Làm giàu ở nông thôn: Nuôi gà trống thiến bán Tết, lãi 80 triệu/lứa
Ông Bùi Văn Thân, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cho biết, mỗi năm ông nuôi 1 lứa gà trống thiến chính cho dịp Tết Nguyên đán với khoảng 800-1.000 con. Riêng dịp tết sắp tới, ông Thân đang nuôi khoảng 800 con gà trống thiến…
Với kinh nghiệm nuôi gà ta thả vườn khá lâu năm, trong những năm qua ông Bùi Văn Thân (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) khá “mát tay” với đàn gà 4.000 con của mình…
Ông Bùi Văn Thân (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) là một trong những người nuôi gà trống thiến có nhiều kinh nghiệm, đạt hiệu quả cao. Ảnh: H.Hải
Trung bình mỗi năm ông Bùi Văn Thân thu về khoảng 500 triệu đồng từ việc nuôi gà ta thả vườn. Đặc biệt, trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây, ông Thân còn mở rộng mô hình nuôi gà trống thiến, chủ yếu tập trung bán vào dịp Tết đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi gà trống thiên theo kinh nghiệm
Theo ông Thân, so với nuôi gà ta thả vườn thông thường, việc nuôi gà trống thiến ít tốn công chăm sóc, giảm bớt các chi phí về phòng chống dịch bệnh do gà thiến thường có sức đề kháng cao. Thịt gà thiến săn chắc và có chất lượng cao hơn nhiều so với gà thịt thông thường.
Video đang HOT
“Cái khó nhất khi nuôi gà trống thiến là khâu tuyển chọn gà để thiến. Gà cần đảm bảo khỏe, đẹp mã, chân không bị tật, lông óng mượt, mào đẹp…Khâu này chủ yếu lựa chọn bằng cảm quan và kinh nghiệm của người nuôi. Gà trống khoảng 90 ngày tuổi thì có thể thiến được. Nếu thiến khoảng vài ba con thì không nói làm gì, chứ mình thiến hàng loạt gần 1.000 con nên phải rất kỹ lưỡng trong việc chọn gà. Tỷ lệ hao hụt của gà thiến vì thế cũng cao hơn so với gà thịt bình thường…” – ông Bùi Văn Thân chia sẻ.
Theo ông Thân, trong quá trình thiến gà, nếu thiến không chuẩn có thể khiến gà phát triển chậm, nhẹ ký, thậm chí bị viêm loét vết thiến dẫn tới chết gà. Sau khi thiến xong, gà được chăm sóc bằng chế độ riêng, sử dụng các loại thuốc chống nhiễm trùng, đường ruột, hô hấp…Khi đã lành vết thiến, gà thường ăn rất khỏe. Thức ăn chủ yếu của gà thiến là bắp. Ông Thân còn thường xuyên bổ sung chất xơ và một số loại thức ăn hỗ trợ tiêu hóa cho gà phát triển khỏe mạnh.
Ngoài ra, theo ông Thân, thời gian nuôi gà trống thiến cũng dài hơn, gà ta thả vườn nuôi khoảng 3 tháng thì xuất chuồng được, trong khi gà trống thiến cần từ 7-8 tháng mới có thể xuất bán. Gà trống thiến khi xuất bán thường đạt trọng lượng từ 3,5-4 kg/con.
Lợi nhuận cao từ nuôi gà trống thiến
Ông Thân cho biết, mỗi năm ông nuôi 1 lứa gà trống thiến chính cho dịp Tết Nguyên đán với khoảng 800-1.000 con và nuôi lai rai quanh năm để đáp ứng nhu cầu thịt gà thiến trong các đám cưới, đám hỏi của người Hoa tại địa phương và các khu vực lân cận. Riêng dịp tết sắp tới năm Mậu Tuất 2018, ông Thân đang nuôi khoảng 800 con gà trống thiến.
Theo ông Thân, giá gà trống thiến vào dịp tết thường khá ổn định và cao gần gấp đôi so với gà ta thả vườn thông thường, trung bình khoảng 100-120 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên tới 140-150 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi lứa gà trống thiến tết, ông Thân thu lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng.
Nhờ đảm bảo chất lượng, gà trống thiến của ông Thân khá “hút” khách tại địa phương và một số khu vực ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thậm chí những năm gần đây có cả thương lái từ TP.Hồ Chí Minh về đặt mua gà trống thiến của ông./.
Theo Hoàng Hải (Báo Đồng Nai)
Làm giàu ở nông thôn: Thu tiền tỷ từ nuôi vỗ béo bò Campuchia
Nguyễn Văn Tấn, xóm Khe Sài 1, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã đầu tư xây dựng hệ thống trang trại đạt tiêu chuẩn và làm thủ tục nhập 60 con bò, từ 18-24 tháng tuổi từ Campuchia về nuôi vỗ béo trong thời gian từ 3-3,5 tháng rồi xuất bán. Với cách nuôi này, mỗi năm anh bán được 3 - 4 đợt bò theo hình thức gối đầu và mỗi năm thu hơn 1 tỷ đồng.
