Làm giả con dấu cho người xây dựng trên đất lấn chiếm
Vợ chồng Mạnh, Thuận làm giả tài liệu, con dấu, chữ ký của lãnh đạo UBND các cấp ở Hà Nội để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng muốn hoàn thiện hồ sơ xin cấp nước sạch tại khu vực đất nông nghiệp, đất lấn chiếm không được cấp phép xây dựng.
Ngày 20/1, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam vợ chồng Nguyễn Văn Mạnh và Phạm Thị Đức Thuận (ở phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Trước đó, chiều ngày 1/1/2015, cơ quan công an bắt quả tang đối tượng Phạm Thị Đức Thuận đang giao 2 bộ hồ sơ có chữ ký, con dấu giả cho khách hàng. Tại cơ quan công an, Thuận khai nhận đã làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 hộ gia đình ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm với giá 5,5 triệu đồng/bộ để 2 khách hàng này hoàn thiện hồ sơ xin Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy cấp nước sinh hoạt tại hai ngôi nhà xây trên đất nông nghiệp.
Khám xét khẩn cấp nơi cư trú của hai vợ chồng Mạnh, Thuận, cảnh sát thu giữ 1 USB chứa nhiều mẫu con dấu, chữ ký của lãnh đạo UBND các cấp thành phố Hà Nội, 4 con dấu Chủ tịch UBND các phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, 5 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả…
Video đang HOT
Bước đầu, cơ quan công an xác định, hành vi làm giả tài liệu, con dấu, chữ ký cơ quan, tổ chức của hai vợ chồng Mạnh, Thuận diễn ra gần 1 năm nay. Mỗi khi có khách yêu cầu làm giả tài liệu, con dấu, Thuận đứng ra giao dịch rồi mang về cho chồng thực hiện. Khách hàng của vợ chồng Mạnh, Thuận chủ yếu là các hộ dân muốn hoàn thiện hồ sơ xin cấp nước sạch cho những mảnh đất lấn chiếm, đất nông nghiệp chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng.
Vụ án đang được mở rộng điều tra.
Theo Dantri
Khó xác minh địa chỉ người nghiện, TPHCM "cầu cứu" Bộ Công an
Việc phối hợp xác minh tình trạng cư trú, xác định tiền án tiền sự của người nghiện ma túy có nơi cư trú ở các tỉnh, thành phố gặp khó khăn do người nghiện cố tình khai báo không đúng sự thật, nhất là người từng đi cai nhiều lần.
Công tác xử lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định gặp khó vì người nghiện khai báo không đúng sự thật (ảnh Đình Thảo)
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, số người nghiện lang thang ở nơi công cộng được kéo giảm, số vụ phạm pháp hình sự, nhất là các loại án xâm phạm sở hữu tài sản (trộm, cướp, cướp giật tài sản...) được kéo giảm; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố có chiều hướng ổn định so với trước thời điểm ra quân 5/12/2014, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, các Bộ, ngành chưa ban hành các biểu mẫu hướng dẫn cụ thể việc lập hồ sơ đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện bắt buộc nên quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, lúng túng.
Bên cạnh đó, việc phối hợp xác minh tình trạng cư trú, xác định tiền án tiền sự của người nghiện ma túy có nơi cư trú tại các tỉnh, thành phố khác còn chậm và gặp khó khăn do người nghiện ma túy cố tình khai báo không đúng sự thật (mà đa số là những người đã từng đi cai nhiều lần).
Việc xử lý người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, không có nơi cư trú ổn định không thực hiện được, do việc điều chỉnh đối tượng này theo Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 43/NĐ-CP của Chính phủ trước đây đã được Nghị định 221/NĐ-CP bãi bỏ và chưa có hướng dẫn.
Do đó, UBND TPHCM tiếp tục gửi văn bản cho Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố hỗ trợ TPHCM trong công tác xác minh tình trạng cư trú người nghiện để đảm bảo tiến độ thời gian theo quy định; phối hợp tốt với các địa bàn giáp ranh trong công tác phòng, chống tội phạm từ nay đến Tết Nguyên đán 2015.
Theo báo cáo của UBND TP, trong 6 tuần ra quân (từ 5/12/2014 đến 15/1/2015), các lực lượng chức năng phát hiện 3.283 người dương tính với chất ma túy; Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đã ban hành 1.778 quyết định đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý.
Đã hoàn tất hồ sơ và đề nghị TAND xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 710 trường hợp; có 830 hồ sơ trễ hạn chưa chuyển qua TAND, trong đó một số địa phương tồn đọng nhiều như: quận 1 chưa chuyển Tòa án trường hợp nào, quận 12 trễ hạn 143 hồ sơ, quận 8 trễ 132 hồ sơ,...
TAND các quận, huyện đã họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 433 trường hợp; đã chuyển 190 người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Quốc Anh
Theo Dantri
Chủ đất chết 4 năm, người mua vẫn được công chứng: "Không khởi tố sẽ tạo tiền lệ xấu" Liên quan đến vụ điều chỉnh sổ đỏ bằng hợp đồng công chứng khi chủ nhà đã chết 4 năm và bán đất công nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Thiên Sơn, Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng việc không khởi tố vụ án có thể tạo ra tiền lệ xấu. Giấy chứng tử xác nhận ông Minh qua đời...