Làm “ô sin” cho chồng
Sinh năm 1980, có nhan sắc và có bằng Đại học Luật Hà Nội loại khá hẳn hoi, vậy mà giờ đây Hân lại phải chấp nhận phận làm “ô sin” cho chính người chồng và những đứa con của mình.
Chồng Hân nhiều hơn cô 5 tuổi, cũng tốt nghiệp Đại học Luật, hiện đang làm trong tòa án. Hai người quen nhau khi Hân xin đi thực tập ở tòa án mà Tuấn – chồng hiện tại của cô đang công tác, để rồi sắc đẹp của Hân đã làm cho Tuấn say như điếu đổ. Vì nghĩ sẽ có nhiều thuận lợi trong công việc lúc ra trường khi được Tuấn giúp đỡ nên Hân đã chấp nhận lời cầu hôn của Tuấn và họ đã cưới nhau khi Hân vừa mới làm lễ tốt nghiệp chưa đầy 1 tháng.
Sau thời gian trăng mật, Hân muốn đi làm và nói với chồng xem có chân nào hợp lý trong tòa án để xin cho cô vào đó. Thế nhưng Tuấn cứ luôn tạo cớ “hoãn binh” đại loại như : “Em vừa ra trường, cứ nghỉ ngơi đi đã!”, hay: “Em cứ yên tâm, khoảng một thời gian nữa anh sẽ thu xếp”… Nhưng trong thâm tâm, Tuấn luôn không muốn cho vợ đi làm, chứ thực ra với chức sắc lên nhanh như diều trong tòa án thì chuyện xin cho vợ một công việc cũng đâu có khó. Tuấn là người hay ghen, luôn chỉ sợ những người đàn ông khác nhòm ngó vợ mình, để vợ đi làm sẽ bị người khác “cuỗm” mất nên Tuấn không bao giờ muốn để Hân xin việc đi làm. May thay, kinh tế của gia đình nhà Tuấn cũng thuộc diện khá giả, khi trong những năm đất đai sốt giá, Tuấn “đánh quả” được vài miếng đất để mua đi bán lại nên có lãi tới mấy tỷ đồng. Chính vì thế mà chuyện vợ có ở nhà cả đời cũng không hề khiến Tuấn phải lo nghĩ…
Mặc dù muốn đi làm cho đỡ buồn chán nhưng đùng một cái Hân mang bầu và việc sinh con đẻ cái cũng khiến cho cô phải dành nhiều thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng con nhỏ. Đứa con đầu mới chập chững biết đi thì Hân lại mang bầu đứa thứ 2, và rồi việc nuôi 2 đứa qua tuổi ươn, tuổi sài cũng đã “ngốn” mất của cô cả gần chục năm trời. Lúc này, chồng Hân đã không giấu giếm ý định mà bấy lâu anh “hoãn binh” không muốn xin việc cho cô là muốn vợ ở nhà chăm chồng, nuôi con cho đến hết đời. Khi các con đã lớn, tuổi cũng đã nhỡ nhàng nên chuyện đi xin việc làm không còn trong ý nghĩ của Hân nữa, cô đành an phận cảnh tề gia nội trợ. Hàng ngày, chồng đi làm, đi công việc đây đó thì Hân chỉ quẩn quanh từ trong nhà ra đến ngoài chợ chứ không đi đâu, biết những chuyện gì xa nhà quá vài, ba trăm mét. Hằng ngày, Hân lo sửa soạn 3 bữa ăn cho chồng con sao cho chu đáo. Hàng xóm, bạn bè nhìn vào tưởng Hân nhàn hạ, sung sướng, hạnh phúc… lắm, nhưng sự thật lại không hề như vậy, khi cô phải chịu cảnh nhàm chán, buồn… Nhà giàu là thế nhưng chồng Hân lại là người khá chặt chẽ, cô không được là người nắm tay hòm chìa khóa, mà tiền hằng ngày đi chợ, chi tiêu ra sao đều do chồng quản lý, hạch toán. Qua mỗi buổi chợ tiêu bao nhiêu, mua sắm gì… Hân đều phải ghi chép tỉ mỉ để cuối ngày Tuấn “lườm” xem và duyệt chi cho ngày kế tiếp. Chính vì vậy mà Hân càng chán chường, vì quyền hạn trong nhà hầu như chẳng có gì, cô chẳng khác nào một người ô sin làm công. Có những khi bên ngoại có công việc cần đến tiền, muốn về nhà mà không có tiền, Hân phải đành lòng ngửa tay xin chồng. Dẫu không phản đối, hay chì chiết nhiều, nhưng mỗi lần như vậy thái độ Tuấn không được vui, không được thoải mái. Có lần Hân tâm sự với một người bạn học đại học cùng, giờ đang làm nhân viên hành chính cho một huyện ở ngoại thành rằng: “Nếu biết phải sống cả đời làm cảnh ô sin cho chồng như thế này thì có lẽ không bao giờ tao lấy Tuấn. Tao ngỡ tưởng lấy chồng có địa vị, có thâm niên thì mình xin việc dễ, nào ngờ… Bây giờ dẫu có nhà lầu, xe hơi thật đấy nhưng để được đánh đổi lấy tự do và đi đâu không phải ngửa tay xin tiền chồng tao cũng đổi. Chẳng qua bây giờ đã sắp già, các con đã lớn… nên tao đành an phận chấp nhận…”.
Theo Infonet