Làm gì khi nuốt phải tăm: Đừng chủ quan, phải đến phòng cấp cứu ngay dù không có triệu chứng
Nhìn chung, các tai nạn nuốt phải tăm có tỷ lệ tử vong khoảng 18%. Nhưng nếu tăm xuyên qua đường tiêu hóa gây sốc hoặc tạo ra lỗ rò, bệnh nhân có từ 70 đến 80% nguy cơ tử vong.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận và xử trí thành công một trường hợp hy hữu, trong đó, bệnh nhân nam 49 tuổi nhà ở Quốc Oai, Hà Nội nuốt phải tăm và chủ quan không đi khám suốt 2 tuần. Hậu quả là chiếc tăm đã di chuyển xuống đường tiêu hóa và đâm thủng ruột non của người đàn ông.
Chiếc tăm xuyên qua ruột non găm vào thành bụng âm thầm hình thành một ổ áp xe. Bệnh nhân chỉ đến phòng cấp cứu khi cảm thấy đau bụng và hố chậu sau đó 2 tuần. May mắn là các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật thành công để lấy chiếc tăm ra ngoài. Sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Nuốt phải tăm là một trường hợp đòi hỏi phải được cấp cứu y tế ngay lập tức, các bác sĩ cho biết. Khi không có dấu hiệu đau đớn, người nuốt tăm có thể chủ quan. Nhưng một cái tăm trong bụng là một quả bom hẹn giờ có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.
1. Nguy cơ nuốt phải tăm
Nuốt phải tăm chiếm 9% trong số tất cả các dị vật đường tiêu hóa, biến nó trở thành một tai nạn không hề hiếm gặp. Mọi người thường nuốt phải tăm khi họ có thói quen ngậm tăm hoặc nhá tăm trong miệng. Một số người thậm chí còn ngậm tăm đi ngủ và không may nuốt phải nó.
Khoảng 2/3 số tai nạn do nuốt phải tăm trong khi họ đang ăn, đặc biệt là với các loại đồ ăn dùng tăm xiên qua để trang trí. Một nửa trong số những tai nạn này lại xảy ra trong những bữa tiệc có đồ uống có cồn.
Một nguyên nhân khiến khi uống rượu bia có thể làm tăng nguy cơ nuốt phải tăm, đó là đồ uống có cồn làm suy yếu cảm giác ở vòm miệng, khiến nhiều người đôi khi quên mất họ đang ngậm một chiếc tăm. Tương tự, đeo răng giả trong khi ăn cũng có thể tăng nguy cơ nuốt phải tăm vì răng giả không có cảm giác.
Chỉ có một tỷ lệ nhỏ các tai nạn nuốt phải tăm xảy ra trong khi xỉa răng.
Video đang HOT
Điều đáng nói trong các vụ tai nạn nuốt tăm, đó là khoảng một nửa số nạn nhân không nhớ hoặc không biết sự việc đã xảy ra như thế nào. Một số người chỉ có thể nhớ được họ đã ăn thức ăn được trang trí bằng tăm nhiều ngày trước khi đến bệnh viện cấp cứu.
Một chiếc tăm ở trong đường tiêu hóa là một quả bom hẹn giờ. Các bác sĩ đồng ý rằng tai nạn nuốt tăm là một tình huống đòi hỏi bệnh nhân phải được cấp cứu ngay lập tức. Càng để chiếc tăm lâu trong bụng, bệnh nhân càng có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
2. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nuốt phải tăm?
Thống kê cho thấy khoảng 70% các dị vật đường tiêu hóa, sau khi bạn nuốt phải, sẽ đi ra ngoài một cách tự nhiên mà không gây ra tổn thương nào. Nhưng tăm không nằm trong số đó, gần như 100% những chiếc tăm sẽ không tự đi ra khỏi được đường tiêu hóa. Mặc dù có kích thước khá khiêm tốn, đặc tính sắc nhọn của tăm khiến nó có nguy cơ cao gây ra những tổn thương nghiêm trọng khi bạn nuốt phải.
Nhiều người có thể cảm thấy những triệu chứng ngay lập tức sau khi nuốt phải tăm. Nhưng trong một số trường hợp, chiếc tăm có thể ở lại trong bụng tới 6 tháng trước khi gây ra một biến chứng chết người. Cá biệt, có những trường hợp nuốt tăm được phát hiện ra sau hàng năm thậm chí 15 năm.
Mặc dù vậy, tính trung bình, các triệu chứng của tai nạn nuốt tăm thường xảy ra trong khoảng 7 ngày bao gồm: đau bụng, sốt, hạ huyết áp, chảy máu đường tiêu hóa (có máu trong phân). Đó là do tăm đã gây ra những tổn thương trong đường tiêu hóa hoặc các cơ quan lân cận.
