Làm gì có thằng khác nào nơi đây?
Lần đầu tiên tôi nghe chồng chửi thề là hôm tôi đi liên hoan với phòng về trễ. Tôi đã gọi điện bảo anh tự lo cơm nước, anh vui vẻ đồng ý và còn bảo tôi cứ chơi với mọi người.
ảnh minh họa
Hôm đó quá vui và cũng bị mọi người ép nên tôi có uống chút bia và về muộn. Tôi cứ tưởng Tuấn đã ngủ nên rón rén mở cửa vào. Không ngờ anh vẫn ngồi ở phòng khách. Thấy tôi về, anh bảo tôi dọn cơm. Nghe vậy tôi hỏi lại: “Anh chưa ăn cơm sao? Em đã dặn anh tự lo rồi mà?”.
Anh lầm bầm rồi văng tục. Tôi tỉnh hẳn. Chúng tôi đã hứa, dù có cãi nhau, thậm chí đánh nhau cũng không được nói tục, chửi thề. Đối với tôi, tiếng chửi thề là không thể chấp nhận, nhất là khi nó được thốt ra từ miệng một anh con rể. Vậy mà bây giờ chồng tôi lại dùng tiếng chửi ấy khi tôi không hề gây ra lầm lỗi gì.
Sau đêm đó, chúng tôi không nói chuyện với nhau cả tuần lễ. Tôi không chủ động làm lành vì nghĩ mình không có lỗi song tôi không nói thì Tuấn cũng im lặng. Lên bàn ăn, không ai nói với nhau lời nào. Tình cờ có đứa em họ của chồng ở quê ra chữa bệnh. Vậy là cuộc chiến của chúng tôi tạm dừng. Sau đó, tôi cũng cho qua nhưng trong lòng đã có một vết cắt khó phai.
Tôi không nhắc lại chuyện cũ cho đến ngày công ty tổ chức liên hoan cuối năm. Hôm đó tôi dặn Tuấn: “Em đã làm sẵn đồ ăn để trong tủ lạnh. Anh về hâm nóng mọi thứ rồi ăn cơm trước, đừng chờ”. Tuấn không trả lời. Nhưng tôi nhớ là tôi nói rất to, mà anh thì không hề có vấn đề về thính lực.
Vậy mà tối về, anh lại làm ầm ĩ: “Lại đàn đúm, chơi bời!”. Tôi ngạc nhiên: “Sáng em đã nói với anh rồi mà? Hôm nay công ty tổng kết, em phải dự…”. Tuấn cắt ngang: “Nếu dự tổng kết thì ai nói làm gì?”. Tất nhiên là tổng kết xong có liên hoan, tôi ở lại ăn uống với mọi người cũng là bình thường thôi mà.
“Hết hiểu nổi anh luôn!”- tôi buột miệng. Tôi không ngờ mình chỉ nói vậy mà khiến chồng nổi cơn thịnh nộ. Anh chửi thề rồi bảo: “Bây giờ thì cô hiểu thằng khác chớ hiểu chi thằng này?”. Tôi ngớ người ra. Thằng khác là thằng nào? Làm gì có thằng khác nào ở đây? “Anh nói lại coi, sao lại có thằng khác nào ở đây?”- tôi gay gắt. Tuấn lại chửi thề: “Lại còn giả vờ, cô giỏi lắm”.
Video đang HOT
Tự dưng vô cớ lại nói những điều như vậy thì làm sao mà tôi chịu được? Tôi nói như hét: “Anh đừng có nói sằng, nói bậy”. Tuấn đứng bật dậy: “Tôi nói cho biết, đừng để tôi bắt gặp tại trận. Lúc đó thì mang nhục cả đám”.
Tôi thật sự không hiểu Tuấn ám chỉ điều gì. Tôi làm việc ở công ty đã 8 năm, trước khi gặp Tuấn rất lâu. Ở đó tôi có những anh em, bạn bè tốt, làm việc ăn ý. Ngoài ra không có gì khác nữa. Vậy mà giờ chồng tôi lại nói xa gần là sao? Không chịu được, tôi nhất quyết hỏi cho ra lẽ: “Anh nói thẳng ra đi chứ đừng úp úp, mở mở như vậy khó chịu lắm”.
Cuối cùng thì tôi cũng ép được Tuấn nói ra điều anh ấm ức trong lòng. Tuấn ghen với sếp trưởng phòng của tôi chỉ vì anh ta đẹp trai, chưa vợ, ngồi cạnh tôi trong phòng và hay mua nước uống cho tôi! Tất cả những việc ấy Tuấn biết được trong một lần tình cờ ghé công ty đón tôi.
Lúc ngồi chờ ở cổng, anh nhân viên bảo vệ nhiều chuyện đã kể lể chuyện của công ty, trong đó có việc “chị Ánh ở công ty ai cũng quý, nhất là anh Khương trưởng phòng của chị…”. Những câu chuyện sau đó của anh nhân viên bảo vệ vô tình nhen nhóm lên trong lòng Tuấn sự nghi ngờ. Chưa hết, sau đó anh lại thấy tôi đi ra cùng lúc với trưởng phòng. Tôi đâu biết Tuấn đã ngấm ngầm ghen tuông từ đó.
“Nếu chọn anh Khương thì em đã chọn từ lâu chứ đâu đến lượt anh? Đừng có nghĩ bậy bạ nữa, tụi em chỉ là bạn bè của nhau, là sếp với nhân viên thôi”- tôi cố dịu giọng. Tôi không biết Tuấn có tin hay không nhưng sau đó không nghe nói gì nữa. Tuy vậy, tôi cũng hết sức thận trọng trong cư xử với Khương vì không muốn gây ra hiểu lầm.
Ấy vậy mà sau đó ít lâu, Tuấn đùng đùng bảo tôi nghỉ việc. “Em ở lại đó thì thế nào cũng có chuyện. Người ta đồn ầm lên rồi…”. Tôi chẳng nghe ai đồn vì tôi có gì đâu mà đồn? Tất nhiên là tôi không thể chìu theo ý nghĩ kỳ quặc của chồng. Tôi nói thẳng: “Em không nghỉ việc. Chẳng có lý do gì để em làm như vậy cả”.
Tuấn lại chửi thề rồi quát lên: “Vợ con gì lỳ lợm quá, nói không biết nghe. Nếu em không bỏ việc thì tôi bỏ em”. Trời, lại còn dọa tôi nữa sao? Không phải anh mà là chính tôi cũng đang nhìn nhận lại lựa chọn của mình. Tôi cố giữ bình tĩnh: “Em không hiểu nổi anh. Hồi trước anh đâu có vậy? Nhớ khi quen em, anh đi chơi, ăn uống với cả phòng rất vui vẻ, thoải mái chứ có gì đâu? Sao bây giờ anh kỳ vậy?”. Tuấn nói với tôi hồi đó khác, bây giờ khác…
Cuối cùng thì tôi cũng biết cái khác thật sự của bây giờ là gì! Tôi làm lương cao và không đưa cho chồng giữ thẻ tín dụng. Từ đó chồng tôi suy ra tôi có điều riêng tư, giấu giếm, không trung thực, có ý đồ xấu! Điều khiến tôi thất vọng nhất là anh mang điều đó nói với người khác để vẽ lên hình ảnh một người vợ phách lối, gian dối, đầy âm mưu, thủ đoạn và coi thường chồng!
Trước khi cưới, chúng tôi đã chẳng thỏa thuận với nhau hay sao? Anh trả tiền nhà, những thứ còn lại, tôi lo hết. Tuy tôi không ghi chép, đưa hóa đơn cho anh nhưng các khoản tôi chi bao giờ cũng gấp đôi phần anh phải tốn. Thế nhưng anh cứ nghĩ, chỉ có mình anh tốn tiền! Vì thế anh bắt đầu so đo, tị nạnh, bực tức.
“Anh coi đi”. Tôi thống kê các khoản chi trong một tháng để trước mặt Tuấn. Hơi bất ngờ nhưng sau đó anh cũng chăm chú đọc, vừa đọc, anh vừa lấy bút đỏ gạch bỏ một số dòng. Sau đó anh chẳng nói gì.
Cách ít hôm, mẹ chồng tôi ở quê lên. Trong lúc vui chuyện, mẹ tôi nói: “Nghe thằng Tuấn nói con làm lương cao lắm phải không? Nếu có dư, đưa mẹ mượn để xây nhà cho vợ chồng thằng út”. Tôi nghe mà đứng hình. Tổng cộng các khoản, mỗi tháng thu nhập của tôi chừng 20 triệu. Tôi cũng phải dành dụm để mua nhà, rồi còn sinh con đẻ cái… Tôi vẫn đang ở nhà thuê mà?
Thế nhưng mẹ chồng tôi đã nói vậy, tôi không biết phải xử lý thế nào nên tìm kế hoãn binh: “Dạ, con cũng có dư chút ít nhưng hiện tại, con đã gởi tiết kiệm có kỳ hạn, đến năm sau mới đáo hạn. Bây giờ rút ra thì lãi ít lắm”. Mẹ chồng tôi vẫn chưa chịu: “Còn hơn là thằng út phải đi vay nóng của người ta với tiền lời cắt cổ”.
