Làm công ăn lương, “nhịn ăn nhịn mặc” 40 năm mới mua được chung cư Hà Nội?
Giấc mơ mua chung cư Hà Nội dường như càng trở nên xa vời với người lao động bình thường khi tốc độ tăng thu nhập biến động từ 7-13% sau một năm trong khi giá chung cư tăng tới 26-41%.
Cần 4 tỷ đồng mua được chung cư mới ở Hà Nội
“Gần như lần đầu tiên trong lịch sử chung cư Hà Nội tăng giá nhanh trong thời gian ngắn như vậy”, giám đốc một đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản chi nhánh Hà Nội thốt lên trong buổi công bố thông tin thị trường quý III mới đây.
Vị này nói, phân tích lịch sử chỉ ra rằng khoảng 10 năm vừa qua, giá chung cư Hà Nội tăng trung bình 5%/năm. Thậm chí, giai đoạn 2009-2019, giá chung cư ít biến động, có thời gian giảm xuống và trung bình chỉ tăng 2%/năm. Tuy nhiên, quý III năm nay, giá đã tăng tới 26% ở cả chung cư sơ cấp lẫn thứ cấp.
Đơn vị nghiên cứu này cho biết tại thị trường sơ cấp, giá bán trung bình chung cư Hà Nội đã đạt 64 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), chỉ thấp hơn 3% so với mức giá trung bình hiện tại của TPHCM. Còn ở thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt 46 triệu đồng/m2, tăng 5,5% theo quý và gần 26% theo năm.
Số liệu của Savills Việt Nam thậm chí còn cho biết giá căn hộ sơ cấp Hà Nội trong quý III đạt 69 triệu đồng/m2, tăng 6% theo quý và 28% theo năm. Giá bán chung cư cũ lên 51 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 41% theo năm.
Đáng chú ý, các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm đến 70% tổng lượng căn hộ bán ra, tăng mạnh so với mức chỉ 2% của năm 2020. Trong khi đó, phân khúc căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng gần như biến mất khỏi thị trường, chỉ chiếm vỏn vẹn 1% tổng nguồn cung.
Một khu chung cư tại Hà Nội (Ảnh: Trần Kháng).
“Nhịn ăn nhịn mặc” gần 40 năm mới mua được chung cư?
Cách đây không lâu, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng: Với giá nhà đất đắt đỏ như hiện tại, giới trẻ nếu không tìm đến các kênh đầu tư để mong muốn có thu nhập thụ động thì với lương đi làm khả năng có thể mua được nhà là rất nhỏ.
Câu hỏi đặt ra là nếu chỉ làm việc bình thường, không có nguồn thu nhập thụ động nào thì mất bao lâu để mua được một căn chung cư có giá ở mức phổ biến hiện nay là 4 tỷ đồng?
Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố thu nhập bình quân 9 tháng của lao động làm việc trong một số ngành nghề phổ biến trong nền kinh tế. Theo đó, thu nhập bình quân của ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,2 triệu đồng, tăng 13% so với năm ngoái. Lao động trong hoạt động kinh doanh bất động sản là 11,7 triệu đồng, tăng 11,6%.
Thu nhập bình quân một số ngành nghề 9 tháng đầu năm (Nguồn: GSO).
Thu nhập lao động ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 12,7 triệu đồng/tháng, tăng 11,2%. Lao động ngành khai khoáng có thu nhập bình quân là 11 triệu đồng, tăng 7,8%; xây dựng là 8,4 triệu đồng, tăng 6,7%.
Ngoài ra, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương là 8,5 triệu đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lao động nam có mức thu nhập bình quân là 9 triệu đồng còn lao động nữ là 7,9 triệu đồng. Lao động làm việc trong khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng còn ở khu vực nông thôn ở mức 7,7 triệu đồng.
Giả sử những người làm trong các nghề này dành 100% thu nhập để mua nhà, họ sẽ mất từ 315 đến 520 tháng để sở hữu được căn chung cư 4 tỷ đồng.
