Làm mẹ đơn thân cũng là một lựa chọn để hạnh phúc
Chị không thể quên cái hôm chị ôm đứa con đỏ hỏn về nhà ngoại, giải thoát bản thân khỏi ràng buộc cay nghiệt của hôn nhân. Chị nói rằng, đó là điều mà chị lựa chọn, không ai ép uổng.
Yêu nhau 4-5 năm trời mới cưới, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Loan vẫn không nao núng khi quyết định làm mẹ đơn thân ngay khi cuộc sống hôn nhân không còn như mong đợi. Những ngày đó, con chị mới 5 tháng tuổi. Bé chưa hiểu chuyện gì, chỉ biết ê a, thậm chí còn chưa biết đi, chưa biết chạy. Còn chị, vì quá mỏi mệt, chị đã quyết định kết thúc cuộc hôn nhân của mình.
Chị Nguyễn Thị Thu Loan và con gái – Ảnh: FB Loan Ntt
Khi kể câu chuyện đời ấy, chị không muốn nhắc nhiều đến quá khứ. Tất cả những gì chị và anh có là một đứa con gái với hình hài giống bố như lột. Chị đã từng thương yêu người đàn ông đó hết lòng hết dạ, thương để đồng ý cưới, mang thai, sinh nở. Nhưng với chị, có những thứ phải chấm dứt. Chị dứt đoạn tình của mình, để cả mẹ và con về một vùng đất khác hồi sinh.
Hôm chị ẵm con về Huế, ông bà ngoại khóc, chị cũng ôm con mà khóc. Con chị còn quá nhỏ, bé đỏ hỏn trên tay chị, chẳng thể hiểu chuyện gì. Quãng đường từ Bình Phước về Huế dài vô cùng tận. Chị không thể nhớ nổi trên quãng đường ấy, chị đã nghĩ gì, đã muốn thủ thỉ với con những gì. Nhưng cuộc trốn chạy này, chắc chắn sẽ mở ra một tương lai mới.
Chị tự lập, kiếm tiền, nuôi con, đưa con đi du lịch – Ảnh: FB Loan Ntt
Người Huế quê chị vốn thật thà, chịu khó. Những ngày chị về quê nuôi con, ông bà ngoại hết lòng ủng hộ. Tưởng như những lễ giáo ngàn năm bó buộc chị, nhưng không, cha mẹ chị là người lại thêm lần nữa ôm chị và cháu ngoại vào lòng. Cái thứ tình cảm máu mủ ruột rà ấy từng nuôi chị lớn khôn, nay lại thêm một lần cưu mang con chị. Chính ông bà cũng là người khuyên chị hãy mạnh dạn từ bỏ những thứ không còn thuộc về mình nữa. Người ta có thể yêu, có thể hy vọng vào một mái ấm hạnh phúc thì người ta cũng hoàn toàn có thể rũ sạch những gì mà người ta thấy không còn tin tưởng.
Về Huế, chị như trở lại cái thời con gái hồn nhiên, lúc chị còn nhỏ. Khi con cứng cáp hơn, chị dắt con đi khắp nơi. Hai mẹ con ngồi cùng nhau bên gánh chè nhỏ, bên mâm bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc mà ngày thơ bé chị vẫn ăn. Chị dạy con mình biết yêu thương ông bà, biết lễ giáo gia phong. Và chắc chắn trong tương lai, chị cũng sẽ dạy con mình dám yêu thương, dám tự lập, dám từ bỏ, khẳng khái như dòng máu Huế trong chị.
Video đang HOT
Chị đã buông để về Huế, về ngoại – Ảnh: FB Loan Ntt
Chị kể, từ lúc trốn chạy cuộc sống gò bó đầy nước mắt để về Huế, chị không có thời gian để khóc lóc, yếu mềm bởi chị bận kinh doanh online, bận chăm con nhỏ. Những lúc rảnh, chị Loan cũng không dành thời gian suy nghĩ tiêu cực. Chị gặp gỡ bạn bè thuở thiếu thời, đi ăn, đi chơi, cùng con ra nước ngoài du lịch. Chị tư vấn làm đẹp cho phụ nữ, buôn bán các sản phẩm làm đẹp, giữ dáng để lấy tiền đó nuôi con. Bé con chị vì thế mà cứ cùng mẹ lớn lên, an tâm khi ở cạnh một người mẹ biết tự cường, biết làm mình vui vẻ mỗi ngày.
Chị Loan nói, chị vẫn có niềm tin vào những cuộc hôn nhân tốt đẹp. Chị vẫn tin có rất nhiều anh chồng tốt, người cha tốt trên đời. Bản thân chị và con qua được biến cố này cũng là một điều mà cuộc sống an bài. Chị may mắn vì sau đổ vỡ ấy, đã có con bên cạnh, và gia đình, dòng họ đã không một phút bỏ rơi chị. Con cháu mình hạnh phúc, bình yên, đó chẳng phải là thứ hạnh phúc tuyệt vời nhất rồi sao?
Càng ngày, chị Loan càng biết suy nghĩ tích cực hơn, tự mình làm đẹp, yêu chiều bản thân và con gái – Ảnh: FB Loan Ntt
Có đôi lúc, chính chị Loan cũng chạnh lòng, bởi khi ôm con đi chơi, chị thấy các bé bằng tuổi con có đủ đầy cha mẹ, các bé nhỏ được cha ẵm, ôm cổ hít hà. Còn chị thì vừa ôm con, vừa ôm túi đồ bỉm sữa. Lúc bé ốm sốt, chị chơi vơi nhất, khó khăn nhất, nhưng cũng phải một mình cáng đáng. Nhiều hôm, chị vừa chăm con, vừa bán hàng, trả lời tin nhắn của khách, rồi cùng con đi giao hàng, rất vất vả.
Con càng hồn nhiên thì chị càng buồn, bởi bé làm sao biết mình thua thiệt các bạn nhỏ kia những gì. Tuy nhiên, chị đã dùng hết sức trẻ, những đêm thức trắng, những đồng tiền tự kiếm hằng ngày từ sự buôn bán chăm chỉ mà nuôi con. Bạn bè thương chị, các chị em khác ủng hộ chị, nhiều khi chỉ là mua giúp chị món này món kia nhưng rồi dần dần thành khách ruột vì thấy chị quá đỗi dễ thương, nhiệt tình.
Chị tin, khi lớn lên, bé sẽ hiểu chuyện, rằng bây giờ chị yêu con bằng cả tình yêu của cha và mẹ thì khi lớn lên, bé cũng sẽ yêu chị bằng cả tình yêu gấp đôi, gấp nhiều lần như thế.
Từng đoạn đường chị Loan đi qua, có chông chênh, té ngã mà cả đời chị khó lòng quên được. Nhưng rồi chị đã buông, buông một cách rất thản nhiên, nhẹ nhàng. Chị nói, làm mẹ đơn thân cũng là một lựa chọn để hạnh phúc. Cuộc hôn nhân đi đến hồi kết, đơn giản vì hết duyên nợ, không còn ràng buộc chi nữa. Chị không sân hận, chị đã nhẹ nhàng tách ra khỏi anh, tách khỏi những cay đắng và nghiệt ngã để cùng con đi một đoạn đường mới.
Từ đây, đoạn đường này có thể không phủ đầy hoa hồng, nhưng chị sẽ tự mình làm đẹp, tự mình chăm chút cho mình và con, tự mình du lịch, trải nghiệm cuộc đời, ngẩng cao đầu, tô cho đời mình và con thêm thắm, thêm hương. Rõ ràng, sau khi ly hôn, cả chị và con đều vui vẻ, hạnh phúc và cũng đủ đầy hơn. Chưa bao giờ chị hối hận về cái ngày đã ôm con bao dặm đường để về với Huế mộng mơ, yên bình bên vòng tay nội ngoại. Đàn bà như chị, nắm thì sẽ nắm thật chặt, nhưng buông, thì cũng buông rất dứt khoát, rất nhẹ nhàng.
Chị nói, phụ nữ chúng ta dù ở hoàn cảnh nào vẫn có thể lựa chọn cho mình một cuộc sống hạnh phúc; thanh xuân chúng ta ngắn ngủi nên hãy sống có ý nghĩa nhất, không ngừng làm đẹp cả hình thức và tâm hồn, dành thời gian nhiều hơn cho cha mẹ, đọc sách và nếu có điều kiện, hãy cho đi nhiều hơn, hãy làm từ thiện, rồi bạn sẽ nhận ra cuộc đời chúng ta thật đẹp và rất đáng sống biết bao.
Vũ Phương
Theo phunuonline.com.vn
Mẹ đơn thân
Mỗi người có một điểm xuất phát riêng, không ai giống ai cho cuộc hành trình làm mẹ đơn thân của mình. Nhưng sự vất vả gian nan trên con đường chông chênh ấy thì hầu như bà mẹ nào cũng trải qua
23 tuổi, trót dại với một tên sở khanh, Ly mang thai. Gạt qua nỗi đau bị ruồng bỏ, toàn bộ sự lo lắng băn khoăn Ly tập trung vào cái thai trong bụng. Cô tìm đến chuyên gia tâm lý. Câu trả lời Ly nhận được của chuyên gia là:
"Mẹ bạn đề nghị bạn bỏ cái thai để làm lại từ đầu, bà cũng có cái lý của bà. Quyết định giữ lại sinh con và làm mẹ đơn thân, bạn cũng có cái lý của bạn. Nhưng vấn đề ở đây theo tôi nghĩ, không phải là bạn muốn hay mẹ bạn muốn theo cảm xúc cá nhân mà đối tượng chúng ta cần nghĩ đến là đứa trẻ. Đứa trẻ không có quyền lựa chọn sự ra đời của nó. Quyết định hoàn toàn là của người lớn. Bạn nên lường hết những vất vả khó khăn nếu sinh con ra và làm mẹ đơn thân (về tinh thần lẫn vật chất). Bạn cũng hãy nghĩ đến cảnh "con anh, con em, con chúng ta" nếu như sau này bạn lấy chồng lần nữa. Nếu như bạn thấy bạn có thể mang đến cho đứa trẻ một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc thì chuyện làm mẹ đơn thân trong xã hội ngày nay không có gì xa lạ..."
Một cô gái xuân thì chấp nhận từ giã những cuộc vui, tự ràng buộc mình vào trăm ngàn thứ phải chịu đựng, tất họ có cái lý của họ.
Liên thì khác, 26 tuổi, trời cho nhan sắc, thành công và danh vọng. Không phải là kết quả của một vụ hiếp hay một cuộc tình chóng vánh, không có đổ vỡ, không bồng bột nông nổi, cô từ bỏ tất cả mọi khát vọng, ước mơ tuổi trẻ, tự nguyện chọn lựa cuộc sống làm mẹ đơn thân. Một cô gái xuân thì chấp nhận từ giã những cuộc vui, tự ràng buộc mình vào trăm ngàn thứ phải chịu đựng, tất họ có cái lý của họ.
Liên tâm sự, lý do để cô quyết định làm mẹ đơn thân, thứ nhất, vì cô đã mất niềm tin vào đàn ông mặc dù cô chưa từng bị đàn ông "chơi xấu" lần nào. Cô nhận diện đàn ông qua hình ảnh của ba cô, người đàn ông suốt ngày say mèm, luôn miệng chửi bới, giao hết công việc nhà cửa con cái cho mẹ cô. Chị em cô lớn lên hầu như không hề liên quan gì đến sự có mặt của ông trong nhà. Thứ hai, Liên sợ cảnh mẹ chồng nàng dâu, cùng với bao nhiêu thứ ràng buộc nghĩa vụ với bên nhà chồng. Cô cũng sợ thất vọng đau khổ nếu xảy ra ly hôn... Nhưng cái chính, Liên là một cô gái tự lập, tự chủ, cô muốn mọi việc đều tự mình làm, tự mình sắp xếp theo ý mình.
Làm mẹ khi có người chồng bên cạnh đã vất vả lắm rồi. Làm mẹ đơn thân nỗi vất vả sẽ nhân lên gấp bội
Bên cạnh những khó khăn, mà ai cũng biết, của một bà mẹ đơn thân là những đứa con không cha. Những đứa trẻ không được dự phần quyết định chuyện ra đời của nó, không nhiều thì ít, nhất định chúng sẽ gặp phải những ánh mắt soi mói, nghi kỵ, những lời bàn tán, chỉ trích thậm chí bài trừ... Người mẹ hẳn phải chịu nhiều áp lực, phải vượt qua bằng niềm tin, bằng sự mạnh mẽ, bằng tình yêu vô bờ bến với con mình, càng phải vận hết "mười phần công lực" nếu như không được gia đình, bố mẹ, anh em ủng hộ.
Làm mẹ khi có người chồng bên cạnh đã vất vả lắm rồi. Làm mẹ đơn thân nỗi vất vả sẽ nhân lên gấp bội vì bạn phải thay phần việc của người cha trong suốt quá trình nuôi dạy con cái, tính bằng chục năm chứ không phải một ngày một bữa.
Bản thân người mẹ sẵn sàng là một lẽ. Vậy còn đứa trẻ? Đứa trẻ ra đời không tự nhiên, nhằm thỏa mãn những toan tính ích kỉ của người lớn, liệu trong quá trình phát triển, nhất là phát triển nhân cách có bị "chênh" hay không? Bởi vì, nói gì thì nói, một gia đình đầy đủ theo lẽ tự nhiên phải bao gồm cha mẹ và các con. Thiếu một trong ba yếu tố ấy không thể gọi là một gia đình hoàn hảo (về "nhân sự").
"Điều đầu tiên và quan trọng nhất phải tính đến là hạnh phúc của đứa trẻ"
Ông Văn Thanh Sĩ, chuyên viên tư vấn đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP. HCM phân tích: "Điều đầu tiên và quan trọng nhất phải tính đến là hạnh phúc của đứa trẻ. Bạn hãy tự trả lời những câu hỏi như: Liệu mình có thể gánh vác trách nhiệm vừa làm cha vừa làm mẹ, đảm bảo được về vật chất, tinh thần cho con phát triển tốt nhất? Liệu sau này con sẽ nghĩ gì và nhìn nhận ra sao về gia đình, về cuộc sống khi lớn lên trong một gia đình khuyết... trước khi đưa ra quyết định".
Tương tự, một nữ chuyên gia tư vấn thuộc Trung tâm tư vấn Gia Đình và Ly hôn, Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cũng chia sẻ: "Trước khi đưa ra quyết định này, cần cân nhắc thật kỹ, bởi nó liên quan đến cuộc sống, số phận cả cuộc đời của không chỉ chính người phụ nữ, mà cả những đứa trẻ".
GIA NGHI
Theo thegioitiepthi.vn
Ân hận vì một lần 'nhắm mắt đưa chân" Chán nản vì bị bố mẹ ngăn cản, không cho lấy người mình yêu. Cô gật đầu liều để lấy người đàn ông trẻ, không có tình yêu. Kết cục cay đắng và đẫm nước mắt của đời cô gái trẻ cũng bắt đầu từ ngày "một lần nhắm mắt đưa chân" ấy. Đã 2 năm sau ngày ly hôn chồng, người mẹ...