Lâm nạn vì bạn
Cái chết của nhà báo Kenji Goto loan báo hôm 31-1 là kết cục đã được chính nạn nhân dự đoán khi cố gắng xông vào chỗ chết để cứu bạn
Ở Nhật Bản, ông Kenji Goto, năm nay 47 tuổi, là một nhà báo được đồng nghiệp kính nể bởi có tâm và có tầm. Ông mất tích vào cuối tháng 10 năm ngoái, sau khi đến Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách giải cứu Haruna Yukawa – một người đồng hương bị quân IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) bắt giữ trước đó 2 tháng.
Trong thời gian 2 công dân Nhật mất tích, chẳng có thông tin gì về số phận của họ. Cả 2 bất ngờ xuất hiện trong một video clip lành ít dữ nhiều của IS ngày 20-1 vừa qua với áo tù màu vàng.
Ông Kenji Goto giao lưu với trẻ em ở TP Aleppo – Syria Nguồn: Kyodo
Tên đao phủ ra yêu sách đòi chính phủ Nhật trả 200 triệu USD tiền chuộc đổi lấy mạng sống 2 con tin này trong vòng 48 giờ. Tên đao phủ cầm dao tay trái được cho là một người Anh gốc Phi, có biệt danh – do báo chí phương Tây đặt – là “chiến binh John”. Hắn từng hành quyết các con tin phương Tây như James Foley, Steven Sotloff, David Haines, Alan Henning và Peter Kassig.
Ngày 24-1, Goto lại xuất hiện trong một clip khác của IS, tay cầm ảnh Yukawa bị giết, trách móc chính phủ Nhật không chịu cứu người này. Ảnh Yukawa là thật nhưng giọng nói của Goto hình như không giống, theo một số chuyên gia âm thanh. Goto cho biết lần này, IS không đòi tiền chuộc nữa mà yêu cầu đổi lấy Sajida al-Rishawi – nữ chiến binh Al-Qaeda mang quốc tịch Iraq, tham gia một loạt vụ đánh bom liều chết ở Jordan năm 2005. Al-Rishawi bị kết án tử hình năm 2006, chờ ngày ra pháp trường. Yêu sách của IS không được đáp ứng, Goto đã bị hành quyết.
Tiếng nói của nạn nhân chiến tranh
Video đang HOT
Học xong Đại học Hosei ở Tokyo năm 1991, chàng sinh viên Kenji Goto sinh năm 1967 khởi nghiệp ở những quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Goto chuyên viết phóng sự, sách và quay video mô tả đời sống khốn khổ của người dân, đặc biệt là trẻ em bởi chiến tranh. Đó là lính trẻ em ở Sierra Leone và Rwanda, những bé gái không được học hành ở Afghanistan, những bà mẹ tuổi vị thành niên “Làng AIDS” ở Estonia… Những bài phóng sự video của ông thường xuất hiện trên đài truyền hình Nhật NHK và TV Asahi.
Theo báo Japan Times, Goto chưa bao giờ tự xưng là phóng viên chiến trường mà chỉ là người ghi lại tiếng nói của người dân mà số phận bị chiến tranh đẩy đưa, không có tương lai. Trả lời phỏng vấn trên tờ Christian Today, xuất bản ở Tokyo, ông cho biết chỉ quan tâm mô tả số phận con người chứ không mô tả chiến tranh vốn vô tình, không có chút nhân tính. “Tiền tuyến trong các bài phóng sự của tôi là nơi dân chúng thống khổ cùng cực nhưng vẫn ráng sống. Họ luôn có một thông điệp để nói với mọi người. Nếu tôi chuyển được thông điệp đó đến các cơ quan truyền thông đại chúng thế giới thì coi như tôi đã thành công” – ông bày tỏ.
Khi Syria bùng nổ nội chiến cách đây 4 năm, Goto đã có mặt ngay từ đầu với một niềm tin: Nhật Bản thời hậu chiến là một đất nước yêu chuộng hòa bình. Nhật không tham gia không kích Iraq hay Syria như Anh – Mỹ. Điều này giúp ông đến những nơi mà các nhà báo phương Tây không dám đến.
Trong quá khứ, niềm tin của Goto đã được kiểm chứng. Toshitsugu Maeda, một đồng nghiệp của Goto, kể lại cách đây 2 năm, ông từng bị quân nổi dậy thân Al-Qaeda bắt giữ. Ngay sau đó, ông được thả ra khi trình bày lý do đến Iraq và Syria.
Lời thỉnh cầu của vợ và mẹ
Sự im lặng gây tò mò của vợ ông Goto, bà Rinko Goto, cuối cùng đã được phá vỡ hôm 29-1. Trước đó 1 tuần, cụ Junko Ishido, mẹ ông Goto, đã lên tiếng yêu cầu IS trả tự do cho con trai trong một bài nói gây xúc động lòng người tại cuộc họp báo ở CLB Thông tín viên nước ngoài tại Tokyo: “Kenji không phải là kẻ thù của IS. Xin quý vị hãy thả con tôi ra”.
Bà Rinko tiết lộ ngày 2-12-2014, lần đầu tiên bà nhận được email của IS báo tin chồng mình đang ở trong tay họ. Ngày 20-1 vừa qua, Rinko đã xem video clip IS đòi chính phủ Nhật trả 200 triệu USD để chuộc chồng bà và Haruna Yukawa. Sau đó, IS liên tục gửi email cho bà yêu cầu gây sức ép với Tokyo. Bà Rinko đấu tranh trong im lặng nhưng đến ngày 27-1, khi IS đe dọa giết trung úy phi công Mu’ath al-Kaseasbeh của Jordan nếu không trao đổi Goto với Sajida al-Rashawi, thì bà không thể im lặng được nữa.