Thật lòng tôi không muốn đưa tiền cho họ. Tôi phải thủ thân tôi. Cưới nhau mới hơn 1 năm mà tôi đã bắt đầu thấy chán cuộc hôn nhân của mình và mất dần niềm tin. Vậy thì có lý do nào để tôi móc hết ruột gan của mình cho nhà chồng?
Nhưng nếu tôi không đưa tiền ra thì chắc chắn những ngày sắp tới của tôi sẽ không yên ổn. Mẹ chồng tôi đã về quê sau khi có lời hứa của chồng tôi: “Mẹ cứ yên tâm, chuyện đó để tụi con lo. Mẹ cứ nói thằng út kêu người ta đổ vật liệu, coi ngày khởi công đi”.
Tuấn nói như vậy khiến tôi liên tưởng tới hai khả năng: Một là anh có tiền mà cất riêng không cho tôi biết, hai là anh sẽ bằng mọi cách để lấy tiền của tôi. Tôi thật sự không biết phải xử lý mọi chuyện thế nào cho êm xuôi đây?
Theo NLĐ
Không còn nhận ra nhau
Thúy sống với ba từ nhỏ. Kí ức về mẹ giờ còn lại ít ỏi nhưng đau lòng ghê gớm. Nó nhớ cái bóng gầy của mẹ in trên nền cát trắng những trưa gồng gánh bán mua, nhớ trước khi đi mẹ hứa sẽ nhanh về, nhớ ánh mắt mẹ nhìn ngôi nhà tả tơi trong gió biển.
Thúy luôn tự hỏi ngay từ cái nhìn đấy, mẹ đã quyết định đi mãi hay những năm tháng bôn ba xứ người mới khiến mẹ quên mất đường về. Nhà nó nghèo lắm, cái nghèo đeo bám suốt tuổi thơ của nó, đeo bám một đời ba nó khắc khổ gà trống nuôi con. Nỗi khắc khổ in hằn trên tấm lưng còng trước tuổi, trên từng vệt ố vàng thấm vào móng tay rửa mãi không mờ. Cũng vì nghèo nên mẹ nó mới đi xuất khẩu lao động. Từ thuở lên 5 nó đã thiếu bàn tay mẹ chải cho mái tóc khét lẹt mùi nắng, gói cho một nắm xôi hay ân cần lau đi những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài suốt tuổi ấu thơ.
Gia tài mẹ để lại chỉ vọn vẹn tấm hình cưới mẹ bẽn lẽn cầm bông lay ơn, có ba đứng cạnh mặt ánh lên vẻ hạnh phúc ngơ ngác, niềm hạnh phúc của chàng trai nghèo vừa cưới được người thương nhưng không biết ngày sau sẽ làm gì để vợ con sống sung túc. Mẹ còn lưu lại vết thương lòng toang hoác nhưng dịu dàng đến lạ lùng. Trong trí nhớ của nó, 5 năm đầu đời giờ hiện về lung linh như cổ tích.
Ngày đó, cả nhà nó sống trong một xóm chài xơ xác. Ba nó theo thuyền đi đánh cá còn mẹ thường gánh tôm, cá, mực khô vào chợ huyện bán. Ám ảnh nó mãi là những cồn cát, cát trắng mịn và bay tung mù những chiều nổi gió. Trên cồn cát rát bỏng chân ấy nó đã đón mẹ gầy hao trở về từ phiên chợ tảo tần, trên cồn cát cao ngất, hai mẹ con nó đã nhiều ngày trông ra biển ngóng thuyền của ba cập bờ. Thuở đấy khổ cực đủ bề nhưng con Thúy chưa bao giờ tủi thân, chẳng đứa trẻ nào tủi thân khi có mẹ bên cạnh. Nếu trời bão dông, thuyền ba mãi chưa thấy về, sẽ có mẹ ở bên chia bớt lo âu, thấp thỏm, nếu đông trở mình se sắt, ba chẳng ra khơi được, cả tháng liền phải vay tiền để mua gạo, sẽ có mẹ nấu món cháo ngao ấm lòng.
Hình như con Thúy sinh ra là để tủi thân. Chẳng có gì tủi thân bằng con gái nhớ mẹ, cũng chẳng còn gì tủi thân bằng đứa con gái bị trời cướp đi nhan sắc. Một lần đám trẻ làng chài nghịch dại với mấy quả bom bi, cú gõ nhẹ hều mà có đứa đi mãi, người thân chúng thất thểu đi lượm lại từng mảnh thi thể chúng vương vãi khắp triền cát trắng. Nhiều đứa khác bị liệt chân, cụt tay, con Thúy thì mặt biến dạng, một bên mắt bị teo, hai má nó nhăn nheo như bà cụ.