Nhanh nhất trong nhóm này có lẽ là lao động trong ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Những người này mất khoảng 26 năm 3 tháng để mua được căn hộ 4 tỷ đồng. Tiếp theo là những người làm kinh doanh bất động sản, mất 28 năm 6 tháng để mua được nhà. Đứng thứ 3 là ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, hơi nóng với gần 30 năm thu nhập.
Từ những số liệu trên, tạm tính, nếu chỉ làm công ăn lương với thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/tháng thì cần nhịn ăn, nhịn mặc 39 năm 3 tháng để mua được chung cư 4 tỷ đồng.
Siêu bão Yagi quần thảo, dân chung cư ở Hà Nội hứng 40 chậu nước một ngày
Siêu bão Yagi đổ bộ gây thiệt hại lớn. Gió mạnh kèm mưa to khiến nhiều gia đình hoang mang, lo sợ, đặc biệt là các hộ ở chung cư tầng cao.
Mưa lớn kéo dài kèm dông lốc đã khiến nhiều hộ chung cư ở Hà Đông (Hà Nội) lo lắng vì cửa kính rung lắc, nước hắt vào nhà. Các gia đình không cho trẻ nhỏ ngồi gần cửa sổ để đảm bảo an toàn. Nhiều gia đình nghĩ ra các phương án tạm thời để tránh nguy hiểm.
Chị Ngọc Lan sống tại căn góc một chung cư ở Hà Đông nên chịu ảnh hưởng lớn hơn các căn bên cạnh. Từ lúc bắt đầu có gió mạnh, gia đình chị đã dùng bàn, ghế và các đồ dùng có sức nặng để chèn cửa. Chị còn kéo rèm che toàn bộ cửa phòng khách, tránh kính vỡ văng ra nhà.
Nhà chị Lan ở căn góc nên phải chèn cửa từ sớm. Ảnh: NVCC
Nhiều gia đình cũng dùng cách tương tự để ngăn gió gây vỡ, bung cửa. Người dán băng dính giữ cửa, người lo lắng ngồi canh cả ngày, không dám lơ là dù chỉ một phút.
Nhưng nỗi lo này chưa qua, nỗi lo khác đã đến. Mưa lớn, gió mạnh khiến nước hắt vào bên trong nhà, tràn ra sàn, làm hỏng sàn gỗ.
"Từ chiều đến giờ, tôi và mẹ phải thay nhau lau dọn sàn. Mỗi lần lau được cả chậu nước đầy. Nước tràn vào khiến sàn gỗ có dấu hiệu bong tróc", chị Hoài Thu - cư dân tầng 24 căn hộ chung cư thuộc khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ.
|
Mẹ chị Thu ở An Khánh đang lau nhà do nước hắt vào. Ảnh: NVCC
Trưa 7/9, nước bắt đầu hắt vào trong nhà theo hướng cửa kính ban công. Vì vậy, chị Thu và mẹ phải lấy túi quần áo chèn cửa, kéo rèm đề phòng kính vỡ bắn vào trong nhà. Cứ 5 phút một lần, nước lại lênh láng, phải lau dọn liên tục.
Tuy nhiên, đây là tình trạng chung của nhiều hộ dân sống ở chung cư.
Từ 9h sáng 7/9, chị Lê Thị Thoa - cư dân ở một khu đô thị thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã trưng dụng tất cả thau chậu, giẻ lau để thấm nước chảy từ các đường cửa sổ vào nhà.
Trong đoạn video chị quay lại có thể thấy rất nhiều giẻ lau được đặt trên bậu cửa sổ. Chị Thoa cho biết: "Từ sáng tới tối, tôi vắt nước mỏi cả tay. Tối ăn cơm cầm đũa không nổi".
Với những trận mưa bình thường trước đây, nhà chị đã bị ngấm nước qua cửa sổ và các bức tường. Lần này, bão lớn, mức độ ngấm nước nhiều hơn.
"Tường bị nứt và ngấm nước nhiều quá, trông loang lổ, ẩm mốc. Nhìn vào không ai nghĩ là mình đang ở chung cư mới được sử dụng vài năm", chị Thoa chia sẻ và cho biết thêm, đêm chắc chị không ngủ nổi vì sợ ngủ quên, nước tràn hết ra nhà.
