Làm gì để dẹp xe dù, bến cóc trong nội đô TP.HCM?
Vấn nạn xe dù, bến cóc lộng hành ở TP.HCM tồn tại nhiều năm qua góp phần gây ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Xe khách đón trả khách trên quốc lộ 1 ( quận Bình Tân, TP.HCM) sai quy định – Ảnh: TỰ TRUNG
Thế nhưng quá trình xử lý gặp khó khăn bởi các nhà xe, bến xe trái phép vẫn hoạt động ngày càng tinh vi, tìm đủ cách qua mặt lực lượng chức năng.
Ngày 31-8, báo Tuổi Trẻ đã có buổi tọa đàm “Làm gì để dẹp xe dù, bến cóc” cùng các sở ngành, chuyên gia để bàn bạc các giải pháp xử lý triệt để tình trạng này.
Trong khi nhà xe hoạt động trong bến phải đóng các khoản thuế, phí và tuân thủ quy định thì xe dù lại tung hoành khắp TP để rước khách.
Ông Võ Khánh Hưng (phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM)
Cần làm tới nơi, tới chốn
Tại buổi tọa đàm, ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, khẳng định xe dù, bến cóc tồn tại nhiều ngay trong nội ô TP.
Cách đây bốn năm, sở đã kiểm tra và thống kê có hơn 100 điểm xe dù, bến cóc, trong đó có các điểm đón trả khách không đúng quy định do các nhà xe tự ý tổ chức. Ngoài ra, một số nhà xe tuy được cấp phép làm điểm trung chuyển nhưng cố ý đón trả khách sai quy định.
Việc này không những làm ùn tắc, dễ gây tai nạn giao thông mà còn tạo ra hình ảnh bát nháo, mất vẻ đẹp, văn minh đô thị. Hành khách chọn đi từ các bến cóc này có vẻ thuận tiện nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đặc biệt, các dịp lễ có thể xảy ra việc bỏ khách dọc đường, chở quá số người, không có bảo hiểm… nếu xảy ra sự cố.
Video đang HOT
Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua các ngành các cấp đã tăng cường nhiều giải pháp xử lý. Sở GTVT đã có nhiều văn bản đề nghị UBND quận, huyện kiểm tra bãi xe, vi phạm mục đích trong giấy phép kinh doanh thì có thể xử lý.
Những tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng này được lắp camera, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tuần tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Chỉ trong tám tháng đầu năm đã phát hiện và lập biên bản đến 1.113 trường hợp.
Chính các số liệu về vi phạm cho thấy tình trạng xe dù, bến cóc hiện rất phức tạp. Lực lượng chức năng của TP cứ xử lý xong lại tái diễn chuyện vi phạm như cũ, các nhà xe dường như đang thách thức pháp luật, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng.
Từ đó, ông Hưng cho rằng các đơn vị phải quyết liệt hơn, dùng nhiều phương pháp để dẹp được xe dù, bến cóc.
Sở GTVT cùng nhiều đơn vị nghiên cứu lập các bến xe trung chuyển, ưu tiên hành khách công cộng đi đầu kết nối metro và vận tải công cộng liên tỉnh. Không chỉ vậy, thanh tra giao thông đã ứng dụng hệ thống camera vào ghi hình, xử lý xe dù.
“Để giải quyết căn cơ hơn, sở đề xuất phương án cấm xe khách giường nằm vào nội ô. Vành đai thiết lập theo dự kiến trùng với vành đai cấm xe tải qua TP như đường Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội. Trước mắt chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất hạn chế xe khách giường nằm trên 30 chỗ, ngoại trừ các xe đặc thù như xe ngành y tế, du lịch”, ông Hưng trình bày giải pháp.
Trao đổi về vấn đề này, kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, dẫn chứng hiện hàng loạt nhà xe dừng đỗ đón khách dọc các tuyến đường quận 1, quận 5 đã biến trung tâm TP trở nên nhếch nhác.
Ông Trường đề xuất TP nghiên cứu triển khai sớm thí điểm cấm xe khách giường nằm trên 30 chỗ ra vào quận 1, quận 5. Theo ông, cần giải quyết triệt để ở hai khu vực này trước bởi đây là bộ mặt của TP, đó cũng là tiền đề chuẩn bị kết nối vào tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).Sau đó đánh giá hiệu quả rồi mở rộng trên toàn TP.
Còn triển khai ngay toàn TP e rằng rất khó thực hiện thành công. “Tôi cũng lưu ý rằng muốn dẹp thì phải làm tới cùng, đừng làm giữa chừng rồi bỏ, xử lý kiểu nửa vời. Cấm thì phải đi đôi với phương án thay thế phục vụ người dân đi lại”, ông Trường đặt vấn đề.
Báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình tọa đàm Làm gì để dẹp xe dù, bến cóc với sự tham gia các đơn vị, các chuyên gia ngành GTVT – Ảnh: CHÂU TUẤN
Các giải pháp đồng bộ
Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, góp ý thêm rằng muốn dẹp xe dù, bến cóc đòi hỏi phải có những chính sách cấm, quản lý phù hợp, hài hòa, đồng thời kết hợp các phương pháp xử lý mạnh, bởi mức phạt hiện hành chưa đủ tính răn đe nên nhà xe sẵn sàng vi phạm.
“Nếu chúng ta khảo sát, phân tích ra con số thì sẽ có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn”, ông Tuấn nêu cách làm.
