Làm gì khi kiến nghị của Mặt trận tổ quốc bị cấp dưới… làm ngơ?
Ngày12/11, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Vai trò phản biện xã hội, phạm vi phản biện của Mặt trận là vấn đề nhận nhiều quan tâm, tranh luận hơn cả.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt câu hỏi, Mặt trận có quyền kiến nghị nhưng trường hợp kiến nghị bị làm ngơ không tiếp thu thì sao, nhất là việc nước sôi lửa bỏng? Trong những trường hợp như thế, ông Nghĩa đề nghị, Mặt trận phải có quyền gửi kiến nghị lên cấp trên của cơ quan không thực hiện để xử lý, giải quyết.
Thậm chí, ông Nghĩa còn cho rằng, với Mặt trận, việc không được phản biện chính sách có hiệu lực là ngược với thực tiễn, vì cuộc sống luôn thay đổi, nên chính sách cũng có thể sẽ trở nên lỗi thời.
“Thực tiễn là thước đo của chân lý, chính sách đưa ra đời phát sinh những vấn đề lúc đó chúng ta cần phải tiếp tục phản biện”- ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng góp ý, quy định các cấp MTTQ chỉ được phản biện các cơ quan nhà nước cùng cấp là “hành chính hóa” công việc của Mặt trận.
“Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân” cũng là chưa đủ mà phải là “khuyến khích sáng tạo, động viên trí tuệ, phát huy sáng kiến của các tầng lớp nhân dân”, sau đó mới tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị, theo ông Nghĩa. Như thế mới thể hiện vai trò chủ động của MTTQ.
Ông cũng muốn bổ sung vào các nguyên tắc hoạt động của MTTQ việc “tôn trọng sự khác biệt về quan điểm, không quy chụp tư tưởng, không kỳ thị hay phân biệt đối xử đối với những người tham gia giám sát, phản biện xã hội”, vì nếu tham gia Mặt trận để chống tiêu cực, tham nhũng mà bị trù dập, trả thù thì người dân sẽ nói bên ngoài, hoặc tệ hơn là không nói gì cả.
Một nguyên tắc nữa ông Nghĩa nhấn mạnh là “không lợi dụng giám sát, phản biện xã hội để có các hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, gây bạo loạn nhằm chống lại nhà nước, chính quyền”.
Video đang HOT
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Thanh
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (cùng đoàn TPHCM) cho rằng: “Giám sát là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cho nên không nên giới hạn; mà giám sát chính sách pháp luật, dự án đã có hiệu lực nhưng bộc lộ những thiếu sót là một phần trong đó. Như vậy sẽ giữ được niềm tin của nhân dân, giúp cho Đảng nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước”.
Ngược lại, với vấn đề MTTQ tham gia giám sát Đảng, đại biểu Ya Duck (Lâm Đồng) lại quan điểm việc này không nên quy định trong luật MTTQ mà cứ quy định trong các văn bản của Đảng như từ trước đến nay là đủ.
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam), nhấn mạnh, giám sát phản biện xã hội cuả Mặt trận là giám sát của nhân dân, của xã hội, nhưng sau giám sát phản biện phải có cơ chế xử lý. Nhưng, đauh biểu Lai nhấn mạnh: “Dù giám sát gì đi nữa thì cũng phải có sau giám sát, sau phản biện, phải có xử lý hiệu quả. Cơ chế nào, cách thể hiện ra làm sao và khác với giám sát của các cơ quan quyền lực ở chỗ nào? Tôi vẫn chưa tìm được sự khác nhau ấy”.
Vì lý do này, ông Lai đánh giá, ghi như trong luật, khi có yêu cầu thì mới tham gia phản biện xã hội. Rõ ràng sự giám sát, sự phản biện của Mặt trận mang tính thụ động.
Phó chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cũng muốn luật tạo thêm nhiều hình thức để người dân, thông qua MTTQ, tham gia phản biện thuận lợi hơn, như tham vấn, diễn đàn, hộp thư, kể cả Internet…
Chỉ ra tình trạng cán bộ địa phương sách nhiễu dân, ông Hùng lập luận, Mặt trận cần có kiến nghị với cơ quan chức năng khi qua giám sát thấy cán bộ công chức sách nhiễu dân.
Ông Hùng góp ý thêm vào một điểm mới của dự thảo luật là MTTQ có quyền đề nghị bãi nhiệm ĐBQH, đại biểu HĐND, kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Theo ông nên mở rộng phạm vi ra với tất cả các cơ quan nhà nước, chính quyền vì “kể cả một cán bộ địa chính cấp huyện cũng có thể nhũng nhiễu, làm khó nhân dân”. Ông Hùng đề nghị MTTQ có thêm thẩm quyền kiến nghị với cơ quan quản lý và cơ quan có thẩm quyền về tổ chức nhân sự bộ máy của các cơ quan nhà nước.
P.Thảo
Theo Dantri
Kiến nghị dừng xây Trung tâm thông tin Hồ Gươm
Cho rằng việc xây dựng công trình sẽ phá vỡ cảnh quan hồ Hoàn Kiếm và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cử tri Phạm Văn Đức đã kiến nghị không xây dựng công trình Trung tâm thông tin Hồ Gươm tại số 2 Lê Thái Tổ.
Sáng 11/11, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội, ông Phạm Văn Đức (Tổ trưởng Tổ 1, phường Đồng Xuân) đã đưa ra đề nghị trên.
Theo cử tri Đức, hồ Hoàn Kiếm vừa là huyền thoại tâm linh, vừa đi vào ký ức người Hà Nội, cần đặc biệt phải giữ gìn. "Xây dựng công trình trung tâm văn hóa tại số 2 Lê Thái Tổ là không nên, vì vừa làm mất cảnh quan vừa ảnh hưởng đến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tôi kiến nghị không xây dựng, trả lại không gian thông thoáng cho khu vực này", ông Phạm Văn Đức đề nghị.
Mảnh đất dự kiến xây dựng Trung tâm thông tin vẫn đang được rào kín. Ảnh: Giang Huy.
Trả lời kiến nghị của cử tri Đức, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Dương Đức Tuấn cho hay, chức năng của công trình tại số 2 phố Lê Thái Tổ là Trung tâm thông tin Hồ Gươm và đến thời điểm này dự án đã hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cho biết, việc xây dựng công trình tại đây đã được nghiên cứu từ trước. Quận Hoàn Kiếm đã dự kiến xây dựng công trình trước dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, do có một số ý kiến chưa đồng thuận nên UBND thành phố đã giao quận xem xét kỹ dự án này.
Theo người đứng đầu UBND quận Hoàn Kiếm, khu đất số 2 Lê Thái Tổ là khu đất nhỏ lẻ rộng 242 m2. Về hiện trạng sử dụng, đây là tài sản nhà, đất, có nhà cấp 4 và kiốt. Do trước đó khu đất được khai thác không hiệu quả nên thành phố giao quận Hoàn Kiếm là chủ đầu tư xác lập một công trình xây dựng phù hợp.
"Công trình đã được cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng, các đơn vị chuyên môn thẩm định và thông qua. Các quy trình, quy định pháp lý quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành. Do đó mong cử tri ủng hộ triển khai dự án", ông Tuấn nói.
Chủ tịch Hoàn Kiếm cho biết thêm, quận đang phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố nghiên cứu khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Dự kiến quy hoạch này sẽ mở ra không gian cây xanh, không gian mở rất lớn.
Lãnh đạo Hoàn Kiếm nêu ví dụ, khu vực của Tổng công ty Điện lực Hà Nội theo quy hoạch dự kiến dành 40% cho không gian cây xanh, mở không gian hồ Hoàn Kiếm ra đường Nguyễn Hữu Huân. Hay khu vực báo Nhân dân có cây đa cổ thụ, gần đền vua Lê... cũng được nghiên cứu để mở rộng không gian cảnh quan kiến trúc cho khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, Hà Nội là bộ mặt của cả nước, Hồ Gươm lại là bộ mặt của Hà Nội. Nên việc xây dựng các công trình ở đây không chỉ cần sự thận trọng mà còn phải tạo được sự đồng thuận.
Chủ tịch Hà Nội đề nghị quận Hoàn Kiếm phải phân tích rõ, lựa chọn thật trí tuệ, đồng thời công khai quy hoạch để nhân dân biết. "Khi đã có sự đồng thuận thì quyết định làm, vì lợi ích chung, không vì ý kiến 1-2 người mà dừng lại", ông Thảo nói.
Võ Hải
Theo VNE
Mặt trận Tổ quốc có thể đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc (sửa đổi) kiến nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam có quyền đề nghị bãi nhiệm đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc không còn được cử tri, nhân dân tín nhiệm. Sáng 22/10, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký...