Làm giàu khác người: Ươm “lộc trời” tiền tỷ trên rừng già âm u
Lang thang hết nửa giờ quanh các vườn sâm, chúng tôi mới gặp được ông chủ Trần Hoàn – người được coi là giàu nhất Tây Nguyên, bởi giá trị vườn sâm khó mà ước đoán, chỉ có thể nói là vô giá..
Tu Mơ Rông ( tỉnh Kon Tum) nằm trên độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển. Nơi đây được biết đến là “thủ phủ” của dược liệu quý như hồng đẳng sâm, đương quy, sơn tra, ngũ vị tử. Đặc biệt, nơi đây còn là quê hương của loài sâm quý – sâm Ngọc Linh.
Bảo vệ nghiêm ngặt
Để đến được “thủ phủ” sâm, chúng tôi mất hơn nửa giờ vượt qua con đèo Măng Rơi, với những khúc cua khuỷu tay, những con dốc dựng đứng… con đèo vốn là nỗi ám ảnh của giới tài xế, nên họ đặt thêm cho nó cái biệt danh là “Văng Rơi”, bởi chỉ cần một nháy mắt sơ suất, là xe lao xuống vực.Khi vừa qua đèo, trước mắt chúng tôi là một vùng núi, bao quanh những thung lũng sâu hút, trập trùng, đẹp như tranh vẽ. Đây là địa phận xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, được bao bọc bởi những ngọn núi của dãy Ngọc Linh mây trắng xóa, một trong địa điểm sâm Ngọc Linh sinh trưởng.
Vườn sâm Ngọc Linh của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum
Anh A Nhoai, Bí thư Đoàn xã Măng Ri, dẫn chúng tôi đến thăm “thủ phủ” sâm Ngọc Linh của Công ty sâm Ngọc Linh Kon Tum. Vừa đi, A Nhoai vừa cho biết, anh là người tiên phong vào bới lá rừng tìm hạt sâm dây mang về reo trồng. Để rồi sau đó, phong trào trồng sâm dây lan rộng, giúp nhiều người dân địa phương tăng thêm thu nhập. Sau khi thành công với mô hình sâm dây, anh tiếp tục đề nghị xã cấp cho thuê 1,5ha đất để trồng sâm Ngọc Linh.
“Các loài sâm, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, có đặc điểm là chỉ phát triển tốt dưới tán rừng thiên nhiên thứ thiệt, có nhiều tán, mặt đất có lớp lá mục dày, giữ ẩm tốt. Cho nên, nếu muốn trồng sâm, thì việc đầu tiên là phải giữ rừng. Ngoài ra, sâm chỉ sống bằng những nguồn dinh dưỡng có sẵn trong đất, nếu dùng phân hóa học, chất kích thích, cây sẽ chết”, A Nhoai nói.
Ngoài Ngọc Linh, Tu Mơ Rông còn có hồng đẳng sâm (sâm dây), dù giá trị không bằng Ngọc Linh, nhưng dễ chăm sóc, thu lợi nhanh. Trong ảnh là Bí thư xã đoàn Măng Ri A Nhoai (bên phải) và vườn sâm dây của mình
A Nhoai bảo, lớn lên anh mới sâm Ngọc Linh, chứ loài cây này lúc còn nhỏ anh thấy mọc rất nhiều. Đi rừng chừng tiếng đồng hồ là mang về cả gùi sâm. Giá trị gùi sâm Ngọc Linh 10kg chỉ bằng… một đôi “tông Lào”. Nhiều đợt người dân đi lấy tràn lan nhưng chẳng có người mua nên vứt bừa bãi quanh nhà, phơi khô nấu nước uống hàng ngày. Từ năm 2001 giá sâm đắt đỏ, người dân lại vào rừng mót từng củ nhỏ bằng ngón tay về trồng.
Khu vực bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh
“Sâm dây có ưu điểm là dễ chăm sóc, không lo chuột hay trộm. Còn sâm Ngọc Linh, vì là sâm quý nên việc chăm sóc đã khó, bảo vệ càng khó hơn. Ngoài trộm là người, còn có trộm là… chuột. Không hiểu sao chuột rất thích củ sâm Ngọc Linh. Cho nên, chuột ở quanh vườn sâm được mệnh danh là chuột quý tộc, là đặc sản”.
