Làm giàu ở nông thôn: Từ 2 cây vàng làm vốn để thành “nông dân triệu đô”
Dắt chúng tôi đi giữa bát ngát vườn tiêu, nông dân Trần Lộc kể lại quãng đời lập nghiệp đầy gian truân để thành “nông dân triệu đô” hôm nay. Ông bảo: “Dù giàu bao nhiêu, tài sản nhiều bao nhiêu tôi cũng không bao giờ quên những ngày lấy nghề phu trầm làm kế sinh nhai. Đó là dấu ấn theo suốt cuộc đời tôi”.
Những ngày phu trầm đầy nguy hiểm
Trước lúc làm phu trầm, chàng thanh niên Trần Lộc (SN 1966) là quân nhân phục vụ tại chiến trường Lào. Năm 1987, anh xuất ngũ trở về quê Thừa Thiên – Huế lập gia đình và sống với những mảnh ruộng lúa mà mất mùa nhiều hơn được mùa.
Nông dân Trần Lộc giữa bát ngát vườn tiêu, nơi cho thu nhập hơn 3 tỷ đồng/năm. Ảnh: Hồ Văn
Cần cù, chịu khó vươn lên làm giàu, nông dân Trần Lộc đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý như: Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2005-2009; đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005-2010, 2011-2015 và nay là danh hiệu Nông dân xuất sắc năm 2017…
Rồi những chuyến băng rừng theo trai làng đi tìm trầm cứ triền miên, hầu hết những cánh rừng Quảng Nam đều ghi dấu chân Trần Lộc. “Nhiều lúc hành trang trên vai cạn kiệt, tiền trong túi không còn, tôi và những phu trầm khác phải lần mò giữa rừng sâu, múc nước suối uống, hái rau rừng ăn. Đi có khi hàng tháng trời trong thiếu thốn và đói khát như thế, nhưng lắm lúc trở về vẫn tay trắng. Chuyến phu trầm đầu tiên trở về với thân xác bơ phờ, mệt mỏi, vợ con nhìn xót thương bảo: Đừng đi nữa… Nhưng nghề trầm lạ lắm, đã mang vào thân thì khó dứt ra được” – ông nói về những ám ảnh của nghề. Quần nát những cánh rừng đại ngàn của Quảng Nam mà thu nhập mang lại cũng chỉ đủ trang trải cho gia đình. Tích lũy không được là bao nên năm 1994, Trần Lộc quyết định một chuyến đi xa, tới những cánh rừng cung đường 7 của Nghệ An, nơi được cho là nhiều trầm, cũng là nơi nhiều phu trầm mãi mãi bỏ xác lại.
7 tháng mùa trầm đó, đế giày của ông mòn theo những cánh rừng Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và qua cả đất Lào. Muỗi rừng, vắt rừng, rắn độc và cả những trận sốt rét thừa chết thiếu sống luôn đồng hành cùng những phu trầm.
Trần Lộc kể: “Những chuyến đi ở rừng Nghệ An thường phải có người địa phương dẫn đường và mang theo súng. Sợ nhất là gặp mẽo (hay còn gọi là phỉ), chưa thấy bóng người họ đã bắn. Có những lần nghe tiếng súng vọng lại từ xa, vài hôm sau biết tin nhiều bạn trầm mất tích. Có những chuyến gặp phỉ chạy tán loạn, lạc cả tuần mới tìm thấy nhau. Đó là chưa kể, những đoàn phu trầm giết nhau, cướp bóc của nhau… vì cám dỗ từ trầm”.
Nếm trải gian nan, mạng sống nguy hiểm từng ngày theo những chuyến săn trầm nên Trần Lộc quyết định giã từ nghề phu trầm, tìm kế sinh nhai khác. Cơ hội đến trong một lần có người cậu ruột từ Xuyên Mộc về thăm quê khuyên Trần Lộc vào cùng ông lập nghiệp. “Nghe cậu tôi bảo ở đó có nhiều đất, dễ làm ăn nếu cần cù chịu khó nên tôi quyết định đưa gia đình theo cậu vào Nam”- ông Lộc quyết định.
Tích tiểu thành đại
Năm 1995, Trần Lộc và vợ con đặt chân vào xã Hòa Hội ( huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lập nghiệp.
Video đang HOT
Với hơn 2 cây vàng có được từ nghề phu trầm, Trần Lộc quyết định mua 8 sào đất để trồng cà phê. Trồng được 3 mùa, ông quyết định phá bỏ cà phê trồng tiêu. “Hồi đó, vừa làm vườn nhà, tôi vừa tranh thủ đi làm mướn khi có người thuê. Tiền bán tiêu từng mùa, cộng với tiền thu nhập làm mướn, tôi mua thêm đất. “Cứ tích tiểu thành đại, đến năm 2007, tôi đã có 15ha đất. Ngoài trồng tiêu, tôi còn trồng thêm điều, khoai mì, cao su, tràm…”- ông Lộc cho biết.
Để giảm chi phí, tăng thu nhập, nông dân Trần Lộc tự mua ống cao su, van phun nước… mày mò chế tạo hệ thống béc phun tự động để tưới cây. Ông cũng tự mua các chế phẩm nông nghiệp, chất thải trong chăn nuôi để chế phân hữu cơ vi sinh bón cho các vườn cây.
Từ một nông dân chưa qua học hành, tự mày mò để trở thành một kỹ sư “chân đất” nên chỉ một mình ông cùng vợ và 3 con có thể chăm sóc cả 15ha vườn cây của nhà.
Nhẩm tính với chúng tôi, nông dân Trần Lộc cho biết: “Với 6ha tiêu, mỗi năm cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng; 6ha điều cho thu nhập 200 triệu đồng/năm; vườn cao su 60 triệu đồng/năm… đó là chưa kể vườn tràm đang tuổi lớn chưa thu hoạch”.
Ngoài thu nhập khủng đó, ông Lộc tiết lộ, theo giá thị trường hiện nay, 15ha đất “nếu bán” sẽ có giá khoảng 20 tỷ đồng chưa kể tài sản trên đất. Trò chuyện với ông, chúng tôi chia sẻ: “Với tài sản và thu nhập đó, bây giờ ông đã là đại gia nông dân, nông dân triệu đô rồi”. Ông cười cho biết: “Với nông dân chúng tôi, đất đai là tài sản quý giá như máu, cho dù giàu thế nào cũng không thể bán…
Trở thành “nông dân triệu đô”, nhưng ông Lộc không bao giờ quên những người nông dân nghèo quanh mình. Theo Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, ông Lộc đã hào phóng giúp đỡ 3 hộ dân trong xã vay 80 triệu đồng không lãi để làm vốn sản xuất. Thuê lao động làm công với lương 10 triệu đồng/tháng, mỗi mùa thu hoạch ông tạo việc làm cho 60 lao động nhàn rỗi với 200.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, ông thường xuyên đóng góp cho Quỹ khuyến học địa phương, ủng hộ Quỹ vì người nghèo mỗi năm không dưới 30 triệu đồng.
Từ những đóng góp cho cộng đồng, ông được tín nhiệm làm giám đốc HTX Lộc Sinh – nơi quy tụ 25 xã viên nông dân để chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau trong công việc. Ông cho biết, HTX sẽ tiến tới việc tìm đầu ra và làm thương hiệu cho chính nông sản của mình.
Theo Danviet
Làm giàu ở nông thôn: Bỏ 10 tỷ trồng rau xanh, cả làng "phát sốt"
Bỏ ngoài tai những lời can ngăn, đàm tiếu, ông Nguyễn Phú Đỏ, tổ 3 phường Thành Bình, thành phố Điện Biên Phủ, (Điện Biên) vẫn bỏ 10 tỷ đồng trong 2 năm để quyết tâm trồng rau xanh an toàn. Sau hơn 2 năm, đến nay trang trại rau xanh, sạch của ông Đỏ đã cho thu nhập trung bình trên 300 triệu đồng/tháng-con số mà khiến cả làng "phát sốt".
Đau đáu với thực phẩm sạch
"Nhìn thấy cảnh người dân hôm nay phun thuốc sâu, 2 hôm sau đã mang rau xanh ra chợ bán, tôi thấy sợ vì chính người dân đang giết chết chính mình khi sản xuất, sử dụng thực phẩm không an toàn" ông Đỏ mở đầu câu chuyện khi dẫn chúng tôi thăm quan trang trại trồng rau sạch, nuôi lợn sinh học rộng 3,5ha của gia đình.
Trong trang trại trồng rau xanh của ông Đỏ đang có gần 20 lao công đang miệt mài lao động bên những luống rau chuẩn bị cho thu hoạch. Để quy hoạch được trang trại rau xanh quy mô như thế này, ông Đỏ mất nhiều thời gian để tìm xuống các vùng nông thôn của huyện Điện Biên tìm hiểu, thương lượng và thu gom, tập trung đất đai...
Ông Nguyễn Phú Đỏ kiểm tra giống dưa Nhật được ông và kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Nga đem về trồng thử nghiệm đã ra quả, và rất thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, môi trường tự nhiên tại Điện Biên. Ảnh: Vinh Duy.
"Đã làm là phải ra tấm, ra món. Diện tích đất trồng trọt, chăn nuôi phải lớn, đủ rộng để bỏ cái công và vốn đầu tư. Như các anh thấy đấy, cả cánh đồng Mường Thanh toàn một màu xanh của cây lúa, rất ít chỗ trồng cây rau xanh khác. Tôi rất vất vả để mua được khu đất rộng như thế này để trồng rau xanh. Trang trại này đã ngốn của tôi trên 10 tỷ đồng vốn đầu từ từ A-Z rồi đấy", ông Đỏ chia sẻ.
Sau nhiều tháng, ngày với bao vất vã và lòng kiên trì, 1 niềm tin về hướng trồng rau sạch, an toàn, cuối cùng ông Đỏ cũng mua được trang trại rộng 3,5ha tại C2 xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, cách xa thành phố Điện Biên Phủ 6km. Có được trang trại ưng ý, ông Đỏ bắt đầu công việc mà mọi người bảo ông là "liều mạng" khi chưa rõ bỏ 10 tỷ đồng trồng rau sạch bán cho ai? Ông Đỏ đầu tư làm nhà kính rộng hơn 1ha để trồng rau xanh, thuê 17 công nhân làm việc thường xuyên tại trang trại. Ngoài diện tích trồng rau thì ông quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, vùng nuôi lợn sinh học...
Giống rau cải được lựa chọn kỹ từ khâu giống, chăm sóc theo kỹ thuật trồng rau sạch đã thu hút được người tiêu dùng tại thành phố Điện Biên Phủ, các huyện, thậm chí đã có các mối lái ở tận dưới xuôi lên thăm thú trang trại rau xanh, nuôi lợn sinh học của ông Nguyễn Phú Đỏ. Ảnh: Vinh Duy.
Để công nhân-vốn là nông dân chân lấm tay bùn nắm bắt được kỹ thuật trồng rau sạch, ông Đỏ không ngần ngại thuê hẳn 1 kỹ sư nông nghiệp, chuyên ngành trồng trọt về hướng dẫn kỹ thuật cho họ. Những giống rau được trồng trong trang trại của ông Đỏ không phải là loại rau nào khác lạ mà vẫn là những giống rau cải, rau muống, cà chua... Nhưng khác ở chỗ rau được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, trồng và chăm sóc tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn. Từng luống rau, gieo ngày nào, bón phân gì, tưới tắm liều lượng ra sao đều được kỹ sư Trần Thị Nga ghi tỷ mỷ vào cuốn sổ nhật ký.
Dưa Nhật trong trang trại rau xanh của ông Nguyễn Phú Đỏ đang cho thu hoạch, quả có vị ngon, ngọt, thơm ngon hơn so với các loại dưa khác. Ảnh: Vinh Duy.
"Phải theo dõi chặt chẽ sự sinh trưởng của rau xanh rồi nhận biết cây đang thiếu những loại khoáng chất gì để có hướng bón phân. Ở đây chúng tôi dùng toàn phân hữu cơ để chăm sóc, bón cho rau xanh, không hề dùng 1 tý phân vô cơ nào..." kỹ sư Trần Thị Nga chia sẻ. Chỉ tay ra chỗ xây dựng hơn 10 cái bể to hàng trăm mét khối, chị Nga cho biết đấy là những bể ủ phân hữu cơ để bón cho rau. "Chúng tôi lấy rơm, rạ ủ cùng phân chuồng, đậu tương, bã đậu để làm phân hữu cơ bón rau. Những loại nguyên liệu này đem lại dinh dưỡng tốt nhất cho đất, giúp đất tơi xốp, rau phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, rau xanh khi thu hoạch, chế biến vẫn giữ được hương vị thơm đặc trưng của từng giống-Đó chính là 1 trong những yếu tố rau xanh của trang trại thuyết phục được những bà nội trợ khó tính..." chị Nga cho biết thêm.
Sản phẩm rau, củ quả từ trang trại của gia đình ông Nguyễn Phú Đỏ được bày bán tại siêu thị ở thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Vinh Duy.
Tìm ra cây trồng chủ lực để xây dựng thương hiệu
Lượng rau tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Phú Đỏ chỉ đủ cung ứng một phần nhu cầu của người tiêu dùng tại thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Vinh Duy.
Nuôi lợn sinh học là 1 trong những mô hình mà ông Nguyễn Phú Đỏ dày công đầu tư, kiên trì theo đuổi và nhờ đó hút được thị hiếu của người tiêu dùng khi thịt lợn do trang trại của ông nuôi có tiếng là thơm ngon. Ảnh: Vinh Duy.
Ngoài trồng rau, ông Đỏ còn nuôi lợn sinh học chất lượng cao. Cách nuôi lợn của ông cũng khác với các chủ trang trại lợn khác. Lợn ăn thức ăn tự nhiên, không ăn cám tăng trọng. Ông Đỏ cũng không bán ra thị trường như những nơi khác mà mổ lợn, bán trực tiếp tại siêu thị để giới thiệu sản phẩm sạch của chính mình. Giới thiệu về bí quyết nuôi lợn sinh học của mình, ông Đỏ cho biết: "Tôi chọn 2 giống lợn cái Móng Cái và giống lợn siêu nạc để phối giống cho ra lợn lai có nhiều gen trội của 2 dòng lợn này vì thế thịt lợn thơm ngon. Lợn lại được nuôi tự nhiên, thức ăn chủ yếu là ngô, đậu tương được ủ lên men, rồi rau xanh trong trang trại nên rất tốt cho tiêu hóa và sự sinh trưởng, phát triển của lợn".
Kỹ sư Trần Thị Nga-người "chỉ huy kỹ thuật" của trang trại đang kiểm tra rau sự sinh trưởng của 1 khu trồng rau xanh. Ảnh: Vinh Duy.
Những sản phẩm từ trang trại của ông Đỏ được bán tại một địa chỉ duy nhất tại thành phố Điện Biên Phủ là tại siêu thị Tâm Đỏ, tổ 3 phường Thanh Bình. Ông Đỏ cũng cam kết và chịu trách nhiệm với người tiêu dùng sử dụng sản phẩm do trang trại của ông sản xuất và cung ứng ra thị trường. Ông Đỏ cũng chia sẻ về giá bán rau sạch "Mặc dù là rau sạch, trồng và chăm sóc theo yêu cầu kỹ thuật cao, nhưng tôi bán ra thị trường giá cũng không cao hơn so với các loại rau xanh trồng theo cách bình thường khác, nhưng cái được của tôi là người tiêu dùng yên tâm về sản phẩm, đảm bảo sức khỏe...".
Thu nhập trung bình từ trang trại rau sạch, lợn sinh học của ông Đỏ đã đạt được trên 300 triệu đồng/tháng, nhưng ông Đỏ vẫn chưa hài lòng với kết quả đã đạt được. "Mang tiếng là thu gần 4 tỷ đồng/năm từ trang trại, nhưng trừ chi phí tôi mới chỉ có lãi tầm 1,5 tỷ đồng. Tôi đang muốn tìm ra loại rau, củ, quả chủ lực để xây dựng thương hiệu rau đạt sản phẩm hữu cơ. Muốn làm được việc này sẽ mất nhiều thời gian, công sức, nhưng khó mấy tôi vẫn sẽ làm..." ông Đỏ quả quyết...
Theo Danviet
Làm giàu ở nông thôn: Ương cá mè dinh "rinh" 3 Huân chương Lao động Cách đây hơn 20 năm, ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nổi tiếng cả miền Tây bởi nghề ương nuôi cá giống, trong đó có ương giống cá mè dinh-cá đặc sản Nam bộ. Một trong những nông dân làm nên tiếng tăm cho nghề ương cá giống ở đây là ông Âu Văn...