Lái xe cần làm gì để tránh bị lây nhiễm COVID-19?
Chiều nay (21/2), Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về việc khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19 cho người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối.
Người điều khiển phương tiện giao thông công cộng cần chú ý chủ động phòng dịch COVID-19. Ảnh: Gia Minh – Hạ Giang
Bộ Y tế cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, để phòng tránh lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị triển khai, phổ biến nội dung khuyến cáo cho người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối.
Theo đó, trước khi làm việc, người điều khiển phương tiện giao thông công cộng phải tự theo dõi sức khỏe bản thân. Nếu xuất hiện các biểu hiện như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, tư vấn, điều trị, đồng thời, chủ động cách ly tại nhà; không được đi làm trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế; chuẩn bị các trang bị cần thiết đủ cho thời gian làm việc.
Trong khi làm việc người điều khiển phương tiện giao thông công cộng phải sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc, trao đổi với hành khách. Chủ động thực hiện và hướng dẫn hành khách đeo khẩu trang đúng cách, che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp.
Khuyến cáo phòng, chống COVID-19 của Bộ Y tế. Ảnh: BYT
Video đang HOT
Cùng với đó, sử dụng găng tay phù hợp để giảm tíep xúc không cần thiết, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh, không khạc, nhổ bừa bãi; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây khi có điều kiện hoặc sử dụng sản phẩm vệ sinh tay. Chủ động giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng.
Trong quá trình làm việc nếu người điều khiển phương tiện hoặc hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở cần thông báo với đơn vị quản lý, đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Sau khi trả khách phải khử khuẩn và vệ sinh cá nhân.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở quản lý vận tải triển khai, bố trí nguồn lực thực hiện, đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời thông tin, phản ánh các vướng mắc về Bộ Y tế.
Theo viettimes
Loạn "bí kíp" phòng dịch bệnh Covid-19
Tin đồn là một thứ "dịch" kèm theo mùa Covid-19, bao gồm tin đồn về tình hình dịch và cả những "bí kíp" phòng bệnh sai lệch, khiến các chuyên gia đau đầu
Cách đây không lâu, một bảng "phân biệt giữa bệnh nhân corona và cảm cúm thông thường" lan truyền trên mạng khiến các bác sĩ (BS) hết hồn.
Khổ với "hướng dẫn"... trên trời rơi xuống
Nội dung cho rằng cảm cúm thông thường thì sẽ có các dấu hiệu như: sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, đau rát cổ họng, ho nhiều, thường kết thúc sau 5-7 ngày dùng thuốc, sốt từng cơn không kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, uể oải...
Còn bệnh do nhiễm virus corona chủng mới, "hướng dẫn" này khẳng định sẽ chảy nước mũi, khó thở, đau đầu, đau cơ, sốt cao kéo dài, viêm phổi, uống thuốc nhiều ngày không đỡ, đã tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người đi qua vùng dịch... Tuy nhiên, tất cả đều... sai.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), là một trong những người đã đăng tải lại trên Facebook cá nhân "bảng phân biệt" nói trên kèm dòng chữ "Trời ơi, ở đâu ra?". Ông giải thích rằng cái sai lớn nhất, dễ thấy nhất là làm gì có cách phân biệt bệnh Covid-19 do virus corona với cảm cúm thông thường.
Cụ thể, triệu chứng của Covid-19 thực ra khá giống với cảm cúm thông thường, đa số người bệnh thường ho, sốt, điều đã thấy rõ ở các ca nhiễm Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam. Nếu xét thấy người có biểu hiện bệnh có yếu tố dịch tễ (đi về từ vùng dịch, có tiếp xúc với người bệnh/thân nhân người bệnh), bệnh nhân sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm để xem có dương tính với 2019-nCoV (tức virus corona gây Covid-19) hay không.
Khi các BS khuyên người dân tránh đến nơi đông đúc, cũng là lúc "BS mạng" bắt đầu đồn thổi những lời khuyên như "không nên đi bơi vì nước hồ sẽ chứa nhiều chất dịch mang virus", "đi ăn sẽ lây qua đường ăn uống".
