Lạm phát tại Nga dự báo lập đỉnh vào Hè 2022
Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat) ngày 8/4 cho biết tỷ lệ lạm phát tại nước này đã lên đến 16,7% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2015, trong khi giá thực phẩm thậm chí còn tăng mạnh hơn.
Khách hàng mua rau củ quả tại một chợ ở Moskva, Nga. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo Rosstat, giá cả trong tháng Ba, 1 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (24/2), đã tăng 7,5% so với tháng trước đó.
Ngân hàng trung ương Nga đã đặt mục tiêu lạm phát 4%, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây, con số lạm phát thực tế theo năm lại cao hơn gấp 4 lần mức mục tiêu đề ra. Các chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital dự đoán lạm phát của Nga sẽ đạt đỉnh ở mức 24% vào mùa Hè này.
Theo Rosstat, lạm phát giá thực phẩm, vốn là một mối lo ngại lớn đối với những người Nga có thu nhập thấp, đã lên đến 19,5% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá các loại mì đã tăng 25%, giá bơ tăng 22%, giá đường tăng đến 70% và giá rau quả tăng 35%. Các mặt hàng khác cũng chứng kiến đà tăng giá mạnh là vật liệu xây dựng (32%) và hàng điện tử gia dụng (40%).
Lạm phát tại Nga luôn ở đà tăng trong nhiều tháng qua do nhiều yếu tố, trong đó có sự phục hồi hậu đại dịch và giá nguyên vật liệu cao. Bên cạnh đó, quyết định triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã dẫn đến các lệnh trừng phạt gia tăng của phương Tây đối với nước này trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga từ năm 2004 liên quan đến Crimea vẫn còn hiệu lực.
Lạm phát của Nga chạm mức cao nhất kể từ năm 2015
Bộ Kinh tế Nga ngày 16/3 cho biết lạm phát tại nước này đã tăng lên mức 12,54% trong 12 tháng tính đến ngày 11/3, mức cao nhất kể từ cuối năm 2015 và cao hơn mức 10,42% ghi nhận một tuần trước, do đồng ruble mất giá đã khiến giá cả tăng vọt trước các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây.
Khách hàng mua rau củ quả tại một chợ ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, lạm phát tính theo tuần lại giảm nhẹ xuống 2,09% trong tuần kết thúc vào ngày 11/3, từ mức 2,22% một tuần trước đó, vốn là mức tăng giá mạnh nhất trong một tuần kể từ cuộc khủng hoảng năm 1998, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Rosstat. Giá của gần như mọi thứ, từ đồ ăn cho trẻ em đến dược phẩm, đều tăng mạnh trong tuần trước. Trong đó, giá đường và cà chua tăng hơn 12%.
Lạm phát tăng mạnh khi đồng ruble giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay và nhu cầu đối với một loạt mặt hàng, từ thực phẩm thiết yếu đến ô tô, có dấu hiệu gia tăng, trước những đồn đoán rằng giá cả sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Với mục tiêu lạm phát hàng năm 4%, Ngân hàng trung ương Nga đã nâng lãi suất chủ chốt lên 20% vào cuối tháng Hai. Các chuyên gia phân tích của ngân hàng Raiffeisen Bank cho rằng điều kiện tiền tệ thắt chặt sẽ tạo điều kiện để lạm phát giảm tốc, nhưng sẽ không thể ngăn lạm phát vượt mức 20% trong năm nay.
Ngân hàng trung ương Nga sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 18/3 và được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất.
WB: Kinh tế Nga đối mặt không ít rủi ro Nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Nga, ông David Knight ngày 20/12 đã nêu 4 rủi ro chính đối với nền kinh tế "xứ sở Bạch dương". Giàn khoan dầu LSP-1 của Tập đoàn LUKOIL thuộc Nga ở ngoài khơi Biển Caspi, cách Astrakhan khoảng 180km. Ảnh: AFP/TTXVN Theo ông Knight, 4 rủi ro đó là đại...