Ông Tuấn cũng đề xuất TP cần xây dựng bến xe trung chuyển ở ngoại ô, đồng thời phát triển hệ thống xe buýt chất lượng. Các nước Thái Lan, Nhật Bản… đã giải quyết vấn nạn trên rất tốt bằng giải pháp làm bến xe trung chuyển ở ngoại ô.
Họ bố trí các bến này ở cửa ngõ TP, người dân có thể đi xe buýt, xe trung chuyển (miễn phí)… đến bến xe. Chi phí được trả một lần vào vé đi liên tỉnh.
Chẳng hạn, TP.HCM có thể kết hợp các dịch vụ trung chuyển của chính nhà xe như Phương Trang đang làm. Ưu tiên sử dụng các smart app để tra cứu thông tin thì cũng giúp hành khách tự tin hơn khi sử dụng các bến xe trung chuyển ở ngoại ô.
Các đơn vị chức năng giám sát hoạt động xe khách, xe vi phạm bằng hệ thống camera an ninh và các camera giám sát giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin bằng cách gắn hệ thống GPS giám sát vị trí, hoạt động của xe.
Từ đó biết các xe dừng đỗ ở đâu, dùng chính dữ liệu lớn đó có thể xử lý thông tin, cung cấp cho khách hàng để họ biết chủ động về thời gian, chọn và đón tuyến xe phù hợp.
Lực lượng liên ngành, tuần tra giám sát phải hình thành, tiếp tục duy trì và xử phạt. Sở GTVT, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, UBND các quận, huyện cùng góp sức, trách nhiệm của ai thì đơn vị đó phải đi đầu, quyết liệt.
Xe dù dừng, đỗ sai thì cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông xử lý. Bến bãi trá hình thì quận, huyện phải kiểm tra xử lý nghiêm mới mong dẹp được.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM, khẳng định đơn vị luôn phối hợp kiểm soát tình trạng xe dù, bến cóc. Rất nhiều trường hợp bị xử lý nghiêm cả tài xế, chủ xe.
Hiện đơn vị có những chuyên đề giám sát ở khu vực một số trạm xăng, bãi xe trái phép thường xuyên. Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt kiến nghị tăng mức xử phạt để đủ tính răn đe, các nhà xe, tài xế không tái phạm.
Lãnh đạo phòng này cũng đề nghị các đơn vị xem xét, sử dụng dữ liệu “hộp đen” hành trình trên xe khách hiện nay để xử phạt. Khi điểm đầu và điểm cuối trùng lặp nhiều lần mà không đúng với lộ trình đăng ký thì có thể xử phạt nguội.
Mạnh tay xử xe dù, bến cóc
Đại diện Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết thời gian qua hệ thống camera luôn được duy trì hoạt động để xử lý tại các điểm nóng về nạn xe dù, bến cóc như quốc lộ 1, quận 5, quận 11, Hàng Xanh (quận Bình Thạnh).
Trong đó, khu vực giao lộ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Sài Gòn là điểm mà đơn vị này cũng đang tập trung xử lý.
Cụ thể, từ ngày 1-8 đến nay, trên toàn TP Thanh tra sở đã phát hiện 103 trường hợp vi phạm, phạt gần 120 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 56 trường hợp. Riêng khu vực Hàng Xanh có 30 trường hợp vi phạm (23 trường hợp lấy bằng chứng từ camera giao thông).
Hà Nội: Kiểm tra, xử lý 'xe dù, bến cóc' và xe trá hình tuyến cố định
UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn gửi các Sở Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố Hà Nội, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý "xe dù, bến cóc" và xe trá hình tuyến cố định.
Xe khách trả hàng sai quy định tại tuyến đường Phạm Hùng (khu vực bến xe Mỹ Đình). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản số 7152/VP-KTN ngày 21/7/2022, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý hiện tượng "xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định", xe dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định trên địa bàn thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức rà soát trên các trang thông tin điện tử nắm bắt các trang web của các đơn vị vận tải dùng để đặt chỗ, đặt vé (booking online), phối hợp với cấp có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, xử lý theo thẩm quyền đối với các đơn vị vận tải, nhà xe đăng quảng cáo, đón khách tại các điểm trái quy định.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Ban chỉ đạo 197 các quận, huyện, thị xã rà soát các vị trí bãi đất trống, dự án chưa triển khai... xung quanh khu vực các bến xe, địa điểm công cộng là những địa điểm dễ phát sinh hiện tượng "bến cóc"; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự đô thị, đặc biệt vi phạm của các nhà xe dừng, đỗ, đón, trả khách sai qui định.
UBND thành phố giao Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân, doanh nghiệp vận tải góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Tình trạng xe dù, bến cóc đang là vấn đề nhức nhối và có chiều hướng ngày càng phức tạp hơn tại một số địa phương; trong đó có Hà Nội là một địa bàn "nóng".
Thậm chí, có nhiều xe dù, bến cóc còn sử dụng một đội ngũ "cò mồi" để né chốt xử lý. Điều này gây nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông, gây mất mỹ quan, văn minh đô thị cũng như tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định, ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà xe hoạt động nghiêm túc trong bến, do đó cần chấn chỉnh kịp thời.
Tranh cãi cấm xe khách vào nội đô TP.HCM Lộ trình hạn chế các loại xe lớn vào trung tâm TP.HCM được Sở GTVT xây dựng để giải quyết triệt để nạn xe "dù", bến "cóc", giảm ùn tắc giao thông, song vẫn nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Cấm dần từ xe giường nằm đến xe trên 30 chỗ Trong văn bản vừa gửi xin ý kiến Ủy ban MTTQ...