Làm giàu khác người: Nuôi loài cá 4 chân đáng sợ, bán 150 ngàn/ký
Nuôi cá sấu hơn 10 năm nay, anh Lê Văn Út, ngụ tại khu vực Phú Thạnh, phường Tân Phú, quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) đã gầy dựng nên một trang trại nuôi loài cá 4 chân đáng sợ này khá quy mô với trên 2.500 con cá sấu, thu nhập mỗi năm khoảng 2 tỉ đồng. Trong bối cảnh nghề nuôi cá sấu có lúc thăng, trầm, anh Lê Văn Út vẫn kiên trì với nghề theo cách nhiều người nói là “ làm giàu khác người”.
Nghề nuôi cá sấu đã dần trở nên quen thuộc và được nhiều nông dân lựa chọn thử sức bởi đầu ra sản phẩm khá ổn định, công việc lại “nhàn”.
Chủ trang trại nuôi cá sấu Lê Văn Út (bên phải) giới thiệu mô hình chăn nuôi của gia đình.
Trang trại cá sấu Văn Út có hệ thống chuồng trại kiên cố, hàng ngàn con cá sấu đủ kích cỡ được nuôi theo từng chuồng nhỏ riêng biệt, đúng quy cách 3 mét/con. Chủ trang trại, anh Lê Văn Út, cho biết: “Cá sấu là động vật hung dữ nên ngay từ khi bắt đầu nuôi, tôi đã đầu tư trang trại kỹ lưỡng với tường rào cao che chắn, chọn nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, hệ thống thoát nước hợp vệ sinh…”.
Nhắc đến cơ duyên với nghề nuôi cá sấu, anh Út kể: “Năm 2007, được tham quan một số nơi nuôi cá sấu thương phẩm, thấy mô hình hay nên tôi mạnh dạn đầu tư. Được cha mẹ ủng hộ, ban đầu tôi mua 100 con cá sấu con ở tận An Giang về nuôi với chi phí 54 triệu đồng. Lứa đầu tiên tôi bán được trên 260 triệu đồng, tạo động lực nhân rộng mô hình cho đến nay”.
Chia sẻ bí quyết nuôi cá sấu, anh Út cho biết: “Những ngày đầu khởi nghiệp, do không biết kinh nghiệm chăm sóc, chọn lựa thức ăn và vệ sinh chuồng trại, có đợt nuôi 500 con cá sấu đã chết hàng loạt gần 300 con. Từ đó, tôi cũng rút ra nhiều kinh nghiệm chăn nuôi”.
Về kinh nghiệm nuôi cá sấu, theo anh Ut, cá sâu có sức đề kháng cao, khả năng chống chịu bệnh tật rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi nhốt phải chú ý đến vấn đề nhiệt độ môi trường, vệ sinh chuồng trại để phòng tránh bệnh tật cho cá sấu. Theo đó, mỗi ngày, anh đều tiến hành rửa chuồng, thay nước để đảm bảo môi trường vệ sinh…
Video đang HOT
Anh Út chọn lựa nuôi cá sấu bởi đây là loài vật dễ nuôi, có thể cho ăn tất cả thức ăn có nguồn gốc động vật. Tốc độ lớn của cá sấu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn đạm động vật cho ăn. Trung bình, thời gian phát triển của con cá sấu từ lúc nuôi nhỏ đến tầm 17-30 ký mất khoảng 2 năm.
Để đảm bảo tốc độ sinh trưởng tốt, anh Út cho cá sấu ăn theo tỷ lệ 3:1 (3 ký mồi cho 1 ký thịt), tầm 3-4 ngày sẽ cho cá sấu ăn một lần. Nguồn thức ăn của cá sấu chủ yếu là các loại cá: cá rô phi, cá điêu hồng… Để có nguồn thực phẩm tốt, anh Út chọn lựa nơi bán có uy tín, trữ lạnh hợp vệ sinh.
Hơn 10 năm gầy dựng, trang trại Văn Út đã được nhiều người biết đến. Thương lái thu mua chủ yếu đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, An Giang… Tùy theo thời điểm, trang trại của anh Út có bán cá sấu nguyên con và mổ lấy da, thịt. Cá sấu nguyên con có giá bán trung bình 150.000 đồng/ký. Với mô hình này, mỗi năm, anh Út có thu nhập khoảng 2 tỉ đồng.
Theo Danviet
Cần Thơ: Trồng nhãn lạ, tiền lời nhiều hơn gấp 2-3 lần nhãn thường
Thanh nhãn, một giống nhãn mới xuất hiện tại ĐBSCL, đã được anh Phạm Quang Đạm (41 tuổi, ngụ phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) trồng, vừa bán đợt đầu tiên và được thị trường đón nhận rất tốt.
Giống nổi trội
Theo lời anh Đạm, hơn chục năm trước, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh về cải tạo mảnh vườn quê nhà trồng cam. Rồi dần dần tích góp tiền mua thêm đất. Vài năm trước, phong trào trồng cam sành ở Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phát triển mạnh, lượng cung nhiều, giá bán thấp.
Khoảng 2 năm trước, nghe ở Bạc Liêu có giống thanh nhãn mới nên anh Đạm tìm đến. Giống thanh nhãn này do một nữ chủ vườn nhãn ở Bạc Liêu lai tạo. Trong một lần vào vườn nhãn hái trái, người này phát hiện ở những gốc nhãn già cỗi cho trái màu vàng tươi, cơm dày, khô ráo, vị thơm, ngọt và giòn hơn những giống nhãn khác trong vườn. Vì vậy, người này lấy cành cây nhãn trên ghép lên gốc nhãn cũ và cho ra đời giống nhãn mới gọi là thanh nhãn như hiện nay.
Anh Đạm thu hoạch thanh nhãn trong vườn.
"Tôi đã tìm đến Bạc Liêu, ăn thử vài trái thanh nhãn và bị thuyết phục ngay vì ưu điểm của loại nhãn này là trái to, cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước, không ngọt lịm như nhãn long hay da bò mà chỉ ngọt thanh. Đặc biệt, thanh nhãn không bị bệnh chổi rồng, một loại bệnh từng ám ảnh các nhà vườn trồng nhãn ở ĐBSCL" - anh Đạm cho biết.
Thấy nhiều điểm vượt trội, anh mua 1.300 gốc về vườn nhà trồng trên diện tích hơn 15 công. Theo lời anh Đạm, thanh nhãn rất nhẹ công chăm sóc và tiết kiệm được nhiều chi phí. Giống nhãn này không cần xử lý ra hoa, đến mùa là nhãn tự ra hoa cho trái và một năm chỉ thu hoạch 1 đợt vào khoảng tháng 5 âm lịch.
"Tôi đang trồng nhãn theo hướng hữu cơ, bón phân sinh học để cho trái chất lượng. Từ cây giống, trồng khoảng 18 tháng sau là cho thu hoạch trái chiến. Tôi vừa thu hoạch đợt đầu tiên, 1 cây cho ra khoảng 20 kg trái, giá bán lẻ cho bên ngoài khoảng 120.000 đồng/kg, riêng bán cho siêu thị, shop trái cây là 100.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với nhãn long hoặc nhãn da bò" - anh Đạm thông tin.
Một cây thanh nhãn trồng sau 18 tháng cho khoảng 20 kg trái/cây.
Sẽ xuất bán ra nước ngoài
Vụ thu hoạch đầu tiên, anh Đạm đã gửi sản phẩm chào hàng ở nhiều siêu thị và các công ty xuất khẩu nên đã thu hồi một phần vốn, không lời nhiều. Dự kiến nếu trồng tiếp đến năm thứ 3, thứ 4 thì cây thanh nhãn cho lợi nhuận khá do giá bán rất cao và khan hàng trên thị trường.
"Thanh nhãn cho trái lớn, khoảng 35 trái/kg, trái trung bình khoảng 50 trái/kg, cơm dày, ngọt thanh nên khi đi chào hàng, nhiều khách hàng rất ưng. Vừa qua, một công ty của Ấn Độ đã đồng ý giống nhãn này. Sau khi họ kiểm tra các thứ và đã thỏa thuận với tôi, vụ tiếp theo tôi sẽ xuất bán thanh nhãn sang Ấn Độ", anh Đạm hồ hởi.
Thanh nhãn có cơm dày, ráo nước, vị ngọt thanh, hạt nhỏ.
Sau mùa thu hoạch vừa rồi, anh Đạm đã mua thêm gần 3.000 gốc nhãn trồng trên diện tích 17 công. Ngoài ra, nhà vườn này còn bán giống thanh nhãn từ 100.000-120.000 đồng/cây giống.
Thấy đây là loại cây trồng có lợi nhuận cao nên anh Đạm đã thành lập HTX Thúy Giang với 13 thành viên, với diện tích trồng thanh nhãn khoảng 12 ha.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Thậm, Trưởng phòng Kinh tế quận Cái Răng, nói: "Hộ anh Đạm là nơi trồng thanh nhãn đầu tiên của địa phương. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy cây thanh nhãn cho lợi nhuận kinh tế cao nên dự kiến trong năm nay, quận sẽ mở rộng trồng thêm 10 ha, đến năm 2020 là 50 ha và thị trường là xuất khẩu sang Ấn Độ, Hàn Quốc. Sang năm, quận cũng sẽ hỗ trợ những người dân trồng thanh nhãn theo chuẩn VietGap để thuận lợi xuất ngoại"
Theo Nguyễn Chương (nld)
Cần Thơ xuất quân thực hiện các công trình Tết quân dân 2019 Ngày 3/12, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) TP Cần Thơ phối hợp với UBND quận Cái Răng tổ chức Lễ xuất quân thực hiện các công trình Tết quân dân năm 2019 với chủ đề: "Quân dân Cần Thơ vui Tết, chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" được tổ chức tại phường Tân Phú,...