Video đang HOT
Qua vài đoạn cua, 2 bên đường bắt đầu xuất hiện những luống sâm Ngọc Linh, len giữa những triền núi. Bên cạnh “đại bản doanh” của công ty là vườn sâm số 1 của Cty là những vườn sâm Ngọc Linh giống đang sinh trưởng. Hiện nay, Cty đã sở hữu trên hơn 400ha sâm giống và sâm thương phẩm.
Nặng lòng với sâm
Lang thang hết nửa giờ quanh các vườn sâm, chúng tôi mới gặp được ông chủ Trần Hoàn – người được coi là giàu nhất Tây Nguyên, bởi giá trị vườn sâm khó mà ước đoán, chỉ có thể nói là vô giá.
Củ sâm Ngọc Linh thứ thiệt của ông chủ vườn sâm quý Trần Hoàn
Cách đây vài năm, việc mục sở thị vùng “thánh địa” sâm Ngọc Linh cực kỳ khó khăn cũng như thông tin về vùng sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum chỉ nhỏ giọt.
Trần Hoàn bảo, thực ra nỗi lo lớn nhất của anh là sợ cây sâm Ngọc Linh bị lai tạp giống. Bởi cách đây hơn 20 năm, anh đã cầm trên tay những củ sâm Ngọc Linh tự nhiên cả trăm năm tuổi. Biết là loại sâm quý khiến anh càng lo hơn khi việc khai thác tận diệt đang diễn ra tràn lan, loài sâm quý này có nguy cơ tuyệt chủng.
“Hiểu rõ giá trị của sâm Ngọc Linh nên từ hơn 20 năm trước, 2 anh em tôi đã bắt đầu đi thu gom, mua hết cây sâm giống mà bà con các xã quanh chân núi Ngọc Linh đào về để bảo tồn, gây giống. Sau đó tự tìm tòi, nghiên cứu, tham khảo tài liệu rồi gom góp vốn liếng lên tận núi cao tìm đất trồng sâm. Bao nhiêu sức người, sức của khó mà tính hết”, anh Hoàn kể.
Thiên nhiên không phụ lòng người có công, những vườn sâm âm thầm hình thành dưới sự chăm chút, bảo vệ gần như bí mật của “ông chủ” vườn sâm và sự giúp sức của những người dân địa phương. Tháng 5/2011, Cty sâm Ngọc Linh lần đầu tiên công bố kết quả sau hơn 13 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển vườn sâm giống với nguồn gen quý nguyên bản cũng như hoàn thiện quy trình gieo ươm, chăm sóc sâm Ngọc Linh gốc với diện tích lên đến 140ha khiến nhiều người kinh ngạc…
Trần Hoàn đưa chúng tôi qua những luống bậc thang len lỏi qua vườn sâm được trồng hoàn toàn tự nhiên dưới lớp thảm mùn lá cây. Dù anh rất kiệm lời khi nói về giá trị thực tế quy ra tiền của những vườn sâm gốc này, nhưng chỉ cần tính hàng triệu cây con vừa mới được ươm thành công đến vườn sâm Ngọc Linh trên 400ha bắt đầu cho thu hoạch (giá trị trường hiện nay loại tốt từ 100-120 triệu đồng/kg) thì Cty đang có tài sản vô giá trong tay là sự thật.
Ông chủ vườn sâm độc nhất Việt Nam Trần Hoàn
Tháng 6/2017, sâm Ngọc Linh chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Sản phẩm quốc gia và mới đây tại Hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ví đây là cây “quốc bảo” trong quốc kế dân sinh.
Không chỉ có công bảo tồn nguồn gen gốc của sâm Ngọc Linh, anh em Trần Hoàn, Trần Hảo còn âm thầm bảo vệ những cánh rừng trồng sâm nơi đây, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 300 hộ dân tại 3 xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lei của huyện Tu Mơ Rông bằng hình thức liên kết trồng sâm Ngọc Linh gắn với việc bảo vệ phát triển rừng. Nhờ vậy, đã thay đổi cơ bản tập quán canh tác cũ là phát nương làm rẫy của người dân, hướng người dân đến bảo vệ môi trường rừng.
“Hiện nay, công ty đang liên kết với người dân làm nông nghiệp 4.0. Người dân có nhu cầu, công ty sẽ bán cây sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi cho người đầu tư trồng trên đất dự án của Cty. Người đầu tư có thể theo dõi quá trình chăm sóc và phát triển của cây sâm Ngọc Linh qua camera. Hàng tháng, nhà đầu tư lên thăm, kiểm tra tại vườn sâm và trực tiếp thu hoạch tại vườn”, anh Hoàn nói thêm.
