Lái xe không chấp hành nộp phạt “nguội” sẽ bị đình chỉ phương tiện
Phạt nguội vi phạm giao thông qua hệ thống camera tại Hà Nội đang gặp khó vì tình trạng xe không chính chủ. Trường hợp người vi phạm được xác định và mời lên lần thứ 3 mà vẫn chây ỳ không chịu đến nộp phạt sẽ bị đình chỉ lưu hành phương tiện.
Trung tá Phạm Văn Hậu: Nếu lái xe vi phạm chây ỳ không chịu đến nộp phạt sẽ bị đình chỉ lưu hành phương tiện.
Giám đốc CA TP Hà Nội – Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – vừa có đề xuất với UBND thành phố cho phép áp dụng thí điểm xử phạt nguội vi phạm giao thông qua hệ thống camera trong thành phố. Đề xuất này đang được nhiều chuyên gia quản lý về giao thông đồng tình ủng hộ, đánh giá là phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, xe không chính chủ đang là “rào cản” lớn đối với vấn đề xử phạt nguội.
Phóng viên Dân trí, đã có cuộc trao đổi với Trung tá Phạm Văn Hậu – Phó Trưởng phòng CSGT – quanh vấn đề này.
Xử phạt nguội vi phạm giao thông qua hình ảnh camera đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên ở Việt Nam, tình trạng xe không chính chủ đang là “rào cản” lớn cho vấn đề này. CSGT Hà Nội có biện pháp và chế tài như thế nào đối với các loại phương tiện không chính chủ vi phạm giao thông, thưa ông?
Vấn đề xử phạt nguội qua hệ thống camera tại Hà Nội được lực lượng CSGT đã và đang thực hiện. Trong năm 2013, qua hệ thống camera giám sát, lực lượng CSGT Hà Nội phối hợp với lực lượng CSGT của Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67 Bộ CA) đã xử lý 460 trường hợp vi phạm, tạm giữ 460 bộ giấy tờ, tước 102 bộ GPLX, gửi 113 thông báo vi phạm về cơ quan, địa phương có người vi phạm. Ngoài ra, qua hệ thống hình ảnh từ camera, lực lượng CSGT cũng đã xử lý trực tiếp tại hiện trường 283 trường hợp phương tiện vi phạm giao thông, tạm giữ 283 bộ giấy tờ, tước GPLX 17 trường hợp; Xử lý nguội 177 trường hợp, tạm giữ 177 bộ giấy tờ và tước GPLX 75 trường hợp.
Xe không chính chủ đang là vấn đề khó khăn đối với lực lượng CSGT. Tuy nhiên, sau khi có hình ảnh lái xe vi phạm giao thông, qua xác minh, chúng tôi sẽ gửi giấy mời người vi phạm lên cơ quan công an để giải quyết. Nếu mời lần thứ 3 mà người vi phạm không lên xử lý, chúng tôi sẽ lập danh sách các xe vi phạm, thông báo cho các vị trí trên tuyến, nếu phát hiện xe vi phạm đang lưu thông trên đường thì sẽ dừng phương tiện, đình chỉ lưu hành để đảm bảo việc xử lý vi phạm.
Ngoài ra chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện để người dân thực hiện việc chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật, đảm bảo cho việc quản lý vi phạm.
Video đang HOT
Hệ thống camera ghi hình các xe vi phạm TTATGT nếu lắp đặt mỏng thì lái xe sẽ chấp hành giao thông theo kiểu đối phó.
Để xử phạt nguội qua hình ảnh camera, Hà Nội sẽ phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật ghi hình hiện đại; vấn đề này đã được Phòng CSGT thực hiện như thế nào thưa ông?
Năm 2013, Phòng CSGT (CA TP Hà Nội) phối hợp với Cục CSGT Đường bộ, đường sắt đã lắp đặt hệ thống camera trên tuyến quốc lộ 1B và các nút giao thông quan trọng trong thành phố cũng đã được lắp đặt. Hệ thống đường truyền dẫn, phần mềm giám sát xử lý, máy vi tính, máy in, nguồn điện dự phòng, ắc quy, hệ thống biển báo quy định tốc độ, làn đường… Thực tế hiện nay, Hà Nội đang duy trì xử phạt nguội qua hình ảnh camera và sẽ mở những đợt cao điểm, đặc biệt là dịp nghỉ lễ hội Đền Hùng, dịp 30/4 và 1/5… để phòng ngừa các trường hợp phương tiện vi phạm TTATGT.
Việc xử phạt nguội có ưu điểm và hạn chế gì thưa ông?
