Làm móng ẩn hiểm họa
Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị nấm móng, nhiễm trùng khóe móng, móng chọc thịt, viêm da tiếp xúc kích ứng… do đi làm móng.
Làm móng tay móng chân qua thợ làm móng dạo tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh về móng – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mới đây, chị B.T.X., 26 tuổi, ngụ ở Long An, thấy trên móng chân và móng tay xuất hiện các đốm trắng, dưới móng bị ngả sang màu vàng. Móng bị giòn xốp biến dạng. Trước đây móng cứng và bóng thì nay trở nên xù xì, bong các vảy mịn, da xung quanh khóe móng sưng đỏ đau, thậm chí có mủ.
Bệnh lan sang nhiều móng
Lúc đầu, chị X. tự ra tiệm thuốc tây mua các thuốc bôi có chứa corticoid và ngâm rửa nước muối với mong muốn móng có thể khỏi. Nhưng bôi thuốc mãi bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm. Mới đầu triệu chứng này chỉ có ở 2-3 ngón, nhưng sau đó đã lan sang nhiều móng khác. Chị X. lo lắng nên đã đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám thì được chẩn đoán bị nấm móng. Trước đó, chị X. rất thích làm móng, cứ hai tuần là chị đi làm một lần.
Bác sĩ điều trị cho biết chị X. phải dùng thuốc kháng nấm kéo dài hơn 3 tháng mới khỏi bệnh. Còn để hình dạng móng trở về bình thường chị phải điều trị thêm vài tháng nữa. Chị X. ở xa TP, đi lại khó khăn, chi phí điều trị thuốc cũng tốn kém. Bác sĩ cũng dặn chị không nên làm móng vì nếu chị tiếp tục, khả năng tái phát bệnh sẽ rất cao.
Theo BS Huỳnh Thị Thanh Thùy, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, hiện nay rất nhiều phụ nữ có thói quen làm móng. Việc làm móng tay móng chân đã trở nên phổ biến và ngày càng tinh tế hơn, từ việc sơn nhiều loại màu, hình vẽ trên móng đến gắn cả các loại móng giả… Bệnh viện Da liễu cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp do hậu quả của việc làm móng gây ra. Họ đến khám vì nhiều nguyên nhân như nấm móng, nhiễm trùng khóe móng, móng chọc thịt, viêm da tiếp xúc kích ứng…
Nhiều tác hại
Nhiều người đi làm móng nhưng không biết rằng bên ngoài vẻ đẹp ấy là tiềm ẩn nhiều hiểm họa ảnh hưởng đến sức khỏe. Tác hại đầu tiên và nhẹ nhàng nhất có thể thấy là móng tay chân bị xỉn màu, trở nên vàng ố, thâm đen do trong thành phần sơn móng chứa rất nhiều hóa chất ảnh hưởng đến móng. Bên cạnh đó việc dùng chất tẩy rửa thường xuyên sẽ gây khô móng.
Trong quá trình làm móng, những động tác như cắt da, lấy khóe móng cũng dễ gây ra các tổn thương trầy xước, tạo điều kiện cho việc lây nhiễm các bệnh lý về móng như nhiễm trùng khóe móng (chín mé) gây sưng tấy, đau nhức, mưng mủ, nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng viêm xương khớp, viêm bao hoạt dịch, nhiễm trùng huyết, hoặc thậm chí gây tử vong.
Nếu cắt móng không đúng, khoét quá sâu sẽ làm móng mới mọc ra bị lệch có thể dẫn đến móng chọc thịt, gây đau nhức khó chịu ảnh hưởng nhiều chất lượng cuộc sống. Chưa kể, khi làm móng ở các salon mà dụng cụ không được khử trùng đúng cách, hay dùng chung dụng cụ làm móng sẽ có nguy cơ bị nhiễm nấm móng. Hơn nữa nếu quá trình cắt da gây tổn thương chảy máu có thể bị lây nhiễm các bệnh như mụn cóc, lao da, viêm gan B, thậm chí HIV.
Video đang HOT
Chỉ nên làm móng vào dịp đặc biệt
BS Thanh Thùy khuyên những người đi làm móng nên chọn cửa hàng uy tín, không sử dụng các sản phẩm kém chất lượng, cần có xuất xứ rõ ràng. Khi đi làm móng, không để nhân viên làm móng cắt lớp biểu bì vì dễ dẫn đến tổn thương và nhiễm trùng. Người đi làm móng cần có bộ dụng cụ làm móng riêng và phải được khử trùng kỹ trước khi sử dụng. Không nên thường xuyên sơn vẽ hay đắp móng mà chỉ làm vào những dịp đặc biệt.
Móng chân, móng tay còn là nơi phản ánh sức khỏe tổng thể của mỗi người. Do vậy, việc sơn móng, che phủ móng thường xuyên bạn sẽ không thể thấy được những phản ánh đang diễn ra bên dưới lớp sơn móng. Nếu có dấu hiệu bất thường nào về móng, cần đến ngay bệnh viện da liễu khám và được điều trị kịp thời.