Chị Trịnh Phượng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng gặp trường hợp tương tự. Trong ngày 7/9, nhà chị hứng được khoảng 40 chậu nước ngấm vào nhà từ các đường cửa sổ, ban công. Cả gia đình huy động mọi xô chậu, khăn, giẻ và sức người để chống bão.
"Cả nhà gồm có bà, bố, mẹ, con đều được phân công nhiệm vụ. Người phụ trách cửa sổ, người níu cửa kính. Từ sáng tới tối, cả nhà tôi không ngơi tay, chưa bao giờ chống bão vất vả như thế này. Gió rít cửa chính như có ai khoan nhà, cứ ù ù từ sáng", chị nói.
|
Nhà chị Phượng cùng nhau chống bão. Ảnh: NVCC
Chị Hà ở chung cư Xuân Mai Complex, khu vực Yên Nghĩa (Hà Đông) cũng gặp tình trạng tương tự. Nước không chỉ hắt vào nhà mà hành lang cũng lênh láng, gây nguy hiểm. Chị và các hộ gia đình cùng chung sức lau dọn để đảm bảo an toàn cho cư dân.
|
Hành lang chung cư nhà chị Hà ở khu vực Yên Nghĩa. Ảnh: NVCC
"Cái khó ló cái khôn"
Lau nước từ chiều đến tối khiến gia đình anh Hùng ở chung cư thuộc khu vực Hà Đông mệt mỏi. Lo sợ đêm ngủ, nước sẽ ướt hết sàn gỗ, anh Hùng vào hội nhóm chung cư nhờ mọi người hỗ trợ cách giải quyết. Nhiều người đưa ra giải pháp tạm thời tránh phải lau dọn liên tục.
Anh Hùng xé túi bóng, dùng băng dính dán chặt rồi tạo dòng chảy cho nước xuống chậu, để nước khỏi tràn ra sàn. Cách làm này thực sự có hiệu quả. Rất nhiều hộ gia đình đã làm theo và cảm thấy bớt được phần sức lao động và yên tâm hơn.
Cả ngày 7/9, gia đình anh Nguyễn Ngọc Giá (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng chật vật chống nước tràn vào nhà. Anh tận dụng một vật dụng đặc biệt để "be bờ dồn nước vào hứng".
Anh Giá cho biết, anh dùng một chiếc túi nilon đặt lên bậu cửa sổ, sau đó lấy đất nặn của các con chèn lên trên túi nilon để bịt kín các khe hở. Ở các phần khác của bậu cửa sổ, anh dùng giẻ để thấm nước, dẫn nước chảy xuống cùng một chỗ với phần túi nilon.
"Cứ 1 tiếng, tôi lại hứng được một chậu nước" - ông bố 2 con chia sẻ.
Hàng xóm của anh Giá là anh Bùi Văn Hiếu cũng sử dụng "công nghệ" chống tràn nước vào nhà khá độc lạ bằng cách tận dụng mọi vật dụng trong nhà.
Giống như anh Giá, chị Nguyễn Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, chị lấy đất nặn của con để dán vào khe hở trên bậu cửa sổ và thấy rất hiệu quả. Trước đó, nhà chị cũng bị nước hắt vào, tràn qua khe cửa, ướt hết sàn.
Cách này được chị chia sẻ cho bạn bè và ai làm cũng thành công. Một số gia đình thấy vậy, đang tính tìm mua đất nặn ở các cửa hàng tạp hóa dưới nhà.
Chị Hằng chia sẻ cách làm hiệu quả. Ảnh: NVCC
Thang máy chung cư HH Linh Đàm suýt 'nuốt chửng' người đàn ông Người đàn ông đang đi vào thang máy ở khu vực tòa HH2C, chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) thì suýt bị "nuốt chửng". Những người trong thang máy tỏ ra bàng hoàng trước tình huống này. Chiều 26/8, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa cử cán bộ xuống khu vực tòa...