Nhìn con gái như vậy, ba nó không cầm nổi lòng. Ông làm đủ mọi việc từ trồng hoa màu, nuôi tôm giống, đi đánh bắt xa bờ mong kiếm tiền đưa con gái đi phẫu thuật lại mặt nhưng công sức của ông cứ theo gió Lào, theo cái nắng rát bỏng da và những trận bão triền miên đổ xuống sông xuống bể. Có người chú họ về thuê ba con Thúy vào Sài Gòn làm thợ bốc vác, hứa sẽ trả lương đều. Ông bần thần nhìn cồn cát chênh vênh nắng, nhìn căn nhà xập xệ chẳng đổi thay từ ngày mẹ nó đi rồi lặng lẽ gật đầu. Thế là ba con nó dắt nhau vào chốn lao xao.
Con Thúy được giới thiệu đến làm giúp việc ở một gia đình Việt kiều. Ông bà chủ nó trước ở Nga, giờ về Việt Nam kinh doanh lớn lắm. Nó thường lân la hỏi về đất nước xa xôi ấy, nơi đã đón mẹ nó đi rồi không bao giờ trả bà lại. Nó tưởng tưởng về những mùa đông nhiều tuyết rồi tự hỏi không biết giờ mẹ nó đang làm gì, ở đâu. Căn nhà rộng lớn, lúc nào cũng vắng teo, con Thúy thấy cô đơn quá chừng, nhưng cô đơn nhất là lúc cả nhà chủ đông đủ. Nhìn gia đình người ta quây quần, nó chạnh lòng ghê gớm chỉ mong đến chủ nhật. Chủ nhật bà chủ thường đưa con gái đến salon làm đẹp, tiện thể nó xin đi ké qua khu phòng trọ công nhân để thăm ba.
Cuối năm việc nhiều lại được trả lương gấp đôi nên ba con nó ở lại Sài Gòn. Càng sát Tết lòng dạ nó bồn chồn mãi, Tết thành thị đông đúc, nhộn nhịp nhưng chẳng ấm áp như chốn quê nghèo, ông chủ nó vẫn suốt ngày đi tiếp khách, cô con gái đi du lịch với bạn còn bà chủ nghe bảo về quê ngoại ăn Tết. Còn một mình, nó đi ra đi vào ngẩn ngơ nhớ cảnh Tết vạn chài, nhớ những ngày giáp Tết nó chạy lên cồn cát đăm đăm nhìn về hướng đường quốc lộ mong một chuyến xe đò nào đấy sẽ thả mẹ nó xuống. Mười mấy năm liền nó đợi mãi, năm nay chẳng còn ai lên cồn cát ngóng mẹ về.
Thế rồi con Thúy cũng không kìm lòng được, mồng 3 Tết nó xin ra quê vài ngày. Chuyến tàu Sài Gòn - Đồng Hới dài như cả thế kỉ. Hôm đấy trời nổi gió dữ lắm, nó lật đật chạy trong gió cát, chạy như đang có ai đợi ở mình ở nhà. Linh cảm vu vơ thế mà hóa ra thật, về đến nhà nó thấy có người đang ngồi trước cửa bưng mặt khóc. Nó lạc giọng, hỏi "ai đó". Người ngẩng mặt lên quen thuộc quá chừng, nửa năm nay nó vẫn ở cùng nhà. Người đó cũng lạc giọng "con sen, sao cháu biết chỗ này?". Người đó vỡ òa khi nghe nó run rẩy đáp "đây là nhà cháu, là nhà ba Hoàn" rồi cứ thất thểu gọi "Thúy phải không con, Thúy ơi, Thúy ơi sao mặt con ra nông nỗi này! Sao mẹ không nhận ra con mình!". Con Thúy như người vô hồn, nó chẳng biết mình đang vui sướng, đang giận giữ hay đau xót, nó mếu máo: "Sao mẹ đi sửa mặt, mẹ khác hoàn toàn ngày xưa... Mẹ đẹp thế làm sao con nhận ra..."
Theo VNE
Con dâu "trời đánh" Từ ngày ba thằng Thắng mất, tôi chưa bao giờ thấy cái gánh mà tôi đang vác trên vai lại nặng nề như thế. 46 tuổi, ngay cả trong mơ tôi cũng không tin là mình sắp sửa làm mẹ chồng. Vậy mà điều đó sắp trở thành sự thật. Hoặc là tôi chấp nhận con dâu "trời đánh" hoặc tôi mất con....