Lạm phát bất ngờ bùng phát trở lại, tăng kỷ lục 2,2%
Việc tăng giá thuốc, dịch vụ y tế và một loạt các mặt hàng trọng yếu trong rổ tính giá đã tác động mạnh tới CPI tháng 9, khiến chỉ số này bất ngờ tăng mạnh. So tháng 8, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng trên 17%, dịch vụ y tế tăng 23,87%.
Tổng cục Thống kê ngày 24/9 chính thức công bố về số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của cả nước.
Theo đó, sau hai tháng giảm phát và tháng 8 tăng nhẹ, CPI tháng 9 gây sửng sốt với mức tăng mạnh 2,2% so tháng trước, đẩy mức tăng so thời điểm tháng 12/2011 lên 5,23% và tăng 6,48% so cùng kỳ năm 2011.
Lạm phát trở lại là vấn đề lớn nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam.
Mức tăng “khủng khiếp” nhất phải kể đến nhóm thuốc và dịch vụ y tế, tăng 17,02% so tháng trước, trong đó dịch vụ y tế tăng 23,87%.
Kế đến, chỉ số giá ở nhóm giáo dục cũng tăng tới 10,54%.
Sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng liên tiếp trong thời gian vừa qua, chi phí ở nhóm giao thông cũng tăng mạnh lên 3,83% so tháng 8.
Video đang HOT
Trong 11 nhóm hàng hóa thuộc rổ tính giá của tháng này, không có nhóm nào giảm giá, thậm chí, nhóm bưu chính viễn thông vốn có “truyền thống” luôn giảm so tháng trước thì tháng này cũng tăng 0,01%.
Chiếm tỉ trọng 40% rổ tính giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng đã ghi nhận mức tăng giá nhẹ trong tháng 0,08%, trong đó, chỉ duy nhất giá thực phẩm giảm 0,07%, còn lại lương thực tăng 0,35% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,27%.
Ở nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, chỉ số giá tăng mạnh 2,18% cho thấy tác động của điều chỉnh giá điện, nước và nhiên liệu đã tác động mạnh mẽ lên chỉ số giá chung của nhóm này.
Đồng thời, việc tăng giá ở nhóm này cũng đặt ra vấn đề về việc đảm bảo mức sống cho người dân lao động và công nhân nghèo giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp liên tục phải cắt giảm lương và thu nhập cho nhân viên. Những đối tượng này vốn phải đi thuê nhà và chịu các mức phí đối với các hàng hóa này cao hơn so mức bình quân .
Không nằm trong rổ tính giá, tháng này giá vàng tạo “sóng” lớn khi tăng 5,25% so tháng trước. Chỉ số giá USD tăng nhẹ 0,06%.
Lạm phát tăng đột ngột và trở nên quá nóng
Trao đổi với Dân trí, TS Vũ Đình Ánh đánh giá, mức tăng giá như tháng này là “cao quá, chịu không nổi”. Bởi theo ông, tính ở thời điểm tháng 9 hàng năm thì việc CPI tăng 2% thì đã là mức cao nhất từ trước đến nay và chưa bao giờ CPI tháng 9 cao như vậy, bình thường chỉ dưới 1%. Đây cũng là mức tăng chỉ số giá cao nhất từ đầu năm.
“Như vậy, có thể nhận định là lạm phát đột ngột trở nên quá nóng và vấn đề lạm phát lại trở thành vấn đề lớn nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam từ giờ đến hết 2012, thậm là còn chuyển sang cả năm 2013″ – chuyên gia kinh tế độc lập Vũ Đình Ánh đánh giá.
Ông cũng cho rằng, về điều hành giá cả một lần nữa lại đặt ra vấn đề cho thấy, rất thiếu sự phối hợp giữa chính sách giá với các chính sách khác khi mà không chỉ giá nguyên vật liệu đầu vào mà ngay cả giá cả ở những dịch vụ công liên quan đến giáo dục, y tế cũng tăng đột biến.
“Thời điểm điều chỉnh giá chưa phù hợp đã gây ra hiệu ứng cộng hưởng giá giữa các mặt hàng với nhau, khuếch đại lạm phát lên bất ngờ, vượt xa so với dự tính ban đầu là chỉ khoảng 1% so với tháng 8. Thực tế, CPI hơn gấp đôi dự tính là rất đáng lo ngại” – TS Ánh cho hay.
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) của ĐH Quốc gia cũng cho rằng, lạm phát đang có nguy cơ bùng phát trở lại và có nhiều nguyên nhân, rủi ro đáng lo ngại. Chúng ta đã kiềm giữ lạm phát trong một thời gian dài, hiện nay lại điều chỉnh hành chính một loạt mặt hàng trọng yếu và đã khiến chỉ số giá tăng mạnh trở lại vào thời điểm hiện nay. Đặt trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, TS Thành cũng bay tỏ mối lo ngại thâm hụt ngân sách không chỉ trong 2012 mà cả đối với 2013.
