Lại xuất hiện cá chết nổi tại Hồ Tây
Ngày 17/11, tin từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội (đơn vị có nhiệm vụ quản lý, điều tiết nước Hồ Tây) cho biết, sau mấy ngày dừng, nay lại xuất hiện nhiều loài cá bị chết nổi tại hồ Tây thuộc quận Tây Hồ.
Cá chết nổi tại Hồ Tây. Ảnh: Bảo An/Báo Tin tức
Trong ngày 17/11, công nhân Công ty đã vớt được hơn 150 kg cá chết, gồm cá mè, rô phi loại nhỏ. Công ty sẽ cắt cử công nhân thu vớt cá chết hàng ngày, đưa đi xử lý theo quy định, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Như TTXVN đưa tin, trước hiện tượng nhiều loài cá chết nổi tại Hồ Tây, Sở Xây dựng Hà Nội có báo cáo chính thức gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lý giải nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.
Video đang HOT
Theo Sở Xây dựng, qua phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước thành phố thực hiện quan trắc môi trường tại nhiều vị trí của Hồ Tây. Kết quả bước đầu cho thấy, nhiều chỉ số vượt quy chuẩn cho phép.
Đơn cử, nồng độ oxy hòa tan của 7/7 mẫu đều nằm trên ngưỡng giới hạn tối thiểu cho phép ( 4 mg/l) khi có nồng độ dao động 6,95 – 7,64 mg/l.
Về chất lượng nước hồ, theo số liệu kết quả quan trắc tại điểm quan trắc tự động Trích Sài nhận thấy, thông số oxy hòa tan (DO) có thay đổi liên tục; cụ thể, có dấu hiệu giảm bắt đầu từ ngày 25/9 (DO là 3,6 mg/l), ngày 26/9 là 0,46mg/l…
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhận xét sơ bộ của liên ngành, hiện tượng cá chết do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu như: hiện tượng thiếu không khí, hàm lượng oxy giảm; khối lượng cá trong hồ nhiều, chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo… gây ra), cá bị bệnh…
Hiện tượng cá chết trên mặt Hồ Tây bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 9/2022. Số lượng cá chết lác đác, phân tán trên hồ vào ban đêm và rạng sáng, trôi dạt vào ven hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp liên ngành thành phố khảo sát lấy mẫu phân tích chất lượng nước; đánh giá chất lượng nước hồ Tây; đề xuất phương án giảm mật độ cá trong hồ…
Hà Tĩnh: Môi trường nước mặt tại khu vực lòng hồ Khe Lang bị ô nhiễm
Báo cáo kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh về việc cá chết hàng loạt tại hồ Khe Lang (thuộc địa bàn hai huyện Đức Thọ và Can Lộc) cho thấy, chất lượng môi trường nước mặt tại khu vực lòng hồ Khe Lang và các dòng chảy về hồ này đã bị ô nhiễm.
Cá chết trôi dạt vào bờ gây mùi hôi, thối, ô nhiễm ở đập Khe Lang. Ảnh tư liệu: Công Tường/TTXVN
Kết quả phân tích mẫu nước tại hai vị trí các dòng chảy về khu vực hồ Khe Lang thuộc địa bàn xã An Dũng, huyện Đức Thọ và xã Phú Lộc, huyện Can Lộc đều có hàm lượng các chất dinh dưỡng vượt rất cao (Amoni từ 9,33 đến 50 lần và Photphat từ 9 đến 28,5 lần). Nguyên nhân có thể do điều kiện thời tiết mưa lớn đã cuốn theo một lượng lớn chất bẩn (bùn, mùn bã hữu cơ, phân của trâu, bò chăn nuôi thả xung quanh khu vực hồ Khe Lang, các chất ô nhiễm bề mặt) vào nguồn nước. Lượng chất bẩn này làm gia tăng độ đục trong nước khiến các thực vật thủy sinh (chủ yếu tảo) không thể quang hợp để cung cấp oxy trong nước.
Theo đó, hàm lượng thông số các chất hữu cơ COD gia tăng vượt mức giới hạn cho phép 1,1 lần và BOD5 vượt đến 2,2 lần khiến nhu cầu sử dụng oxy để các loài sinh vật phân hủy các hợp chất hữu cơ, vô cơ lớn. Đặc biệt, hiện tượng thời tiết nắng nóng kèm mưa trái mùa trong tháng 6 và 7/2022 đã làm nhiệt độ nước tăng cao đột ngột khiến tốc độ phân hủy càng nhanh hơn. Điều này làm ảnh hưởng đến môi trường nước (thiếu hụt một lượng lớn hàm lượng oxy hòa tan trong nước) và sức đề kháng của các loài động vật thủy sinh, từ đó dễ gây hiện tượng cá ngạt oxy và gây chết. Mặt khác, theo địa phương cho biết, cá chết không loại trừ nguyên nhân do hoạt động kích điện để đánh bắt cá từ người dân.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động tại nguồn nước hồ Khe Lang, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương liên quan tăng cường thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong lưu vực hồ Khe Lang.
UBND huyện Can Lộc, Đức Thọ yêu cầu cấp xã, các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi, thu gom, tiêu hủy toàn bộ số cá chết. Đồng thời, rà soát kỹ các nguồn thải; giám sát hoạt động tự ý thả cá, đánh bắt cá, chăn nuôi, chăn thả trâu bò, sinh hoạt dân cư trong khu vực... có tác động trực tiếp, gián tiếp đến nguồn nước hồ Khe Lang để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tuyên truyền người dân không chăn thả trâu bò, vật nuôi, không kích điện đánh bắt nguồn lợi thủy sản trong khu vực hồ.
Trước đó, phóng viên TTXVN đã thông tin: Từ ngày 6 - 13/7, tại hồ Khe Lang nằm trên địa bàn xã Thường Nga (huyện Can Lộc) và xã An Dũng (huyện Đức Thọ) xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.
Qua kiểm tra cho thấy một lượng cá mè, cá diếc chết trôi dạt vào hạ lưu cống xả của đập Khe Lang và trôi dạt vào bờ thuộc hai xã An Dũng, Thường Nga. Để xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục tình trạng cá chết tại hồ Khe Lang, UBND xã Thường Nga có báo cáo gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Can Lộc cùng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc. Ngày 13/7, sau khi tiếp nhận thông tin cá tại hồ Khe Lang chết hàng loạt, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Chi cục Thủy sản; Chi cục Thủy lợi, Chăn nuôi - Thú y; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thủy lợi Bắc Hà Tĩnh; chính quyền huyện Đức Thọ, Can Lộc và Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường lập đoàn kiểm tra thực địa, lấy 9 mẫu nước và một mẫu cá để quan trắc, xác định nguyên nhân cá chết.
Từng khoảnh khắc của nguyệt thực toàn phần tại Hà Nội Tối 8/11, kể từ lúc bắt đầu đến 18h là thời điểm đạt cực đại, tại Hà Nội trời nhiều mây khiến khó có thể quan sát được nguyệt thực toàn phần. Tối 8/11, do thời tiết không thuận lợi, bầu trời Hà Nội sương mù dày đặc nên phải đến 18h40 phút, nguyệt thực toàn phần và "trăng máu" mới xuất hiện...