“Làm mưa nhân tạo ở VN là lãng phí và không hiệu quả”
Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Thanh Ca – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) khi đánh giá về dự án “Lên trời gọi mưa”.
Toàn cảnh trạm an sinh mặt đất của dự án “Lên trời gọi mưa”. Ảnh: Kim Oanh.
Mới đây, ông Phan Đình Phương – Tổng Giám đốc công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh (Đà Nẵng) đề xuất lên Chính phủ cho tạm ứng số tiền 5.000 tỷ đồng để mua tàu, máy bay, khinh khí cầu, nguyên vật liệu… thực hiện dự án “Lên trời gọi mưa”.
Dự án của ông Phương nhằm mục đích “trị mưa” chống ngập cho những vùng trũng, vùng hay xảy ra mưa lũ và “gọi mưa” giải hạn cho những nơi thường xuyên xảy ra hạn hạn, thiếu nước.
Hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thiện nhưng đã được trình lên Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Số tiền yêu cầu tạm ứng là 5.000 tỷ, trong khi chưa có một kế hoạch chi tiêu cụ thể khiến nhiều người hoài nghi về sự khả thi của dự án.
Ngày 20/9, trao đổi với PV, PGS.TS Vũ Thanh Ca – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), người từng thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học để làm mưa nhân tạo ở Việt Nam” cho rằng: “Làm mưa nhân tạo hiện nay ở Việt Nam là lãng phí vì chắc chắn sẽ không có hiệu quả”.
Theo ông Ca, làm mưa nhân tạo không khó nhưng làm mưa nhân tạo để tác động, làm thay đổi được tự nhiên thì không phải nói là làm được.
Làm mưa nhân tạo chỉ được coi là thành công nếu thỏa mãn 3 điều kiện: Giải thích được cơ chế vật lý của việc tăng lượng mưa do tác động làm mưa nhân tạo; Các kết quả phải đảm bảo độ tin cậy thống kê; Công nghệ được nghiên cứu và phát triển tại vùng này phải áp dụng được một cách hiệu quả tại các vùng khác.
Video đang HOT
Hiện nay, các nước trên thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan… đã thử nghiệm làm mưa nhân tạo thành công. Mỗi nước lại có một công nghệ làm mưa nhân tạo khác nhau. Tuy nhiên, các kết quả đều chưa chứng minh được làm mưa nhân tạo có thể tác động đến tự nhiên và xoay chuyển tự nhiên theo ý con người.
“Để tác động lên thời tiết, ý tưởng chung là sử dụng các tác động nhỏ để biến các cơ chế tạo mây và gây mưa không hiệu quả thành các cơ chế hiệu quả. Khi có đủ độ ẩm hoặc có mây nhưng không mưa, tác động có thể tạo mưa.
Tuy nhiên, khi đã có mưa to hoặc bão thì tác động của con người không còn có tác dụng vì quá trình tự nhiên gây mưa đã cực kỳ hiệu quả và tác động của con người là quá nhỏ bé so với tự nhiên.
Vì vậy, ý tưởng dùng tác động của con người để điều khiển các quá trình mưa lớn và bão theo tôi là hoàn toàn không có cơ sở khoa học và không thể thực hiện được”, ông Ca khẳng định.
Ông Ca cho biết thêm, nếu nguồn ẩm không đủ mà gây mưa ở trên, bên dưới khô sẽ khiến mưa không chạm đất. Như vậy vừa tốn chi phí mà lại không mang lại hiệu quả.
Đề tài nghiên cứu của ông Ca mất 2 năm (2004-2006) để hoàn chỉnh. Ông cũng đi sang các nước để học tập kinh nghiệm làm mưa nhân tạo. Tuy nhiên, xét thấy công nghệ của nước ta còn hạn chế, kinh phí đầu tư quá lớn mà lại chưa chắc chắn mang lại hiệu quả nên ông tạm dừng lại để nghiên cứu thêm.
“Từ năm 2006 đến nay, tôi vẫn tiếp tục theo dõi các kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới về tác động nhân tạo để biến đổi thời tiết. Tôi khẳng định rằng các nghiên cứu chưa cung cấp được kết quả nào khác hơn với những nhận định của chúng tôi”, ông Ca cho hay.
Đánh giá về dự án “Lên trời gọi mưa”, ông Ca cho rằng, đó giống như một dự án sơ khai, mới chỉ là ý tửng chứ chưa có cơ sở khoa học. Đề án chưa hoàn chỉnh mà đề xuất xin kinh phí lên tới 5.000 tỷ đồng là phi thực tiễn, hoang đường.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)
Gặp người xin ứng 5.000 tỷ đồng thay trời làm mưa
"Ở đâu có núi là ở đó có mây. Tôi sẽ tận dụng lợi thế này cùng với việc phun các hợp chất "made in Việt Nam" để tạo mưa. Hiện tại tới thời điểm này tôi chưa thể công bố các hợp chất đó", ông nói.
Ông Phan Đình Phương tự tin dự án "Lên trời gọi mưa" của mình thành công 100%. Ảnh: Thanh Trần
Với ý tưởng "trị mưa" chống ngập, "gọi mưa" giải hạn, ông Phan Đình Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP KHCN An sinh xanh (Đà Nẵng) vừa đề xuất Chính phủ cho tạm ứng số tiền 5.000 tỷ đồng để mua tàu, máy bay... điều hòa mưa, nắng. Dự tính tới tháng 10 này, công trình "trị mưa" sẽ được thử nghiệm ở Đà Nẵng.
Trị mưa tận gốc
Ông Phan Đình Phương nói, hồi tháng 4, tháng 5, đêm nào cũng nghe tivi đưa tin hạn hán, ông trằn trọc nghĩ phải tìm cách "làm mưa" giúp dân. Rồi vài tháng sau, đường Hà Nội lại biến thành sông, ông lại vò đầu tính cách giảm bớt mưa để tránh cảnh ngập lụt.