Thông qua Rory Peck Trust, tổ chức phi chính phủ quốc tế hỗ trợ các nhà báo độc lập và gia đình khi gặp nạn, bà Rinko tuyên bố: “Vợ chồng tôi có 2 đứa con thơ. Bé gái chỉ mới được 3 tuần tuổi, còn đứa gái lớn 2 tuổi rất mong được gặp cha. Tôi chỉ muốn khi lớn lên, chúng sống trong vòng tay của cha. Tôi e rằng đây là cơ hội cuối cùng cho chồng tôi và trung úy Mu’ath al-Kaseasbeh được sống. Tôi thỉnh cầu chính phủ Jordan và Nhật Bản thấu hiểu rằng số phận của họ đang nằm trong tay IS”.
Mối thâm tình khó tưởng
Giữa Yukawa và Goto có “mối thâm tình khó tưởng tượng là có thể xảy ra”, theo hãng thông tấn Reuters. Hai người không có điểm chung nào. Kenji Goto là một nhà báo hàng đầu cung cấp tin chiến sự và phóng sự chiến trường Syria cho truyền thông Nhật. Có vợ ngoan và 2 con thơ, con chiên ngoan đạo Ki-tô này từng trả lời phỏng vấn: “Tôi tin rằng Chúa sẽ luôn luôn giải cứu tôi”.
Trong khi đó, Yukawa, 42 tuổi, là một “người cô độc mang tâm trạng bất an” – theo Reuters. Chẳng có kinh nghiệm gì nhưng Yukawa lại mơ trở thành nhà thầu quân sự ở Syria. Yukawa tự giới thiệu: “Tôi là một người cô độc trong thế giới này, cho nên nếu có chết cũng chẳng sao”.
Họ tình cờ gặp nhau ở Aleppo tháng 4-2014. Goto kể lại: “Yukawa là người bất hạnh và tôi không biết anh ta làm gì. Tôi chỉ biết rằng anh ta cần ai đó có kinh nghiệm giúp đỡ”. Vì vậy, dù vợ mới sinh con, Goto vẫn vượt biên Syria đến Raqqa ngày 25-10-2014 tìm bạn “để thể hiện trách nhiệm dù xảy ra điều gì”. Ông đã bị bắt ngay sau đó.
Kỳ tới: Bí ẩn Sajida al-Rishawi
NGUYỄN CAO
Theo_Người lao động
Chiến dịch "Tôi là Kenji" kêu gọi IS trả tự do cho con tin người Nhật
Bạn bè của Kenji Goto, con tin người Nhật bị IS bắt giữ đã cùng nhau thực hiện chiến dịch "Tôi là Kenji" trên mạng xã hội Facebook với hy vọng anh sẽ sớm được trả tự do.
Nhà sản xuất phim Taku Nishimae, người bạn hơn 10 năm của Kenji Goto, đã đăng tải hình ảnh ông cầm một tấm bảng với dòng chữ "Tôi là Kenji". Đi kèm với hình ảnh, ông cũng mong muốn mọi người hãy để lại chữ kí nhằm kêu gọi IS thả tự do cho nhà báo người Nhật.
Nhà sản xuất phim Taku Nishimae đăng tải bức hình "Tôi là Kenji" với mong muốn IS trả tự do cho nhà báo Kenji Goto.
Nhiều người cho rằng Nishimae đã lấy cảm hứng từ phong trào "Je suis Charlie" ("Tôi là Charlie") trong các cuộc biểu tình lên án vụ tấn công tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo tại Paris. Tuy nhiên, Nishimae phủ nhận mối liên quan này.
Nhiều người cũng lo sợ chiến dịch trên mạng xã hội của Nishimae sẽ khiến IS giết hại nhà báo Kenji Goto sớm hơn. Nishimae cho biết: "Chiến dịch "Tôi là Kenji" chỉ đơn giản là giúp đỡ một người bạn trong thời khắc tuyệt vọng".
"Chúng tôi rất sốc và tức giận. Nhưng đây không phải là lúc để bày tỏ cảm xúc", ông Nishimae nói thêm. "Tôi đã thẫn thờ trong nhiều giờ. Sau khi nói chuyện với bạn bè, chúng tôi quyết định phải làm điều gì đó. Nếu chúng ta gieo hy vọng, mỗi chúng ta sẽ không từ bỏ nó và phải hành động".
Chỉ trong chiều ngày 25/1, trang Facebook do Nishimae lập đã thu hút 6.000 lượt Like (thích) đồng thời nhận sự ủng hộ lớn từ nhiều người.
Trong khi đó, ít nhất 23.000 chữ ký cũng được tập hợp trên Change.org- một trang mạng khác yêu cầu IS thả tự do cho nhà báo Kenji Goto.
THÙY LINH
Theo_Đời Sống Pháp Luật
LHQ lên án vụ IS hành quyết nhà báo Nhật Bản Ngày 1/2, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc đã lên án mạnh mẽ việc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sát hại nhà báo Kenji Goto của Nhật Bản. Người dân Nhật Bản tham gia cuộc tuần hành trong im lặng tại thủ đô Tokyo, bày tỏ sự tiếc thương đối với Kenji Goto. Ảnh: TTXVN Trong một thông cáo...