Làm dâu: Sống như mẹ chồng đã từng sống
Tôi là con dâu duy nhất của mẹ. Đứa con chỉ được làm dâu của mẹ vỏn vẹn đúng 5 tuần, vì sau đó mẹ đã ra đi mãi mãi do căn bệnh hiểm nghèo.
ảnh minh họa
Dù trước đó 1 năm, lúc mới yêu nhau, tôi vẫn thường hay lui tới thăm viếng gia đình anh, khi thì giúp anh công việc kinh doanh tại gia, lúc thì phụ giúp cơm nước cho thợ. Khoảng thời gian đó tôi cũng có dịp gần gũi với ba mẹ anh, nhất là mẹ – người con hiếu thảo, người vợ đảm đang, người mẹ hiền, người chị cả luôn lo lắng cho các em trong gia đình và người hàng xóm được mọi người yêu thương, quý mến.
Mẹ đã mất hơn 11 năm rồi, nhưng đến giờ tôi vẫn luôn kính trọng và yêu thương mẹ. Nhân cách của mẹ luôn ngự trị trong trái tim tôi, đã dạy cho tôi rất nhiều trong cách ứng xử với mọi người xung quanh, với cha mẹ, chồng con, anh chị em và họ hàng trong gia đình.
Là người con lớn trong gia đình thời buổi chiến tranh, vừa phải chạy giặc, vừa phụ ba mẹ lo kinh tế thời buổi đói kém, thiếu ăn, phía sau là cả một đàn em 6 đứa nheo nhóc cần người chăm sóc, vậy mà mẹ vẫn giúp lo được chu toàn, các em luôn khỏe mạnh, nhà cửa tươm tất và là người con luôn luôn hiếu thảo. Đến tuổi lấy chồng, mẹ vừa phụng dưỡng mẹ chồng, cộng thêm 6 đứa con, chưa bao giờ mẹ để gia đình lâm vào cảnh thiếu thốn. Buông này, bắt kia, mẹ xoay như chong chóng, hết buôn bán thứ này lại làm thêm thứ nọ, bất kể công việc gì miễn có tiền lo được cho chồng con. Mẹ hay nói rằng, bữa ăn phải luôn đảm bảo được đầy đủ, để mọi người có sức khoẻ mà làm việc, học hành đến nơi đến chốn, cho dù mẹ có vất vả như thế nào, mẹ vẫn lo được.
Nhờ tình thương bao la của mẹ mà 6 người con dần lớn khôn, ngoan ngoãn, học giỏi, thành đạt và hiếu thảo. Chính mẹ là tấm gương cho các con, mẹ phụng dưỡng mẹ chồng rất chu đáo và lễ phép. Bất kỳ ai nhìn vào cũng ngỡ mẹ là con ruột chứ không phải con dâu. Không chỉ với chồng con, với các em, cháu mà ngay cả họ hàng xa, mẹ cũng rất thương yêu. Nhà ở Thành phố nên họ hàng dưới quê có việc gì cần, mẹ luôn giúp đỡ.
Không chỉ ở nhờ vài tuần, vài tháng, vài năm mà có người còn vài chục năm để đi học, đi làm, mẹ cũng không nhận sự đóng góp. Nhà mẹ lúc nào cũng đông đúc, nên chi phí sinh hoạt nhiều, mẹ cũng vất vả hơn, ít có thời gian nghỉ ngơi nhưng mẹ luôn vui vẻ và chưa bao giờ nghe mẹ than phiền hay tỏ ra khó chịu. Ai đến chơi, mẹ luôn giữ lại dùng bữa cho bằng được, vì nhà mẹ thì luôn luôn có dư thức ăn nấu sẵn, phòng khi có khách đến chơi. Nhà có người ở quê lên những lúc đám tiệc hay chỉ thăm viếng đơn thuần, khi về, mẹ luôn có quà cho họ, khi thì thùng mì, dầu ăn hay chỉ là gia vị mắm muối, nhưng đó là tất cả tấm lòng của mẹ.
Video đang HOT
Đối với bạn bè, hàng xóm, mẹ luôn dành những tình cảm chân thật và rộng rãi của mình để giao tiếp, ứng xử. Ai có việc gì cần, mẹ sẵn lòng phụ giúp, có miếng ngon, mẹ luôn sẻ chia, san bớt. Cả khu phố luôn nhắc đến mẹ với sự yêu thương, kính trọng.
Mẹ bệnh nhiều năm trước khi mất, mặc dù yếu lắm rồi nhưng mẹ cũng cố gắng làm những việc gì có thể để phụ giúp những việc vặt trong gia đình, không bao giờ mẹ chịu ngơi tay. Tuy không thể tự mình tổ chức những ngày đám tiệc nhưng mẹ vẫn thu xếp mọi việc đâu vào đấy.
Tôi chỉ được là con dâu của mẹ một thời gian ngắn và tôi luôn tiếc vì điều đó. Phải chi tôi được ở gần bên cạnh mẹ nhiều hơn, được mẹ chỉ bảo thêm cho những điều hay, lẽ phải và nhất là được học những món ăn ngon nổi tiếng của mẹ. Vì mẹ quá yếu nên dù chỉ mới tìm hiểu, mới yêu nhau nhưng gia đình hai bên đã đốc thúc chúng tôi tiến đến hôn nhân. Lúc mới về nhà mẹ, tôi chỉ là một đứa con gái còn quá trẻ, chỉ hơn hai mươi tuổi đầu, mới ra trường và chưa hề va chạm với đời, không biết cuộc sống là gì nên không thể tránh khỏi những thiết sót, va vấp. Thế nhưng chẳng những mẹ không chê trách mà lại còn luôn nhẹ nhàng khuyên bảo, hướng dẫn và bênh vực cho con dâu những lúc có ai đó không hài lòng.
Mẹ luôn muốn sớm có cháu nội vì chồng tôi là con út, lại là con trai duy nhất của mẹ. Nhưng mẹ đã không kịp đợi đến ngày đó, mẹ đã ra đi mãi mãi trong sự tiếc nuối, yêu thương và kính trọng của tất cả mọi người. Giờ đây, mỗi khi nghe ai nhắc đến mẹ, tất cả chúng tôi đều nghe nghèn nghẹn trong lòng, dù mẹ đã ra đi, xa lắm và cũng lâu lắm rồi. Chồng tôi luôn cất giữ tấm hình của mẹ trong bóp thật cẩn thận, như tôn thờ một nhân cách sống của mẹ, và cũng để nhắc nhở tất cả chúng tôi rằng: “Hãy sống như mẹ đã từng sống”.
Tôi luôn muốn nói với mẹ một điều: “Con rất cám ơn mẹ đã đến với tất cả chúng con, đã sống cả đời để cho chúng con một thần tượng. Và con cám ơn mẹ đã sinh ra chồng con, đã dạy dỗ để giờ đây con có được một người chồng, người cha tốt trong gia đình”.
Tôi viết bài này như một nén hương gửi đến mẹ, nhân ngày sinh nhật 21/12 của mẹ, người mẹ luôn trong trái tim của tất cả chúng tôi.
Theo PNO
Chồng 'ăn chả', khuyên vợ đi 'ăn nem'
Tôi ly thân anh ta gần 2 năm. Anh ta cũng khuyên tôi là cứ đi với bất cứ người đàn ông nào tôi muốn, và khẳng định "không bao giờ bỏ vợ bỏ con".
Tôi kết hôn 6 năm, có một bé gái và một bé trai. 5 năm đầu, kinh tế gia đình còn khó khăn vì chồng tôi phải vừa làm vừa học. Với đồng lương công chức ít ỏi, tôi phải tằn tiện chi tiêu mới lo đủ mọi sinh hoạt gia đình. Chồng tôi và tôi đều xuất thân từ con nhà nghèo nên ai cũng chịu thương chịu khó. Có điều chồng tôi hơi thô tục và nóng tính, thế nhưng không hiểu sao rất nhiều cô gái bị anh ấy giăng bẫy tình. Nhiều cô gái tin và lao vào anh ta, nhắn tin cho tôi đòi quyền lợi, chắc các cô đó bị anh ta dụ sẽ mua nhà, mua xe cho, trong khi con tôi thì không đủ tiền mua sữa uống.
Không biết chính xác chồng tôi có tính lăng nhăng từ khi nào nhưng tôi đã đau đớn phát hiện khi mang thai và sinh bé thứ hai. Tôi luôn chịu đựng, không than vãn, suốt ngày chỉ biết tiền học, tiền sữa, tiền điện, tiền gạo, tiền mắm... không dám sắm sửa gì cho mình. Tôi cứ tưởng thế là chồng thương, nào ngờ trong khi tôi mang bầu và sinh con, anh ta đi gái thành lệ, lại còn về chê tôi "ăn mặc rách rưới" (thực sự tôi không đến nỗi nào) và còn bảo "xã hội bây giờ, đàn ông ai cũng thế".
Lần đầu biết chuyện này tôi đã tỏ thái độ căm ghét và muốn chia tay ngay lập tức. Tôi bị trầm cảm nặng vì con người sống quá bản năng. Trong đời sống vợ chồng tôi không hào hứng nhiều và anh ta cũng không phải người có nhu cầu cao nên tôi không nghĩ có ngày anh ta lại như thế.
Tôi ly thân anh ta gần 2 năm. Anh ta cũng khuyên tôi là cứ đi với bất cứ người đàn ông nào tôi muốn, và khẳng định "không bao giờ bỏ vợ bỏ con". Tôi nên ly thân mãi như thế để các con có gia đình, hay cắt đứt để đau một lần còn hơn. Mong được chia sẻ!
Ảnh minh họa
Trả lời
Chào bạn,
Chúng tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của bạn. Chúng tôi hiểu mong muốn chính đáng về một gia đình có cha có mẹ cho con cái của bạn. Tuy nhiên, quan điểm của chồng về gia đình khác bạn.
Chồng bạn không muốn bỏ gia đình, nhưng muốn có bồ. Chồng bạn coi gia đình như quán trọ, thích thì về, không thích thì thôi. Anh ta còn bảo bạn cứ đi với người đàn ông nào bạn muốn. Điều đó càng khẳng định, anh ta chỉ coi gia đình là danh nghĩa. Chồng bạn không bỏ gia đình vì cũng có lúc anh ta cần cái gì đó thì gia đình vẫn có thể đáp ứng được.
Vậy thì vấn đề ở đây bạn cần xác định lại, việc cần gia đình như thế có tốt cho con bạn không? Nếu bạn chỉ cần gia đình trên danh nghĩa như vậy thì bạn phải làm ngơ về sự có mặt của chồng. Bạn phải học cách che giấu cảm xúc trước mặt con cái... Thứ 2, nếu bạn không thể chịu đựng được và ly hôn là sự giải thoát cho cả 2 thì bạn sẽ phải chuẩn bị cho hậu ly hôn (nơi ở, công việc, việc chăm sóc nuôi dạy con...).
Quá trình 2 năm sống ly thân cũng là một bước đệm cho ly hôn của bạn. Với 2 năm ấy, đủ để bạn thấy được có cần duy trì cái danh nghĩa gia đình này nữa không?
Chúc bạn có quyết định phù hợp với mình.
Theo VNE
Cao thủ... ngoại tình! Phần lớn những người một khi đã dính vào ngoại tình, không ít thì nhiều sẽ để lại các dấu vết tố cáo "tội ác". Nhưng vẫn có những bậc cao thủ, sử dụng thủ đoạn tinh vi đến nỗi người bạn đời không tài nào phát hiện ra nổi. Chị T. (Quận 8, TPHCM) cho tới tận khi phát hiện chồng ngoại...