Làm ăn lạ: Cho lợn rừng ăn lá keo, nhanh lớn lại có tiền tỉ
Với tổng diện tích trang trại 5ha, đàn lợn rừng 150 con/năm, đàn lợn nái 12 con, ngoài ra còn có ao cá cho sản lượng 1,7 tấn cá thương phẩm/năm, cựu chiến binh Trần Đình Văn ở xóm Điện Lực, xã Kỳ Sơn, huyện miền núi Tân Kỳ, Nghệ An có thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm.
Những năm gần đây, từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân Việt Nam phát động, tại địa bàn xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An đã xuất hiện một số mô hình kinh tế phát triển, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên ngay trên quê hương bằng bàn tay, khối óc của mình. Anh Trần Đình Văn là một trong những người như thế.
Anh Trần Đình Văn bên đàn lợn rừng của mình tại trang trại.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại xã Nam Hồng, huyện Nam Đàn, chàng thanh niên Trần Đình Văn cùng gia đình theo tiếng gọi của Đảng lên huyện Tân Kỳ khai hoang lập nghiệp, được một thời gian Văn lên đường nhập ngũ và làm nhiệm vụ Quốc tế tại Campuchia. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự được phục viên về địa phương, anh Văn lập gia đình với chị Hồ Thị Hiếu, người cùng quê và lên Tân Kỳ khai hoang lập nghiệp.
Gắn bó với nghề nông, lại lần lượt 4 đứa con ra đời nên vợ chồng anh Văn luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Với hoàn cảnh như thế, là lao động chính trong gia đình, anh Văn luôn trăn trở suy nghĩ, tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, làm cách nào để thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu bằng sức lao động và trí óc của mình. Anh nhận ra rằng, nếu chỉ xoay quanh vài sào ruộng lúa thì không bao giờ khá lên được, mà phải thâm canh kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, nghĩ thế anh liền vay vốn lập trang trại ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Với phương châm “lấy công làm lời, lấy ngắn nuôi dài, sống tiết kiệm”, vợ chồng anh chăm chỉ làm ăn, tạo vốn tích luỹ để vươn lên mở rộng quy mô sản xuất. Theo đó, anh Văn chọn cây ngắn ngày như ngô, lạc và trồng lúa để sản xuất trên diện tích 3 sào lúa 2 vụ, 7 sào đất màu, bình quân mỗi năm thu về 25 triệu đồng. Ngoài ra anh còn trồng thêm sắn, khoai lang để tự cung cấp thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm.
Video đang HOT
“Góp gió thành bão”, dần dần vợ chồng anh Văn cũng có tiền mua thêm ruộng vườn của một số hộ dân gần kề để mở rộng diện tích trồng keo, đào ao nuôi cá, nuôi lợn rừng và đà điểu. Anh thử nghiệm trồng keo vừa lấy gỗ, vừa lấy lá cho lợn rừng ăn. Sau một thời gian thấy lợn ăn lá keo phát triển tốt, nuôi cá có thu nhập khá, đà điểu lớn nhanh, anh Văn quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay tổng diện tích trang trại của gia đình anh đã tăng lên 5ha, trong đó gần 4ha trồng keo xen chuối để làm thức ăn cho lợn, 0,7ha ao cá.
Một góc trang trại nuôi lợn rừng của gia đình anh Trần Đình Văn.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Văn chia sẻ, hiện gia đình anh đang có 150 con lợn thịt, trọng lượng bình quân 30kg. Hiện toàn bộ số lợn này đã có người đặt mua hết để tiêu thụ vào dịp tết, với giá bán tại chuồng 150.000 đồng/kg hơi. Ngoài ra, để chủ động nguồn giống phục vụ chăn nuôi, anh Văn đã gây dựng được đàn nái 12 con, mỗi lứa đẻ 6-7con. Anh Văn cho biết, từ nay tới tết, anh sẽ xuất bán tiếp khoảng 1,7 tấn cá, 21 con đà điểu.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lợn rừng, anh Văn cho biết khi lợn 3-4 tháng tuổi, anh thả rông dưới rừng keo để chúng tự đào bới tìm thức ăn, sáng sớm anh tỉa lá keo, lá chuối cho lợn ăn, khi lợn gần đạt trọng lượng xuất chuồng anh sẽ lùa về một khu để tiện cho việc xuất bán. Tính sơ sơ, năm nay gia đình anh thu về gần 1 tỉ đồng từ chăn nuôi, trồng trọt.
