Lam Kinh – ‘di tích xanh’ của xứ Thanh
Với mỗi người Việt Nam và cả du khách quốc tế, khi đến xứ Thanh, ngoài thành Nhà Hồ thì một nơi không thể không ghé thăm là Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Lam Kinh – “di tích xanh” của xứ Thanh
Di tích Lam Kinh thuộc địa bàn xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân) và xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) chính là quê hương Anh hùng dân tộc Lê Lợi và cũng là “cái nôi” của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Thật hiếm có di tích nào, dù đã trải qua ngót 600 năm với nhiều biến động nhưng vẫn giữ được “hồn cốt” xưa với rừng nguyên sinh, điện miếu, lăng mộ, bia đá,… Nơi đây đã và đang trở thành “di tích xanh” của xứ Thanh, là chốn tâm linh tìm về của mỗi người.
Lam Kinh – rừng di sản
Thật hiếm có di tích nào được như Lam Kinh khi còn giữ được rừng nguyên sinh. Rừng bao bọc, che phủ di tích, hòa quyện cùng di tích và cùng với di tích tạo nên giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh hiếm thấy.
Những người am hiểu đều thấy rằng đất Lam Kinh là đất có long mạch, nơi tụ khí thiêng sông núi. Nơi đây có núi Lam Sơn, núi Chúa, núi Hương, hồ Tây, hồ Như Áng, sông Ngọc, sông Chu,… Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm”. Đến nay, di tích Lam Kinh có diện tích hơn 200ha thì trong số này có tới gần 100ha rừng cổ.
Đông đảo du khách đến thắp hương viếng lăng – mộ Vua Lê Thái Tổ trong Khu di tích Lam Kinh
Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh cho biết, theo khảo sát chưa đầy đủ, rừng Lam Kinh có khoảng 300-400 loài thực vật, trong đó có 70 loài gỗ quý như: lim, lát, dổi, de, vù hương,…; các loại cây cổnhư: đa, sanh, sui, duối, xoài đất,… và nhiều loài dược liệu. Trong số này có nhiều cây gắn với giá trị di tích, tâm linh. Hiện rừng có 18 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam, như: đa, duối, lim xanh, sui, xoài đất, dổi, đại, sấu,…
Ông Vũ Đình Sỹ tự hào: “Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định rừng Lam Kinh đủ điều kiện là rừng di sản chứ không phải là công nhận chỉ mình cây. Hội công nhận cây là chỉ mang tính chất đại diện loài thôi”. Ngoài thực vật, rừng có hệ thống động vật phong phú với các loài như: chồn, cáo, sóc, rùa, trăn, rắn,… Riêng chim có rất nhiều, ngoài chim thường xuyên khu trú tại rừng Lam Kinh còn các loài chim dưới biển tìm về, “mùa nào chim nấy”.
Video đang HOT
Di tích quốc gia đặc biệt
Vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2022 và kỷ niệm 10 năm di tích được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Các công trình trong di tích Lam Kinh đều nằm ẩn mình dưới tán cây rêu phong, cổ kính
Theo Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, trong giai đoạn từ năm 1996-2004, Ban đã phối hợp với các nhà nghiên cứu và Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai quật khảo cổ học, qua đó đã xuất lộ 17 hạng mục công trình trong tổng thể của khu di tích gồm: Cầu Bạch, La Thành, sông Ngọc, Giếng Cổ, Ngọ Môn, Thành Nội, Sân Rồng, Tả Vu, Hữu Vu, Đông Trù, Tây Thất, Chính điện và Thái miếu, hồ Tây, gốc đa bà Lụa, cánh đồng Boọng, Lăng hoàng hậu Nguyễn Thị Huyên.
Trong giai đoạn này, một số hạng mục quan trọng của 6 khu lăng mộ của các vua và hoàng thái hậu (lăng mộ vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao); 5 nhà che bia, đền thờ Lê Lợi, đền thờ Lê Lai; 5 tòa miếu, Sân Rồng, Ngọ Môn, hồ Tây, đập nhà Lê đã được tu bổ hoàn chỉnh. Đặc biệt, khu chính điện Lam Kinh đã được phỏng dựng thành công và được phép mở cửa đưa vào sử dụng từ tháng 4-2022.
Trong 10 năm qua, Ban Quản lý Di tích Lam Kinh đã triển khai thực hiện thành công nhiều công việc thiết thực, có hiệu quả, nhất là trong công tác trùng tu, bảo tồn di tích. Các hạng mục di tích đã được trùng tu, tôn tạo đều đảm bảo dựa trên các yếu tố gốc, được đánh giá cao về chất lượng, thẩm mỹ, tạo được hiệu ứng tốt, góp phần quan trọng trong việc phục hồi, nâng tầm giá trị của khu di tích. Giá trị các hạng mục được đầu tư trong 10 năm qua khoảng hơn 400 tỷ đồng.
Lễ hội Lam Kinh năm 2022 và kỷ niệm 10 năm di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt
Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh cho biết, từ đầu năm đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 nhưng vẫn có rất đông du khách tìm về với Lam Kinh. Theo thống kê, có khoảng 340.000 – 350.000 lượt khách đã tới chốn linh thiêng này. Dự kiến, cả năm 2022, khu di tích sẽ đón khoảng 400.000 lượt khách.
“Hướng của Ban Quản lý di tích Lam Kinh lâu nay đã và đang triển khai là du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Để thực hiện được điều này, ngoài việc luôn coi trọng công tác “trồng cây gây rừng”, phục hồi tôn tạo di tích theo nguyên bản, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, chúng tôi luôn xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hướng tới phục vụ du khách được hài lòng trong không gian hài hòa với rừng di sản, di tích xanh”, ông Sỹ cho biết thêm.
Nghìn người dự lễ hội tại chính điện bằng gỗ dát vàng lớn nhất Thanh Hoá
Sáng ngày, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2022, và kỷ niệm 10 năm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội Lam Kinh 2022 nhằm kỷ niệm 604 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê đăng quang, 589 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và kỷ niệm 10 năm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (2012-2022).
Lễ hội nhằm tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đồng thời giới thiệu, quảng bá nét đẹp về vùng đất, con người xứ Thanh, giá trị của di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, du lịch của tỉnh Thanh Hóa tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức trong 3 ngày, từ 16/9 đến 18/9 (tức ngày 21, 22, 23/8 âm lịch).
Mở đầu là phần lễ, nghi thức rước kiệu truyền thống
Các nghệ sĩnh đánh trống xuyên suốt phần nghi lễ
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lễ dâng hương kính cáo Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế
Mở đầu là phần lễ, nghi thức rước kiệu truyền thống. Tiếp đó là lễ dâng hương kính cáo Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế. Cuối cùng là đọc chúc văn tưởng nhớ công lao của Vua Lê Thái Tổ và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn.
Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Hào khí Lam Sơn - tỏa sáng trường tồn", gồm 3 chương, tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao to lớn của người anh hùng áo vải Lê Lợi cùng các tướng sĩ, nhân dân đã đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành độc lập tự chủ và xây dựng đất nước phát triển hưng thịnh.
Ngoài ra, các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ sẽ trình diễn trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng huyện Ngọc Lặc, múa bát dân tộc Dao nhằm thể hiện sự phong phú, đa sắc màu trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh.
Tái hiện lại hình ảnh anh hùng Lê Lợi
Nghệ sĩ sẽ trình diễn trò Xuân Phả
Hàng nghìn người dân đến dự Lễ hội Lam Kinh
Tháng 4/2022 Chính điện Lam Kinh (thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã chính thức mở cửa đón khách du lịch tham quan, chiêm bái sau 12 năm phục hồi, tôn tạo.
Trước đó, Chính điện Lam Kinh được khởi công tu bổ, tôn tạo từ năm 2010, trên diện tích hơn 1.600m2. Chính điện hình chữ Công, gồm Tiền điện - Quang Đức (với ý nghĩa là tài cao, đức độ của vua Lê Thái Tổ sẽ muôn đời tỏa sáng); Trung điện - Sùng Hiếu (tôn sùng đạo hiếu) và Hậu điện - Diên Khánh (vun đúc sự tốt lành của vương triều nhà Lê).
Theo lãnh đạo của Ban Quản lý di tích, Chính điện Lam Kinh sau khi phục dựng, tu bổ đã trở thành công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất và phức tạp nhất tại tỉnh Thanh Hóa, với khối lượng gỗ lim hơn 2.000m3.
Chính điện dát vàng được mở cửa đón du khách
Đến nay có khoảng 21 hạng mục công trình gồm: Chính điện Lam Kinh và các lăng mộ, nhà bia, các tòa Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ Lê Lai và một số hạng mục như hồ Như Áng, giếng cổ, sông Ngọc, cảnh quan thiên nhiên... đã được tu bổ, tôn tạo và bảo vệ, với kinh phí lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Đáng chú ý, bên trong chính điện, các đồ thờ, vật dụng được phục dựng và sơn son thếp vàng với giá trị hơn 40 tỉ đồng.
Chính thức xếp hạng di tích thắng cảnh đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau Ngày 7-11, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định xếp hạng di tích thắng cảnh cấp tỉnh đối với thắng cảnh Hòn Cau thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Một góc Hòn Cau. Với quyết định này, Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ được bảo vệ tốt hơn. Căn cứ vào Luật...