Ý tưởng ban đầu sẽ chống hạn rồi trị ngập, nhưng khi bắt tay vào làm, ông lại thấy việc ngập dễ giải quyết hơn nên làm trước. Ông ví mây như những "cục bông" được gió đẩy từ biển vào, nếu nặng quá sẽ rơi xuống. Trị được những cục bông ấy ngay từ trên biển thì mùa mưa phố phường sẽ không còn cảnh bì bõm lội nước.
Để xóa mây, ông cho hay sẽ đặt các tàu bơm nước từ biển vào đường ống cao khoảng 5km, phía trên trời cho máy bay (trực thăng hoặc khinh khí cầu) giữ ống và "dắt" ống đi phun nước xuống những vùng mây nhiều. Việc phun nước được thực hiện theo nguyên lý bùng nổ thủy khí.
Mây bị nước đè sẽ nặng và rớt xuống (mưa), không thể bay vào đất liền và tạo thành mưa... Ông cho biết thêm các phương tiện giữ ống phun nước trên trời hoàn toàn không ảnh hưởng tới đường bay, vì máy bay thường bay ở độ cao 9-10km, còn việc phun nước chỉ thực hiện ở độ cao tầm 5km.
Theo tính toán của ông, trước mắt nên đặt khoảng 100 trạm chủ động đón mây trên vịnh Bắc bộ để cản mây bay vào đất liền gây mưa. Ông thông tin sắp tới đây, các bộ, ngành liên quan sẽ có cuộc họp để triển khai thử nghiệm công trình "làm chủ trời" này ở Đà Nẵng.
Về việc "gọi mưa" cho các vùng hạn hán, ông Phương nói trên thế giới đã có rất nhiều cách làm mưa nhân tạo như phun muối, I ốt bạc, thậm chí đắp ngọn núi cao hàng ngàn mét để mây quần tụ quanh đỉnh núi dễ gây mưa. "Phun các chất trên đều rất tốn tiền, trong khi nước ta lại có thế mạnh nhiều núi. Ở đâu có núi là ở đó có mây. Tôi sẽ tận dụng lợi thế này cùng với việc phun các hợp chất "made in Việt Nam" để tạo mưa. Hiện tại tới thời điểm này tôi chưa thể công bố các hợp chất đó", ông nói.
Thành công 100%, hiệu quả tùy kinh phí
Đến thời điểm này, ông Phương cho hay đã tìm được nguồn ống phun nước từ Nhật để nhập về khi dự án được đồng ý và triển khai. Ông cũng khẳng định ý tưởng trên sẽ thành công 100% bởi các nguyên lý hoạt động, nghiên cứu của ông không hề phản khoa học, nhất là nguyên lý bùng nổ thủy khí đã được áp dụng thành công trong việc phun nước ở cầu Rồng (Đà Nẵng). Trong công văn phản hồi dự án Lên trời gọi mưa, Bộ KH&CN nhận định là "đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, có tính khả thi, đảm bảo về an ninh quốc phòng...".
Ông Phương tự tin: "Tôi khẳng định khi tiến hành sẽ thành công 100%. Còn hiệu quả tới đâu thì phải chờ vào việc cấp kinh phí của nhà nước. Một trạm gọi mưa rõ ràng sẽ cho ra hiệu quả khác 100 trạm. Phải làm nhiều, trên diện rộng mới thấy được sự chuyển biến". Ông cũng nhấn mạnh cách phun nước trị mưa của ông chưa có bất kỳ quốc gia nào triển khai.
Trả lời câu hỏi dựa trên cơ sở nào để đề xuất Chính phủ cấp 5.000 tỷ đồng phục vụ dự án này, ông cho hay đó là con số cụ thể nhưng cũng vô chừng. "Tôi không biết giá một chiếc máy bay, tàu thủy... là bao nhiêu tiền, vì vậy không thể nào tính toán chi tiết được.
Tôi đã đề xuất lập Bộ Chỉ huy dự án cấp nhà nước, khi dự án được đồng ý, số tiền này sẽ rót về cho Bộ Chỉ huy này quản lý, triển khai tới đâu mua sắm, chi tiêu tới đó. Số tiền này không rót về phía cá nhân tôi nên tôi mạnh dạn đề xuất".
Ông cũng tâm sự đã cân nhắc đất nước còn khó khăn, cấp 5.000 tỷ đồng cho một dự án không phải là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, hiện vẫn có rất nhiều dự án chống ngập tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng. Ông khẳng khái: "Các dự án đó giải quyết ngập từ hậu quả, còn dự án của tôi giải quyết từ nguyên nhân. Tôi tin chính phủ sẽ sáng suốt gật đầu".
Ông Phan Đình Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP KHCN An sinh xanh từng chế tạo ra nhiều thiết bị bảo vệ an toàn, môi sinh, tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt nhất là các loại thiết bị chữa cháy. Thiết bị chữa cháy cố định tự động chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra, hiện thiết bị này đã được lắp đặt trên nhiều nhà máy của Nhật Bản trong KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). Xe đẩy tay, ba lô chữa cháy... cũng được rất nhiều nơi sử dụng.
Theo Thanh Trần (Tiền Phong)
Thay ông trời hô mưa gọi gió Từ mưa nhân tạo đến núi nhân tạo, con người đang tìm cách thay đổi thời tiết theo ý mình. Mùa hè này, Trung Quốc đang dự tính chi ra hơn 30 triệu USD cho một dự án điều chỉnh thời tiết đầy tranh cãi. Đây chỉ là một trong rất nhiều nỗ lực nhằm điều khiển "mẹ thiên nhiên" của con người....