Làm giả giấy tờ để thế chấp vay tiền
Phúc lên mạng xã hội đặt, làm giả giấy đăng ký xe. Sau đối tượng sử dụng giấy tờ giả này để vay tiền với một người khác…
Vương Văn Phúc (SN 1991, HKTT Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội) có 1 tiền án về tội gây rối trật tự công cộng, bị TAND TP Hà Nội xử 26 tháng tù treo. Quá trình điều tra, đến ngày 10/6, Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã có đủ căn cứ chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì, đề nghị truy tố Phúc về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Vụ án bắt nguồn từ việc 4 nhân viên thuộc bộ phận quản lý rủi ro của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TP Bank) chi nhánh Hoàn Kiếm gồm các anh Nguyễn Trung Hiếu (HKTT tại Văn Yên, Yên Bái); Nguyễn Đình Miện (HKTT Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) và anh Nguyễn Văn Phóng (HKTT: Văn An, Chí Linh, Hải Dương), phát hiện chiếc ôtô Hyundai Accent đeo BKS 30F-722.73 là tài sản đảm bảo cần thu giữ do anh Vương Văn Phúc là chủ sở hữu đã vi phạm hợp đồng vay thế chấp ở tại tập thể 810 Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì.
Sau khi phát hiện sự việc trên, anh Hiếu đã gặp người điều khiển xe là anh Đào Thế Anh (SN 1995, HKTT Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội) để hỏi tình hình. Quá trình trao đổi, anh Thế Anh đã đưa ra 1 giấy mua bán xe giữa Thế Anh và Phúc, 1 giấy đăng ký xe của chiếc xe nói trên. Phát hiện đây là sự việc không bình thường vì trên thực tế, giấy đăng ký xe của chiếc xe trên Ngân hàng TP Bank đang giữ; vụ việc đã được chuyển đến Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Thanh Trì điều tra, làm rõ.
Giấy phép lái xe giả đối tượng sử dụng để vay tiền và tham gia giao thông.
Sau khi tiếp nhận thông tin, các điều tra viên Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Thanh Trì đã vào cuộc đấu tranh. Xác minh tại Ngân hàng TP Bank chi nhánh Hoàn Kiếm xác định: Chiếc xe Hyundai trên được đăng ký mang tên Phúc, là tài sản bảo đảm trong hợp đồng vay kiêm thế chấp xe ôtô. Do vi phạm hợp đồng giao dịch với ngân hàng về việc Phúc không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền theo hàng tháng nên ngày 19/4/2021, ngân hàng đã ra quyết định thu hồi tài sản bảo đảm trước thời hạn là chiếc xe trên. Ngân hàng sau đó đã đề nghị Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Quá trình điều tra, Công an huyện Thanh Trì xác định: Khoảng tháng 5/2019, Phúc cùng vợ là Vũ Thị Ân (cùng trú tại Thường Tín) mua chiếc xe ôtô Hyundai Accent. Sau đó, Phúc và vợ đã liên hệ Ngân hàng TP Bank vay tiền, kiêm thế chấp xe ôtô.
Video đang HOT
Ngày 14/5/2019, Phúc cùng một nhân viên Ngân hàng TP Bank (không rõ nhân thân lai lịch) đến đăng ký xe ôtô tại Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội và được cấp BKS 30F-722.73; giấy hẹn nhận giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô thì nhân viên ngân hàng giữ. Sau đó, Phúc cùng vợ đến ngân hàng ký hợp đồng vay tiền kiêm thế chấp xe ôtô Hyundai Accent, BKS 30F-722.73. Khi giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô Ngân hàng TP Bank đã giữ, đối tượng Phúc đã sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe bản photo… để lưu thông trên đường.
Khoảng tháng 3/2020, Phúc lên mạng xã hội đặt, làm giả giấy đăng ký xe ban đầu với mục đích sử dụng để lưu thông trên đường với lý do anh ta thường xuyên bị quá hạn giấy biên nhận thế chấp tại ngân hàng nên khi điều khiển xe bị xử phạt lỗi giao thông nhiều lần. Đối tượng Phúc đã cung cấp hình ảnh hai mặt giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô Hyundai Accent, BKS 30F-722.73 bản photo mà Phúc giữ cho tài khoản Facebook cùng địa chỉ nhận giấy chứng nhận đăng ký xe giả.
Khoảng một tuần sau, Phúc nhận được giấy đăng ký xe giả giao hàng đến nhà qua nhân viên bưu điện (không rõ là nhân viên giao hàng của bưu cục nào), Phúc thanh toán cho nhân viên giao hàng 1,8 triệu đồng là tiền phí làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe và tiền phí giao hàng. Phúc đã sử dụng giấy đăng ký xe giả để lưu hành khi tham gia giao thông và xuất trình cho CSGT khi bị kiểm tra.
Thời gian sau đó, do cần tiền để kinh doanh mặt hàng khẩu trang nên Phúc đã liên hệ với Đào Thế Anh vay tiền. Từ giữa tháng 5/2020 đến tháng 10/2020, Thế Anh đã cho Phúc vay ba lần, với tổng số tiền là 300 triệu đồng. Quá trình điều tra, bị can Phúc khai nhận: Do cần tiền kinh doanh nên đã mang chiếc xe ôtô Hyundai Accent BKS 30F-722.73 với giấy chứng nhận đăng xe ôtô giả đi vay tiền.
Quá trình giao xe, Phúc không nói cho Thế Anh biết về việc chiếc xe ôtô trên đang thế chấp tại ngân hàng và giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô là giấy tờ giả. Ngoài ra, để vay được tiền mỗi lần Thế Anh đều yêu cầu Phúc phải viết giấy bán xe làm tin. Tuy nhiên, theo thỏa thuận thì Phúc vay với số tiền 100 triệu đồng thì phải trả 3 triệu đồng/tháng. Quá trình thực hiện giao dịch, Phúc đã trả tiền lãi trực tiếp và qua tài khoản cho Thế Anh.
Báo động vấn nạn bằng cấp, tài liệu giả
Tình trạng làm giả giấy tờ, con dấu của các cơ quan tổ chức đã diễn ra trong nhiều thời điểm khác nhau.
Nhiều đối tượng đã phải vào tù vì làm giấy tờ giả, nhiều cán bộ công chức bị mất việc, mất danh dự vì sử dụng giấy tờ giả.
Thủ đoạn tinh vi
Lập đường dây khép kín, điều hành đường dây một cách chuyên nghiệp, phân công công việc với thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt cơ quan pháp luật. Thế nhưng, các đối tượng không ngờ một ngày cả nhóm bị gom vào trụ sở cơ quan Công an.
Trung tá Đặng Ngọc Khánh, Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Phòng 9), Cục Cảnh sát hình sự cho biết, qua công tác nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện một nhóm đối tượng làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức bán cho người mua sử dụng trái pháp luật. Nhận định hành vi làm giả tài liệu và sử dụng tài liệu giả là nguồn tội phạm khác như lừa đảo, đi nước ngoài trái phép... Cục Cảnh sát hình sự đã giao Phòng 9 tập trung lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thu thập tài liệu, bắt giữ đối tượng.
Các đối tượng (từ trái qua phải): Nguyễn Duy Cường, Trần Mạnh Hùng, Hoàng Thị Quỳnh Anh, Nguyễn Đức Hùng.
Sau một thời gian thu thập, tài liệu chứng cứ, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các địa phương bắt giữ 9 đối tượng, gồm: Phạm Duy Phong (SN 1992), quê ở tỉnh Nghệ An- cầm đầu đường dây; Nguyễn Duy Cường, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Đức Hùng, Hoàng Thị Quỳnh Anh, Nguyễn Văn Đông về hành vi "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức"; Thạch Thị Yến, Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Trung Hiếu về hành vi "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Căn cứ tài liệu điều tra, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng trên và Viện Kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.
Kết quả điều tra ban đầu xác định: Khoảng đầu năm 2020, Phạm Duy Phong tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook, Zalo có thông tin quảng cáo làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Phong nhận thấy việc làm giả tài liệu đơn giản, có nhiều người có nhu cầu mua tài liệu giả để sử dụng nên đã tìm hiểu cách thức làm giả tài liệu bán cho người sử dụng với mục đích lấy tiền chi tiêu cá nhân. Thông qua Zalo, Phong đã kết bạn, thỏa thuận với các đối tượng trên mạng Interenet làm giả tài liệu cho Phong bán.
Tháng 6/2020, Phong tạo lập các fanpage trên Facebook đăng quảng cáo làm giả các loại tài liệu của cơ quan, tổ chức như CMND/CCCD; đăng ký xe máy, ôtô; giấy phép lái xe máy, ôtô; sổ hộ khẩu; bằng tốt nghiệp các cấp; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Sau đó, anh ta mua sim điện thoại không chính chủ đăng ký tài khoản Zalo để sử dụng trao đổi, thỏa thuận, tuyển nhân viên chia nhóm làm việc như: Nhóm nhân viên quản lý fanpage trên Facebook đăng quảng cáo làm giả các loại tài liệu của cơ quan, tổ chức để thu thập thông tin cá nhân, số điện thoại của người mua tài liệu giả; nhóm nhân viên hướng dẫn, đào tạo nhân viên quản lý số điện thoại hotline để thỏa thuận làm giả tài liệu cho người mua tài liệu giả; nhóm nhân viên xác nhận thông tin, tổng hợp tài liệu giả chuyển cho đối tượng sử dụng Zalo để sản xuất; nhóm nhân viên lên mã đơn hàng, phân loại, đóng gói, ghi mã đơn hàng đưa đến Công ty giao hàng nhanh GHN, Viettel Post để chuyển cho người mua.
Tại cơ quan Công an, Phong khai đã làm trên 1.000 tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để bán cho nhiều người sử dụng và được hưởng lợi khoảng 500 triệu đồng.
Trung tá Đặng Ngọc Khánh cho biết, trong thời gian điều tra vụ án tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đối tượng có trình độ chuyên môn về công nghệ cao, thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook để quảng cáo, thỏa thuận làm, bán tài liệu giả cho người sử dụng, thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động, sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng không chính chủ để nhận tiền làm giả tài liệu. Đồng thời dùng sim điện thoại không chính chủ thỏa thuận làm giả tài liệu nên công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Cục Cảnh sát hình sự đã cử nhiều tổ công tác phối hợp với Công an các địa phương chủ động nắm di biến động của đối tượng, bắt giữ đối tượng cầm đầu và các đối tượng tham gia làm giả tài liệu, ngăn chặn việc làm giả tài liệu cho người khác sử dụng thực hiện hành vi trái pháp luật.
Dùng giấy tờ giả để đi xuất khẩu lao động
Quá trình điều tra, cơ quan Công an tiếp tục phát hiện đường dây làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức thông qua mạng Internet có thủ đoạn tương tự do Nguyễn Văn Đông cầm đầu.
Tháng 6/2020, thông qua Zalo, Nguyễn Văn Đông kết bạn, thỏa thuận với đối tượng (chưa rõ nhân thân, lai lịch) sử dụng Zalo Ly Ngoc Long làm bằng tốt nghiệp, bảng điểm giả cho Đông bán cho người sử dụng với mục đích lấy tiền chi tiêu cá nhân. Đông trao đổi với bạn tên là Nguyễn Văn Đạt về việc Đông có thể làm bằng tốt nghiệp, bảng điểm giả của các trường đại học, cao đẳng.
Tháng 12/2020, Nguyễn Văn Đạt giới thiệu cho Đông gặp, thỏa thuận làm cho Hùng một bằng cao đẳng, bảng ghi kết quả học tập giả với giá 10 triệu đồng. Sau đó, Đông gửi thông tin của Nguyễn Văn Hùng cho đối tượng sử dụng zalo Ly Ngoc Long trực tiếp làm bằng cao đẳng, bảng ghi kết quả học tập giả. Nhân viên chuyển phát nhanh đã đưa cho Đông bằng cao đẳng, bảng ghi kết qủa học tập giả có đóng dấu tên của trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Đông đã giao cho Hùng bằng cao đẳng, bảng ghi kết quả học tập giả và được Hùng trả 10 triệu đồng. Tại cơ quan Công an, Đông khai đã trả cho đối tượng sử dụng Zalo Ly Ngọc Long 5 triệu đồng, trả cho Đạt 2 triệu đồng, Đông được hưởng lợi 3 triệu đồng.
Các đối tượng Thạch Thị Yến, Hoàng Trung Hiếu, Nguyễn Văn Hùng đã sử dụng bằng cao đẳng, bảng ghi kết quả học tập giả đưa vào hồ sơ nộp tại Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội để xin thị thực đi lao động tại Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, hồ sơ của các đối tượng đã bị phát hiện là giả. Cơ quan điều tra đã thu giữ: 338 triệu đồng; 16 điện thoại; 2 máy tính, 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 1 căn cước công dân; 1 đăng ký ôtô; 1 đăng ký xe máy; 2 bằng đại học; 2 bằng cao đẳng; 2 bảng ghi kết quả học tập và 5 chứng chỉ nghề...
Hiện nay, Cục Cảnh sát hình sự đã chuyển vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Vạch trần mánh khoé tinh vi của nữ quái sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo vay tiền Sử dụng tài liệu giả, đưa thông tin không đúng sự thật về việc đáo hạn ngân hàng, Trần Minh Huệ (SN 1991, trú tại phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng của người bị hại. Quá trình điều tra, đến ngày 27/5, Văn phòng...