Làm đường 80 km/giờ, buộc xe chạy 40 km/giờ
TP.HCM có nhiều tuyến đường đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhưng lại cho xe chạy với tốc độ “rùa bò” khiến nhiều tài xế bị phạt oan và hiệu quả khai thác các tuyến đường thấp.
Xa lộ Hà Nội đang được đầu tư mở rộng từ 48m lên 113,5-153,5m (tùy đoạn) và theo thiết kế cho xe chạy đến 80 km/giờ. Đến nay đã có nhiều đoạn được làm xong cho 10-12 làn xe chạy, nhưng các biển báo dọc tuyến đường chỉ cho xe chạy với tốc độ 40-50 km/giờ…
“Cái bẫy” xử phạt
Anh Nguyễn Văn Tuấn (ở Đồng Nai) cho biết vừa bị cảnh sát giao thông (CSGT) phạt 2,5 triệu đồng và giam bằng lái xe 30 ngày vì chạy xe máy với tốc độ 60 km/giờ trên xa lộ Hà Nội. Nghĩ mình bị phạt oan, anh quay xe lại chân cầu Sài Gòn xem biển báo tốc độ 40 km/giờ mới biết mình đã chạy quá tốc độ. “Đường rộng rãi mà chỉ cho xe chạy 40 km/giờ thì chẳng khác nào cái bẫy xử phạt” – anh Tuấn bức xúc. Chiều 20/2, trên xa lộ Hà Nội (khu vực Q.2, hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai), chúng tôi chứng kiến hàng chục trường hợp xe máy lẫn ôtô bị CSGT xử phạt lỗi chạy quá tốc độ.
Tại hai làn đường phía trong xa lộ Hà Nội, đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao thông Cát Lái, biển báo chỉ cho phép các loại ôtô, xe tải dưới 1,5 tấn và xe máy chạy tốc độ tối đa 40 km/giờ. Chúng tôi chạy trên đoạn đường này đúng tốc độ quy định thì bị các xe khác vượt qua và có ôtô chạy phía sau còn bóp còi inh ỏi đòi vượt trước. Thậm chí đoạn từ nút giao thông Cát Lái đến cầu Rạch Chiếc, tốc độ tối đa đối với xe hai và ba bánh giảm còn 30 km/giờ (làn ôtô giữa là 40 km/giờ, ngoài cùng là 50 km/giờ). Còn đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Thủ Đức tốc độ hầu hết ở các làn đường là 40 km/giờ, ngoại trừ làn đường trong cùng được chạy 50 km/giờ.
Nhiều người chạy xe máy hoặc ôtô trên quốc lộ 1, đoạn từ H.Bình Chánh đến tỉnh Long An cũng bức xúc vì tốc độ cho phép xe chạy như “rùa bò”. Anh Hoàng Xuân Phương, tài xế xe khách, cho rằng quy định tốc độ 40 km/giờ tại đoạn quốc lộ này là quá chậm và đề nghị nâng tốc độ tối đa đối với làn ôtô trên đoạn đường này lên 60 km/giờ để dòng xe thoát nhanh hơn, tránh kẹt xe cho khu vực.
Video đang HOT
Biển báo tốc độ xa lộ Hà Nội đoạn ngã ba Cát Lái quy định tốc độ 50-40-30 km/giờ dù đường rất rộng – Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Đường Võ Văn Kiệt theo thiết kế cho xe chạy với tốc độ 80 km/giờ, nhưng cơ quan chức năng chỉ cho chạy tốc độ tối đa 40 km/giờ đối với xe máy và 60 km/giờ đối với ôtô. Riêng đoạn nối từ quốc lộ 1 vào đường Võ Văn Kiệt tối đa là 40 km/giờ với cả ôtô và xe máy. “Các loại xe đời mới chỉ cần nhấp ga đã đạt tốc độ 40 km/giờ nên phần lớn xe qua đoạn đường này bị CSGT phạt vì lỗi chạy quá tốc độ” – một người dân trong khu vực cho biết. Tương tự, đại lộ Nguyễn Văn Linh (Q.7) hướng về cầu Phú Mỹ, mặt đường rất rộng nhưng chỉ cho phép ôtô chạy 30 km/giờ.
Không chỉ đường, cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) vừa đưa vào sử dụng cũng quy định tốc độ tối đa 40 km/giờ. Đáng nói là biển báo tốc độ 40 km/giờ được đặt ngay sát chân cầu vượt trong khi tốc độ trên đường Điện Biên Phủ (kể cả đoạn đường dẫn lên cầu) là 80 km/giờ! “Biển báo giảm tốc độ đặt sát chân cầu như vậy làm sao chúng tôi kịp hãm phanh. Hầu hết ôtô khi lên cầu đều chạy trên 40 km/giờ vì tài xế phát hiện biển báo đã quá trễ” – một tài xế taxi nói.
