Lạm phát ở Mỹ lên cao nhất 40 năm, người tiêu dùng lao đao
Lạm phát tăng vọt trong năm qua ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ, xóa sổ các khoản tăng lương và củng cố quyết định của FED về tăng lãi suất vay trên toàn nền kinh tế.
Giá cả hàng loạt mặt hàng và dịch vụ tại Mỹ đã tăng vọt trong năm qua. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, ngày 10/2 Bộ Lao động Mỹ cho biết giá tiêu dùng đã tăng 7,5% trong tháng trước so với một năm trước đó, mức tăng mạnh nhất trong năm kể từ tháng 2 năm 1982. Sự tăng tốc của giá cả diễn ra khắp nền kinh tế, từ thực phẩm và đồ nội thất đến giá thuê căn hộ, vé máy bay và điện.
Tính từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, lạm phát là 0,6%, bằng với tháng trước và cao hơn mức dự kiến.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp và nhân công, những khoản viện trợ lớn từ liên bang, lãi suất cực thấp và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ cộng lại đã khiến lạm phát tăng vọt trong năm qua. Và có rất ít dấu hiệu cho thấy nó sẽ sớm giảm xuống đáng kể.
Tiền lương đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong ít nhất 20 năm, điều này có thể gây áp lực buộc các công ty phải tăng giá để trang trải chi phí lao động cao hơn. Các cảng và nhà kho bị quá tải, với hàng trăm công nhân tại các cảng Los Angeles và Long Beach, những cảng bận rộn nhất của quốc gia, đã mắc COVID-19 vào tháng trước. Do đó, nhiều sản phẩm và bộ phận vẫn bị thiếu hụt.
Video đang HOT
Giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ đã tăng từ tháng 12 đến tháng 1 – và không chỉ đối với các mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch. Chi phí cho thuê căn hộ đã tăng 0,5% trong tháng 1, tốc độ nhanh nhất trong 20 năm. Giá điện đã tăng 4,2% chỉ trong tháng 1, mức tăng mạnh nhất trong 15 năm và tăng 10,7% so với một năm trước đó. Tháng trước, đồ nội thất và vật dụng gia đình đã tăng 1,6%/tháng, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1967.
Chi phí thực phẩm, do giá trứng, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa đắt hơn, đã tăng 0,9% trong tháng 1. Giá vé máy bay tăng 2,3%. Giá ô tô mới, vốn đã tăng trong thời gian đại dịch vì thiếu chip máy tính, không thay đổi vào tháng trước nhưng tăng 12,2% so với một năm trước. Giá ô tô mới tăng mạnh cũng khiến ô tô cũ tăng giá nhanh, 1,5% trong tháng 1 và tăng chóng mặt 41% so với một năm trước.
Danh mục mức tăng giá cả của các loại hàng hoá, dịch vụ tại Mỹ. Nguồn: AP
Việc giá cả tăng hàng loạt đã khiến nhiều người Mỹ ít có khả năng chi trả cho thực phẩm, khí đốt, tiền thuê nhà, chăm sóc trẻ em và các nhu cầu thiết yếu khác. Nói rộng hơn, lạm phát đã nổi lên như một yếu tố rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Dân chủ khi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra cuối năm nay.
Trong số những người Mỹ đang phải vật lộn với thực phẩm và khí đốt giá đắt đỏ hơn có Courtney Luckey, người đã thay đổi thói quen mua sắm và nhận làm thêm ca tại một cửa hàng tạp hóa ở Charlotte, Bắc Carolina.
Luckey, 33 tuổi, từng có thể lấp đầy một giỏ hàng tạp hóa với giá 100 đô-la. Bây giờ, cô nói, 100 -la chỉ được một nửa giỏ hàng. Cà chua đã lên tới gần 5 đô-la một pound, “điều tôi nghĩ là quá nực cười”.
Ngay cả khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động, cái gọi là lạm phát lõi đã tăng 0,6% từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022 và 6% so với một năm trước.
Các cổ phiếu đã giảm trong phiên giao dịch buổi sáng sau khi báo cáo lạm phát được công bố, trong đó chỉ số S&P 500 giảm 0,6%. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên gần 2%, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nhận thấy nhiều đợt tăng lãi suất của FED sắp tới.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở New York, Mỹ ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Trong năm qua, chi phí gas, thực phẩm, ô tô và đồ nội thất tăng mạnh đã làm tiêu tốn nhiều tiền của người Mỹ. Vào tháng 12/2021, các nhà kinh tế tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania ước tính rằng một hộ gia đình trung bình phải chi nhiều hơn 3.500 USD so với năm 2020 để mua một giỏ hàng hóa và dịch vụ giống hệt nhau.
Báo cáo hôm 10/2 sẽ gia tăng áp lực lên FED và Chủ tịch Jerome Powell về thắt chặt tín dụng trong nỗ lực giảm tốc nền kinh tế đủ để hạ nhiệt lạm phát. Ông Powell đã báo hiệu hai tuần trước rằng ngân hàng trung ương có khả năng sẽ tăng lãi suất ngắn hạn chuẩn nhiều lần trong năm nay, với lần tăng đầu tiên gần như chắc chắn sẽ được đưa ra trong cuộc họp tiếp theo của FED vào tháng 3 tới.
Với dữ liệu lạm phát mới nhất, một số nhà kinh tế dự đoán FED có thể quyết định tăng lãi suất cơ bản vào tháng 3 thêm 1,5 điểm phần trăm, thay vì mức tăng theo quý thông thường.
Theo thời gian, lãi suất tăng cao hơn đó sẽ làm tăng chi phí cho một loạt các khoản vay, từ thế chấp và thẻ tín dụng cho đến các khoản vay mua ô tô và kinh doanh. Điều đó có thể làm giảm chi tiêu và lạm phát, nhưng đối với FED, rủi ro là việc thắt chặt tín dụng có thể gây ra một cuộc suy thoái khác.
IMF: Lạm phát tại Mỹ sẽ giảm trong quý II/2022
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 12/1 nhận định lạm phát tại Mỹ sẽ giảm trong quý II năm nay.
Người tiêu dùng mua hàng hóa trong siêu thị ở Glendale, California (Mỹ) ngày 12/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC, bà Georgieva nói điều đó liên quan đến việc giải quyết những vấn đề của chuỗi cung ứng và đã có những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy một số tiến triển đã đạt được.
Bộ Lao động Mỹ ngày 12/1 công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 12/2021 tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/1982.
Các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng các chỉ số tăng giá đối với nhà ở, ô tô đã qua sử dụng và xe tải là "những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc tăng giá tất cả các mặt hàng được điều chỉnh theo mùa". Giá thực phẩm cao hơn cũng là một yếu tố góp phần đáng kể vào lạm phát, mặc dù mức tăng 0,5% trong tháng trước ít hơn so với những tháng gần đây.
Tại Trung Quốc, bà Georgieva cho rằng các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã bị rút lại có phần sớm. Bà Georgieva nhận định tiêu dùng tại nước này đã không tăng đủ mạnh để bù lại những tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc có nguồn lực tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức 5%.
Theo bà Georgieva, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã thực hiện một số biện pháp hướng tới mục tiêu này và sẽ có nhiều kết quả đạt được.
Lạm phát Mỹ tăng cao nhất trong gần 40 năm Liên tục trong 6 tháng, giá cả tăng mạnh trong nhiều lĩnh vực từ nhà cửa, xăng cho đến thực phẩm, đang gây áp lực lên người tiêu dùng Mỹ trong mùa mua sắm cuối năm và kế hoạch phục hồi kinh tế của Tổng thống Joe Biden. Người dân Mỹ đi mua sắm ở một trung tâm thương mại thuộc bang Pennsylvania...