Làm gì để không “mất chân” do biến chứng đái tháo đường?
Những mất mát về mặt tinh thần của bệnh nhân loét bàn chân nặng do đái tháo đường thường để lại gánh nặng không nhỏ cho gia đình người bệnh và toàn xã hội. Làm gì để giảm gánh nặng vật chất và “giải phóng” về mặt tinh thần đối với những bệnh nhân này?
Vết thương nhỏ – Gánh nặng lớn
Bà Trần Thị Ý ân hận mãi vì chủ quan với vết thương ở chân do quệt phải vỏ chai vỡ. Ban đầu, vết thương đau buốt, nhức nhối rồi mất cảm giác, thâm đen do máu không thể xuống nuôi ngón chân. “Lúc ấy, tôi chủ quan nên chỉ chăm sóc vết thương tại nhà bằng nước muối, thuốc kháng sinh và chỉ nghĩ do thịt mình không liền thôi”, bà Ý tiếc nuối kể lại.
Tương tự là trường hợp của bà Đỗ Thị Thắng, Nam Định và nguyên nhân lại là do một lần cắt móng chân sâu quá mức. “Đang là người lành lặn nay bỗng bị đoạn chi, phải có người trông nom hàng ngày, tinh thần xuống dốc vì trở thành gánh nặng cho gia đình. Đến giờ kinh phí nằm viện và các chi phí điều trị khác cũng chẳng thể tính nổi là bao nhiêu nữa”, bà Thắng ngậm ngùi.
Yếu tố tăng trưởng biểu bì – Một giải pháp mới?
Khi đã chăm sóc cẩn thận vết thương ở chân với dung dịch povidine hoặc betadine mà vết loét không lành, có xu hướng tiến triển ngày càng nặng thì cần phải tới bác sĩ.
Trước đây, việc điều trị của các thầy thuốc chủ yếu là ngăn chặn không cho quá trình hoại tử lan rộng lên phía trên cẳng chân. Do đó, thường là sử dụng các kháng sinh rất mạnh, đắt tiền. Khi các loại thuốc này không hiệu quả, một giải pháp tiếp theo là cắt lọc và điều trị mới.
Ngoài ra, một trong những giải pháp mới nhất hiện nay đang được ứng dụng là yếu tố tăng trưởng biểu bì dạng tiêm trong và ngoại biên vết thương cho những bệnh nhân bị loét chân nặng.
Video đang HOT
Trong đó, “yếu tố tăng trưởng biểu bì” là một proteine tái tổ hợp được đông khô và giữ lạnh, giúp thúc đẩy nhanh mô hạt, tăng tái tưới máu tại chỗ, do đó, thúc đẩy liền vết thương nhanh chóng đối với các vết loét phức tạp, khó liền, góp phần bảo tồn chi và giảm đoạn chi ở người bệnh. Yếu tố biểu bì tái tổ hợp người được chỉ định cho các vết loét sâu, phức tạp và khó liền phân độ 3, 4,5 theo Wagner.
Các kết quả nghiên cứu lâm sàng quốc tế cho thấy tỉ lệ thành công của giải pháp này là 98% trong 8 tuần điều trị. Theo GS William Marston (Đại học y Khoa Bắc Calolina, Mỹ): “Với yếu tố phát triển biểu bì tái tổ hợp người, các bác sĩ đã có một giải pháp mới cho các bệnh nhân loét chân đái tháo đường có tắc mạch mà không phẫu thuật hoặc can thiệp mạch máu được”.
Tại Việt Nam, yếu tố phát triển biểu bì tái tổ hợp người cũng được chứng minh có hiệu quả tốt và an toàn qua những đợt thử nghiệm lâm sàng của BYT trên 33 bệnh nhân tại bệnh viện Nội Tiết Trung Ương Hà Nội và Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Bệnh nhân trẻ nhất trong đợt này là 24 tuổi và lớn nhất là 76 tuổi đều đáp ứng tốt và có> 75% mô hạt được hình thành tại vết loét trong trung bình 24,7 ngày.
