Làm đẹp xe dịp cận Tết: Khách đợi “dài cổ”, garage quá tải
Cận Tết là thời điểm thích hợp để tu sửa, làm đẹp xe và nâng cấp lại “xế yêu” sau 1 năm di chuyển.
Theo ghi nhận của PV, thời điểm này, nhiều trung tâm, garage ôtô uy tín trên địa bàn Hà Nội luôn tấp nập nhận xe vào tân trang lớp áo cũ, sửa chữa và bảo dưỡng.
Nhiều garage chất kín xe đến bảo dưỡng dịp cận Tết
Chính vì nhu cầu tân trang, bảo dưỡng xe dồn vào cuối năm, đã khiến các trung tâm, gara bảo dưỡng, làm đẹp chật kín ôtô.
Trao đổi với Lao Động, anh Minh Chiến (30 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, xe của anh bị xước sơn từ vài tháng trước, tuy nhiên, để xe được đẹp mắt đi chơi Tết, thời điểm này, anh đã mang xe đến garage để sơn sửa, bảo dưỡng.
“Mặc dù những ngày này rất đông, và phải mất khoảng 3 ngày mới lấy được xe, nhưng tôi vẫn làm để có xe đẹp đi chơi Tết”, anh Minh Chiến chia sẻ.
Theo khảo sát của PV, tại nhiều trung tâm, garage ôtô uy tín trên địa bàn Hà Nội, những ngày này luôn tấp nập xe ra vào để tân trang lớp áo cũ. Trên các vỉa hè là ôtô xếp hàng dài để chờ đợi đến lượt mình.
Dịch vụ làm đẹp xe dịp Tết quá tải, nhiều garage chật kín xe. Ảnh: Thuý Nga
Theo chia sẻ của anh Minh Thắng – nhân viên Marketing tại Hệ thống chăm sóc và làm đẹp xe hơi King Wrap, những ngày cuối năm, toàn hệ thống (trong đó có 8 cơ sở phía Bắc) đều quá tải do lượng khách đến quá đông, nhân lực không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
“Nếu không đặt lịch trước, khi mang xe đến, khách hàng sẽ phải đợi khá lâu. Bởi mỗi xe, chúng tôi đều sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra rất chi tiết, tỉ mỉ”, anh Thắng cho hay.
Video đang HOT
Theo anh Thắng, vì là trung tâm chăm sóc và làm đẹp “xế hộp”, nên hầu như khách hàng chủ yếu đến làm các dịch vụ như dán tem, thay màu xe, đánh bóng, phủ ceramic làm đẹp và bảo vệ xe…
“Mặc dù đông khách, nhưng các cơ sở, trung tâm garage ôtô vẫn đảm bảo sự hài lòng của khách hàng và chất lượng đạt chuẩn cho từng sản phẩm”, anh Thắng khẳng định.
Mặc dù cận Tết nhưng giá tân trang cho một chiếc xe không thay đổi. Ảnh: T.N
Giá sửa chữa, bảo dưỡng xe có tăng?
Theo ghi nhận của Lao Động, chi phí cho một lần tân trang tại các garage hiện nay sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của từng dịch vụ khách hàng mong muốn.
Cụ thể, dán tem trang trí dao động từ 1 triệu – 3 triệu đồng/lần; dán đổi màu cả xe từ 15 triệu – 30 triệu đồng/lần, cấp bảo dưỡng dao động từ 450.000 tới 3 triệu đồng, tùy thuộc vào độ hao mòn của xe…
Theo chia sẻ của một số nhân viên sửa chữa ôtô, ngoài việc tân trang cho vẻ đẹp bên ngoài thì những chi tiết cần kiểm tra hàng đầu đó là hệ thống phanh và lốp.
Bởi, hệ thống phanh là bộ phận đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp vấn đề an toàn tính mạng của người trên xe và xử lý tình huống khi trên đường gặp phải.
“Vào dịp Tết ở miền Bắc thường có mưa, do đó có thể xảy ra trơn trượt trong quá trình di chuyển. Chính vì vậy, chi tiết này càng được người điều khiển chú trọng nhất”, anh Lê Tùng – nhân viên sửa chữa tại garage Hưng Phát (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Ngoài tân trang xe, nhiều chủ xe còn bảo dưỡng nhiều chi tiết xe khác. Ảnh: T.N
Cũng theo anh Lê Tùng, để đảm bảo an toàn trong những ngày Tết, khách hàng cần kiểm tra tổng quát hệ thống như nước làm mát, dầu phanh, má phanh, bình ắc quy… vì toàn bộ sẽ liên quan tới nhau tránh tình trạng xe hư hại giữa đường.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới lượng khách tại garage. So với năm ngoái lượng khách giảm khoảng 20%. “Nếu như mọi năm, khách hàng chủ yếu tới sửa chữa và thay thế phụ tùng, thì năm nay, lượng khách đến garage chủ yếu để bảo dưỡng xe”, anh Tùng khẳng định.
Theo anh Tùng, giá sửa chữa, bảo dưỡng đã niêm yết từ trước và hiện không thay đổi. Cụ thể, giá thay dầu cho dầu 5 vạn là 100.000 đồng/lít; bảo dưỡng phanh có giá cố định là 200.000 đồng/ 4 bánh xe…).
Cũng giống như các garage khác, lượng khách hiện đang quá tải. Chính vì vậy, anh Tùng khuyến cáo khách hàng nên đặt lịch hẹn trước để không phải chờ đợi quá lâu dẫn tới tình trạng xe đỗ hàng loạt dưới lòng đường.
Cách để không bị "chặt chém" khi bảo dưỡng xe ôtô dịp Tết
Thời điểm hiện tại, các trung tâm dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng và các garage ôtô đang làm việc hết công suất do lượng khách đưa xe đi bảo dưỡng tăng cao.
Với khách hàng, hiện nhiều người cũng mang "xế hộp" đến các garage để bảo dưỡng. Vậy làm thế nào để khách không bị "vặt tiền" khi sửa chữa, bảo dưỡng xe.
Đừng biến mình thành "gà mờ"
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa đến Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, lượng khách hàng mang xe đến các garage bảo dưỡng, sửa chữa ôtô ngày một tăng, cho nên, một vài cửa hàng cũng đôn giá và "dọa khách hàng" về các lỗi của xe cần phải thay linh kiện để "vặt túi tiền" những vị khách "gà mờ".
Chị Thuỳ Dương (một khách hàng ở Cầu Giấy, Hà Nội) mang chiếc VinFast Fadil đến một cửa hàng rửa xe trên đường Trần Thái Tông để làm mới lại "xế hộp" của mình.
Vì bận rộn với công việc cuối năm, nên chị yêu cầu nhân viên rửa qua bề mặt xe cho mình, nhưng không hiểu tại sao, sau đó nhân viên lại vệ sinh bên trong xe và "vặt" của chị 500.000 đồng.
"Tôi yêu cầu nhân viên rửa xe chỉ làm những bước cơ bản cho tôi, nhưng không hiểu tại sao họ mở cửa xe rồi dọn dẹp bên trong xe, rồi "chém" 500.000 đồng. Bình thường tôi chỉ rửa xe hết 50.000 đồng. Đây là cách làm không tôn trọng khách hàng khi tự ý làm thêm các dịch vụ khác mà khách không yêu cầu", chị Dương bức xúc cho biết.
Trường hợp của chị Dương không phải hi hữu, khi thời gian này, một số garage sửa chữa, bảo dưỡng xe cũng tự động nâng giá mà không thông báo trước cho khách hàng.
Khi mang xe đi bảo dưỡng, cần mang đến những cơ sở uy tín. Ảnh: T.Nga
Làm gì để không bị "vặt túi tiền"
Để tránh rước bực vào mình với những chiêu trò bảo dưỡng xe dịp Tết của một số garage rửa xe, bảo dưỡng xe dịp Tết, trao đổi với Lao Động, anh Lê Văn Sỹ - nhân viên sửa chữa tại garage Hưng Phát (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước khi mang xe đến garage, khách hàng cần phải đặt lịch hẹn, hỏi rõ giá và cần xác định mục tiêu của mình sửa gì, xe đang gặp tình trạng nào.
Nếu được hãy đi cùng người có chút am hiểu về xe để tránh bị "vặt túi tiền". Tuy nhiên, quan trọng nhất là cần phải tìm cho mình một trung tâm, cơ sở bảo dưỡng uy tín.
"Để tránh quá tải hầu hết các trung tâm, gara bảo dưỡng đều chỉ nhận những xe đã đặt hẹn trước. Thậm chí, nhiều cơ sở phải thuê thêm nhân viên để phục vụ khách hàng. Tránh tình trạng làm ăn cẩu thả gây nguy hiểm tới khách hàng", anh Sỹ cho hay.
Ông Nguyễn Tiến Toàn - Giám đốc garage Minh Thức Auto (quận Nam Từ Liêm) cho biết, ngay từ đầu tháng 1.2022, lượng khách đưa xe đi bảo dưỡng bắt đầu dồn dập mỗi ngày, để có một chiếc mới, đẹp "ăn" Tết.
Theo ông Toàn, tùy theo quãng đường xe đã đi, 4.000km, 8.000km hay 12.000km và hơn nữa sẽ có các quy trình, công việc bảo dưỡng chăm sóc xe khác nhau. Nhưng về cơ bản sẽ kiểm tra tổng thể xe, đặc biệt là hệ thống phanh xe, dầu máy, nước làm mát động cơ,... để đảm bảo an toàn cho máy và động cơ, giúp chiếc xe được vận hành tốt nhất khi đi chơi Tết xa. Chi phí bảo dưỡng khoảng 2,5 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với những xe thường xuyên phải di chuyển, khi bảo dưỡng, kỹ thuật viên sẽ phải kiểm tra nhiều bộ phận hơn, nhất là hệ thống gầm bệ, lốp, rotuyn,... để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Chuyển đổi số trong ngành công nghiẹp ô tô Viẹt Nam - Xu hướng thời đại mới Click, mua xe. Click, đặt hẹn dịch vụ. Click, thanh toán hóa đơn. Câu chuyện này liệu sẽ được hiện thực hóa trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam? Xu thế mua xe kiểu mới Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, thổi bùng nhu cầu mua sắm online và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong...