Lâm cảnh “màn trời chiếu đất” hậu lũ, dân ở ké chuồng gà chờ Tết
Tết đang cận kề, trong khi nhiều nơi đang dọn dẹp nhà cửa đón Tết thì nhiều người dân tại xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đang phải nương nhờ chuồng gà, lều tạm, nhà bếp… để trú thân.
Căn nhà đổ sập sau lũ, gia đình ông Nguyễn Duy Khiêm (trú thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) phải nương nhờ vào chuồng gà để chờ Tết.
Em Nguyễn Duy Khánh (18 tuổi, con trai ông Khiêm) cho hay: “Hôm 17.12.2016, lũ kéo về khiến căn nhà đổ sập. Số gà nuôi bán Tết trong chuồng đã phần nào bị lũ cuốn sạch, số còn lại đành bán đi để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tận dụng chuồng gà, hiện tại, 4 thành viên trong gia đình phải lợp tôn, kê giường… để ở”.
Em Nguyễn Tiến Đạt (đang học lớp 6) không có không gian học vì nhà đổ sập. “Gần Tết tới nơi rồi mà gia đình em phải chịu cảnh vậy, khổ quá chừng” – em Đạt chia sẻ.
Việc nấu ăn cho người và nấu cám lợn… đều được thực hiện bên cạnh giường ngủ.
Hai anh em Khánh bên cạnh đống đổ nát.
Căn nhà gia đình chị Trần Thị Tuyết Sương (38 tuổi, trú xã Phước Hòa) xây dựng được gần 10 năm đã đổ sập sau lũ. Hiện tại, gia đình chị đang xây móng, đổ cát xây nhà mới để có nhà đón Tết, nhưng sợ không kịp.
“Cả gia đình có 4 người: 2 vợ chồng, 2 đứa con đang sống trong căn lều tạm bợ. Buổi tối trời mưa rất lạnh vì nước rỏ xuống chỗ nằm. Nhà mới thì tôi làm nhà tới đâu hay tới đó, chỉ sợ không có nhà đón Tết” – chị Sương chia sẻ.
Video đang HOT
Lo xây nhà sau lũ, bà Trần Thị Kim Hồng (48 tuổi) bị thanh niên gây tai nạn giao thông, xương chân bà Hồng rạn nứt, phải bó bột. “Tôi không có chồng nên một mình lo liệu cho con gái đang học lớp 6 đến trường. Nhà sập nên tối ngủ ké nhà bên cạnh. Tết đang đến mà không biết sắm sửa thế nào đây” – bà Hồng nói.
Bà Hồng đang nhờ người khác đến dựng lại nhà mình.
Nhà bị lũ cuốn trôi, nhiều ngày nay bà Nguyễn Thị Nở (45 tuổi, trú thôn Hậu Thành, xã Phước Hòa) cùng con trai phải nương nhờ tại nhà bếp của nhà thờ Bình Lâm. “Tết đang tới gần mà tôi trắng tay, mất tất cả… quần áo, mền mùng cũng nhờ người dân đến cho” – bà Nở buồn bã nói.
Co ro… chờ Tết trong lều tạm bợ.
Theo Danviet
Thời tiết bất thường trong năm 2016
Tuyết rơi ở Hà Nội, Nghệ An; mưa lũ miền Trung kéo dài trên diện rộng... cho thấy thời tiết ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp.
Tuyết rơi diện rộng đầu năm
Từ ngày 22 đến 27/1, miền Bắc đón đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa đông 2015-2016. Trong ba ngày 23-25/1, băng giá và tuyết rơi ở hầu khắp các đỉnh cao từ 1.000 m trở lên ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Cơ quan khí tượng nhận định, đây là đợt lạnh mạnh nhất 40 năm qua với hàng loạt kỷ lục được ghi nhận. Ngày 24/1, trạm khí tượng Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận nhiệt độ -4 độ C; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cũng -4 độ C. Tại Hà Nội, lần đầu tiên đỉnh núi Ba Vì tuyết rơi kéo dài, ở trạm Hà Đông chỉ 5,4 độ C.