Nuôi giống bò nhập từ Campuchia đang cho thấy hiệu quả vì khả năng thích ứng tốt với môi trường và hiệu quả cao ở miền Tây Nghệ An.
Với hình thức nuôi gối nhau 3-4 đợt/năm, lãi khoảng 6 triệu/con, bình quân một năm anh Nguyễn Văn Tấn ở xóm Khe Sài 1, xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn) thu hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: Minh Thái
Nuôi bò vỗ béo đang phát triển mạnh ở các địa phương huyện Nghĩa Đàn, do bò là vật nuôi ít bị rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp nên được nông dân chọn nuôi. Đặc biệt một số hộ nông dân đã nhập giống bò có nguồn gốc Campuchia để nuôi vỗ béo. Giống bò này cho thấy thích ứng tốt với môi trường, điều kiện chăn nuôi của địa phương; cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Trang trại chăn nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Nguyễn Văn Tấn ở xóm Khe Sài 1 được xã Nghĩa Lộc chỉ đạo điểm trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Mô hình này khi mới triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, không được nhân dân ủng hộ, vì phần lớn người dân nơi đây chỉ nuôi bò truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao.
Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cuối năm 2016, gia đình anh Nguyễn Văn Tấn đã đầu tư xây dựng hệ thống trang trại đạt tiêu chuẩn và làm thủ tục nhập 60 con bò, từ 18-24 tháng tuổi từ Campuchia về nuôi vỗ béo làm hàng hóa, trong thời gian từ 3-3,5 tháng xuất bán. Với cách nuôi này, mỗi năm anh bán được 3 - 4 đợt bò theo hình thức gối đầu.
Anh anh Nguyễn Văn Tấn chia sẻ: "Để nuôi bò vỗ béo đạt kết quả, khi chọn bò giống phải chọn những con có bộ khung to, lưng rộng, không chọn con quá già. Trong quá trình nuôi vỗ béo cần phải chăm sóc như: tắm cho bò 1-2 lần/tuần, cho bò ăn, uống đầy đủ. Ngoài thức ăn là cỏ xanh, cần phải bổ sung thêm các loại thức ăn tinh như cám gạo, cám ngô, mỗi ngày cho ăn 2 - 3 lần thì bò mới mau phát triển.
Theo anh Nguyên Văn Tấn, với cách nuôi bò như vậy, mỗi ngày chi phí đầu tư cho một con bò ăn khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Với 60 con, sau 3 tháng nuôi, trừ các chi phí, mỗi con thu lãi 6 triệu đồng, nhờ chăm sóc đúng quy trình mỗi năm anh thu hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay anh cũng tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương.
Anh Nguyễn Văn Tấn chế biến cỏ sữa, cỏ voi làm thức ăn chính cho bò Campuchia. Ảnh: Minh Thái
Trong điều kiện khu vực chăn thả ngày càng hạn hẹp, và tình hình khủng hoảng giá lợn hiện nay thì việc thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo như gia đình anh Nguyễn Văn Tấn là hướng đi phù hợp trong chăn nuôi. Với ưu điểm rút ngắn được 7-8 tháng nuôi so với bò sinh sản truyền thống và không mất công chăn thả nên sau khi triển khai, bước đầu đã đạt được những kết quả lớn được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo.
Ông Lê Văn Thành - Phó bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lộc cho biết: "Thực hiện chủ trương chuyển đổi trong phát triển kinh tế, thời gian qua, Đảng ủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, từ đó đã có nhiều mô chăn nuôi trong phát triển kinh tế cho thu nhập cao như mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Tấn. Từ mô hình điểm này, thời gian qua, đã có nhiều hộ đến học tập và nhân rộng trên địa bàn".
Xác định chăn nuôi là một trong những ngành kinh tế là mũi nhọn của địa phương, thời gian tới, xã Nghĩa Lộc tiếp tục, tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo, nhất là giống bò nhập từ Campuchia, qua đó tạo điều kiện cho người dân mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Theo Minh Thái (Báo Nghệ An)
Làm giàu ở nông thôn: Bí quyết chăm cam sai như nho nhờ thuốc lào Bà Ngô Thị Na ở xóm Dệ 2, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình sở hữu bí quyết chăm vườn cam sai quả và sạch bệnh bằng thuốc lào ngâm với nước vôi trong. Cam không những sạch bệnh mà quả luôn sáng bóng và đẹp mã Bà Na trồng 300 cây cam lòng vàng trên diện tích 6.000m2. Cây...