Cẩn thận với móng giả
Khi làm các loại móng giả, gắn đá, đắp đất sét, đắp bột… hóa chất kích ứng phần da quanh móng có thể gây viêm, ngứa, dị ứng ở một số người. Móng thật bị mài mòn lớp bảo vệ bị mỏng, mất đi độ bóng, gây loạn dưỡng móng, dễ bị nhiễm vi khuẩn, nấm. Cách sơn móng gel hiện nay được các chị em rất ưa thích do giúp móng bóng, dày, bền màu hơn so với sơn móng bình thường, nhưng lại khiến móng trở nên yếu hơn, rất giòn và dễ gãy dù chỉ là va chạm nhẹ. Hơn nữa, người làm móng còn phải chiếu đèn UV để làm cứng gel đánh bóng dưới ánh sáng tia cực tím, điều này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da và lão hóa da trên tay. Do vậy, nếu thường xuyên lạm dụng phủ sơn móng tay thì nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe càng lớn.
THÙY DƯƠNG
Theo tuoitre.vn
Móng tay nói gì về sức khỏe của bạn?
Một số dấu hiệu xuất hiện trên móng tay là hoàn toàn bình thường, trong khi một số khác lại cho thấy bạn có thể đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Móng tay ngả màu vàng
Điều này có thể xảy ra đối với những người cao tuổi, hoặc những người hay hút thuốc. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng này như nấm móng, tiếp xúc lâu ngày với hóa chất, sử dụng sơn móng tay không đúng cách...
Móng tay khô, nứt và dễ gãy
Đây là một trong những vấn đề mà rất nhiều người gặp phải. Nguyên nhân có thể là do bơi lội, thường xuyên tiếp xúc với các chất tẩy rửa như nước rửa chén, nước lau nhà mà không đeo găng tay, hoặc sống trong môi trường có độ ẩm thấp.
Để khắc phục tình trạng này, hãy sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm có chứa axit hyaluronic, glycerin hoặc dầu thực vật. Giống như làn da, móng tay có thể hấp thụ các dưỡng chất và phục hồi hư tổn.
Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra bởi đó có thể là dấu hiệu của bệnh suy tuyến giáp.
Móng tay mọc quặp
Móng quặp là tình trạng xảy ra khi các đầu ngón tay bị sưng lên, mép móng tay cong và quặp vào trong, thậm chí còn cuộn vào da. Nguyên nhân thường gặp là do viêm các đầu ngón tay. Cắt móng tay nhiều và quá sâu cũng sẽ dẫn đến tình trạng này.
Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan khi gặp phải tình trạng này bởi đây có thể là dấu hiệu của các bệnh về gan hoặc thận.
Xuất hiện đốm trắng trên móng tay
Nhiều người tin rằng những đốm trắng xuất hiện trên móng tay cho thấy cơ thể đang bị thiếu hụt canxi. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chủ yếu. Thông thường, những đốm trắng này chỉ là do và đập nhẹ hoặc sử dụng lực quá mạnh.
Các đường lằn ngang trên móng tay
Thỉnh thoảng bạn có thể thấy những đường lằn hoặc gợn theo chiều ngang trên móng tay. Điều này thường xuất phát từ những chấn thương trực tiếp đến móng tay như bật móng, va đập mạnh.
Nếu bạn thấy nhiều hơn một đường lằn ngang trên móng tay, đó có thể là dấu hiệu suy nhược cơ thể hoặc một căn bệnh nghiêm trọng hơn. Bởi khi phải chống chọi lại bệnh tật, cơ thể bạn sẽ có xu hướng "tiết kiệm năng lượng" cho các quá trình quan trọng hơn, khiến việc tạo móng bị ảnh hưởng.
Những dòng kẻ ngang này cũng có thể do phản ứng thuốc. Đây là biểu hiện thường gặp ở những người đang được tiến hành hóa trị.
Các đường lằn dọc
Các đường lằn dọc trên móng tay là một dấu hiệu lão hóa thông thường của cơ thể, tương tự như những nếp nhăn trên gương mặt.
Móng tay hình thìa
Đây là loại móng tay có phần giữa lõm xuống, phần bao quanh vênh lên giống hình dạng chiếc thìa và có lớp sừng rất mỏng. Móng tay hình thìa thường là dấu hiệu của việc cơ thể bị thiếu hụt sắt. Ngoài ra, thiếu sắt còn khiến móng tay có màu sắc tương đối nhợt nhạt.
Móng tay có vết rỗ
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu móng tay xuất hiện nhiều vết rỗ, lõm bởi đây là một trong các triệu chứng của bệnh vẩy nến.
Móng tay có sọc đen hoặc gây đau khi mọc
Nếu móng tay bạn đổi màu đen, có các vệt màu đen hoặc gây đau khi mọc mà không phải do các tác động từ bên ngoài, hãy đi kiểm tra sức khỏe ngay lập tức bởi đây có thể là dấu hiệu của khối u ác tính.
Mai Chi
Theo Hà nội mới
Mẹo tự kiểm tra sức khoẻ trong 2 phút có thể "cứu sống" bạn Đôi khi, thay vì đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, mà một vài mẹo kiểm tra nhanh chóng có thể giúp bạn phát hiện ra bệnh. Bạn có biết rằng dành 2 phút kiểm tra mặt, tay và chân có thể chỉ ra các vấn đề sức khoẻ của bạn. Hãy làm theo những bước đơn giản sau nhưng có...