Theo Danviet
Theo Phúc Lập (Kiến thức gia đình)
Dân đỉnh Ngọc Linh nhớ thời gùi cả bao sâm đi đổi...chiếc áo
Khoảng những năm đầu 90 trở về trước, người Xê Đăng ở vùng Tu Mơ Rông mang bao lên rừng tìm sâm Ngọc Linh. Chỉ cần đi bộ trong rừng khoảng vài tiếng đồng hồ là tìm được đầy bao.
Đó là chuyện của dĩ vãng nhưng cũng chưa xa lắm. Giờ đây khi nguồn sâm Ngọc Linh tự nhiên cạn kiệt gần như không còn. Thay vì bất chấp nguy hiểm vào rừng sâu tìm sâm Ngọc Linh và dược liệu về bán, người Xê Đăng ở vùng căn cứ cách mạng xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã biết tự trồng sâm để làm giàu.
Nhờ trồng được sâm mà người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đang có cuộc sống thay đổi từng ngày.
Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum nằm sâu trong dãy núi Ngọc Linh.
Huyện Tu Mơ Rông nơi được xem là thủ phủ sâm Ngọc Linh, thì xã Măng Ri - nơi đặt khu căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Kon Tum trong những năm chiến tranh được xem là xứ sở của loài sâm quý này.
Khoảng những năm đầu 90 trở về trước, người Xê Đăng ở vùng Tu Mơ Rông mang bao lên rừng tìm sâm Ngọc Linh. Chỉ cần đi bộ trong rừng khoảng vài tiếng đồng hồ là tìm được đầy bao.
"Hồi đó sâm mọc trên núi Ngọc Linh nhiều lắm, đi chú ý dưới những tán cây cổ thụ, khe suối là thấy. Củ nhỏ thì phơi khô, nấu nước để uống, củ lớn thì mang xuống huyện lỵ đổi mắm muối, đôi khi đổi đôi dép tông Lào. Có lần mình gùi một bao sâm Ngọc Linh đi cả trăm cây số, xuống dưới trung tâm của tỉnh để đổi lấy chiếc áo về làm kỷ niệm", ông A Hình (54 tuổi, một người trồng sâm trên dãy núi Ngọc Linh) kể lại.
Mãi những năm sau này, giá lên cao cả vài chục triệu đồng 1kg sâm tươi, người người đổ xô đi vào rừng tìm. Sâm Ngọc Linh thì có hạn, nhu cầu thị trường lại rất lớn nên sâm hết dần. Giờ chuyện tìm được củ sâm tự nhiên trong rừng như là "chuyện mò kim đáy bể". Thay vì đi tìm, người dân vùng Măng Ri, Tê Xăng Ngọc Lây lên núi trồng sâm dưới tán rừng cổ thụ, vừa bảo vệ được rừng vừa cho thu nhập cao.
Người dân xã Măng Ri tập trung phát triển sâm Ngọc Linh và sâm dây dưới tán rừng
Ông A Hình cho biết: "Sâm nhà mình có trồng được một ít dưới tán rừng. Tuổi thọ của sâm đã được hơn 7 năm. Đến nay, sâm đã cho thu hoạch lá và hạt đều đặn. Hiện khó nhất của người trồng sâm Ngọc Linh là giống. Mỗi cây giống có giá khoảng từ 200.000 đến 300.000 đồng, nhưng cũng rất hiếm".
Ngoài những hộ có điều kiện mới trồng sâm Ngọc Linh, còn đa số người dân ở Măng Ri đều trồng sâm dây trên rừng già. Hiện đầu ra và giá của loài sâm này rất ổn định nên đang được người dân mở rộng diện tích. Nhiều hộ nhờ trồng sâm dây mà kinh tế khấm khá, nuôi con ăn học đàng hoàng.
Chị Y H'Lang (ngụ làng Pu Tá, xã Măng Ri) là niềm tự hào của dân bản khi vừa làm kinh tế giỏi, vừa nuôi con thành đạt. Gia đình chị hiện trồng 6 sào sâm dây. Ngoài trồng sâm dây, chị còn đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con. Nguồn thu từ kinh doanh và trồng sâm dây cho gia đình chị hàng năm hơn 100 triệu đồng. Thu nhập này giúp chị xây nhà kiên cố, nuôi 2 con học đại học.