Hơn 20 địa điểm có băng giá và tuyết ở Việt Nam. Đồ họa: Việt Chung - Phạm Hương
Nhiều vùng cao ở Thanh Hóa, Nghệ An được cho là hiếm gặp thì nay tuyết bao phủ trắng xóa như huyện Bá Thước, Mường Lát; Tương Dương, Quế Phong. Đợt rét đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.
Nguyên nhân là không khí lạnh ở vùng trung tâm Siberia (Nga) có cường độ mạnh, dù đến Việt Nam đã giảm nhưng vẫn gây đợt rét khốc liệt cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Khi tràn qua Trung Quốc, áp cao lạnh Siberia cũng gây nên đợt rét kỷ lục cho quốc gia này trong 30 năm qua.
Xâm nhập mặn chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long
Do tác động của El Nino, từ giữa tháng 2 đồng bằng sông Cửu Long phải đối diện với xâm nhập mặn, lượng mưa giảm 20-30% so với trung bình nhiều năm. Lượng nước trữ trong hệ thống thủy lợi và các vùng thấp trũng đều bị thiếu hụt do năm trước lũ không về. Dòng chảy Me Kong về Việt Nam giảm 50%, khiến mực nước xuống thấp nhất trong 90 năm qua.
Nước biển lấn sâu và đất liền, có nơi tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 15-20 km. Hệ quả là hàng trăm nghìn ha lúa bị chết, hàng nghìn người không có nước sinh hoạt. Một số người muốn có nước sạch phải bỏ ra 70-80 nghìn đồng, thậm chí 100 nghìn đồng mới được một lít nước.
Thiên tai hoành hành các tỉnh miền Tây. Ảnh: Cửu Long.
Tình trạng xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng trong 100 năm qua. Nó xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ, với phạm vi vào sâu đất liền 90 km - chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc. Đã có 10/13 tỉnh thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong rất nhiều biện pháp "cứu" miền Tây, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốcxả nước để khắc phục tình trạng hạn hán tại một số tỉnh. Từ tháng 6, những cơn mưa "vàng" xuất hiện giúp khu vực được giải nhiệt.
Hạn hán kỷ lục ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyê n
El Nino dài nhất trong lịch sử (kéo dài từ cuối năm 2014 đến 2016) khiến Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phải đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua. So với trung bình nhiều năm, lượng mưa thiếu hụt khoảng 30-50%, có nơi 80%. Số lượng hồ, sông, suối cạn nước tăng nhanh mỗi ngày, hàng chục nghìn ha đất lúa phải dừng sản xuất.
Tại Nam Trung Bộ, hồ chứa thủy lợi, thủy điện khu vực chỉ đạt 25-40% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nhiều hồ nhỏ cạn nước, các đập dâng phần lớn không còn khả năng cung cấp nước. Hồ thủy điện cũng hạn chế phát điện mà tập trung cung cấp nước phục vụ sản xuất.
Những cánh đồng nứt nẻ ở Tây Nguyên. Ảnh: Nhật Hạ.
Để có nước sinh hoạt, người Nam Trung Bộ đã sử dụng đến mạch nước ngầm. Khoan giếng đã trở thành "công việc" hàng ngày của họ. Một số nơi quá khó khăn, người dân phải trông chờ vào nước xe bồn, xe cứu hỏa được tỉnh phân phối với định mức khoảng 20 lít/hộ/ngày.
Tình trạng khô hạn ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7 gây thiệt hại nặng nề về cây trồng, nhất là lúa và hàng trăm nghìn hộ dân không có nước sinh hoạt.
Bão đến muộn
Năm nay mùa bão trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương đến muộn và kết thúc muộn. Đầu tháng 7 cơn bão đầu tiên xuất hiện và tháng 12 vẫn còn áp thấp hoạt động trên biển Đông.
Trên khu vực biển Đông đã xuất hiện 9 cơn bão và 7 áp thấp nhiệt đới, nhiều hơn trung bình nhiều năm. Trong đó ba cơn bão và hai áp thấp ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Đặc điểm nổi bật là hầu hết số bão và áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên biển Đông.
Cụ thể bão số 1 Mirinae đổ bộ Thái Bình - Ninh Bình tháng 7; bão số 3 Dianmu vao khu vực Hai Phong - Thai Binh tháng 8; bão số 4 Rai đổ bộ Quảng Nam - Quảng Ngãi tháng 9. Còn 2 áp thấp nhiệt đới đổ bộ Quảng Trị - Thừa Thiên Huế tháng 10, và khu vực Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu tháng 11.