Lãng phí
Dư luận đặt vấn đề quy định tốc độ xe chạy 40 km/giờ trên quốc lộ 1 (đoạn qua H.Bình Chánh đến Long An) có nhằm buộc ôtô đi vào đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương? Lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 cho biết theo quy định của Bộ GTVT, quốc lộ 1 (đoạn từ ranh tỉnh Đồng Nai đến ranh tỉnh Long An) là đường đô thị, cho phép xe chạy 40-50 km/giờ tùy loại xe. Tuy nhiên, do đoạn đi qua H.Bình Chánh thường xảy ra tai nạn giao thông nên Sở GTVT TP quy định xe chỉ được chạy 40 km/giờ để kéo giảm tai nạn giao thông. “UBND TP đang xem xét dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 và giao khu làm chủ đầu tư. Chúng tôi dự kiến khi làm xong sẽ báo cáo cấp thẩm quyền xin điều chỉnh tốc độ lưu thông cho phù hợp” – vị lãnh đạo trên nói.
“Xe chạy chậm sẽ tiêu hao nhiều xăng dầu hơn, bố và thắng cũng mau bị hao mòn. Những chi phí đó chúng tôi phải tính vào chi phí vận chuyển khiến giá hàng hóa tăng theo và cuối cùng người tiêu dùng lãnh đủ”
Ông Nguyễn Xuân Vinh
Ông Phạm Sanh – chuyên gia giao thông – cho rằng tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do xe chạy tốc độ cao. Các cơ quan chức năng cần xem xét các biện pháp tổ chức giao thông tốt nhất và xử lý từng điểm xảy ra tai nạn giao thông, thay vì sử dụng biện pháp ép giảm tốc độ xe lưu thông để kéo giảm tai nạn giao thông. Theo thiết kế xây dựng, các tuyến quốc lộ cho xe chạy 80 km/giờ nên việc quy định tốc độ xe chạy 40 km/giờ trên quốc lộ 1 không phù hợp, không tạo thông thoáng cho tuyến đường cửa ngõ ra vào TP…
Ông Nguyễn Xuân Vinh, đại diện một công ty vận tải và dịch vụ tại Q.9, cho biết việc phải chạy với tốc độ “rùa bò” trên những tuyến đường đã được nâng cấp, mở rộng khiến tài xế bị ức chế và dễ bị “dính” lỗi vi phạm tốc độ. Ngoài ra, xe cộ lưu thông chậm khiến năng lực khai thác vận tải của các doanh nghiệp bị hạn chế dẫn đến sụt giảm doanh thu.
Luật sư Thái Văn Chung – tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM – cũng cho rằng quy định hạn chế tốc độ lưu thông đã gây thiệt hại nhiều cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vì xe chạy chậm không bảo đảm thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách theo hợp đồng, làm giảm hiệu quả kinh doanh… Các cơ quan chức năng ở TP.HCM cũng như các tỉnh và TP cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh tốc độ hợp lý và gắn biển báo tốc độ phù hợp.
Sẽ xem xét điều chỉnh cho phù hợp
Ông Dương Quang Châu, giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM – CII (chủ đầu tư dự án nâng cấp và mở rộng xa lộ Hà Nội), cho biết sẽ rà soát các biển báo tốc độ xe lưu thông trên tuyến đường này. Theo ông Châu, CII sẽ đề nghị Sở GTVT TP và CSGT điều chỉnh biển báo tốc độ cho xe lưu thông, nhất là ở những đoạn đã lắp đặt dải phân cách.
Về việc ôtô bị buộc giảm tốc độ đột ngột khi vào cầu vượt Hàng Xanh, ông Lê Ngọc Hùng – phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 – cho biết cách cầu vượt khoảng vài trăm mét đã có biển báo giao thông giảm tốc độ xuống 60 km/giờ và khi đến cầu vượt Hàng Xanh có biển báo giảm tốc độ còn 40 km/giờ. Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đang xem xét điều chỉnh tốc độ xe chạy trên cầu vượt lên 60 km/giờ.
Trả lời về việc biển báo hạn chế tốc độ trên đường Võ Văn Kiệt không hợp lý, nhất là hướng tuyến lưu thông từ H.Bình Chánh về Q.1 có rất ít giao lộ, ngã tư lại cho xe máy chạy với tốc độ chậm khiến nhiều người dân bị phạt, một cán bộ Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết sẽ đi khảo sát thực tế trên tuyến đường này. Nếu thấy tốc độ 40 km/giờ không hợp lý sẽ đề xuất nâng tốc độ trên làn xe máy lên 50 km/giờ.
Theo 24h
Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng phân làn đường
Chiều 19-2, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục phân làn trên một số tuyến phố đủ điều kiện.
Theo ông Nguyễn Xuân Tân, việc phân làn cho thấy ý thức tham gia giao thông của người dân đã tiến bộ rất nhiều, chỉ có ít người đi xe máy đi vào làn đường của xe ô tô. Do đó, thành phố tiếp tục phân làn để qua đó tách dòng phương tiện, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Hiện nay, ngoài 5 tuyến phố đã phân làn vào tháng 9-2011 (Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Kim Mã, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng), một số tuyến đường phố khác cũng đã được phân làn như Quốc lộ 5, đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Âu Cơ.
Liên quan đến các đề án giao thông 2013, Phó Giám đốc Sở GTVT thông tin Sở đang hoàn thiện và trình phê duyệt "Đề án thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh trên đại lộ Thăng Long".
Theo ANTD
Đình chỉ ngay xe chở quá lượng người cho phép Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện yêu cầu Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương có TNGT tăng cao, tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT. Theo đó, yêu cầu huy động tối đa lực lượng phương tiện, trang thiết bị, tăng cường công tác tuần tra,...