Làm hiệu trưởng bây giờ có khó không, sướng hay khổ?
Dù hiệu trưởng luôn có những người tham mưu, giúp việc theo từng mảng công việc nhưng chắc chắn một điều là hiệu trưởng phải biết chỉ đạo và chịu trách nhiệm.
Từ lâu rồi, mỗi khi nói về hiệu trưởng ở các nhà trường phổ thông thì một số người thường có thói quen nghĩ về những con người độc đoán, tham lam và lên chức này không hẳn là bằng tài năng của mình. Tất nhiên, những hiệu trưởng như vậy cũng không hiếm nhưng có lẽ không phải là số nhiều.
Phần lớn hiệu trưởng nhà trường được bổ nhiệm thì trước hết họ phải là người tương đối tốt ở tất cả các mặt như: phẩm chất, đạo đức, chuyên môn, có khả năng quản lý tốt và hài hòa được các mối quan hệ.
Những người yếu về các mặt này rất khó được bổ nhiệm làm hiệu trưởng và cho có được bổ nhiệm thì đương nhiên cũng rất khó trụ được ở vị trí này trong một thời gian dài.
Công việc của một hiệu trưởng nhà trường hiện nay không hề đơn giản. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Theo quy định hiện hành thì điều kiện để bổ nhiệm hiệu trưởng trong những năm gần đây không còn dễ dàng như trước đây nữa.
Người được bổ nhiệm hiệu trưởng phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với mỗi cấp học.
Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học thì trước khi được bổ nhiệm phải dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.
Như vậy, muốn làm hiệu trưởng thì trước tiên họ phải là những nhà giáo đã từng đứng lớp, có ít nhất 5 năm công tác, vùng khó khăn cũng phải qua 4 năm công tác.
Quy định như vậy, nhưng thực tế thì để trở thành một hiệu trưởng nhà trường, nhất là những trường ở khu vực có điều kiện, những trường lớn thì người thầy ấy phải trải qua nhiều giai đoạn nhất định.
Trước tiên họ phải dạy lớp một số năm rồi mới được bổ nhiệm làm tổ trưởng chuyên môn, cơ cấu, quy hoạch vào chức danh phó hiệu trưởng rồi mới được cử đi học lớp bồi dưỡng cán bộ quán lý, bồi dưỡng về chính trị.
Phải mất một số năm phấn đấu mới có thể được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng, làm phó một thời gian thì mới có cơ hội làm hiệu trưởng nhà trường.
Vì thế, đa phần để lên được hiệu trưởng trong những năm gần đây thì thông thường người đó phải có hàng chục năm công tác ở một số vị trí khác nhau mới được bổ nhiệm.
Tất nhiên, thực tế cũng có những trường hợp ngoại lệ như một số trường khó khăn, trường mới thành lập hay có những trường hợp “nâng đỡ không trong sáng” thì hiệu trưởng thường chỉ cần đủ chuẩn về số năm là có thể được bổ nhiệm.
Video đang HOT
Nhưng, thực tế số hiệu trưởng như vậy hiện nay rất hiếm nên đa phần thì họ vẫn phải trải qua một số vị trí công việc từ thấp đến cao thì mới được bổ nhiệm chức danh này.
Làm hiệu trưởng khó hay dễ?
Thực tế cho thấy để hoàn thành được công việc ở mức tương đối tốt thì không có công việc nào trong trường học dễ dàng cả. Nhất là đối với công việc của một lãnh đạo, một người quản lí như hiệu trưởng nhà trường.
Trường nhỏ cũng có vài chục giáo viên, nhân viên, trường lớn lên đến hàng trăm con người có trình độ bằng, thậm chí là hơn hiệu trưởng. Trong số những giáo viên trong trường có nhiều lứa tuổi và đến từ nhiều địa phương, nhiều thành phần khác nhau.
Có người là con cháu của lãnh đạo, của cấp trên hiệu trưởng, có người đã từng là học trò của hiệu trưởng, thậm chí có nhiều người đã từng là thầy, là cô của hiệu trưởng.
Trong số những cấp dưới của hiệu trưởng, có người phục tùng, có người chống đối, có người ganh ghét…
Mỗi trường, ít cũng có 4-5 tổ chuyên môn, trường lớn lên đến hàng chục tổ chuyên môn khác nhau. Mỗi tổ lại thường có những tư tưởng cống hiến, phấn đấu khác nhau.
Chỉ cần phân công người này chủ nhiệm, người kia không chủ nhiệm lớp cũng có ý kiến phản đối, chỉ cần phân công người này dạy hơn người kia 1 tiết là cũng đã có ý kiến…
Nhất là, trong trường có ít nhất 1 phó hiệu trưởng, trường lớn lên đến 2-3 phó hiệu trưởng- những người cũng ít khi có tiếng nói chung với hiệu trưởng trong điều hành chỉ đạo…
Vì thế, xây dựng được mối đoàn kết nội bộ trong mỗi đơn vị trường học cũng không phải là điều dễ dàng.