“Là nông dân, hay làm cái gì cũng vậy, trước tiên là phải thật tiết kiệm. Thứ hai, phải biết trồng cây chi, nuôi con chi để phù hợp với điều kiện tự nhiên tiểu khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và mạnh dạn mở rộng quy mô, phát triển các loại hình sản xuất, nhất là những cây, con đã được thử nghiệm cho kết quả tốt. Điều quan trọng nữa là phải biết cập nhật tin tức về giá cả, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế” – anh Văn chia sẻ.
Theo Danviet
Làm giàu ở nông thôn: Có 300 triệu/năm nhờ nuôi cá háu ăn, lợn rừng
Chịu khó học hỏi, dám nghĩ dám làm, anh Lương Văn Chung ở phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn đã mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá với diện tích hơn 1 ha, thu lãi 300 triệu đồng mỗi năm. Mô hình nuôi cá, nuôi lợn rừng của anh Chung là một trong những cách làm giàu ở nông thôn.
Anh Chung bộc bạch: "Năm 2005, từ mảnh vườn trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả, tôi đầu tư vốn để đào ao nuôi các loại cá nước ngọt như cá trê, cá mè, cá rô phi... Ban đầu mới bắt tay làm mô hình gặp toàn gặp thất bại. Không nản chí, tôi tiếp tục đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, cải tạo lại hồ nuôi cá, lần này tôi đầu tư nuôi cá trê và ít cá lóc. Từ đợt nuôi này, cá bắt đầu cho năng suất cao, hiệu quả".
Đến nay, gia đình anh Chung đã có 9 hồ nuôi cá trê, cá lóc
Theo anh Chung, cá trê rất dễ nuôi tuy nhiên nếu không biết cách thả cá theo kích cỡ thì khó tránh được tình trạng "cá lớn nuốt cá bé" vì loại cá trê rất háu ăn. Lúc đói con lớn có thể rượt đuổi và cắn con nhỏ dẫn đến hao hụt cá.
Liên tiếp nhiều vụ nuôi, vụ nào cũng trúng nên vợ chồng anh Chung mạnh tay đầu tư mở rộng quy mô. Sau 13 năm phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, hiện gia đình anh Chung có tất cả 9 hồ nuôi với tổng diện tích khoảng 1,5 ha. Trong đó, 2 hồ chuyên để nuôi ươm cá giống, 2 hồ cá lóc, còn lại để nuôi cá trê.
Hiện nay, mỗi vụ nuôi anh Chung thả khoảng 20.000 con cá trê giống và 5.000 cá lóc giống. Tỷ lệ cá sống trên 70%. Sau 3 tháng nuôi thu hoạch được 1 lứa cá trê với sản lượng hơn 3 tấn. Còn cá lóc nuôi 7 tháng/lứa, xuất bán quanh năm, ước sản lượng khoảng hơn 10 tấn/năm. Cá nuôi được thương lái tìm đến tận nhà mua nên giá cả và đầu ra ổn định. Cá lóc có giá 70.000 đồng/kg, cá trê 50.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm, gia đình anh thu nhập hơn 300 triệu đồng"..
Anh Chung với đàn heo rừng của gia đình.
Anh Chung chia sẻ thêm, để nuôi cá thành công, việc đảm bảo môi trường nước trong hồ không bị ô nhiễm là rất quan trọng. Vì vậy, anh đã đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước đến tận các hồ. Trong đó, hồ nuôi cá lóc mỗi ngày thay nước 2 lần. Đặc biệt, nguồn nước thải từ các hồ nuôi cá lóc sẽ được đưa qua hồ nuôi cá trê, cách làm này giúp tận dụng hết nguồn thức ăn còn thừa. Nhờ vậy, khi cho cá ăn, có thể tăng lượng thức ăn nhiều hơn, giúp cá mau lớn
Ngoài nuôi cá trê, anh Chung còn đầu tư nuôi heo rừng, mỗi năm cũng cho lãi trên 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nhơn Thành cho biết: "Từ một hộ khó khăn ở địa phương, anh Lương Văn Chung đã biết chuyển đổi cách làm ăn, vươn lên làm giàu từ nghề nuôi cá nước ngọt. Đây là mô hình điểm để nhiều hộ dân ở địa phương học tập làm theo".
Theo Danviet
Thêm ấm lòng đồng bào vùng biên trong dịp Tết cổ truyền Trong buổi đến thăm hỏi, tặng quà và chúc tết tại huyện Bình Liêu, Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm mong công tác Hội và phong trào nông dân địa phương phát triển, chăm lo đời sống cho bà con nông dân. Bà Bùi Thị Thơm bày tỏ các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương có...