Làm giàu khác người: Nướng dừa dứa lên, giá bán cao lại hút hàng
Anh Quách Minh Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre khởi nghiệp làm giàu khác người với một sản phẩm độc đáo, lạ lẫm-đó là đem trái dừa dứa nướng lên và bán. Với cách làm này, giá bán 1 trái dừa dứa cao hơn và lượng tiêu thụ cũng rất “hút hàng”.
Với tình yêu quê hương, yêu sản phẩm địa phương nhưng luôn phải chịu cảnh giá cả bấp bênh, anh Quách Minh Hậu đã quyết tâm tìm ra hướng đi mới cho trái dừa với sản phẩm dừa nướng khá độc đáo.
Dừa dứa sau khi nướng có thể giữ trong tủ lạnh khoảng 2 tuần.
Theo anh Quách Minh Hậu, ở Thái Lan, dừa nướng là món được bán khá phổ biến. Sau khi được thưởng thức món dừa nướng này, một người bạn của anh đã có ý tưởng đem món ăn này về Việt Nam.
Nhận thấy tiềm năng của loại thức uống này, 2 anh đã lập kế hoạch và triển khai ý tưởng bắt tay vào kinh doanh. “Với sản phẩm này, yếu tố thuận lợi là có nguồn dừa nguyên liệu dồi dào tại địa phương, hơn nữa đây là sản phẩm độc, lạ nên cũng thu hút khách hàng”- anh Hậu nói.
Cơ sở của anh Hậu chọn dừa dứa đem nướng, vì theo anh Hậu, loại dừa này khác biệt so với các loại dừa khác bởi mùi thơm và vị ngọt thanh đặc trưng. Và dừa dứa khi được nướng qua lửa thì mùi thơm và hương vị đặc trưng được tăng thêm gấp nhiều lần.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở của anh Hậu bán ra thị trường từ 1.000- 2.000 trái dừa nướng, với giá từ 35.000- 50.000 đ/trái. Du khách khi tới Bến Tre đã rất quen thuộc với các loại kẹo dừa, dừa tươi và cũng “mở lòng” để đón nhận món dừa nước mới lạ từ dừa.
Video đang HOT
Anh Hậu cho biết: “Tôi muốn khẳng định giá trị mới của trái dừa dứa với thị trường và phát triển thương hiệu của nó để người dân mạnh dạn mở rộng vùng nguyên liệu trồng dừa dứa.
Hiện tôi cũng cải tiến máy móc, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, đẩy mạnh khâu quảng bá thương hiệu, xây dựng các kênh phân phối để mở rộng thị trường”.
Ý tưởng kinh doanh của anh Hậu cũng là điển hình cho phong trào Đồng khởi khởi nghiệp mà Bến Tre đang phát động.
Theo An-Thảo (Báo Vĩnh Long)
Kiếm bộn tiền nhờ trồng dừa thơm mùi lá dứa, trái sát đất
Trong chuyến khảo sát vùng duyên hải ngập mặn ven biển Tây cùng đoàn Đại học An Giang và các chuyên gia nông nghiệp Úc, chúng tôi tìm đến vườn dừa dứa Tám Phong (Sóc Trăng) trong ngày mưa nặng hạt giữa tháng 8 âm lịch.
Trong suốt những câu chuyện dài về đời và nghề, thi thoảng, ánh mắt anh Phong lóe sáng tương lai với hàng trăm gốc dừa dứa đang nặng quài...Đó là anh Nguyễn Thanh Phong (tên thường gọi là Tám Phong, ở ấp An Hòa 2, xã Thạnh Thới A, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Đón chúng tôi khi cơn mưa chiều tháng 8 nặng hạt, trên bàn trà nóng tiếp khách lại có mấy trái dừa tươi.
Hớp ngụm trà quạu rồi kể lại câu chuyện cơ cực, làm đủ thứ nghề, rày đây mai đó tứ xứ để mong tìm được công việc ổn định. Đôi bàn tay to, chai sần song cách nói chuyện khéo léo, dí dỏm đã cho thấy đây là con người của lao động và ham học hỏi. Anh Tám Phong chia sẻ, từ quê Sóc Trăng đi Sài Gòn, thậm chí ra đến mảnh đất miền Trung khô cằn.
Anh Tám Phong bên gốc dừa dứa đang cho những trái chiếng.
Anh Tám Phong kể: Năm 2010, khi còn ở Bình Thuận, anh chợt nhận ra tại sao một vùng đất khô cằn như thế này lại sản sinh ra một loại trái cây đặc sản là thanh long và giá trị thương hiệu của loại này đã vang danh khắp thế giới. Vậy là anh nghĩ, mình cần về quê để trồng một loại cây, mà cũng sẽ là đặc sản.
"Lần này lại là một lần khởi nghiệp- ở lứa tuổi U.40, đời tôi cũng phải vài 3 lần khởi nghiệp rồi. Nhớ ngày đầu về quê, mượn ông già miếng đất rồi nói cho con làm vườn. Từ miếng đất có nhiều cây trái, chủ yếu là để nhà ăn, cho con cháu mỗi khi sum họp gia đình, tôi thuê máy cuốc san phẳng, đào ao, phân liếp trồng dừa.