Sau khi bạn nuốt phải một chiếc tăm, có khoảng 30% cơ hội nó sẽ đục thủng và đâm xuyên qua đường tiêu hóa của bạn. Các vị trí mà tăm hay xuyên qua nhất bao gồm đại tràng, tá tràng, đại tràng sigma (đoạn cuối của đại tràng gần hậu môn), dạ dày.
Bởi đường tiêu hóa là một môi trường giàu vi khuẩn, các vết thủng này thường gây ra ổ nhiễm trùng, áp xe. Nghiêm trọng hơn là các trường hợp tăm xuyên ra khỏi đường tiêu hóa và đâm vào các cơ quan nội tạng khác. Chúng thường xảy ra với tỷ lệ khoảng 5%.
Đã có những trường hợp tăm được tìm thấy trong gan, không gian sau phúc mạc, màng tim, bàng quang tiết niệu, tụy, niệu quản, dây chằng gan, phổi, thận, hông, vùng gần hậu môn. Một trường hợp đặc biệt nguy hiểm là khi tăm xuyên thủng động mạch hoặc tĩnh mạch, gây chảy máu dẫn đến tử vong.
Nhìn chung, các tai nạn nuốt phải tăm có tỷ lệ tử vong khoảng 18%. Nhưng nếu tăm xuyên qua đường tiêu hóa, gây sốc hoặc tạo ra lỗ rò, bệnh nhân có từ 70-80% nguy cơ tử vong.
3. Cần làm gì sau khi nuốt phải tăm?
Chắc chắn, bạn cần phải đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Thông thường, cấp cứu kịp thời sẽ giúp các bác sĩ xử lý tình huống này đơn giản và hiệu quả hơn. Nếu tăm chỉ mắc lại trong thực quản hoặc dạ dày, các bác sĩ có thể lấy nó ra bằng thiết bị nội soi mà không cần phẫu thuật. Các trường hợp này, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân là 0%.
Nếu tăm mắc sâu hơn trong ống tiêu hóa, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm khác như siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để định vị được vị trí của nó và xử lý. Trong các trường hợp này, bệnh nhân thường sẽ cần phải phẫu thuật để loại bỏ tăm và sửa chữa các tổn thương mà nó gây ra.
Đau dữ dội vùng thượng vị vì bị mảnh xương cá nhọn cắm vào tá tràng
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa gắp nội soi thành công mảnh xương cá nhọn, dài khoảng 6cm ra khỏi tá tràng người bệnh.
Bệnh nhân là bà Trần Thị Q. trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ. Bà được người nhà đưa vào viện trong tình trạng đau tức dữ dội vùng thượng vị.
Sau khi được bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm, cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán bị dị vật tiêu hóa do xương cá cắm vào D2 tá tràng.
Các bác sĩ tiến hành can thiệp nội soi gắp dị vật.
Ngay lập tức các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp hội chẩn với khoa Gây mê hồi sức và Thăm dò chức năng thống nhất tiến hành gây mê cho người bệnh để nội soi can thiệp gắp dị vật.
Các bác sĩ đã gắp ra khỏi tá tràng người bệnh mảnh xương cá dài khoảng 0,3 x 6 cm an toàn. Bệnh nhân được chuyển xuống khoa Ngoại tổng hợp tiếp tục điều trị và theo dõi sức khỏe.
Bác sĩ CKII Nguyễn Quang Hòa, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp cho biết, tình trạng sức khỏe người bệnh đã tạm ổn định, hết đau bụng, bụng mềm và sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.
Theo thạc sĩ-bác sĩ Trần Đức Anh, người trực tiếp thực hiện ca nội soi dị vật xương cá D2 tá tràng là ca bệnh hiếm gặp,khó phát hiện. Tuy nhiên nó lại rất nguy hiểm vì gây các biến chứng thủng đường tiêu hóa, đâm xuyên vào các tạng lân cận như đầu tụy, tĩnh mạch chủ hay gây áp xe, viêm phúc mạc. Nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nặng nề, thậm chí gây tử vong.
Mảnh xương cá dài 6cm được lấy ra khỏi tá tràng người bệnh.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng trong quá trình ăn uống để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Khi bị mắc xương cá, xương gà, xương động vật... cần tránh cố nuốt vì sẽ đẩy dị vật xuống sâu hơn, làm rách và tổn thương cơ thể thêm. Việc cần làm là nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Hiện nay, lấy dị vật tiêu hóa bằng phương pháp nội soi can thiệp phối hợp gây mê là phương pháp hiện đại tiên tiến nhất giúp người có thể bệnh tránh được cuộc phẫu thuật hay điều trị nội khoa dai dẳng, giảm đau đớn và thời gian, chi phí nằm viện.
Viêm ruột thừa - không nên chủ quan Viêm ruột thừa có thể gặp với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào mà không báo trước. Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngược lại, bệnh có thể dẫn đến những mối nguy hiểm nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Ảnh minh họa Ruột thừa là một phần thuộc...