Lạm dụng “tạm giam để điều tra” : Nhiều oan, sai khó có thể bồi thường!
Không ít doanh nhân sau khi bị tạm giam oan thì mất bạn hàng, đối tác, còn doanh nghiệp bị phá sản hoàn toàn, nhiều người mất việc làm, gia đình tan vỡ, ly tán, con cái hư hỏng…
Nhức nhối “Tạm giam để điều tra”
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, tạm giam là biện pháp ngăn chặn cần thiết “mạnh” nhất trong số các biện pháp ngăn chặn mà Nhà nước trao cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì tạm giam là biện pháp có tính nghiêm khắc nhất, hạn chế tự do của người bị tình nghi, nên đây cũng là biện pháp “cuối cùng” khi có cơ sở cho rằng việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác sẽ không hiệu quả.
Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự qui định, tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, hoặc bị cáo phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự qui định hình phạt tù trên 2 năm nhưng có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội. Chính qui định “có căn cứ cho rằng…” này đã dẫn đến không ít trường hợp, tạm giam bị lạm dụng, bởi việc xác định bị can có thể bỏ trốn, cản trở điều tra, truy tố, xét xử hay có khả năng phạm tội mới lại tùy thuộc vào sự đánh giá chủ quan của những cơ quan tiến hành tố tụng. Vì không có gì xác định rõ ràng khi nào nghi can có thể tiếp tục phạm tội hoặc trốn tránh, gây khó khăn cho CQĐT, nên để “chắc ăn và thuận lợi”, đồng thời khiến bị can dễ “khuất phục” hơn cả thì biện pháp tối ưu là bắt tạm giam!
Thực tế cho thấy việc “lạm dụng” tạm giam đã dẫn đến những hậu quả khôn lường nếu vụ việc là oan sai. Không ít doanh nhân sau khi bị tạm giam oan thì mất bạn hàng, đối tác, còn doanh nghiệp bị phá sản hoàn toàn, nhiều người mất việc làm, gia đình tan vỡ, ly tán, con cái hư hỏng…
Video đang HOT
Sau 23 ngày bị giam oan, cô giáo Đức được xin lỗi và bồi thường.
Hậu quả của việc lạm dụng
Vụ việc “Con bị xâm hại, mẹ thành bị can” gây bức xúc dư luận của mẹ con cô giáo Bùi Thị Đức (giáo viên Trường THCS Sơn La, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) xảy ra năm 2010 mà báo PL&XH đã có loạt bài phản ánh, là một ví dụ điển hình. Vụ việc đau lòng này xuất phát từ việc CQĐT CA tỉnh Sơn La đã quá phiến diện và “vội vàng”. Sau đó, VKSND TC đã vào cuộc và chị Đức được xin lỗi công khai và bồi thường oan sai, nhưng có lẽ 23 ngày tạm giam oan mãi là những ngày tháng không bao giờ quên trong đời chị. Thời điểm đó, chị Đức- mẹ của cháu gái 13 tuổi vừa bị cưỡng bức được 3 ngày, khi đồng ý nhận số tiền bồi thường tự nguyện từ gia đình kẻ hãm hại con mình, bỗng chốc trở thành bị can một cách khó có thể lý giải, cả về lý và tình!
Khi mẹ và 2 anh trai của Nguyễn Văn Hưởng – kẻ xâm hại con gái chị Đức đến nhà chị khóc lóc, van xin, và vì không muốn mọi người biết chuyện, ảnh hưởng đến tương lai sau này của con gái, chị Đức chấp nhận lời xin lỗi và nhận 130 triệu đồng do gia đình Hưởng tự nguyện bồi thường trước sự chứng kiến của một cán bộ CA phường Quyết Thắng, TP Sơn La. Thế nhưng, khoảng 2h ngày 31-8-2010, CA TP Sơn La đến nhà chị Đức kiểm tra việc khai báo tạm trú tạm vắng, đưa chị về trụ sở rồi sau đó thông báo chị đã phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” và bắt tạm giam luôn. Khỏi phải nói, việc làm của CA TP Sơn La đã khiến dư luận bất bình thế nào bởi chị Đức là một giáo viên có trình độ, đạo đức, có nơi cư trú rõ ràng, không có biểu hiện “tiếp tục phạm tội”, cũng không bỏ trốn, hay “gây khó” CQĐT… Tạm giam chị Đức ngay, CQĐT CA TP Sơn La đã quá “sốt sắng” và quên mất quyền lợi chính đáng của bé gái mới bị hãm hại cần có người thân chăm sóc, mà chị Đức là chỗ dựa duy nhất (chồng chị Đức mất sớm, con gái lớn đi học xa nhà)!
Hay như vụ án “Xâm phạm chỗ ở của công dân” xảy ra với bị cáo Dương Văn T. trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo cáo trạng của VKSND quận Hai Bà Trưng, bị cáo T đã có hành vi đục tường và bán hàng tại căn nhà trên đất có “sổ đỏ” mang tên bà cô ruột là Dương Thị V. mà đất này giữa bố T và bà cô đang tranh chấp. CQĐT đã khởi tố vụ án “Xâm phạm chỗ ở của công dân” theo khoản 1 Điều 124 Bộ luật Hình sự và bắt tạm giam T vào đúng ngày 23 Tết. Đáng nói là bị cáo T mới tốt nghiệp ĐH, chưa hề có tiền án, tiền sự, cũng không có biểu hiện “chống đối” CQĐT… Anh T. sau đó bị TAND quận Hai Bà Trưng tuyên phạt 3 tháng tù giam, đúng bằng thời hạn T. bị tạm giam và trả tự do ngay tại phiên tòa sơ thẩm.
Đáng quan tâm hơn là đến nay, Thanh tra quận Hai Bà Trưng đã có báo cáo gửi UBND quận này cho biết “sổ đỏ” đã được cấp cho bà Dương Thị V. là “có vấn đề” và kiến nghị thu hồi. Như vậy, khi nhà đất mà bố anh Dương Văn T bị qui kết là “nhảy” vào “chiếm dụng” rồi cho con trai bán hàng vẫn chưa được phân định thuộc quyền sở hữu của bố T hay bà Dương Thị V. thì anh T đã bị ghi vào lý lịch một “vết đen”! Bản án được tuyên “vô tình” bằng đúng thời hạn tạm giam khiến dư luận băn khoăn nếu anh T bị tạm giam lâu hơn thì hình phạt cũng sẽ được tuyên “tương xứng”? Thế nhưng, chuyện bản án được tuyên với thời hạn tù “tròn trĩnh” như anh T vẫn còn đỡ “đáng suy nghĩ” hơn với những bị cáo nhận mức án “lẻ” đến vài ngày để khớp với thời hạn đã tạm giam. Nhiều người cho rằng, tính độc lập của tòa đã bị “điều chỉnh” cho phù hợp với thời hạn tạm giam của CQĐT!
Vụ bị can “treo” điển hình kéo dài suốt 27 năm qua của ông Nguyễn Lâm Sáu ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng là một ví dụ. Khi khám xét nhà, CQĐT phát hiện “chứng cứ” là một ít tinh dầu cam đựng trong chai đã hỏng, và ông Sáu bị bắt ngay lập tức vì tội “Buôn bán hàng cấm” dù lúc này, ông Sáu đang là một đảng viên, một Trưởng phòng với nhân thân “sạch”, nhưng vẫn bị tạm giam…
Một luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội thỉnh thoảng vẫn nhắc lại “kỷ niệm khó quên” của ông khi bào chữa cho bị cáo Lâm Thu Hương ở TP Hải Phòng. Hương bị bắt khi mới mang thai, và đến khi xét xử vụ án thì đã gần ngày sinh. Trong suốt quá trình điều tra, Hương và gia đình cũng như luật sư đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan tiến hành tố tụng xin được tại ngoại nhưng không được chấp thuận. Khệ nệ vác bụng bầu hầu tòa xong, Hương trở dạ sinh con ngay, “báo hại” luật sư phải chở đến bệnh viện…
Cô giáo Bùi Thị Đức. Ảnh: TL
Cần có những qui định chặt chẽ!
Việc tạm giam để điều tra còn bất cập khi hồ sơ vụ án được trả để yêu cầu điều tra lại, điều tra bổ sung. Lúc này, đồng thời với việc bắt đầu lại qui trình điều tra, thì qui trình tạm giam cũng bắt đầu lại. Nghĩa là, người bị tạm giam tiếp tục bị hạn chế quyền công dân, cho dù chưa thể khẳng định người đó có phạm tội và có phải chịu trách nhiệm hình sự trước hành vi của mình hay không.
Đặc biệt, trong những vụ oan sai “đi vào lịch sử tố tụng” như kỳ án “vườn điều” ở Bình Thuận, “vườn mít” ở Bình Phước, vụ “vợ ăn bánh, chồng bị kết tội giết người” ở Thanh Hóa, hay những vụ oan, sai do hình sự hóa các quan hệ dân sự xảy ra với doanh nhân Phùng Thị Thu, Lương Ngọc Phi (Thái Bình)… thì những người bị oan sai đều bị tạm giam năm này qua năm khác, cho thấy, với những vụ án phức tạp, kéo dài thì việc áp dụng biện pháp tạm giam đang “có vấn đề” về thời hạn! Theo thống kê của các cơ quan tố tụng, hàng năm có gần 7% số người bị tạm giam, tạm giữ cuối cùng chỉ bị xử lý hành chính!
Mọi sai lầm đều để lại hậu quả đáng tiếc, nhưng oan, sai trong tố tụng hình sự để lại hậu quả khôn lường và nặng nề hơn cả. Thiệt hại về tài sản, vật chất có thể tính toán và bồi thường được, nhưng “một ngày tù, nghìn thu ở ngoài”, tổn hại về tinh thần mà người bị giam oan phải gánh chịu thì không gì bù đắp nổi. Đòi hỏi không cần tạm giam với mọi tội phạm là điều không thể, nhưng qui định làm sao để tránh bị lạm dụng, chỉ áp dụng tạm giam trong những trường hợp thực sự cần thiết, với điều kiện chặt chẽ để đảm bảo quyền công dân, tính nhân văn của pháp luật, đồng thời, cũng tránh cho Nhà nước phải bồi thường vì giam oan là điều mà việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự cần hướng tới!
Theo PLXH