Việc xử phạt nguội có tác dụng răn đe rất cao góp phần nâng cao ý thức người dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về việc đảm bảo TTATGT khi tham gia giao thông. Việc ghi hình các phương tiện tham giao giao thông vi phạm TTATGT sẽ là căn cứ xác thực để xử lý người vi phạm không thể chối cãi. Ngoài ra việc xử phạt nguội sẽ làm giảm bớt sức người trong công tác đảm bảo TTATGT.
Tuy nhiên để đảm bảo cho việc xử phạt nguội thì chi phí đầu tư vào trang thiết bị, cơ sở hạ tầng ban đầu là rất lớn. Nếu trang bị ệ thống camera mỏng khó để ghi hình liên tục thì sẽ dẫn đến việc lái xe thường chấp hành luật giao thông một cách đối phó.
Xin cảm ơn ông!
Tuấn Hợp (thực hiện)
Theo Dantri
Được nộp phạt thẳng cho CSGT
Người vi phạm an toàn giao thông có thể nộp phạt trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt, tránh việc phải đi lại nhiều lần mới nộp được tiền và nhận lại giấy phép lái xe
Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo lần 1 thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 - để lấy ý kiến người dân.
Tránh phiền hà
Điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định tại chương 3 của Thông tư 153/2013 do Bộ Tài chính ban hành - quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Một thành viên ban soạn thảo cho biết việc yêu cầu bắt buộc nộp phạt qua Kho bạc Nhà nước thời gian qua có một số bất cập. Vì người vi phạm không được nộp phạt tại chỗ nên CSGT chỉ được lập biên bản, tạm giữ giấy tờ và chờ họ nộp tại kho bạc rồi mới giải quyết các thủ tục liên quan.
Sau khi nộp phạt 5-7 ngày, người vi phạm mới tới trụ sở đội CSGT hoặc cơ quan ra quyết định xử phạt để lấy lịch hẹn trả giấy tờ, nhiều khi tới nhưng không gặp "cán bộ". Điều này tác động không nhỏ tới tâm lý của nhiều người điều khiển phương tiện nên khi bị CSGT yêu cầu dừng xe, họ đã bỏ trốn hoặc chống đối. Hơn nữa, quy định về việc không cho nộp phạt tiền trực tiếp còn tạo điều kiện cho người thi hành công vụ nhũng nhiễu.
Theo một lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hà Nội, việc cho phép người vi phạm nộp phạt trực tiếp cho người ra quyết định thông qua hóa đơn, biên lai là hợp lý. Thực tế, nhiều trường hợp vi phạm phải giữ giấy tờ, lưu xe kho bãi thì sau một thời gian, số tiền người vi phạm phải trả cho việc trông giữ xe quá lớn nên họ bỏ phương tiện luôn.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia giao thông, việc cho phép nộp phạt trực tiếp dù tránh phiền hà cho người vi phạm nhưng nếu không kiểm soát, giám sát chặt chẽ thì dễ phát sinh tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ.
Hạn chế tạm giữ xe
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Bộ Giao thông Vận tải (cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo), quy định mới hạn chế tạm giữ phương tiện và thời gian giữ xe và nằm trong mục đích hạn chế sự phiền hà, không gây áp lực lên các cơ sở trông giữ phương tiện.
Dự thảo hướng dẫn việc tạm giữ phương tiện chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết và thời hạn tạm giữ là 7 ngày, có thể kéo dài khi vụ việc phức tạp, cần xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày.
Chủ sở hữu phương tiện vi phạm phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng điều khiển phương tiện. Chủ ô tô vi phạm nếu không biết người điều khiển thì cơ quan chức năng khi có đủ căn cứ sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt đối với chủ phương tiện về hành vi: "Sử dụng lái xe để tham gia kinh doanh vận tải bằng ô tô mà không có hợp đồng lao động theo quy định".
Chậm nộp phạt, phải nộp thêm tiền
Dự thảo quy định trường hợp quá 10 ngày (kể từ khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính) mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa nộp tiền phạt thì bị cưỡng chế thi hành.
Cứ mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của nhà nước và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp phạt).
Theo THẾ KHA
Theo Dantri
Truy quét mạnh xe dù, cò mồi tại bến xe Nước Ngầm Không còn những đối tượng bặm trợn lôi kéo, dọa nạt hành khách, cũng biến mất hẳn những chiếc xe ngang nhiên đậu lù lù hay bò như rùa giữa đường để chào mời mọi người... Sau 1 tuần ra quân trấn áp, xử phạt các nhà xe và đối tượng vi phạm, trật tự đã được lập lại tại khu vực cổng...