Làm bằng giả, lĩnh án tù
Từ nhu cầu của một số người không học hành nhưng lại muốn có bằng cấp để tiến thân, Doanh Văn Đức cùng đồng bọn đã “sản xuất” và lưu hành hàng chục văn bằng, chứng chỉ giả. Cái giá phải trả cho hành vi đó là những năm tháng trong trại giam.
Doanh Văn Đức cùng hai đồng phạm tại phiên xét xử
Ngày 25-4-2009, Sở Y tế Hà Nội phát hiện trong hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề dược của bà Vũ Thị Hương (52 tuổi, trú ở quận Đống Đa) có tấm bằng tốt nghiệp ĐH Dược biểu hiện nghi vấn. Ngay lập tức, tấm bằng đại học này được chuyển cho cơ quan chức năng làm rõ.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, tấm bằng đại học trên là giả và được bà Hương mua của một người tên Nguyễn Thị Oanh, ở Từ Liêm với giá gần 10 triệu đồng. Mở rộng điều tra, một đường dây chuyên “sản xuất” và cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả do Doanh Văn Đức (SN 1979, trú tại xóm 12, xã Cổ Nhuế) cầm đầu.
Tại CQĐT, Đức khai chuyên đứng ra nhận làm các văn bằng, chứng chỉ, chứng thực sao y bản chính giả cho nhiều người để thu từ 2,5 đến 4 triệu đồng/bằng đại học; 1,5 đến 2 triệu đồng/bằng cao đẳng, trung cấp, THPT và 100.000 đến 500.000 đồng/bộ hồ sơ sao y bản chính. Về nguồn gốc của các văn bằng, chứng chỉ giả, Đức khai đã đứng ra nhận ảnh, thông tin của những người có nhu cầu rồi chuyển cho đối tượng Tuân ở Cầu Giấy và Hùng ở Ba La làm giả để thu lợi bất chính. Mặc dù thường xuyên trao đổi, hợp tác làm ăn nhưng Đức không hề biết chính xác tên tuổi, địa chỉ của hai “đối tác” tên Tuân và Hùng. Từ năm 2008 đến khi bị phát hiện, Đức đã đưa vào lưu hành 12 bằng đại học, 4 bằng cao đẳng, 1 bằng trung cấp, 1 bằng THPT cùng nhiều loại giấy tờ giả mạo khác.
Cùng đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ với Doanh Văn Đức còn có Phạm Văn Hiếu (SN 1976), trú tại xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình và Dương Thị Yến (SN 1977), trú ở thôn Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh.
Cả hai đối tượng đều khai nhận, nắm được nhu cầu của một số người không chịu học hành nhưng lại muốn có bằng cấp để xin việc nên đã đứng ra nhận “hồ sơ”, rồi thuê Đức làm để hưởng tiền chênh lệch vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng… Từ kết quả điều tra của cơ quan công an và các chứng cứ, tài liệu liên quan, VKSND Hà Nội đã truy tố 3 bị cáo ra trước tòa án với tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo điểm b, khoản 2, Điều 267-BLHS.
Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, cả 3 bị cáo đều thành khẩn khai nhận toàn bộ quá trình, hành vi phạm tội như trong hồ sơ điều tra. Trước những lời luận tội của đại diện VKS, các bị cáo đều không có gì để bào chữa ngoài việc nại ra rằng do nhận thức pháp luật kém và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Phân tích vai trò phạm tội của từng bị cáo, đại diện VKS chỉ ra rằng, hành vi của các bị cáo không chỉ vi phạm chế độ quản lý văn bằng, chứng chỉ của các cơ quan, tổ chức và của Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng xấu tới công tác đào tạo, giáo dục, tuyển dụng lao động, việc làm hiện nay. Vì vậy cần phải có một hình phạt nghiêm minh để giáo dục, cải tạo các bị cáo cũng như tăng cường công tác phòng ngừa.
Sau khi xem xét toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, các lời khai nhận tội tại phiên tòa cùng các chứng cứ liên quan, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Doanh Văn Đức 24 tháng tù giam; Phạm Văn Hiếu và Dương Thị Yến, mỗi bị cáo 20 tháng tù giam cùng tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trước đó, trong quá trình điều tra các bị cáo đều đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Đối với những người tiêu thụ bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ giả trong vụ án do chỉ dùng vào việc đi học hoặc xin việc làm nên các cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét trách nhiệm hình sự mà chỉ kiến nghị cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật và tiêu hủy các văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả mạo.
Minh Long
Theo An Ninh Thủ Đô