Lạm dụng thuốc bổ: coi chừng con bổ… ngửa
Số liệu từ khoa dinh dưỡng bệnh viện Nhi Trung ương cho biết trung bình mỗi ngày tại khoa có 60 – 70 bé đến khám và tư vấn liên quan đến vấn đề dinh dưỡng. Trong đó, rất nhiều bé bị bệnh do lạm dụng thuốc bổ, thậm chí có trường hợp phải cấp cứu!
Thuốc bổ rất được chuộng hiện nay là các chế phẩm bổ sung vitamin và chất khoáng.
Trẻ bình thường có cần bổ sung vitamin?
Vitamin (còn gọi là sinh tố) là những chất dinh dưỡng cần được cung cấp hàng ngày để cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Tuy lượng cung cấp nhỏ, thậm chí rất nhỏ, nhưng số vitamin cần thiết lại lên đến con số 13 gồm bốn vitamin tan trong dầu là A, D, E, K và chín vitamin tan trong nước như vitamin C, các vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6, PP…) Còn chất khoáng là các chất vô cơ được bổ sung hàng ngày. Cũng giống như vitamin, hàng ngày ta được cung cấp chất khoáng qua thực phẩm.
Riêng với trẻ con đang trong giai đoạn phát triển thì việc cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin lại càng quan trọng.
Về mặt lý thuyết, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và tình trạng bình thường thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ chế độ ăn không cung cấp đầy đủ dưỡng chất thì ngay cả những trẻ khoẻ mạnh cũng nên bổ sung vitamin, bởi các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ mất đi hay giảm trầm trọng trong một bữa ăn đầy đủ nhưng chất lượng thực phẩm không đảm bảo (rau bị héo, trái cây không còn tươi), hoặc bảo quản chế biến không tốt (gạo càng trắng càng ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C không còn…) Vì vậy, nhiều khi bác sĩ vẫn khuyên cho trẻ xem ra khoẻ mạnh uống bổ sung vitamin, đương nhiên là phải đúng liều lượng.
Còn với trẻ béo phì, bác sĩ thường khuyên nên ăn ít béo và bổ sung các vitamin, vì chế độ ăn kiêng ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K.
Video đang HOT
Riêng trẻ sơ sinh (từ khi sinh cho đến bốn tháng tuổi) chỉ được bú sữa mà không nên cho dùng bất cứ chất lỏng thực phẩm nào khác, kể cả thuốc dung dịch uống chứa vitamin. Bà mẹ muốn bổ sung vitamin cho trẻ sơ sinh, nên chính mình dùng thuốc bổ sung để vitamin thông qua sữa mẹ mà tới con. Điều đáng quan tâm là có một số phụ huynh quá lo lắng cho sức khoẻ của con, đã cho trẻ dùng quá nhiều thuốc bổ đưa đến thừa vitamin và chất khoáng rất có hại.
Những lưu ý khi cho trẻ dùng thuốc bổ
Sử dụng thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng không thay thế được thức ăn, mà vẫn phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm. Đừng bao giờ nghĩ thuốc bổ là vô hại mà cho trẻ dùng kiểu “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”!
Trong các loại vitamin, vitamin A và D không được dùng thừa, vì sẽ tích luỹ trong cơ thể gây ngộ độc. Riêng phụ nữ có thai và trẻ con, đặc biệt trẻ sơ sinh, dùng quá liều vitamin A, vitamin D càng nguy hiểm. Nếu thừa vitamin A có thể gây quái thai, còn trẻ sơ sinh thì bị tăng áp lực sọ não đưa đến lồi thóp, viêm teo dây thần kinh thị giác. Dùng quá liều vitamin D sẽ gây vôi hoá nhau thai, còn trẻ thì bị chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hoá sụn sớm. Ở nước ta, đã có nhiều trường hợp trẻ con do uống quá liều vitamin A, D bị tác dụng phụ gây tăng áp lực sọ não, lồi thóp phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nếu dùng loại đa sinh tố mỗi ngày uống một viên thì xem kỹ thành phần không được chứa quá 5.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và không quá 400 IU vitamin D. Nếu dùng loại dung dịch uống, phải lấy số giọt hoặc thể tích (số ml) theo đúng bản hướng dẫn sử dụng thuốc.
Không nên dùng vitamin C liều quá cao (hơn 1g/ngày) dài ngày vì có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hoá, sỏi thận. Với thuốc viên vitamin C dạng sủi bọt chứa 1g dược chất/viên, không nên xem đây là nước giải khát mà cho trẻ uống nhiều có thể khiến trẻ ngộ độc.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức
Giảng viên chính bộ môn dược, ĐH Y dược TPHCM
Sài Gòn tiếp thị
Thuốc còn "đát" nhưng vẫn phải bỏ đi
Hạn dùng được định nghĩa là khoảng thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc (thuốc được sản xuất theo lô) mà sau thời hạn này thuốc không còn giá trị sử dụng.
Cẩn trọng khi thuốc hết hạn dùng
Thực tế có nhiều người trữ lọ thuốc bổ chứa vitamin, chất khoáng thuộc loại to chứa hàng mấy trăm viên, dùng một thời gian thì ngưng khi thuốc vẫn còn nhiều, sau đó tính chuyện dùng lại để "tẩm bổ" thì đúng lúc hết hạn. Nhìn bề ngoài thấy viên thuốc vẫn còn bóng lưỡng, màu sắc vẫn tươi rói, một số người cho rằng dùng chắc chẳng sao, thế là tiếp tục dùng để không lãng phí. Trong khi đó, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng lọ thuốc nhỏ mắt khi được mở ra dùng rồi thì chỉ được dùng trong thời gian ngắn phải bỏ đi, chứ không được để dành dù hạn dùng của lọ thuốc này được ghi đến tận năm sau.
Phải xem kỹ hạn dùng trước khi sử dụng
Hạn dùng được định nghĩa là khoảng thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc (thuốc được sản xuất theo lô) mà sau thời hạn này thuốc không còn giá trị sử dụng. Thí dụ, hạn dùng của thuốc được ghi 30/6/2010, nghĩa là trong thời gian từ lúc người dùng thuốc mua thuốc đến ngày 30/6/2010 là thuốc có giá trị sử dụng và được phép dùng, còn từ ngày 1/7/2010 trở về sau là thuốc quá hạn dùng không còn giá trị sử dụng nữa.
Theo luật dược của nước ta, nhãn thuốc lưu hành trên thị trường bắt buộc phải ghi một số nội dung trong đó có hạn dùng (bên cạnh số đăng ký, số lô sản xuất, ngày sản xuất). Nếu trên nhãn thuốc không ghi hạn dùng thì thuốc đó được cho là thuốc giả. Cũng theo luật định, mua, bán, sử dụng thuốc quá hạn dùng là bất hợp pháp.
Nên lưu ý, thuốc hết hạn dùng sẽ không còn giữ được các tính chất cần thiết như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng, mặc dù trông vẻ bề ngoài, đặc tính cảm quan của thuốc không có sự thay đổi, thuốc trông giống y như khi còn hạn dùng. Nhiều người thấy thuốc bề ngoài còn tốt nghĩ rằng thuốc quá hạn dùng trong thời gian ngắn không sao nên cứ dùng để tránh lãng phí nhưng thực tế có thể gặp nguy hiểm. Thuốc quá hạn dùng không chỉ giảm hoặc mất tác dụng điều trị mà còn có thể gây độc. Điển hình là thuốc kháng sinh tetracyclin, nếu quá hạn dùng trở thành rất độc, gây hại thận.
Căn cứ xác định hạn dùng của thuốc
Để xác định hạn dùng của một thuốc, không phải nhà sản xuất ấn định bừa mốc thời gian nào đó. Đặc biệt, mốc thời gian đủ dài có lợi cho việc kinh doanh thuốc, mà phải trải qua công việc nghiên cứu gọi là thử độ ổn định của thuốc. Đó là tập hợp các thí nghiệm với độ tin cậy cao, được thiết kế để xác định tuổi thọ và hạn dùng của thuốc. Phương pháp thử độ ổn định thường dùng là phương pháp thử độ ổn định cấp tốc. Gọi là cấp tốc vì phương pháp chỉ thử thuốc trong vòng 3 tháng ở điều kiện môi trường khắc nghiệt với nhiệt độ cao đến 50oC, độ ẩm 75% để suy diễn ra tuổi thọ và hạn dùng của thuốc trong thực tế diễn ra trong nhiều năm ở điều kiện môi trường bình thường. Bên cạnh đó, còn có phương pháp thử độ ổn định dài hạn, tức người ta theo dõi độ ổn định của thuốc với điều kiện tồn trữ, bảo quản trong thực tế cho đến khi thuốc bị sút giảm chất lượng để xác định hạn dùng (có thể theo dõi đến 2 - 3 năm). Phương pháp thử dài hạn cho kết quả tin cậy và một số thuốc có yêu cầu bảo quản đặc biệt như chế phẩm vắc-xin hay thuốc là hormone cần chọn điều kiện thích hợp để thử theo phương pháp này.
Như vậy, ta thấy hạn dùng được tìm ra dựa vào nghiên cứu khoa học đàng hoàng và đúng quy cách và cũng vì thế, bắt buộc phải tuân thủ hạn dùng.
Các yếu tố liên quan đến độ ổn định của thuốc
Có một số yếu tố liên quan đến độ ổn định của thuốc như: nhiệt độ, độ ẩm, độ chiếu sáng... Vì vậy, không chỉ tuân thủ hạn dùng mà còn để ý việc tồn trữ, giữ thuốc ở điều kiện tốt để không làm ngắn đi tuổi thọ và hạn dùng. Thuốc mua về không dùng ngay thì nên để nơi có nhiệt độ mát, khô ráo, không bị ánh nắng chiếu vào. Có thuốc nếu để nơi nóng sẽ thấy ngay biến đổi có hại là hư hỏng dạng bào chế: thuốc dạng kem bị vữa hay vón cục, thuốc lỏng dạng hỗn dịch bị phân lớp, lớp nước ở trên còn lớp đặc đóng cặn ở dưới (thay đổi như thế là không tốt, ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc). Hoặc có chị em phụ nữ trữ thuốc ngừa thai loại viên uống trong phòng tắm với mục đích để không quên việc uống thuốc. Chính việc trữ thuốc trong phòng tắm sẽ hại thuốc vì đây là môi trường có độ ẩm cao, hơi nước sẽ ngấm vào thuốc làm giảm chất lượng.
Thuốc 2 hạn dùng
Có một số thuốc có đến 2 hạn dùng. Đó là các thuốc gọi là không phân liều, được dùng nhiều lần. Điển hình là thuốc nhỏ mắt. Ngoài hạn dùng ghi trên bao bì, hộp, nhãn thuốc (hạn dùng chỉ kể khi thuốc chưa được mở) còn có hạn dùng nữa phải tính khi lọ thuốc nhỏ mắt được mở ra sử dụng. Khi mở nắp thuốc nhỏ mắt sử dụng, hạn dùng ghi trên nhãn không còn ý nghĩa nữa, mà sau 15 ngày dùng thuốc, nếu thuốc còn thừa phải bỏ đi vì sau nhiều lần sử dụng, thuốc có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc. Thuốc nước tiêm hay uống dùng nhiều lần cũng thế, sau khi dùng cho một đợt điều trị (có thể sau một ngày hay một tuần) còn thừa phải bỏ đi, chứ đừng căn cứ vào hạn dùng được ghi mà để dành dùng sau này là nguy hiểm. Nói có thuốc còn "đát" vẫn phải bỏ đi là vì thế.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Theo SK&ĐS
Thức ăn bổ dưỡng có thật cần cho trẻ? Đã qua rồi cái thời mà những món ăn được truyền tụng là... "thập toàn đại bổ" chỉ dành để tiến vua hoặc được dùng trong những gia đình quyền quý. Ngày nay, các gia đình chẳng cần phải giàu có cũng có thể mua được các món ăn lừng danh như nhân sâm, yến sào, nhung hươu, mật gấu... để mong cải...