Làm OCOP không thể theo mệnh lệnh hành chính, không “đóng khuôn”
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, trong bối cảnh ứng dụng khoa học công nghệ là đòi hỏi tất yếu, chúng ta sẽ triển khai tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo mô hình nông nghiệp 4.0 với 3 trụ cột quan trọng là Nông trại thông minh – Nông dân thông minh – Công chức thông minh.
1.500 sản phẩm có thể gắn sao
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư, hiện cả nước có 6.270 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh), trong đó có 3.126 doanh nghiệp, chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước, tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm: Thực phẩm đồ uống; thảo dược; vải may mặc; đồ lưu niệm, nội thất, trang trí; và dịch vụ du lịch.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: K.N
Trên cơ sở những tiềm năng sẵn có tại các địa phương, ngày 7.5.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020.
Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, mặc dù hiện nay mới chỉ có 18/63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án OCOP nhưng sản phẩm có khả năng được gắn sao đã lên đến con số 1.579.
“Nếu được chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách cụ thể, bài bản, đồng bộ thì việc triển khai OCOP sẽ rất thuận lợi, tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân” – ông Nam nói.
Video đang HOT
Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh – địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình OCOP, đến nay, sau hơn 5 năm, tỉnh đã có 130 tổ chức kinh tế tham gia chương trình; phát triển được 322 sản phẩm, trong đó, số sản phẩm đạt sao là 131; doanh số bán hàng của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình năm 2017 đạt gần 700 tỷ đồng nhờ gia tăng giá trị sản phẩm trên 30% và tăng về quy mô sản xuất trên 18%. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể, từ 10 triệu đồng/người (năm 2010) lên 36 triệu đồng/người (năm 2017).
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo
Từ thực tế triển khai tại địa phương, ông Lý Anh Dũng – Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh cho rằng, để thực hiện thành công OCOP, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
Ngoài ra, các chính sách không nên áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính cho các sản phẩm OCOP, mà cần khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất sản phẩm hướng theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
“Sở dĩ OCOP ở Quảng Ninh đạt được thành công nhờ chúng tôi coi đó là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng, do đó cần nhận thức đúng về nó, ứng xử với nó đúng các quy luật kinh tế và gắn với lợi ích của đối tượng cần hướng tới; thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức; tổ chức quản lý chương trình khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện; đồng thời, tập trung chỉ đạo điểm tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm OCOP đầu tiên” – ông Dũng nói.
Tại hội thảo quốc tế về chương trình OCOP do Bộ NNPTNT vừa tổ chức, nhiều địa phương kiến nghị, để thúc đẩy chương trình OCOP, Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ đối với sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của các tỉnh, thành.
Ngoài ra, cần ban hành chu trình OCOP thường niên phù hợp với từng vùng miền địa phương. Hỗ trợ công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, có hướng dẫn cụ thể đối với cộng đồng dân cư, các tổ chức đăng ký sản phẩm mới tham gia chương trình. Hướng dẫn triển khai lập quy hoạch mạng lưới các trung tâm, điểm bán hàng OCOP trên địa bàn cả nước; xây dựng quy định thống nhất chung trong quản lý đối với các điểm bán hàng.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, OCOP là một chương trình mở, không đóng khuôn và chưa có tiền lệ. Điểm quan trọng trong chương trình là phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, là một lợi thế rất lớn của các địa phương, nơi có sự đa dạng đặc biệt lớn về địa lý, bản sắc văn hóa dân tộc, các sản vật vùng miền.
Theo Danviet
Không nên quay lưng với cà phê Việt sau vụ "cà phê nhuộm pin"
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, vụ việc "cà phê nhuộm pin" ở Đắk Nông chỉ là cá biệt, còn phần lớn nông sản đã được kiểm soát tốt về chất lượng, do đó, người dân không nên quay lưng lại với nông sản của Việt Nam.
Ông Vũ Văn Tám đánh giá, vụ việc "cà phê nhuộm pin" là sự việc rất đáng tiếc, cơ quan công an đang tích cực vào cuộc điều tra làm rõ, phía ngành nông nghiệp cũng đang chờ kết quả điều tra.
Cũng theo ông Tám, khi cơ quan công an chưa kết luận vụ việc, chưa xác định được cơ sở nói trên chế biến ra nguyên liệu "cà phê nhuộm pin" để làm gì thì người tiêu dùng không nên vì vài trường hợp cá biệt như này mà quay lưng lại với nông sản của Việt Nam.
Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện hàng chục tấn cà phê chuẩn bị xuất xưởng. (Ảnh: Dương Phong).
Theo ông Tám, hiện nay ngành nông nghiệp đã quản lý tương đối tốt chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, người tiêu dùng hãy an tâm sử dụng các sản phẩm có rõ nguồn gốc, được quản lý theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc...
Còn theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hành động pha tạp chất vào cà phê không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính cũng như thương hiệu cà phê của Việt Nam mà còn làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
Cũng theo Thứ trưởng Nam, để nâng cao vị thế cà phê của doanh nghiệp trên thị trường thế giới, các bộ, ngành và địa phương, nhất là các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất phải xác định rõ ngoài nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng là then chốt. Đồng thời vừa giảm giá thành vừa nâng cao giá trị và quảng bá hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ thêm, ngành nông nghiệp coi cà phê là cây trồng chủ lực, hướng đến xuất khẩu và có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng. Trên thực tế, cà phê Việt Nam đã có vị thế và đang nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Cà phê là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,2 tỷ USD. Trong quý 1 năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đạt gần 1 tỷ USD.
Pin con ó là một phần nguyên liệu tại cơ sở sản xuất cà phê bẩn. (Ảnh: Dương Phong).
Trước đó, ngày 16/4, Cảnh sát môi trường phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp) và phát hiện cơ sở này có hành vi pha trộn tạp chất vào cà phê, sau đó cung cấp ra thị trường.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin, 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin... dùng để nhuộm đen cà phê.
Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận hành vi đến các đại lý thu mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn... sau đó mua các cục pin về đập dẹp, dùng lõi pin hòa với nước rồi nhuộm vào cà phê, đóng gói bán ra thị trường.
Cơ sở chế biến này hoạt động từ nhiều năm nay, chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Sản xuất sản phẩm OCOP thời 4.0 cần nông dân, nông trại thông minh "Ứng dụng triệt để vận hội của cánh mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ triển khai tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo mô hình nông nghiệp 4.0 với 3 trụ cột quan trọng là Nông trại thông minh - Nông dân thông minh - Công chức thông minh". Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng...