Làm dâu nhà giàu: Chồng níu áo mẹ xin tiền, vợ con không có 1 xu
Chồng em không chịu làm ăn, sống kiểu công tử, suốt ngày bạn bè, quán bar, ghẹo gái. Tiền sinh hoạt cha mẹ cho hằng tháng, anh xài cho bản thân không đủ, thỉnh thoảng níu áo mẹ moi tiền, chẳng một xu lọt đến tay vợ con.
Kính gửi chị Hạnh Dung,
Thời con gái, em luôn mơ ước lấy được chồng giàu, có một đám cưới người khác nhìn vào phải thèm thuồng và một cuộc sống vật chất thoải mái. May mắn, qua mai mối, em gặp chồng em bây giờ. Cha mẹ anh là doanh nhân, anh chẳng cần làm gì, chỉ tùy hứng phụ chút việc cho gia đình là tiền xài thoải mái. Em bỏ phế chuyện học hành, bỏ định hướng ra trường tự lập, dồn sức làm đẹp, bám chặt lấy anh.
Thực tế đã không như em mơ mộng. Nhìn bề ngoài, em lên xe xuống ngựa, nhà cao cửa rộng, chải chuốt sang trọng, không cần làm việc kiếm tiền, nhưng bên trong lại là một cuộc sống tù túng, quẫn bách, lệ thuộc. Chồng em không chịu làm ăn, sống kiểu công tử, suốt ngày bạn bè, quán bar, ghẹo gái. Tiền sinh hoạt cha mẹ cho hằng tháng, anh xài cho bản thân không đủ, thỉnh thoảng lại níu áo mẹ moi tiền, chẳng một xu lọt đến tay vợ con. Em than thở, trách móc, anh thản nhiên: “Em ở nhà mọi thứ đã có mẹ lo, còn cần tiền làm gì?”. Em sinh con, mọi chi tiêu cho con đều phải ngửa tay xin mẹ chồng. Vì thế, mang tiếng dâu nhà giàu nhưng cứ về thăm nhà mình là em phải muối mặt xin mẹ ruột tiền tiêu vặt.
Ảo vọng của em thật sự sụp đổ. Em đã thấm thía, phải sống bằng những gì tự mình tạo ra mới đúng là cuộc sống. Nhưng chồng đã lấy, con quá nhỏ, mình thì hai bàn tay trắng, cái ăn hàng ngày đang dựa vào người khác ban phát, nên em cứ loay hoay, bế tắc không tìm được lối thoát. Rồi con em sau này sẽ hình thành nhân cách thế nào trước tấm gương mẹ cha đều là những kẻ ăn bám, sống dựa? Em cần làm gì để cứu lại đời mình và con? Chẳng lẽ phải phá vỡ hôn nhân, ôm con làm lại từ đầu?
Hiền (Q.10, TP.HCM)
Ảnh mang tính minh họa: Internet
Video đang HOT
Em Hiền mến,
Thật ra, trong cái rủi vẫn còn cái may, em đừng vội thất vọng. Lối đi bao giờ cũng hiện hữu ngay dưới chân mình. Quan trọng là từ chính những trải nghiệm chua chát, em đã thoát được ảo tưởng, nhận ra ý nghĩa của sự tự lập và giá trị bản thân. Việc chấm dứt cảnh sống dựa, tự đứng bằng chính đôi chân của mình không bao giờ là muộn. Tuy nhiên, em cần quyết tâm và thật kiên trì vì đây là đoạn đường không phải một sớm một chiều là vượt qua ngay được.
Trước hết, với bản thân, em hãy tập trung củng cố những kỹ năng đã được học, lưu tâm đến những kỹ năng có thể đáp ứng cho các yêu cầu tuyển dụng hiện tại, tìm kiếm một công việc thích hợp, chuẩn bị lý lẽ để thuyết phục nhà chồng cho em ra ngoài làm việc. Con nhỏ có thể gửi đến trường hoặc thuê người chăm sóc. Với điều kiện của nhà chồng em, việc này không khó.
Cũng có thể, bằng vào những kiến thức đã có, vợ chồng cùng tính chuyện làm ăn, hoặc dựa vào nhà chồng để tạo lập dần chỗ đứng riêng cho mình. Ở đây, em cần ý thức rõ, mình là một phụ nữ đã có gia đình. Muốn thay đổi cuộc sống thì không riêng bản thân đổi thay là được mà cần có sự đồng vợ đồng chồng, nếu không muốn gia đình tan vỡ. Hãy khéo léo khuyên nhủ chồng vì vợ con, vì tương lai độc lập của chính anh ấy mà bớt vui chơi, vợ chồng cùng gầy dựng sự nghiệp.
Hãy cùng chồng bắt đầu như thế, từng bước em sẽ thấy mọi thứ sáng tỏ dần, không còn quẩn quanh, bế tắc nữa. Hãy tin vào bản thân, tin vào người chồng mình đã chọn; cũng đừng ngần ngại dựa vào những điều kiện sẵn có từ nhà chồng trong bước khởi đầu. Là những doanh nhân thành công, cha mẹ chồng em hẳn không hẹp hòi khi thấy con cái biết tự nỗ lực. Hai người cũng có thể sẽ rất vui lòng hướng dẫn, hỗ trợ khi thấy cậu quý tử của mình đã thật sự trở thành một người đàn ông biết sống có trách nhiệm. Em hãy hết lòng hết sức từ những gì đang có. Chỉ khi nào xác định chắc chắn chồng mình chỉ là một cậu bé quen bám váy mẹ, không chịu trưởng thành, mới phải tính đến giải pháp tiêu cực cuối cùng là buông tay bước khỏi hôn nhân, tìm lối thoát riêng cho hai mẹ con.
Theo Afamily
Đâu phải nhà giàu, Tết to mới là hạnh phúc!
Nghĩ đến mà lạnh người, tôi thấy mình thật may mắn khi về làm dâu một gia đình bình thường.
Cuộc sống của một nàng dâu nhà nghèo như tôi mộc mạc mà ấm áp vô cùng. (Ảnh minh họa)
Bản thân tôi cũng học hành giỏi giang, thông minh xinh đẹp, gia đình có điều kiện vì vậy được khá nhiều chàng trai chú ý. Vậy mà tôi lại chọn làm vợ, làm dâu một gia đình nghèo ở quê. Điều này khiến mọi người sửng sốt và ngỡ ngàng, bởi gia đình chồng thuần nông và bản thân chồng cũng chỉ làm công nhân ở một công ty may gần nhà.
Ai cũng nói tôi dại khi đường rộng không đi lại chọn đường hẹp, lắm chông gai; không chọn nhàn nhã, lại chọn mang nặng vào thân... Thực lòng, nhiều khi tôi cũng chạnh lòng lắm, nhưng biết làm sao, khi tôi luôn yêu chồng và hạnh phúc vì tình cảm anh giành cho mình, cộng thêm tình cảm, sự quan tâm của nhà chồng khiến cho cuộc sống tưởng chừng đạm bạc ấy lúc nào cũng đầm ấm, hạnh phúc.
Cưới nhau đã 3 tháng, nhưng chưa một lần tôi phải buồn vì cuộc sống gia đình chồng tù túng, mà ngược lại, tôi thấy thoải mái như ở chính gia đình mình vậy.
Tết Nguyên Đán vừa rồi là lần ăn Tết đầu tiên của tôi ở nhà chồng. Trong khi chị em đồng nghiệp thì sốt sắng, đau đầu vì lo tiền tiêu Tết, tiền mừng tuổi bên nội, bên ngoại, sắm sửa đồ đạc để làm đẹp mặt với nhà chồng thì tôi vẫn bình thản. Tiền thưởng Tết của tôi cũng đủ mua sắm quần áo và một số đồ đạc mới cho hai vợ chồng. Tiền thưởng của chồng thì để dành mua quà về biếu bố mẹ đằng nội, đằng ngoại và mừng tuổi người già, trẻ nhỏ.
Bản thân tôi cũng học hành giỏi giang, gia đình có điều kiện nhưng tôi lại chọn làm vợ, làm dâu một gia đình nghèo. (Ảnh minh họa)
Cuộc sống ở quê vốn nghèo khó nhưng giản dị. Ngày Tết đã có gà nuôi ngoài vườn, cá thả dưới ao, rau xanh đầy đủ các loại. Đến tiền mừng tuổi ở quê cũng ít, quan trọng chỉ là lễ nghĩa, chào hỏi mà thôi.
Trong khi, các nàng dâu đặc biệt là dâu mới thì luôn phải suy nghĩ xem tặng quà gì mới phù hợp, mới vừa lòng bố mẹ chồng, thì tôi chỉ mua vài manh áo mới, ít mứt rượu thắp hương là bố mẹ chồng đã bằng lòng rồi.
Ngày Tết, bố mẹ con cái cùng nhau đi lễ chùa, đi chúc Tết họ hàng tình cảm lắm. Đi tới đâu, mẹ chồng cũng luôn miệng khoe con dâu với họ hàng: "Con dâu tôi đấy, cháu là giáo viên tiếng Anh, nhà trên phố nhưng ngoan tình cảm và dễ gần lắm".
Nhiều khi so sánh vớ bạn bè, tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều. Chẳng so sánh đâu xa, cô bạn cùng học cấp ba với tôi, lương tháng 20 triệu mà vẫn cuống vì Tết đến lo tiền đâu mừng tuổi nhà chồng, tiền đâu đáp ứng danh sách quà, đồ ăn Tết mà mẹ chồng đã lên sẵn. Chỉ riêng tiền mừng tuổi mấy người em của chồng cũng ngót nghét chục triệu. Chưa kể đến mừng tuổi cho ông bà nội, ngoại của chồng, lại thêm phần lì xì cho mấy đứa cháu rồi trẻ con nhà họ hàng đến chơi nữa.
Rồi có những đồng nghiệp nữ, cũng dâu mới như tôi, nhưng lúc nào cũng phải lo quà Tết sao cho phù hợp để lấy lòng mẹ chồng... Nghĩ đến mà lạnh người, tôi thấy mình thật may mắn.
Cuộc sống của một nàng dâu nhà nghèo như tôi mộc mạc mà ấm áp vô cùng. Những ngày gần Tết thì được cùng bố mẹ anh em bên chồng háo hức sắm sanh, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ cúng Tết. Rồi đến ngày Tết, tôi chẳng đến độ bù đầu với cỗ bàn dọn dẹp như tưởng tượng mà được gần gũi, quây quần, du xuân cùng cả gia đình.
Nghĩ đi nghĩ lại thì lựa chọn của tôi vẫn là sáng suốt mọi người ạ, chỉ mong 365 ngày, ngày nào cũng là ngày Tết để được gần gũi mọi người, để được học cách nấu bánh chưng, gói giò xào, nấu chè lam của mẹ chồng. Để thấy được, tình cảm của người thân gia đình trong dịp Tết mới là quan trọng, cho dù quà, lễ là gì nhưng tấm lòng thơm thảo giành cho nhau mới là đáng quý.
Theo Afamily
Làm dâu nhà giàu: Chồng níu áo mẹ xin tiền, vợ con không có một xu Chồng em không chịu làm ăn, sống kiểu công tử, suốt ngày bạn bè, quán bar, ghẹo gái. Tiền sinh hoạt cha mẹ cho hằng tháng, anh xài cho bản thân không đủ, thỉnh thoảng níu áo mẹ moi tiền, chẳng một xu lọt đến tay vợ con. ảnh minh họa Kính gửi chị Hạnh Dung, Thời con gái, em luôn mơ ước...