Làm giàu ở nông thôn: Nuôi bò đỏm dáng, “bỏ túi” 100 triệu/tháng
Gia đình chị Lương Thị Đoan, thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) hiện đang chăm sóc đàn bò sữa 30 con. Chị Đoan nói rằng, nhờ nghề nuôi bò sữa mà gia đình chị có của ăn của để. Chưa nói 100 triệu đồng tiền bán sữa mỗi ngày, chỉ tính tiền bán phân bò thôi mà mỗi tháng gia đình chị đút túi hơn 10 triệu đồng.
Làm giàu ở nông thôn nhờ bò sữa
Đến thôn thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc hỏi thăm gia đình chị Lương Thị Đoan thì không ai không biết. Bởi chị và gia đình chị có tiếng nuôi bò sữa mát tay ở địa phương.
Chị Lương Thị Đoan giới thiệu về khu trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình.
Trò chuyện cùng chị, chúng tôi càng thêm khâm phục tinh thần, ý chí và khát khao làm giàu chính đáng của người nông dân chân chất trên chính mảnh đất màu mỡ của bãi sông Hồng.
Chị Đoan kể, những năm 2007, tận dụng lợi thế vùng bãi sông Hồng rộng lớn và điều kiện đất đai màu mỡ với sự sinh trưởng của cây cỏ voi, chị Đoan cùng chồng bắt tay gây dựng cơ nghiệp với 3 con bò sữa làm vốn ban đầu. Đến năm 2009, gia đình chị chọn lọc mãi mới được 4 con bò cho sản lượng sữa ổn định ở mức khá cao.
Chăm sóc đàn bò sữa hàng ngày trở thành công việc đam mê, yêu thích của cả 2 vợ chồng chị Đoan.
Sau đó vào năm 2014, vợ chồng chị Đoan quyết tâm làm ăn lớn hơn bằng cách vay vốn ngân hàng để mua thêm hàng chục con bò sữa. Tổng số tiền đầu tư lần này vợ chồng chị bỏ ra để xây dựng, thiết kế hệ thống trang trại, trồng thêm cỏ voi, mua thêm bò giống là gần 1 tỷ đồng.
“Mặc dù chi phí ban đầu mua bò giống cao, nhưng gia đình đã có kinh nghiệm, có đà trước đó rồi nên quá trình nuôi lại không tiêu tốn nhiều bởi thức ăn chính của bò sữa chủ yếu ăn cỏ. Chăn nuôi quy mô lớn đòi hỏi diện tích lớn và quy hoạch ra khỏi khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường…”, chị Đoan chia sẻ.
Sau nhiều năm chăn nuôi, lựa chọn, giờ đây vợ chồng chị Đoan có đàn bò sữa 30 con, trong đó có 20 con đang cho khai thác sữa.
Xung quanh khu chuồng trại nuôi bò sữa, vợ chồng chị Đoan đã trồng cỏ voi vừa giúp che nắng, mưa, giúp chuồng trại thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Chị còn đầu tư mua 1 máy thái cỏ, 1 máy nghiền các loại hạt để tự tay phối trộn thức ăn cho đàn bò sữa. Làm điều này như chị Đoan tiết lộ là để tiết kiệm thời gian, tự chủ nguồn thức ăn cho đàn bò và quan trọng hơn là giảm giá thành chi phí sản xuất để đẩy lợi nhuận lên. Hiện vợ chồng chị Đoan cũng đang sở hữu 3 máy vắt sữa bò hiện đại.
Theo chị Đoan, mặc dù có kinh nghiệm về nuôi bò sữa, nhưng để đàn bò sớm cho sữa với năng suất, chất lượng tốt, chị Đoan tích cực tham gia các lớp tập huấn bổ sung kỹ năng, kiến thức kỹ thuật chăn nuôi bò sữa tại Trung tâm bò sữa Ba Vì.