BS Trương Hữu Khanh cho biết những suy nghĩ đó là sai. Ví dụ khi đi bơi, quan trọng là phải chọn hồ vắng người một chút, tránh cảnh chen chúc, ở quá gần người bên cạnh; tránh nói chuyện cự ly gần với người mình không biết có bệnh hay không, bởi đó mới là nguồn lây chứ không có chuyện nCoV gây Covid-19... bơi trong nước.
Tương tự, khi đi ăn phải chọn quán vắng. Không phải virus này lây qua đường ăn uống mà nó sẽ lây khi bạn vừa ăn vừa nói chuyện cự ly gần với người mang bệnh.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, thời gian cho mỗi lần rửa tay tối thiểu khoảng 20 - 30 giây, là một trong những biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc, lây lan dịch Covid-19 nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khi lời khuyên bị "tam sao thất bản"
Lời khuyên nên để nhiệt độ phòng trên 25 độ C vì 2019-nCoV suy yếu khi nhiệt độ cao, sau khi lan truyền trên mạng cũng bị hiểu sai thành "virus corona... chết ở 26 độ C", rồi có người lại thắc mắc sao cơ thể người 37 độ C nó không chết?
BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), nêu rõ sự sai lầm khi hiểu về giá trị của nhiệt độ đối với virus corona này: "Nhiệt độ cao, độ ẩm cao là những yếu tố có thể khiến virus corona suy yếu, tức giảm khả năng tấn công bạn chứ không phải không thể, vì virus này vẫn tồn tại ở các vùng nóng, ẩm".
Vì vậy, giữ nhiệt độ phòng trên 25 độ C (trong khoảng 26-27 độ C) chỉ giúp giảm nguy cơ, nếu kết hợp với các biện pháp khác như mở cửa sổ, dùng quạt thay máy lạnh, rửa tay thường xuyên, cố gắng giữ khoảng cách trên 1 m với người có bệnh... sẽ giúp giảm nguy cơ đến mức thấp nhất có thể.
Ngay cả các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng bị "chế biến" không ít. Một tấm ảnh có nội dung nói về chuyện thực hư "bôi dầu mè phòng được virus corona chủng mới" như dân mạng đồn đại hay không, đã bị dịch kiểu chỗ được chỗ mất, gây hiểu nhầm là: "Cồn 75% chỉ rửa bề mặt vật dụng, không có tác dụng gì khi virus đã lên da và mũi". Thế nhưng, phần chữ tiếng Anh trong hình ảnh này thực chất khẳng định rằng bôi dầu mè, cũng như các hóa chất tẩy rửa khác, không giúp bạn phòng vệ khỏi việc virus corona tấn công vào cơ thể, mà còn có thể làm hỏng da bạn.
Nhầm lẫn giữa công dụng sát khuẩn với "công dụng tin đồn" là khả năng bảo vệ của các chất vệ sinh tay cũng là điều khá phổ biến của "dân mạng". BS Trương Hữu Khanh phân tích: "Tác dụng của nước rửa tay khô chứa cồn là giúp vi khuẩn, virus bám trên da chết đi. Nồng độ cồn cho nước rửa tay trên 60 độ là đủ, cùng lắm là 70 độ, nếu cao hơn thì hiệu quả cũng chẳng hơn, lại còn hại da tay, gây đau. Còn nếu nghĩ bôi lên tay sẵn để phòng virus thì cồn bao nhiêu độ cũng chẳng làm được điều đó, vì nó sẽ bay hơi ngay. Nếu tay tiếp tục chạm vào nơi có thể có mầm bệnh, phải rửa lại. Tay có dính bẩn thì phải rửa bằng nước và xà phòng".
Các BS khuyến cáo để có được hướng dẫn phòng bệnh chuẩn xác nhất, người dân nên tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống như của WHO, Bộ Y tế, phần trích dẫn, phỏng vấn chuyên gia đăng tải trên báo chính thống.
ANH THƯ
Theo Người lao động
10 ngày điều trị cho bệnh nhi nhiễm Covid-19 nhỏ tuổi nhất ở Việt Nam Sáng 20/2, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) thông báo bé gái N.G.L., 3 tháng tuổi, nhiễm virus corona, đã khỏi bệnh và được xuất viện sau 10 ngày điều trị tích cực. Cháu bé N.G.L., 3 tháng tuổi, ngụ tại xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, được xác định nhiễm Covid-19 từ bà ngoại P.T.B. Trước đó, bà...