“Yếu tố tăng trưởng biểu bì dạng tiêm trong và ngoại biên vết loét chính là một giải pháp điều trị liền vết thương hiệu quả cho loét chân nặng do ĐTĐ”, GS. Arístides García Herrera, chuyên gia Bàn chân ĐTĐ và can thiệp mạch máu, đến từ đại học Matanzas – Cu Ba chia sẻ trong Hội thảo khoa học chuyên đề Giải Pháp Mới bảo tồn chi cho bệnh nhân ĐTĐ diễn ra tại Huế mới đây.
Theo dân trí
Loét bàn chân - biến chứng khó tránh ở người bệnh đái tháo đường.
Đái tháo đường với biến chứng mãn tính thường gặp là loét bàn chân nặng vốn rất phức tạp và khó liền có thể dẫn đến nguy cơ đoạn chi, thậm chí tử vong do nhiễm trùng.
Không chỉ để lại hậu quả nặng nề về mặt tâm lý, người bệnh sau khi đoạn chi còn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tính đến năm 2009, Việt Nam có gần 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, tỷ lệ tăng 8-20% mỗi năm. Với số liệu này, Việt Nam được liệt kê vào danh sách một trong những nước có tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường tăng nhanh. Trên thực tế, số người chết do bệnh đái tháo đường tương đương với số người tử vong do căn bệnh thế kỷ AIDS và không thua kém so với tỷ lệ người chết do ung thư.
Loét bàn chân đái tháo đường - biến chứng nguy hiểm gây tử vong nhiều hơn một số bệnh ung thư
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp trong thời đại ngày nay với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt. Theo tổ chức y tế thế giới, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Tp. HCM. Tỷ lệ bệnh nhân bị đái tháo đường tại khu vực thành phố là 4,4% (2006, chiếm 2,7% trên cả nước).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong và tàn phế đối với bệnh nhân đái tháo đường. Trong đó, loét bàn chân là một biến chứng mãn tính thường thấy, nguy hiểm vì dẫn đến đoạn chi và tử vong khi bệnh ở giai đoạn nặng độ 3 và 4 theo phân loại của Wagner. Với những bệnh nhân đái tháo đường nặng, việc bàn chân bị loét sẽ khó có cơ hội hồi phục do các bệnh lý thần kinh ngoại biên. Có đến 15-35% người bệnh đái tháo đường có tiềm ẩn việc loét bàn chân ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời. Trong đó, có khoảng 10-30% bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường sẽ bị đoạn chi.
Tuy vậy, việc đoạn chi của bệnh nhân đái tháo đường cũng không giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến bàn chân. Tỷ lệ tái đoạn chi trên và phía đối diện là một trong những vấn đề khó tránh khỏi ở người bệnh đái tháo đường. Tuy vậy, tỷ lệ 50 đến 60% bệnh nhân đã đoạn chi tử vong sau 5 năm. Ước tính tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 57.000 - 125.000 bệnh nhân bị đoạn chi, 5 - 17% bệnh nhân này tử vong ngay khi phẫu thuật và 2% - 23% tử vong trong vòng 30 ngày sau khi đoạn chi. Trong số bệnh nhân sống sót sau đoạn chi, việc tái đoạn chi cùng bên chiếm từ 8 - 22% và 26 - 44% bị đoạn chi đối bên trong vòng 4 năm. Tỉ lệ bệnh nhân tử vong sau 5 năm> 50%, cao hơn tỉ lệ này ở một số bệnh ung thư.
Theo TS. BS Nguyễn Văn Tiến - giám đốc Bệnh viện Nội Tiết TW "Hiện nay, có rất ít phương pháp điều trị thành công loét bàn chân đái tháo đường nặng, đặc biệt là những trường hợp có tắc mạch. Chi phí điều trị cho các phương pháp này rất cao, chủ yếu là can thiệp ngoại khoa và mạch máu. Tuy nhiên, các phương pháp này thành công không cao, đa số trường hợp cuối cùng cũng dẫn đến đoạn chi. Giải pháp đoạn chi cũng không giải quyết triệt để vấn đề bàn chân đái tháo đường, do có tỉ lệ tái đoạn chi và nguy cơ tử vong sau đoạn chi cao"
Những nhu cầu y khoa chưa được đáp ứng trong điều trị loét bàn chân đái tháo đường khó liền
Có 5 phân độ loét bàn chân do đái tháo đường theo phân loại của Wagner. Người bệnh ở phân độ 1 sẽ thấy xuất hiện loét nông bề mặt, một phần hoặc toàn bộ chiều dày da. Ở phân độ 2, người đái tháo đường sẽ bị loét lan rộng tới dây chằng, gân, bao khớp hoặc cân sâu nhưng chưa có apxe hoặc viêm xương. Loét sâu với tổn thương apxe, viêm xương hoặc viêm khớp nhiễm khuẩn được coi là phân độ 3. Phân độ 4, bệnh nhân đái tháo đường sẽ bị hoại tử khu trú vùng trước bàn chân hoặc gót và phân độ 5 là hoại tử lan rộng toàn bộ bàn chân. Trong đó, loét bàn chân đái tháo đường sâu, phức tạp và khó lành nằm ở phân độ 3 và 4 Wagner với vết loét lớn hơn 1 cm2 và có nguy cơ dẫn đến đoạn chi ở phân độ 5 rất cao.
Mục tiêu điều trị là đẩy nhanh quá trình liền thương và bảo tồn tối đa chức năng của bàn chân, nhằm giảm nguy cơ đoạn chi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội, giảm chi phí điều trị và thời gian nằm viện. Đối với loét bàn chân có tắc mạch, cần có các kỹ thuật can thiệp mạch máu để dẫn máu nuôi bàn chân. Tuy nhiên, cho đến nay, các kỹ thuật can thiệp mạch máu cho bàn chân đái tháo đường có tỉ lệ thành công thấp mà chi phí điều trị cao. Có rất ít phương pháp điều trị hiện nay làm liền thương nhanh chóng cho bàn chân đái tháo đường bị loét phức tạp và tiên lượng xấu.
Việc điều trị bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường cần thời gian nằm viện kéo dài, thường trên 4 tuần với chi phí cao. Theo số liệu nghiên cứu của bệnh viện nội tiết Trung Ương từ 5/2006 đến 12/2006, số ngày điều trị nội trú trung bình của các bệnh nhân đái tháo đường có loét chân dài, trung bình là 27,9 ngày, có trường hợp phải điều trị kéo dài 77 ngày.
Biến chứng loét bàn chân ở người đái tháo đường là một thách thức cả về mặt xã hội - kinh tế và y tế do thời gian nằm viện kéo dài, thường tái phát, việc điều trị đòi hỏi có một đội ngũ bác sĩ phối hợp nhiều chuyên khoa và trên hết là chi phí điều trị rất cao. Loét bàn chân làm mất đi sức lao động, gây ra tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người bệnh.
Bệnh nhân đái tháo đường bị loét bàn chân đang trông chờ một phương pháp điều trị hiệu quả, ít nguy cơ, để không phải bị đoạn chi sẽ tàn phế suốt đời. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tìm ra một phương thức có thể cứu lấy bàn chân của người đái tháo đường cũng như kéo dài tuổi thọ của họ.
Hiện nay, bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường đang hy vọng vào những phương pháp điều trị đột phá mới trong y học để cứu lấy bàn chân cũng như tính mạng. Để được tư vấn chăm sóc và điều trị kịp thời biến chứng loét bàn chân đái tháo đường, và giữ được chân, người bệnh có thể gọi đến:
Tại T.p HCM: (08)39254991 hoặc (08)39254992. Tại HN: (04)35690411
Một số Bệnh Viện có đơn vị chuyên sâu bàn chân như: Tại Tp. HCM: BV Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5. Bệnh viện nhân dân 115: 88 Thành Thái, P.12 Q.10. Quận 10. Tại Hà Nội: Bệnh viên Nội Tiết Trung Ương: 80 Thái Thịnh II, Thịnh Quang - Đống Đa. Bệnh viện Bạch Mai: 78 Giải Phóng Hai Bà Trưng Hà Nội. Bệnh viện Bán Công Hòe Nhai, 17 Hòe Nhai, Hà Nội
Theo SK&ĐS
Bố mẹ hút thuốc, con tăng nguy cơ tim mạch Một nghiên cứu được công bố mới đây cho thấy, khi tiếp xúc với khói thuốc là từ bố mẹ, các trẻ nhỏ sẽ tăng nguy cơ mắc các vấn đề nguy hiểm về tim mạch. Viện Nghiên cứu Menzies ở Tasmania đã thu thập dữ liệu từ một nghiên cứu của Phần Lan và Úc sau 20 năm kiểm tra và theo...