Video đang HOT
“Không dừng lại ở đó, vợ chồng tôi còn phải thường xuyên nghiên cứu thêm sách báo, tài liệu kỹ thuật và tích cực học hỏi từ những mô hình nuôi bò sữa thành công trong và ngoài tỉnh. Nói thì bảo là nói quá, nhưng quả thật, khi bắt tay vào chăn nuôi bò sữa quy mô lớn, vợ chồng tôi không khác gì học sinh, sinh viên, học ngày học đêm, học kết hợp với thực hành…Thời buổi này, không học thì không khá lên được kể cả nông dân…”, chị Lương Thị Đoan thổ lộ.
Vợ chồng chị Đoan đầu tư mua sắm 3 máy vắt sữa bò hiện đại.
Sau những năm tháng cần mẫn, thức khuya dậy sớm, đàn bò nhà chị Đoan bắt đầu cho sữa. Với số vốn xoay vòng từ bán sữa, sau một thời gian, chị đã trả hết nợ vay ngân hàng, mua được ô tô, tiếp tục đầu tư để nhân rộng đàn bò. Đến nay, vợ chồng chị đã đàn bò sữa 30 con, trong đó 20 con đang cho khai thác sữa.
Con ít nhất cho 18 kg sữa/ngày, con nhiều thì 23 đến 25 kg sữa/ngày, bình quân trang trại thu gần 5 tạ sữa tươi/ngày. Với giá bán bình quân cho Công ty Vinamilk là 14.000 – 17.000 đồng/kg, trừ chi phí, chị thu được lãi khoảng hơn 100 triệu đồng/tháng.
Không chỉ thu tiền từ sữa bò mà chị còn tận dụng phân bò để bán cho nhà máy chế biến phân hữu cơ trên địa bàn. Trung bình mỗi ngày, trang trại bò sữa của gia đình chị Đoan thu gom được 1 tấn phân với giá bán 400.000 đồng. Từ bán phân bò, mỗi tháng chị Đoan nhẹ nhàng “đút túi” thêm hơn chục triệu đồng.
Chị Đoan cho biết, để tăng chất lượng sữa, ngoài cỏ, còn cho bò ăn các loại ngũ cốc như ngô, đậu tương, các loại cám chuẩn đậm đặc, bã bia…
Để chủ động trong chăn nuôi, chị Đoan đã kết hợp theo mô hình VACR (vườn – ao – chuồng – ruộng), tức là vừa có vườn, ao, chuồng. Vườn, thực ra là tận dụng đất quanh ao, bờ ao để trồng cỏ voi…
Cùng giúp bà con làm giàu
Theo chị Đoan, trong chăn nuôi bò sữa có 3 khâu then chốt nhất là: Chọn mua con giống tốt; cho ăn đầy đủ, cân đối thức ăn thô và tinh; đảm bảo vệ sinh, chuồng trại phải luôn mát mẻ, sạch sẽ trước và sau vắt sữa. Để có được giống bò sữa tốt nên mua bò có lý lịch giống rõ ràng, bê cái được sinh ra từ các cặp bố mẹ khỏe mạnh, mắn đẻ, nhiều sữa, dễ vắt.
Ngoài thức ăn xanh là cỏ voi, thân cây ngô, chị Đoan còn cho đàn bò sữa ăn thức ăn tinh do gia đình tự chế biến, phối trộn.
Bên cạnh đói, bò giống tốt có cơ thể cân đối, thân gọn nhỏ, ngực sâu rộng nở nang, cổ thanh, mặt ngắn, miệng và mũi to, đuôi dài bông, mông to, hông nở phẳng, bầu vú to đều gắn chặt vào bụng. Bò sữa giống tốt có 4 núm vú đều và cách xa nhau, chân thẳng, đứng không vẹo, tính nết hiền dịu, phàm ăn, linh hoạt, dễ điều khiển. Trong quá trình nuôi nên loại thải sớm các con bò ít sữa.
Ông Nguyễn Trung Lâm, Phó Bí thư Chi bộ thôn Khách Nhị Xuôi cho hay: “Gia đình chị Lương Thị Đoan là một trong những hộ mát tay trong chăn nuôi bò sữa ở địa phương. Mô hình trang trại của gia đình chị Đoan cũng nằm trong quy hoạch chung của địa bàn toàn xã về phát triển chăn nuôi bò sữa. Là một trong những hộ có tổng thu nhập cao nhất của xã Vĩnh Thịnh hiện nay về nuôi bò sữa. Nuôi bò sữa vẫn là nghề làm giàu ở nông thôn Vĩnh Thịnh…”.
Từ việc bán sữa tươi cho doanh nghiệp, mỗi tháng vợ chồng chị Đoan thu 100 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, với kinh nghiệm tích lũy, chị Lương Thị Đoan còn tận tình hướng dẫn, chia sẻ kiến thức, kỹ năng nghề cho nhiều hộ gia đình trong xã về việc chăm sóc bò sữa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, trở thành triệu phú.
Hiện trang trại của gia đình chị Đoan là một trong những điểm thu mua cỏ voi, cây ngô cho bà con trong xã. Với giá thu mua 400 đồng/kg, trung bình 1 sào cỏ thu được 4 – 5 tấn cỏ, lúc cao điểm như trong tháng 6 vừa qua, gia đình chi Đoan đã thu mua giúp mỗi hộ tới hàng chục triệu đồng tiền cỏ. Mỗi năm gia đình chị chi hàng trăm triệu đồng thu mua cỏ giúp bà con trong xã.
Bằng việc tham gia lao động sản xuất giỏi cùng những việc làm thiết thực và nhiều ý nghĩa, trong những năm qua chị Lương Thị Đoan đã nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, giấy khen của các cấp Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Với những thành tích trong lao động sản xuất, chung tay giúp đỡ hội viên, nông dân địa phương, góp phần xây dựng, phát triển quê hương, chị Lương Thị Đoan vinh dự được bình chọn nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″ đại diện cho tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Danviet
Lâm Đồng: Nuôi loài bò Tây đẹp như tranh vẽ, lãi mỗi năm hơn 1 tỷ
Ngoài việc nuôi bò sữa với năng suất từ 25 - 30 lít sữa/ngày/con thì ông Lê Minh Tuấn (55 tuổi, phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) còn nuôi thêm bò ngoại nhập siêu thịt như 3B (BBB), Brahman và Red angus thuần chủng của Úc và bò Chorolais của Pháp mang lại thu nhập từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm.
Chuyển đổi sang nuôi bò ngoại đúng lúc
Đến trang trại nuôi bò của ông Lê Minh Tuấn, PV Báo điện tử DANVIET.VN không khỏi ngạc nhiên bởi sự khoa học trong cách chăm sóc những chú bò ngoại của ông. Những chú bò sữa được chăm sóc trong từng ngăn, được ăn thức ăn sạch và đủ tiêu chuẩn, khẩu phần.
Dẫn PV DANVIET.VN đi trong trang trại bò sạch sẽ của gia đình mình, ông Tuấn vẫn không quên kể về những ngày xưa. "Trước đây, gia đình tôi cũng như mọi gia đình ở Bảo Lộc chỉ trồng và chăm sóc cà phê. Cũng là nhà có điều kiện ở địa phương nhưng tôi luôn muốn tìm tòi để có hướng đi mới, phát triển kinh tế gia đình. Chính vì vậy, tôi đã tìm hiểu và quyết định đầu tư thêm để nuôi bò sữa", ông Tuấn tâm sự.
Bên trong trang trại bò sữa được thiết kế thoáng mát, khoa học của gia đình ông Tuấn.
Năm 2013, đánh liều dùng vốn tích cóp được, ông Tuấn quyết định đầu tư 120 triệu đồng mua 2 con bò sữa về nuôi thử. Sau 1 năm chăm sóc thì ngoài số tiền hơn 100 triệu đồng thu được từ bán sữa, ông Tuấn còn có thêm được 2 con bê con.
Bên cạnh việc đầu tư về giống, ông Tuấn còn phá bỏ 2ha cà phê để trồng cỏ làm thức ăn cho đàn bò. Sau một thời gian, nhận thấy nuôi bò sữa mang lại lợi nhuận cao và ổn định, ông Tuấn quyết định đánh liều thêm lần nữa cầm cố đất, nhà cửa để vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng để đầu tư nuôi thêm bò.
Ngoài ra, lão nông Lê Minh Tuấn tiếp tục đầu tư thêm hệ thống chuồng trại trên diện tích hơn 2 sào. Với thiết kế thoáng mát, các trang thiết bị chiếu sáng, hệ thống làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa lạnh, xung quanh trang trại đều được ông đầu tư lưới bắt ruồi, muỗi nên đàn bò của ông khỏe mạnh, đẹp như tranh, cho năng suất sữa cao.
Kiên trì, nếm "trái đắng"
Chia sẻ với phóng viên, ông Tuấn cho biết: "Để có được thành công, bất kể công việc gì, chúng ta đều phải kiên trì, không kể phải nếm "trái đắng" để được kết quả. Chính vì vậy, ngay từ ban đầu khi mới bắt tay vào nghề nuôi bò, tôi đã gặp không ít khó khăn để có được thu nhập như ngày hôm nay".
Để có được thành công và thu nhập tốt với nghề nuôi bò, nhất là giống bò ngoại, ông Tuấn cho rằng cần phải kiên trì, không kể phải nếm "trái đắng".
Ông Tuấn cho biết, bò sữa là loại động vật khá kén thức ăn. Đặc biệt, nếu không có các biện pháp phòng, chống thì bò hay bị bệnh viêm vú, ảnh hưởng đến chất lượng sữa là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, cần phải duy trì các chế độ ăn hợp lý theo các thời kỳ lấy sữa và nuôi thai của đàn bò để đảm bảo bò không bị bệnh, khỏe mạnh.
Chưa chấp nhận những gì mình có, ông Tuấn tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại nuôi thêm hơn 80 con bò nhập ngoại chuyên lấy thịt.
Các loại bò siêu thịt của ông Tuấn đều là giống chất lượng như bò 3B (BBB), Brahman và Red angus thuần chủng của Úc, bò Chorolais của Pháp. Thức ăn của bò siêu thịt được ông Tuấn đã làm theo quy trình TMR - Total Mixed Ration.
Quy trình này đảm bảo cùng một lúc, bò được ăn các loại thức ăn khác nhau với khối lượng phù hợp nhu cầu, ổn định hệ vi sinh vật dạ cỏ, giảm các nguy cơ gây xáo trộn tiêu hóa, từ đó sử dụng hiệu quả lượng thức ăn ăn vào, nâng cao khả năng tăng trưởng của bò.
Với 150 con bò trong trang trại đã mang lại cho gia đình ông Tuấn nguồn lãi từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm sau khi trừ các chi phí.
Với quy trình TMR mà ông Tuấn áp dụng để vỗ béo đàn bò thịt, sau 10 - 12 tháng, đàn bò có thể đạt trọng lượng từ 600 - 700 kg/con. Sau khi xuất bán mang lại cho ông Tuấn nguồn lợi nhuận từ 13 - 15 triệu đồng/con.
Với 150 con bò trong trang trại đã mang lại cho gia đình ông Tuấn nguồn lãi từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm sau khi trừ các chi phí. Với khoảng 30 con bò sữa trưởng thành, ông Tuấn thu được từ 25 - 30 lít sữa/ngày/con. Hiện tại, toàn bộ sữa từ trang trại của ông Tuấn đều được Công ty Vinamilk ký hợp đồng bao tiêu, với mức giá 15 ngàn đồng/lít.
Hiện nay, bên trong trang trại của ông Tuấn luôn có 5 lao động, với mức thu nhập từ 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Săp tới, ông Tuấn sẽ tập trung vốn để mở thêm trang trại nuôi bò sinh sản, với quy mô khoảng 30 - 40 con bò nái.
Theo Danviet
Mộc Châu: Vùng đất ôn hòa tươi đẹp, nổi danh nghề nuôi bò sữa Mộc Châu (Sơn La) nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm, đất đai rộng lớn, là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với nghề nuôi bò sữa đang từng ngày làm giàu cho vùng đất cao nguyên này. Nằm ở độ cao hơn...