Đó là chưa kể mỗi trường học có từ vài trăm đến vài ngàn học sinh. Trong hàng trăm, hàng ngàn học sinh ấy cũng không thiếu những em cá tính, quậy phá mà đa số ở trường học thì việc giải quyết những học sinh cá biệt đều đưa lên cho hiệu trưởng nhà trường thực hiện.
Mà hiệu trưởng đâu chỉ có quản lý con người, nhân sự, phân công công tác mà còn quản lý một mảng rất nặng là tài chính- mảng này cũng thường đẩy hiệu trưởng đến nhiều chuyện thị phi nhất, thậm chí dẫn đến kiện cáo, tù tội nếu có những sai sót.
Tất nhiên, việc này có kế toán nhà trường tham mưu nhưng người chủ tài khoản và chủ chi lại là hiệu trưởng nhà trường.
Ngoài ra, còn vô số việc liên quan đến họp hành ngành dọc, ngành ngang, dạy lớp, đối nội, đối ngoại, liên tục phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra với rất nhiều nội dung của Sở, Phòng, Uỷ ban…
Như vậy, nếu chỉ nhìn hiệu trưởng là người “chỉ tay năm ngón” thì e rằng còn nhiều khiên cưỡng.
Dù hiệu trưởng luôn có những người tham mưu, giúp việc theo từng mảng công việc nhưng chắc chắn một điều là hiệu trưởng luôn là người chịu trách nhiệm và tất nhiên dù làm ít hay làm nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp làm việc thì hiệu trưởng vẫn phải là người kiểm tra, đôn đốc.
Nếu hiệu trưởng kém tài, kém đức thì trường học sẽ đi xuống và đương nhiên cấp dưới không phục, hiệu quả đào tạo thấp và lúc ấy đương nhiên là cái ghế hiệu trưởng cũng sẽ không còn được đảm bảo nữa.
Không thể bổ nhiệm nhân viên nhà trường làm hiệu trưởng được
Chuyện chuyển ngạch của nhân viên sang ngạch viên chức như giáo viên và trở thành lãnh đạo nhà trường có lẽ không phù hợp và chắc chắn điều này khó xảy ra.
Những ngày qua, trên Giáo dục Việt Nam đã có một loạt bài viết phản ánh về đội ngũ nhân viên trường học của tác giả Bùi Nam và nhận được sự quan tâm, đồng tình của bạn đọc- đặc biệt là đội ngũ nhân viên của các nhà trường.
Bởi, họ cũng là những người cùng công tác trong một đơn vị với đội ngũ nhà giáo nhưng chính sách tiền lương, chế độ làm việc lại hoàn toàn khác nhau.
Điều đặc biệt là ngày 21/4/2020, tác giả Bùi Nam lại tiếp tục có bài viết: Tại sao lại không thể bổ nhiệm nhân viên trường học làm hiệu trưởng? đã tạo ra một góc nhìn mới đáng suy ngẫm nhưng có lẽ đề xuất này không phù hợp với môi trường rất đặc thù - đó là trường học hiện nay.
Nhân viên nhà trường hiện đang xếp ngạch khác với giáo viên - (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)
Khi đọc những bài viết đề cập về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên trường học, chúng tôi cũng đồng cảm sâu sắc với tác giả Bùi Nam và hàng trăm phản hồi của bạn đọc sau mỗi bài viết. Vì thế, những vấn đề này chúng tôi không bàn luận thêm nữa.
Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là tác giả Bùi Nam đề xuất để những nhân viên trường học có thể đảm nhận các công việc quản lý nhà trường. Liệu đề xuất này có phù hợp với tình hình thực tế hiện nay hay không?
Chúng tôi cho rằng đây là một đề xuất táo bạo nhưng chưa phù hợp với những quy định hiện hành, cũng như đề xuất này khó phù hợp với môi trường giáo dục Việt Nam hiện nay bởi các lý do sau.
Thứ nhất: trường học lấy hoạt động giáo dục làm trọng tâm, nơi đây chủ yếu có 2 hoạt động chính là giảng dạy của giáo viên và học tập của học trò. Hơn nữa, trường học cũng là nơi phải quản lý số lượng con người thường rất nhiều. Trường ít thì cũng có hàng trăm giáo viên, học sinh. Trường nhiều có thể lên đến vài ngàn con người.
Người quản lý giáo dục được đào tạo trong trường sư phạm không chỉ có chuyên môn về giáo dục mà họ được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, về tâm lý lứa tuổi để điều hành, ứng xử, giải quyết những phát sinh trong trường học một cách nhân văn nhất.
Những nhân viên trong trường học cho dù họ rất giỏi nhưng vì chỉ được đào tạo một chuyên ngành hẹp, dù làm việc trong môi trường giáo dục nhưng họ không có nghiệp vụ sư phạm, không có chuyên môn về chuyên ngành sư phạm nên rất khó để quản lý một đơn vị giáo dục.
Thứ hai: các văn bản hướng dẫn về quy trình bổ nhiệm, tiêu chuẩn để trở thành một lãnh đạo, quản lý nhà trường hiện nay có rất nhiều nhưng tuyệt đối không có văn bản nào hướng dẫn, quy định nhân viên trường học có thể cơ cấu vào các vị trí lãnh đạo của nhà trường.Vì thế, chúng ta thấy những người xuất phát được đào tạo từ trường sư phạm có thể làm quản lý ở các ngành nghề khác nhưng đối với những người ở ngành nghề khác lại rất hiếm đảm nhận việc quản lý giáo dục.
Chẳng hạn, tại điều 18 của Điều lệ Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Trường phổ thổng thông có nhiều cấp học, ban hành kèm theo Thông tư số12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã quy định Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phải có các tiêu chuẩn sau:
a) Về trình độ đào tạo và thời gian công tác: phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học và đã dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.
b) Hiệu trưởng phải đạt tiêu chuẩn quy định tại Chuẩn hiệu trưởng trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Phó Hiệu trưởng phải đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cấp học tương ứng và đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công.
Như vậy, để trở thành một nhà quản lý giáo dục thì trước hết người đó phải là một nhà giáo trước đã. Họ phải đạt chuẩn trình độ đào tạo và như quy định hiện nay thì giáo viên cấp Mầm non là cao đẳng sư phạm và từ Tiểu học trở lên thì giáo viên phải có chuẩn đại học sư phạm hoặc tương đương.
Thứ ba: việc cơ cấu, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý nhà trường là nhà giáo sẽ dễ dàng trong việc phát triển giáo dục của nhà trường. Dù họ chỉ được đào tạo 1-2 chuyên ngành nhưng dù sao thì các ngành học cũng ríc rắc với nhau. Việc đưa ra các kế hoạch để phát triển nhà trường, chỉ đạo chuyên môn, dự giờ đồng nghiệp... sẽ thuận lợi.Ngoài ra, những người khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng nhà trường còn phải qua lớp bồi dưỡng quản lý giáo dục và phải có trình độ chính trị nhất định (hiện nay là trung cấp chính trị).
Chẳng lẽ nhân viên nhà trường làm lãnh đạo mà lại không đi dự giờ- mà đi dự giờ thì biết gì về chuyên môn mà góp ý và khi họ chỉ đạo về chuyên môn thì giáo viên họ cũng không nghe.
Thứ tư: ngạch nhân viên nhà trường khác với ngạch giáo viên. Về trình độ của nhân viên hiện nay ở các trường phổ thông chỉ quy định từ trung cấp và rất ít người hiện đang là nhân viên ở các trường phổ thông có trình độ đại học, nhất là từ cấp Trung học cơ sở trở xuống- đó là một thực tế.
Vậy nên, cho dù cơ chế cho bổ nhiệm hiệu trưởng thì có lẽ nhân viên nhà trường cũng không dám cáng đáng công việc này.
Từ những lý do như đã nêu ở trên, chúng tôi cho rằng đội ngũ nhân viên trường học vẫn ở ngạch như hiện nay là hợp lý. Nếu được, các cơ quan chức năng có thể quan tâm đến chế độ tiền lương, phụ cấp để họ có thể có thêm thu nhập hàng tháng nhằm giúp họ yên tâm công tác.
Còn chuyện chuyển ngạch của nhân viên sang ngạch viên chức như giáo viên và trở thành lãnh đạo nhà trường có lẽ không phù hợp và chắc chắn điều này khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tai-sao-lai-khong-the-bo-nhiem-nhan-vien-truong-hoc-lam-hieu-truong-post208759.gd
//thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-12-2011-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-pho-thong-va-truong-120867.aspx
//thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx
KIM OANH
Khi hiệu trưởng là "chủ tài khoản" Nhiều vị hiệu trưởng nắm "quyền sinh quyền sát" trong tay nên đã chi tiêu quá đà, bị kỷ luật là bài học cho nhiều người đang là "chủ tài khoản". LTS: Chỉ ra những bất cập khi hiệu trưởng là "chủ tài khoản", tác giả Hồng Lam Sơn đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ....