Làm giàu ở nông thôn: Trồng cam trên đất dốc, vất vả nhưng có tiền tỷ
Sau 14 năm nằm gai nếm mật, với nhiều thất bại, cuối cùng ông Phạm Bá Tiến đã thành công, với trang trại 2.000 gốc cam Cao Phong, bưởi da xanh trên đất dốc. Trang trại đã đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình ông Tiến, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên…
Tiên phong đưa cây cam về đất khó
Năm 2003, sau khi đi thăm một số vùng trồng cam nổi tiếng dưới xuôi về, ông Tiến quyết định đưa cây cam về trồng trên đất Điện Biên. Nhưng chọn giống cam nào để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Điện Biên mà lại cho chất lượng tốt là điều mà ông Tiến luôn trăn trở.
Chất lượng, mẫu mã cam của ông Tiến trồng rất ngon, được khách hàng nhiều nơi đặt mua
“Tôi phải về Trung tâm giống cây trồng, Học viện Nông nghiệp nhờ các kỹ sư nông nghiệp tư vấn cách chọn giống. Giống cam Cao Phong được tôi lựa chọn nhưng những năm đầu do kinh nghiệm chăm sóc cam còn hạn chế, cam ra quả ít, chất lượng không tốt” ông Tiến kể lại những năm đầu đưa cây cam về đất Điện Biên.
Những trái cam căng tròn, mọng nước có được do cách chăm sóc đúng kỹ thuật của ông Tiến
Cả vườn cam gần 2.000 gốc nằm dọc theo dãi đồi đất dốc đang cho thu hoạch, quả căng mọng, đều nhau, nhìn mát mắt. Theo ông Tiến thì có được vườn cam như ngày hôm nay ông đã phải bỏ bao nhiêu công sức, cải tạo đất, học kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tỉa cành để cam có chất lượng ngon. Cả vùng này trước là đồi hoang, đất bạc màu, ông mua lại của người dân bản địa và bắt đầu công việc “đội đá vá trời” khi đã bước vào tuổi 50. Ông Tiến cùng vợ con đào hố, hạ đường đồng mức để trồng và vận chuyển cam.
Theo ông Tiến thì ngày trước vào đây làm gì có đường đi thuận lợi như bây giờ. Ông phải vác từng bao tải phân bón, vượt đồi gần 2km để bón cho cam. Lúc thu hoạch lại vác cam xuống đường ô tô. Đã không ít lần, vào mùa mưa, ông bị trượt ngã cùng với bao cam dập nát do va đập khi tuột khỏi tay ông…
Video đang HOT
Gần 2.000 gốc cam và bưởi da xanh trồng trên đất dốc đã cho ông Tiến thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm
Chia sẻ những kinh nghiệm trồng cam sau 14 năm gắn bó, ông Tiến cho biết: “Trồng cây nào cũng thế, không biết cách chăm sóc thì chất lượng quả sẽ không tốt. Cây cam cũng vậy, từ cách cắt hái quả cam nếu không đúng kỹ thuật, vụ sau cam sẽ không cho quả sai. Sau khi thu hoạch cam, không biết cách tỉa cành, cuốc gốc và bón phân đúng thời điểm thì chỉ tốt cây chứ quả không sai”.
Những năm đầu mới trồng ông Tiến đã từng thất bại vụ cam do cách chăm sóc không đúng kỹ thuật. “Sau khi thu hoạch xong, tôi cũng cắt cành, tỉa cây, cuốc gốc đúng kỹ thuật, nhưng chỉ sai khi bón phân không đúng thời điểm. Khi cây ra lộc hoa thì mới bón phân, để cây đủ dinh dưỡng nuôi quả, đằng này tôi lại bón trước, thành ra cây chỉ tốt lá chứ không sai quả. Nhưng thất bại đấy đã cho tôi bài học để tìm hiểu thêm cách chăm sóc cam” ông Tiến chia sẻ
Lật dở quyển sổ ghi chép đã sờn gáy, ông Tiến chỉ cho chúng tôi xem những loại bệnh mà ông đã gặp trên vườn cam của mình như: Sâu vẽ bùa, rầy mềm, rầy chổng cánh… Mỗi loại sâu bệnh được ông ghi tỉ mỉ, thời gian nào bị, cách phòng chống thế nào, sau khi diệt sâu bệnh thì chăm sóc cam ra sao để không ảnh hưởng đến chất lượng quả… “Giờ thì tôi chẳng cần đến quyển sổ này nữa vì chỉ nhìn là biết cam bị bệnh gì và chữa thế nào” – ông Tiến chia sẻ.
