chuyên gia dân tộc học. Nguyên nhân xuất phát từ việc phim có những "hạt sạn", sai với cách người Dao thực hành văn hóa.
Theo đó, khán giả nhận thấy trang phục và cách sử dụng trang phục, tập quán của người Dao đỏ có một số chỗ chưa phù hợp với thực tế. "Người Dao không mặc bộ lễ phục đính chùm bông đỏ đi chăn trâu như trong phim. Mấy bộ này chúng em chỉ diện vào dịp đặc biệt quan trọng, lễ tết, đám cưới thôi", "Cách buộc khăn đầu kia sai cách, các chị các cô đeo không bị luộm thuộm như trên màn ảnh nhỏ",... là những bình luận của một bộ phận người dân tộc Dao về bộ phim.
Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng - Ủy viên Ban thường vụ Hội Trí thức khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng ban đại diện nhóm "Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc", là người Dao quê ở Nguyên Bình (Cao Bằng), nơi diễn ra bối cảnh quay chính của bộ phim - cũng cho rằng, trong phim, nữ chính tên Pu mặc lễ phục người Dao đỏ (tương tự áo dài lễ phục của người Kinh) đi chăn trâu là chưa đúng. Nhân vật Chải đeo yếm nữ nhảy múa, đây là hình ảnh sai lệch, tương tự một nhân vật nam người Kinh mặc áo ngực của phụ nữ để ra đường.
Theo ông, hình ảnh người phụ nữ đứng trước ban thờ thắp hương cũng là điều cấm kị của người Dao. Người Dao không coi thường nữ giới. Dù phụ nữ ngồi ăn dưới bếp, đàn ông được ngồi gian giữa, nhưng đồ ăn là như nhau, mâm đàn ông uống rượu, thì phụ nữ cũng có rượu. Người Dao không có quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường. Nếu không có con trai thì họ đổi họ cho con rể để thành con trai của mình...
Đáng nói, đây không phải là bộ phim đầu tiên khai thác đề tài đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số gây ra luồng ý kiến trái chiều. Vào năm 2017, bộ phim truyền hình nhiều tập Lặng yên dưới vực sâu sau khi phát sóng cũng nhận chỉ trích vì xây dựng hình ảnh không chân thực.
Cảnh trong phim "Đi giữa trời rực rỡ" (Ảnh: VTV).
Cụ thể, dàn diễn viên quá "thành phố", trắng trẻo diện những trang phục của đồng bào Mông nhưng vẫn nói ngôn ngữ của người Kinh pha chút "lơ lớ" tiếng địa phương khiến khán giả thấy... khó chấp nhận.
Thậm chí, một số bộ phim nói về đề tài dân tộc thiểu số nhưng diễn viên lại nói đặc tiếng Hà Nội. Nhiều bộ phim khác cũng bị cho là mắc lỗi tương tự như: Tình thắm Sa Pa, Chiếc vòng bạc, Chim Phí bay về nguồn cội, Đỉnh núi mờ sương...
Đáng nói nhất, vào năm 2011, bộ phim dài 30 tập Hãy cùng em điệu Sarikakeo về cuộc sống và văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ ngay sau khi phát sóng tập đầu tiên, trên khung giờ vàng VTV1 đã phải... ngưng phát sóng.
Lý do được cho là bộ phim đã "đụng chạm" đến những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tôn giáo và nhiều hình ảnh phản ánh không chân thực đời sống của đồng bào dân tộc Khmer.
Cụ thể: Tăng ni Nam tông Khmer phải cạo hết chân mày nhưng trong phim, người đóng vai vẫn giữ chân mày; khi sư khất thực hai tay cầm bát chứ không chắp lại như trong phim...
Ngay cả lời thoại của các nhân vật cũng không thể hiện đúng lối sống, suy nghĩ và tín ngưỡng của người Khmer. Ví dụ như nhà sư đi tu rồi mà bố mẹ vẫn gọi bằng "nó" là không đúng...
Mặc dù là bộ phim đầu tiên của VTV thể hiện bản sắc văn hóa và nghị lực vươn lên của đồng bào dân tộc Khmer, cũng là bộ phim nhằm góp phần quảng bá du lịch cho tỉnh Sóc Trăng nhưng phim vẫn bị dừng chiếu.
Đoàn làm phim sau đó đã phải lên tiếng "cầu cứu" vì chi phí đầu tư cho bộ phim quá lớn, lên tới 6 tỷ đồng.
Nhà sản xuất của phim khi đó cho rằng, trước khi bắt tay vào thực hiện, bộ phim đã đi qua đủ các khâu xét duyệt mới tiến hành bỏ vốn đầu tư.
"Vậy không hiểu lý do gì mà phim đã được duyệt, vừa phát sóng một tập đã phải ngưng, gây tổn thất về tiền bạc, uy tín của hãng phim và hoang mang cho hàng trăm con người tham gia đoàn phim", đại diện nhà sản xuất từng bức xúc.
Diễn viên Long Vũ (trái) và Thu Hà (phải) ở hậu trường phim "Đi giữa trời rực rỡ" (Ảnh: Facebook nhân vật).
Làm phim về dân tộc thiểu số: Đúng, trúng, hay... thất bại?
Thất bại của nhiều bộ phim làm về đề tài dân tộc thiểu số cho thấy đây là một trong những "mảng miếng" khó nhằn. Để làm phim về đề tài này đúng, trúng và hay quả thật không phải là chuyện dễ dàng.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết, làm phim về đề tài dân tộc thiểu số khó ở chỗ phải làm thật, phải phù hợp với tâm sinh lý, tập tục, văn hóa của bà con vùng cao.
Nếu bị pha trộn suy nghĩ, lời nói, hành xử của người miền xuôi thì phim sẽ thiếu tính chân thật.
"Nếu ê-kíp áp đặt suy nghĩ của mình vào phim, sẽ bị phản ứng là không giống. Để làm được điều này, đòi hỏi người đạo diễn phải có kinh nghiệm, sự trải nghiệm, phải sống và gần gũi với đời sống của bà con dân tộc thiểu số.
Mới đây, đạo diễn Hà Lệ Diễm cũng thành công với phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương, cô ấy đã sống cùng, làm người bạn đồng hành cùng bà con dân tộc mấy năm liền. Nếu không tiếp cận, không ở cùng bà con sẽ khó có tinh thần của phim về đề tài dân tộc miền núi", NSND Thanh Vân nói.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết thêm, bên cạnh sự trải nghiệm tự thân của ê-kíp với đồng bào dân tộc thiểu số thì sự tư vấn của các chuyên gia văn hóa cũng cần thiết.
"Vợ chồng A Phủ" (trái) và "Chuyện của Pao" là hai trong số những tác phẩm thành công của điện ảnh Việt về đề tài dân tộc thiểu số (Ảnh: VTV).
"Không phải ai cũng có những kiến thức sâu về bà con dân tộc nên cần có những ý kiến của các nhà văn hóa.
Hãng phim truyện Việt Nam từng có phim Vợ chồng A Phủ, Đất nước đứng lên... cũng là đề tài về dân tộc thiểu số, tác phẩm được đánh giá rất cao.
Ngày đó, các đạo diễn tìm hiểu rất sâu về văn hóa, phong tục tập quán nơi mà mình sẽ làm phim nên hình ảnh và câu chuyện được nhiều người thích và nhớ mãi", nam đạo diễn kể lại.
Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cho biết, những bộ phim thành công gần đây làm về đề tài dân tộc thiểu số có thể kể đến như Chuyện của Pao, Khỏa nước sông Quy... vì những phim này đã nói đúng, kể chuẩn về cộng đồng dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, vẫn còn có phim bị phản ứng vì xa rời thực tế đời sống của người miền núi.
Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng (thứ ba từ phải sang) cùng nhóm phụ nữ người Dao mặc thường phục và lễ phục (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Nhiều năm gần đây, đời sống của đồng bào đã có nhiều đổi thay tích cực. Sự phát triển của mạng internet và điện thoại thông minh đã làm nhận thức của bà con đổi khác.
Thế nhưng, nhiều nhà làm phim vẫn tư duy rằng phản ánh về bà con là phải có chút lạc hậu, chút ngô nghê, chút "thô lỗ", vô hình chung đã làm cho phần lớn cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam luôn tỏ ra không hài lòng, thậm chí khó chịu, khi xem phim về đề tài dân tộc thiểu số", ông Bàn Tuấn Năng nói với phóng viên Dân trí.
Theo ông Năng, một số phim làm về đề tài dân tộc thiểu số bị phản ứng vì quy trình duyệt phim về đề tài này chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc là phải có chuyên gia dân tộc học.
Thứ hai là những người làm phim trong quá trình sáng tác, nặng về suy diễn theo cảm quan nghệ thuật mà thiếu tư duy khoa học về dân tộc học.
Thứ ba là họ ngại hỏi, ngại mời chuyên gia vì nếu như vậy, yêu cầu về kỹ năng, bối cảnh, trang phục, đạo cụ... khó khăn hơn.
Nhưng ông Bàn Tuấn Năng cho rằng, nếu đoàn phim nhập tâm và chịu trau dồi kiến thức dân tộc học thì việc làm phim sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Nghệ sĩ Vân Dung tiết lộ con trai từng nhiều lần trượt casting Ít ai biết rằng, trước khi có vai chính gây sốt trong "Đi giữa trời rực rỡ", Long Vũ - con trai nghệ sĩ Vân Dung từng miệt mài đi casting, suốt 4 năm đại học không nhận được bất cứ lời mời đóng phim nào. Diễn viên Long Vũ, con trai nghệ sĩ Vân Dung, hiện đang được nhiều khán giả yêu...