Trải qua thời gian đầu gian khổ, vừa làm vừa học, vừa suy nghĩ, chịu biết bao "tai tiếng, bị chửi khùng" khi tự nhiên đi trồng dừa, đến năm 2014, những trái dừa đầu tiên ra đời.
"Lứa dừa đầu tiên, vợ chồng thử dừa riết không ăn cơm nổi, để xem chất lượng trái như thế nào, có thơm hay không để đi chào hàng. May mắn là trái nào cũng thơm và ngọt đều nhau, thế là vợ chồng đi chào hàng ở các quán nước trong địa bàn TP Sóc Trăng. Gặp may nữa là có 1 quán chịu bao tiêu sản phẩm cho mình với yêu cầu là trái dừa dứa chỉ được bán ở quán này mà thôi"- anh Tám Phong chia sẻ.
Đến năm 2017, anh bắt đầu thực hiện quy trình sản xuất dừa giống để cung cấp ra thị trường. Anh nhớ lại, nếu lúc trước cứ "xô" xuống ghe lái, thì bây giờ đã không còn thương hiệu dừa dứa Tám Phong, dừa dứa đặc sản của Sóc Trăng nữa. Hiện vườn dừa dứa của anh Tám Phong đã có 420 gốc dừa, toàn bộ chỉ để sản xuất dừa giống.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, sao anh lại chọn dừa mà không chọn loại cây khác, phù hợp với vùng đất bị xâm nhập mặn như ở Trần Đề này. Đáp lại, là những câu chuyện về kỹ thuật, là những kinh nghiệm đúc kết từ những quan sát quên ăn, quên ngủ.
Anh Tám Phong chia sẻ, cây dừa là loại cây tốt, phù hợp với khá nhiều điều kiện khí hậu, thời tiết, quan trọng là kinh nghiệm. Đối với dừa dứa, mặn ngọt đều trồng được bởi điều đặc biệt là nó chịu mặn được tới 5- 6 phần ngàn.
"Mỗi khi thấy mấy cây lục bình dưới sông trước cửa nhà héo lá, là tôi tranh thủ bơm nước vào vườn. Bởi đây là điều kiện để cây dừa cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt với độ mặn thích hợp, hương vị cũng như chất lượng nước của trái dừa rất cao.
Điều này đi ngược lại quy luật cây trồng cũng như nhận định của nhiều người. Nhưng đối với tôi, nước bị xâm nhập mặn đôi khi là một điều kiện tốt trong sản xuất, không chỉ riêng về cây dừa dứa này..."- anh Phong chia sẻ.
Với kinh nghiệm của mình, hiện nay, dừa dứa Tám Phong đã được bán giống đi rất nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam, từ Nam chí Bắc, thậm chí hiện nay, nông dân ở Bến Tre phải đi qua mua lại giống và học hỏi kinh nghiệm trồng dừa dứa. Anh Tám Phong còn cho rằng, đối với biến đổi khí hậu khó đoán như hiện nay, cây dừa dứa có thể là một giải pháp cho vùng xâm nhập mặn, lại là sản phẩm có đầu ra tốt trên thị trường.
Theo anh, đơn giản là anh đã giữ lại cho bằng được nguồn gien chuẩn của giống dừa dứa do áp dụng quy trình sản xuất cũng như bảo quản giống. "Hiện nay, nhiều người ở các vùng bị xâm nhập mặn ở Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long,... đến tìm mua giống và học tập kinh nghiệm, hy vọng dừa dứa sẽ là một loại trái cây đặc sản không chỉ riêng Sóc Trăng"- anh Phong cho biết.
Trải lòng mình qua từng chén trà, qua từng trái dừa tươi anh tự tay hái đãi khách, Tám Phong quay mặt vào trong để nhắc vợ "nhà có khách quý", dọn bàn trà để tiếp câu chuyện- qua một cái bàn khác.
Tám Phong chia sẻ: "Trong sớm thôi, sẽ đầu tư một khu kiểu Homesaty trong vườn dừa dứa. Đây sẽ là 1 điểm đến trong hành trình du lịch Sóc Trăng- Côn Đảo, một khu sinh thái dừa dứa yên bình ngay bên cạnh rạch An Nô của huyện Trần Đề mùa có xâm nhập mặn này...".
Theo Ngọc Trảng-Khánh Duy (Báo Vĩnh Long)
Làm giàu khác người: Bỏ nghề tay phải về làm nghề tay trái lại "ngon" Đang có công việc kế toán ổn định, đùng một cái anh Nguyễn Thành Nguyên bỏ nghề về quê làm nghề tay trái đó là nghề nuôi lươn. Từ nuôi lươn đồng trong bể lót bạt, anh Nguyên đã mày mò chế biến món khô lươn mang lại giá trị tăng thêm cho nghề nuôi lươn... Rời bỏ nghề kế toán gắn bó...