Mới đây, trong một báo cáo của Moody’s Analytics, cơ quan này cũng đưa ra cảnh báo, lạm phát Việt Nam sẽ có thể tăng trở lại trong những tháng tới do tác động của giá điện tăng và giá cả lương thực thế giới tiếp tục leo thang.
Theo Dantri
Đại gia Việt mất 3.000 tỷ đồng trong tháng Tám?
Trái ngược với diễn biến tích cực của tháng trước, tháng 8 ghi nhận khoản "bay hơi" hơn 500 tỷ đồng trong tổng tài sản của bầu Đức.
Với thông tin tiêu cực tác động mạnh đến ngành ngân hàng cũng như thị trường chứng khoán trong tháng qua, hầu hết cổ phiếu lớn đều giảm giá, khiến tài sản của các đại gia cũng theo đó mà "đội nón ra đi". Chỉ trong tháng 8, tài sản của 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất tới gần 3.000 tỷ đồng.
Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, kết thúc tháng 8 vừa qua, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã mất 8% thị giá, trái ngược với diễn biến của tháng trước. Với mức giảm 513,6 tỷ đồng, tài sản của ông chủ HAG chỉ còn 7.068 tỷ đồng.
Ông Đặng Thành Tâm là một trong 3 người có mức giảm tài sản lớn nhất trong top 10 người giàu trên sàn chứng khoán trong tháng 8.
Trong tháng 8, với việc thanh khoản khá thấp, 90 triệu USD trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai đã hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore chỉ sau một năm phát hành, đồng thời công ty này bỏ ra 15 triệu USD để mua lại trái phiếu từ chủ nợ Credit Suisse nhằm giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Cùng lúc đó, Hoàng Anh Gia Lai phát hành 850 tỷ đồng trái phiếu trong nước, dấy lên lo ngại công ty này buộc phải dùng các khoản vay nội địa để trang trải cho các khoản chi mua trái phiếu ở nước ngoài.
Tuy nhiên bầu Đức vẫn không phải là người "chia tay" số tài sản lớn nhất trong tháng 8. Với việc 215 triệu cổ phiếu VIC mất 6.500 đồng một đơn vị, tài sản của Chủ tịch Vingroup người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam có tháng thứ hai liên tiếp giảm trên 1.000 tỷ đồng. Hiện ông Vượng chỉ sở hữu số chứng khoán trị giá 15.157,5 tỷ đồng thay vì hơn 16.555 tỷ như tháng trước.
Sự sụt giảm giá cổ phiếu VIC cũng khiến 3 cổ đông lớn khác của công ty này là bà Nguyễn Thu Hương, Phạm Thúy Hằng, Nguyễn Thúy Hà giảm tổng cộng hơn 550 tỷ đồng. Top 10 chỉ ghi nhận 2 trường hợp là cổ đông lớn của MSN có giá trị tài sản không thay đổi là bà Phạm Thị Hoàng Yến và ông Hồ Hùng Anh.
Ông chủ Tập đoàn Hòa Phát mất 117 tỷ trong tháng 8 trong khi tài sản Chủ tịch Hà Văn Thắm của Tập đoàn Đại Dương chỉ giảm 6,6 tỷ đồng. Sở hữu khá nhiều cổ phần tại các công ty ngành bất động sản, giá trị cổ phiếu mà ông Đặng Thành Tâm sở hữu giảm gần 230 tỷ đồng trong tháng này, nhiều gấp 2,4 lần tháng 7.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường địa ốc tiếp tục đà trầm lắng, nhiều dự án đóng băng ngay cả khi buộc phải phá giá đã khiến cổ phiếu ngành này trở thành tâm điểm sụt giảm, bên cạnh các mã ngân hàng vào thời điểm tuần cuối tháng 8. Dấu hiệu hồi phục chưa xuất hiện cũng là rào cản lớn cho thị trường chứng khoán trong tháng còn lại của quý III này.
Đối với việc top 10 người giàu trên thị trường chứng khoán mất tới hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong một tháng, vị này cho rằng con số ấy khó có thể khiến thị trường giật mình. Tâm điểm của thị trường hiện nay là dòng tiền thực của các dự án, tài sản thực của các "ông lớn", và việc họ còn giữ bao nhiêu cổ phần trong công ty. "Nếu các đại gia này vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, không thoái vốn hàng loạt thì việc tài sản cổ phiếu tăng giảm trong ngắn hạn chắc chắn không tạo ra áp lực từ phía cổ đông", vị này nhận xét.
Theo TPO
Giám sát giá thuốc đấu thầu: Quá khó! Lâu nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) đại diện cho người bệnh chi tiền mua thuốc nhưng trong tình trạng chạy theo thanh toán chứ không được tham gia lựa chọn về chất lượng và giá cả. Trong khi đó, nhiều loại thuốc cung ứng vào bệnh viện (BV) chênh lệch rất lớn với cùng một sản phẩm khiến người bệnh không biết...