Nhiều người thu tiền tỉ nhờ trồng sâm Ngọc Linh.
Không chỉ các hộ gia đình mà hiện nay các đoàn viên, thanh niên cũng bước đầu thành công với mô hình trồng sâm dây. Anh A Nhoai, Bí thư Đoàn xã Măng Ri hiện trồng 2 sào sâm dây cạnh bên khu di tích căn cứ cách mạng Tỉnh ủy Kon Tum. Anh Nhoai vừa kết hợp trồng sâm dưới tán cây, vừa nhận khoán bảo vệ rừng, vừa trông coi khu di tích.
"Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất này thích hợp trồng các cây sâm nên mình chuyển sang trồng. Trồng sâm dây chỉ thả dưới tán rừng là sống, không cần chăm sóc, không phân bón gì cả, khoảng 2 năm là cho thu hoạch. Với giá thị trường đang dao động hơn 100.000 đồng/kg sâm tươi, mỗi năm vườn sâm của mình cho thu nhập hơn 40 triệu đồng, ngoài ra còn được nhận tiền khoán bảo vệ rừng và trông coi di tích. Tới đây, mình tiếp tục xin nhận khoán thêm rừng để trồng sâm dây và bảo vệ rừng", anh A Nhoai chia sẻ.
Vườn sâm dây của A Nhoai - Bí thư Đoàn xã Măng Ri dưới tán rừng.
Trước đây, Măng Ri là xã vùng sâu vùng xa, hầu hết là người đồng bào, đời sống còn nhiều khó khăn. Giờ về xứ sâm Măng Ri, những con đường bê tông đã vào đến tận ngõ từng nhà, những ngôi nhà mái ngói đỏ đã thay cho tranh tre nứa. Con đường độc đạo dẫn vào trung tâm xã, giờ đã phẳng phiu, uốn lượn qua các sườn núi. Nhiều năm qua, đời sống kinh tế bà con có sự thay đổi lớn.
"Những năm trước đường đi lại khó khăn, gặp phải mưa dài ngày, những anh em cán bộ xã có nhà ở xa phải ở lại chỉ biết ra vườn hái lá khoai lang, nấu cháo, cầm cự. Giờ quán xá mọc lên nhiều, thực phẩm cũng đa dạng, không còn cảnh đói. Có sự thay đổi như vậy là nhờ cây sâm. Người dân không còn vào rừng đi tìm sâm Ngọc Linh mà thay vào đó tự trồng. Giờ nhắc đến Măng Ri là nhắc đến sâm", ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết.
Sâm dây và sâm Ngọc Linh đang là cây giúp vùng căn cứ cách mạng thoát nghèo
Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: "Toàn huyện hiện có 325 héc ta sâm Ngọc Linh và 32 héc ta sâm dây, trong đó chủ yếu tập trung tại xã Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây. Mục tiêu đề ra là đến năm 2020 huyện sẽ có 500 héc ta sâm Ngọc Linh. Tỉnh và huyện khuyến khích người dân trồng sâm, sẽ tạo mọi điều kiện về quỹ đất đối với những hộ có nhu cầu trồng. Huyện tập trung phát triển sâm Ngọc Linh tại khu căn cứ Tỉnh ủy Măng Ri và đầu tư để nhân giống dòng sâm này tại khu căn cứ, hỗ trợ bà con trồng để duy trì nguồn gen, cũng như xóa đói giảm nghèo".
Cuối cuộc trò chuyện, ông Mười tâm sự: "Giờ sâm Ngọc Linh ở huyện đang được bảo tồn, chưa bán ra ngoài nên mọi người muốn mua phải vào tận vườn thuyết phục người dân, còn mua nơi khác hãy thận trọng. Ngay như tôi, muốn mua củ sâm để làm vật mẫu mà phải vào tận vườn thuyết phục bà con 3 ngày liền mới mua được".
Theo Chí Dũng (Báo Công an TP HCM)
Tu Mơ Rông: "Thủ phủ" của dược liệu quý hiếm, quê của sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) nằm trên độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển. Nơi đây được biết đến là "thủ phủ" của dược liệu quý như hồng đẳng sâm, đương quy, sơn tra, ngũ vị tử. Đặc biệt, nơi đây còn là quê hương của loài sâm quý - sâm Ngọc Linh. Bảo vệ nghiêm ngặt Để đến...