Làm “mẹ Hổ” dạy con vượt qua bạo lực học đường
Những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, học sinh đánh đập lẫn nhau, thầy cô đánh học trò bầm tím người được báo chí đưa tin khiến phụ huynh có con đi học cảm thấy bất an. Câu chuyện mẹ Hổ của chị Lê Phương Hoa ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi.
Đây là bài viết mà tôi đọc đi đọc lại vì thấy thật hữu ích, kinh nghiệm của chị Hoa là khi thấy bất bình nếu thầy cô đối xử với con mình thiếu thiện chí thì đến phản ánh thẳng với hiệu trưởng nhà trường để chấn chỉnh các thầy cô giáo. Điều này không chỉ giúp con mình mà là giúp được rất nhiều các em học sinh khác, không may học phải thầy cô dữ dằn, ưa bạo lực. Những thầy cô ấy đã phải thay đổi, điều ấy chứng tỏ khi sự thật bị phơi bày và có cấp trên tuýt còi nhắc nhở, thầy cô có cư xử chưa chuẩn mực lập tức phải chấn chỉnh.
Tôi nghĩ không mấy ai dũng cảm như chị Lê Phương Hoa. Phần lớn phụ huynh đều e sợ, dè chừng đối với thầy cô đứng lớp con mình. Ai cũng lo con đi học bị thầy cô trù úm nếu mình lỡ miệng làm thầy cô phật ý. Có thể cô sẽ ngưng việc tát mắng con nhưng nhỡ cô suốt ngày tra sách vở, hỏi vặn vẹo con trước lớp thì sao? Suy nghĩ ấy hiển nhiên tồn tại ở mỗi phụ huynh, làm họ không dám gọi điện hỏi giáo viên chứ đừng nói là gặp trực tiếp để làm sáng tỏ câu chuyện của con cái hay phản ánh với hiệu trưởng nhà trường. Đa số phụ huynh thường nạt nộ, đổ tội cho con nghịch ngợm, không nghe lời cô giáo dẫn đến việc thầy cô bực tức mắng mỏ hoặc bị cô cho ăn tát.
Con trai của tôi đi học rất hiếu động, cháu thường nói chuyện trong lớp hoặc mải làm việc riêng. Các cô chê trách con rất nhiều và con cũng thường bị mẹ cho ăn đòn vì quá bực. Thấy con hay lo sợ mỗi cuối tuần vì cô đưa vở có ghi nhận xét về cho phụ huynh ký nhận, tôi cố gắng thay đổi suy nghĩ và cách dạy con. Thay bằng mắng mỏ con, tôi động viên con cố gắng trật tự trong lớp. Có lần trong tiết thực hành tin học ở trường, con nghịch ngợm mở máy chơi game rồi nói chuyện rộn ràng với bạn, bị cô bắt chép phạt nội quy phòng máy tính đúng 100 lần. Một trang giấy ô ly của học sinh lớp 3 chỉ chép được 10 lần là kín trang, vậy là con phải chép tới 10 trang vở, ngồi gần như hết ngày.
Tôi cứ đi ra đi vào xót ruột vì hình phạt hà khắc của cô, lẽ ra cô chỉ nên phạt con chép 20 lần để nhắc nhở con. Tôi mấy lần định bấm máy xin số cô dạy môn tin từ cô giáo chủ nhiệm của con mà vẫn ngần ngại, đắn đo rồi quyết định để con chép phạt tới mỏi nhừ tay. Hình phạt này không giúp con chừa tội nói chuyện và nghịch ngợm. Con tôi vẫn hiếu động và nghịch ngợm như thế, chỉ có tôi là thay đổi hoàn toàn cách dạy con, tôi hỏi kĩ chuyện của con, chỉ cho con thấy con sai ở đâu và cố gắng không đánh con như trước.
Video đang HOT
Cô bạn đồng nghiệp với tôi, con gái học lớp 1, viết chậm viết xấu bị cô giáo tát. Cô tát khá nhiều lần và tát nhiều học sinh trong lớp, em biết và uất ức, thương con nhưng chỉ sợ cô trù dập nên không dám gọi điện hay nói chuyện trực tiếp với cô, mặc dù cô giáo dạy con trẻ trung mới đứng lớp chừng vài năm. Bạn tôi ngày nào cũng tỉ tê hỏi con cái điệp khúc nặng nề “hôm nay cô có làm gì con không, ở lớp con có bạn nào bị cô tát không?” Rất may là có phụ huynh ghê gớm gọi điện mắng cô một trận vì tát đỏ má con chị ấy, từ đấy cô giáo trẻ này mới bớt lộng hành trong lớp học. Năm nay con gái bạn tôi lên lớp 2, bạn phấn khởi nói “học cô giáo khác rồi, mừng thế”.
Tôi và cô bạn giờ có chút kinh nghiệm ứng xử với giáo viên của con đều nhất trí phương án: nếu thấy cô sai, mình cứ trao đổi để cô phải thay đổi. Nếu cứ im lặng thì chỉ con mình thiệt thòi.
Khi tôi kể lại những câu chuyện bạo lực học đường từ thầy cô với học trò và tôi đưa ra câu hỏi “Nếu rơi vào con em, em sẽ cư xử ra sao”, cô em làm cùng tôi nói thẳng: “Em không bao giờ để yên, phải đến hỏi cho ra lẽ, thầy cô mà đánh học trò là không thể chấp nhận”. Em kể với tôi, ngày nào cũng hỏi xem con học ở lớp ra sao, có bị bạn nào trêu chọc bắt nạt không, cô dạy học ra sao? Trẻ con hồn nhiên và nói thật hết nếu bố mẹ gần gũi và yêu thương.
Câu chuyện “mẹ Hổ” dạy con vượt qua bạo lực học đường có thể giúp cho mỗi phụ huynh thêm nhiều kinh nghiệm quý báu. Riêng với bản thân tôi, tôi cũng không bao giờ im lặng nếu con bị đối xử bất công ở trường học, bị bạn bè chèn ép bắt nạt. Phụ huynh không dám bênh vực và bảo vệ con thì chỉ khiến con luôn rụt rè, sợ hãi trước vấn nạn bạo lực học đường đang có chiều hướng trầm trọng và tăng nhanh.
Theo Thanh Mai (Dân trí)
Nhóm nữ sinh đánh bạn bị đuổi học, bồi thường 18 triệu đồng
Dùng mũ bảo hiểm đánh bạn nhập viện, 4 trong nữ sinh trường THPT Can Lộc và Trung tâm giáo dục thường xuyên Can Lộc (Hà Tĩnh) bị đuổi học hoặc hạ hạnh kiểm.
Trưa 24/6, thầy Trần Văn Tý, Phó hiệu trưởng trường THPT Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết, nhà trường đã họp hội đồng kỷ luật, ra quyết định đuổi học một năm với hai nữ sinh lớp 11 tham gia trong nhóm 5 người đánh nữ sinh lớp 12 tên Nga cùng trường.
"Thời hạn đuổi học sẽ tính từ đầu năm học mới. Một học sinh được xác định là chủ mưu đã nghỉ học nên bàn giao lại cho địa phương giáo dục", thầy Tý nói.
Theo thầy Lương Xuân Bình, giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Can Lộc, Trung tâm đã họp và trình phương án kỷ luật với Sở Giáo dục. Theo đó, trường đề xuất cảnh cáo, lưu hồ sơ cải tạo trong hè, hạ hai bậc hạnh kiểm với hai sữ sinh liên quan vụ việc.
"Hai học sinh của trường được xác định là đi theo, không phải chủ mưu. Do các em chưa vi phạm lần nào nên hạ hai bậc hạnh kiểm từ tốt xuống trung bình", ông Bình nói.
Hình ảnh nhóm nữ sinh đánh nhau ngày cách đây gần 1 tháng. Ảnh: Cắt từ clip
Đội cảnh sát điều tra trật tự và xã hội Công an huyện Can Lộc cho hay, nhà chức trách đã để hai bên thỏa thuận dân sự. Theo đó, gia đình các nữ sinh đánh bạn phải bồi thường bị hại 18 triệu đồng.
Trước đó ngày 29/5, mạng xã hội xuất hiện video dài hơn 4 phút, quay cảnh một nữ sinh bị 5 cô gái bịt khẩu trang, tay cầm mũ cối, mũ bảo hiểm, lao vào đấm đá túi bụi giữa đoạn đường vắng.
Sau khi đánh hội đồng, một cô gái mặc áo chống nắng màu đen tiếp tục cầm mũ cối hăm dọa, đá vào đầu nữ sinh đang nằm giữa đường. Sự việc khiến nạn nhân phải nhập viện Đa khoa huyện Đức Thọ điều trị.
Theo tường trình, nguyên nhân vụ việc bắt nguồn từ lời khen "đẹp nhất lớp" của nữ sinh lớp 11 trường THPT Can Lộc dành cho một nữ sinh lớp 12 cùng trường. Mâu thuẫn nảy sinh từ câu nói dẫn đến ẩu đả.
Đức Hùng
Theo VNE
Bạo lực học đường vì chuyện yêu: Vấn đề tính dục Nữ thông qua hành động bạo lực học đường để thu hẹp khoảng cách cạnh tranh về mặt tình dục Nữ thông qua hành động bạo lực học đường để thu hẹp khoảng cách cạnh tranh về mặt tình dục. Thạc sĩ tâm lý Ngô Toàn (Hà Nội) chia sẻ với Dân Việt quan điểm về bạo lực học đường sau khi clip...