Mùa đông nóng
Lập đông từ 7/11, nhưng cho tới nửa đầu tháng 12 miền Bắc vẫn ghi nhận mức nhiệt cao, như 13h ngày 12/12 tại trạm Láng (Hà Nội) 30 độ C, Chí Linh (Hải Dương) 29 độ C. Một số nơi Tây Bắc Bộ còn trên 31 độ C như Yên Châu và Mường La (Sơn La).
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, nhiệt độ nửa đầu tháng 12/2016 cao nhất trong 10 năm gần đây, với mức nhiệt trung bình 22,2 độ C, cao hơn 4 độ so với trung bình nhiều năm.
Nguyên nhân là không khí lạnh yếu và di chuyển chậm trên quãng đường dài qua lục địa châu Á có nền nhiệt cao hơn. "Tất cả đợt không khí lạnh ở Việt Nam đều xuất phát từ áp cao lạnh Siberia (Nga) tràn xuống. Để tạo nên một đợt rét đậm thì áp cao lạnh Siberia phải có cường độ mạnh và đi với tốc độ nhanh trong quá trình di chuyển đến Việt Nam", một chuyên gia nhận định. Tuy nhiên, xét trên quy mô toàn cầu, sự gia tăng nhiệt độ ở Việt Nam đồng pha với thế giới.
Mưa lũ liên tiếp và kéo dài diện rộng
Từ giữa tháng 10 đến nay, miền Trung đón 5 đợt mưa lũ với điểm khác biệt là diễn ra trên diện rộng và thời gian dài. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nói "lần đầu tiên chúng tôi phải dùng từ đặc biệt lớn với đợt lũ này", bởi nó đang lặp lại lịch sử của năm 2013.
Từ ngày 30/10 đến 10/11, lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên lên cao. Tiếp theo ngày 30/11-9/12, lũ diện rộng từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận. Chỉ ba ngày sau, miền Trung lại đón đợt lũ mới bắt đầu ngày 12/12 trên phạm vi rất rộng từ Quảng Bình - Ninh Thuận và lên cả Gia Lai với lượng mưa có nơi 600-700 mm.
Nhiều địa phương ở Phú Yên bị cô lập do nước lên cao, giao thông bị chia cắt. Ảnh: NPV.
Tổng lượng mưa tập trung trong khoảng 2 tháng nhiều nơi lớn hơn trung bình cả năm, cá biệt một số khu vực mưa trên 2.500 mm như Trà My (Bắc Trà My, Quảng Nam) 2.610 mm, Minh Long (Quảng Ngãi) 2.720 mm.
Mưa lớn làm lũ các sông lên cao ở mức báo động 3, nhiều khu vực xấp xỉ mức lũ lịch sử như ở sông Vệ, sông Kone, sông Ba. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đầy nước phải xả, làm gia tăng ngập lụt. Các tuyến giao thông bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở, sản xuất đình trệ, đời sống người dân gặp khó khăn.
"Ít nhất 3-4 năm gần đây chúng tôi chưa ghi nhận lượng mưa lớn như năm 2016. Lượng mưa ở Trung Bộ năm nay phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm 20-40%, cá biệt có nơi cao hơn 40-90% như Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi", tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài nhận định.
Tiến sĩ Quang cho rằng cơ chế thời tiết, khí hậu năm nay có điểm khác biệt là sự gia tăng hoạt động của các trung tâm nhiễu động - rãnh thấp xích đạo trên vùng biển nam biển Đông Việt Nam.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, thiên tai làm 235 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 37.600 tỷ đồng.
Phạm Hương
Theo VNE
Chèo ghe trong lũ, một cảnh sát mất tích Chèo ghe đi trong lũ và bất ngờ bị lật, một cảnh sát đang công tác tại công an TP Hội An (Quảng Nam) bị mất tích. Khoảng 16h30 ngày 16/12, anh Nguyễn Đình Toàn (25 tuổi) và Ngô Văn Tâm (25 tuổi, cùng trú xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) chèo ghe đi trong lũ ở xã Điện Phước...