Do biết cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vườn cam năm nào cũng cho sản lượng cao
“Tôi ghi chép lại mọi hiện tượng trong quá trình trồng cam vào cuốn sổ thế này là để hướng dẫn con, cháu sau này nếu cam bị bệnh thì biết cách phòng chống, với lại ai muốn hỏi kỹ thuật trồng cam thì mình hướng dẫn cho họ. Không phải ai cũng biết các loại bệnh và cách chăm sóc trên cây cam. Cần trải qua thực tế thì mới biết được. Như giống rầy mềm – loại ký sinh tưởng đơn giản nhưng là loại nguy hiểm nhất đối với cây cam, rầy hút nhựa ở đầu ngọn làm chồi và lá non không phát triển được, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây” – ông Tiến bảo vậy.
Gần 2.000 gốc cam và bưởi da xanh đã đem lại cho ông Tiến tiền tỷ mỗi năm, trừ chi phí ông cũng bỏ túi cả tỷ bạc. “Cam của tôi không cần mang đi đâu xa, thương lái đến tận nhà mua. Chất lượng thì hỏi phải nói, không phải ngẫu nhiên khách hàng từ Hà Nội, Thái Bình, Nam Định… lại đặt mua cam của tôi, mặc dù các tỉnh miền xuôi trồng rất nhiều cam” ông Tiến cho biết.
Nhiều khách hàng ở các tỉnh miền xuôi thường xuyên đặt hàng ông Tiến với số lượng lớn
Chị Hà Thị Ngọc, tổ 5 phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ – một trong những khách hàng mua cam thường xuyên của ôngTiến, cho biết: “Lúc đầu ăn cam của bác Tiến, tôi cứ tưởng cam Cao Phong. Chỉ khi lên tận vườn cam của bác Tiến, được thử cam tại vườn, tôi mới tin đất Điện Biên lại có loại cam ngon đến vậy”.
Mạnh dạn đưa cây cam về trồng trên đất dốc, giờ đây ông Tiến đã có thu nhập cao, ổn định từ cây cam
Ông Tiến nhẩm tính, trung bình mỗi mỗi năm ông bán ra thị trường 60 – 70 tấn cam với giá 25 nghìn/kg thì ông cũng thu về 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí ông cũng bỏ túi 1 tỷ.
Theo Danviet
Làm giàu ở nông thôn: Thu tiền tỷ/năm nhờ trồng cà phê xen cây có múi
Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và không phát triển theo trào lưu rậm rộ như chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều hộ nông dân ở huyện Mai Sơn, (Sơn La) thu hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình trồng cà phê xen cây ăn quả.
Ông Đỗ Xuân Khởi sinh năm 1970, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) theo bố mẹ lên khai hoang vùng đất mới năm 1986. Ông được nhiều người biết đến bởi là người đầu tiên trồng các giống cây có múi như cam vinh và bưởi diễn, bưởi da xanh xen cây cà phê tại bản Hoa Ban.
Việc trồng xen cà phê với cây có múi bắt đầu năm 2007, khi vợ chồng ông Khởi bỏ trồng mía. Nhiều người dân trong bản đã khuyên can, cho rằng làm vậy thì đầu ra bán cho ai, lấy tiền mua thóc gạo đâu mà ăn. Ông Khởi lại nghĩ khác, trồng hay thâm canh cây gì cũng cần tập trung vào một mối và hướng đi mới, còn trồng mía thì hiệu quả kinh tế không cao, lại thu nhập thấp, không đủ tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học...
Niềm vui mừng của ông Khởi hiện hữu trên khuôn mặt, khi thấy vườn cây có múi trồng xen cà phê phát triển tốt.
Ông dồn hết vốn trồng toàn bộ cây ăn quả có múi như: cam vinh, bưởi diễn, bưởi da xanh và xen canh cà phê trên diện tích 1.6ha. Giống cây có múi được ông đặt mua từ bà con họ hàng ở Hưng Yên. Ba năm sau vườn cây bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Thu nhập từ cà phê trên 120 triệu đồng; cam vinh thu nhập khoảng 200 triệu, bưởi diễn và bưởi da xanh thu nhập hơn 80 triệu. Cá biệt, năm 2012 ông Khởi thu hoạch từ cây cà phê được 7 tấn, cho lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
Ông Đỗ Văn Khởi đang kiểm tra quá trình phát triển cây cam vinh tại vườn
Thấy gia đình ông Khởi làm kinh tế ngày một thấm khá và có lãi lớn nhờ cây trồng xen cà phê. Nhiều người dân trong bản Hoa Mai đã kéo đến nhà ông học tập kinh nghiệm. Đến năm 2014 ông Khởi đã nhân rộng mô hình cam vinh lên 400 gốc và trồng hơn 200 gốc bưởi da xanh xen giữa những hàng cà phê trong vườn. Năm 2016 ông thu hoạch từ cam vinh là 14 tấn cho thu nhập trên 400 triệu đồng, thu nhập từ bưởi trên 100 triệu đồng.
Những cây bưởi da xanh trong vườn nhà ông Khởi tươi tốt sai trĩu quả chờ đến ngày thu hoạch
Chia sẻ bí quyết làm ăn, ông Đỗ Văn Khởi cho biết: Đó là sự quyết tâm và dứt khoát trong chuyển đổi cây trồng. Cùng một diện tích đất trồng những cây có múi như cam, bưởi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Điều đặc biệt, cam vinh, bưởi Diễn, bưởi da xanh mang về bản Hoa Mai trồng, quả ăn rất ngọt không khác gì hương vị trồng trên đất gốc. Cứ đến mùa thu hoạch cam và bưởi là các thương lái ở Hà Nội; Hưng Yên; Điện Biên...đánh xe tải lên tận vườn nhà ông Khởi thu mua. "Trung bình mỗi năm tôi thu nhập từ vườn cây có múi trồng xen cà phê khoảng 1 tỷ đồng...", ông Khởi cho hay.
Cán bộ khuyến nông xã Chiềng Ban đang trao đổi kinh nghiệm trồng cây có múi cà phê với ông Khởi
Ngoài trồng cây ăn quả, ông Khởi còn hợp tác với các nhà vườn ở dưới tỉnh Hưng Yên chuyên cung cấp cây giống cho bà con trên địa bàn xã Chiềng Ban và các huyện Sốp Cộp, Sông Mã và tỉnh Điện Biên...Trung bình một năm ông thu nhập từ cây giống khoảng 80 triệu. Không những thế ông Khởi còn tận dụng mạnh đất trống cạnh nhà nuôi thêm 60 con lợn để lấy phân chuồng, kết hợp dùng phân vi sinh khoáng bón cho vườn cây, giảm bớt được nhiều chi phí tưới tiêu cho cây trồng.
Toàn cảnh vườn cây ăn quả xen cây cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Khởi
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Ông Hoàng Văn Sương, Phó chủ tịch xã Chiềng Ban cho biết: "Gia đình anh Đỗ Xuân Khởi là một trong những hộ nông dân điển hình của xã trong việc phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả. Với việc mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây, gia đình anh Khởi đã vươn lên thoát nghèo, trở thành một trong những hộ gia đình khá giả nhất của bản Hoa Mai. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Khởi còn luôn tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng cây, giúp vốn làm ăn cho các hộ gia đình khác trong bản; luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, nông dân làm kinh tế giỏi. Nhờ đó mà anh Khởi luôn được nhiều bà con ở địa phương quý mến"...
Theo Danviet
Làm ăn liều: Hồ tiêu chết chuyển sang "yêu" cam, anh Tân "vớ bẫm" Sau hơn 2 năm phát triển vườn cam sành trên diện tích hồ tiêu chết, gia đình anh Phan Minh Tân (thôn Phú An, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã thu bói trên 12 tấn cam, thu lời trên 200 triệu đồng. Hiện nay, vườn cam của anh Phan Minh Tân đang mùa thu hoạch. Trò chuyện với anh,...