Lạm phát của Mỹ tăng lần đầu tiên trong năm nay
Các số liệu công bố ngày 26/5 cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát của Mỹ, đã tăng vào tháng 4 vừa qua, đảo ngược đà suy giảm những tháng gần đây và làm dấy lên lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng tới.
Người dân mua thực phẩm trong siêu thị tại Glendale, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, PCE tháng 4 năm nay tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng từ mức 4,2% của một tháng trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1 vừa qua PCE hằng năm của Mỹ tăng, chủ yếu do việc tăng giá dịch vụ, thực phẩm và hàng hóa.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) trong tháng 4 cũng tăng lên 4,7%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ xem xét các dữ liệu của nền kinh tế để đưa ra các quyết định chính sách tiếp theo nhằm kéo lạm phát trở lại mục tiêu dài hạn là 2%. Một số thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC – cơ quan hoạch định chính sách của Fed), trong đó có Chủ tịch Powell, cho rằng lãi suất đã tăng đủ mức để “hạ nhiệt” lạm phát. Bên cạnh đó, một số thành viên khác, như Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, bà Lorie Logan, mong muốn ngân hàng trung ương Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm một lần nữa tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6 tới.
Theo dữ liệu của CME Group, các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất vào ngày 14/6 tới. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng thể chế này sẽ vẫn tăng lãi suất.
Bồ Đào Nha, CH Séc ghi nhận lạm phát cao kỷ lục
Ngày 11/1, Viện Thống kê quốc gia (INE) Bồ Đào Nha công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này năm 2022 lên tới 7,8%, cao nhất kể từ năm 1992 và tăng 6,5 điểm phần trăm so với năm 2021.
Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá năng lượng và thực phẩm tăng cao là những nhân tố chính khiến CPI của Bồ Đào Nha tăng. Năm 2022, lạm phát của Bồ Đào Nha tăng mạnh trong nửa đầu năm nhưng giá cả đã chững lại trong 2 tháng cuối năm.
Trong khi đó, Văn phòng Thống kê Séc (CSU) cũng thông báo tỷ lệ lạm phát trung bình của nước này năm 2022 là 15,1%, mức cao thứ 2 trong vòng 3 thập kỷ qua. Mức lạm phát trung bình năm cao nhất ở CH Séc là 20,8% ghi nhận năm 1993.
Giới chức Phòng thống kê giá tiêu dùng của CSU cho biết giá hàng hóa ở CH Séc tăng 16,8% trong cả năm 2022, trong khi giá dịch vụ tăng 12,3%.
Trong tháng 12/2022, giá cả ở CH Séc tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn chút ít so với mức tăng 16,2% tháng 11. Theo CSU, nguyên nhân chính khiến lạm phát giảm nhẹ trong tháng 12 là giá ô tô và nhiên liệu tăng chậm lại với mức tăng lần lượt 9,2% và 4,4%, so với các mức tương ứng 12,7% và 14,5% của tháng 11. CSU nêu rõ giá cả tăng cao trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống không cồn cũng như nhà ở tiếp tục tác động mạnh nhất khiến giá cả ở Séc tăng.
Theo Ngân hàng Quốc gia Séc (CNB), mức tăng lạm phát trong tháng 12 thấp hơn mức dự báo trước đó nhưng vẫn cao hơn ngưỡng 3% mà ngân hàng này mong muốn. CNB dự báo lạm phát ở CH Séc sẽ tăng trong tháng 1/2023 trước khi giảm xuống những tháng sau đó.
Hải Yến (TTXVN)
Gia tăng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh St. Louis công bố gần đây cho biết, có tới hơn một nửa số bang ở Mỹ hoạt động kinh tế chậm lại, điều thường báo hiệu một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Khách hàng lựa chọn hàng hoá trong siêu thị ở Glendale,...